Phía Sau Cuộc Đời
Ở cái tuổi trên dưới 40, con người đang còn nằm trong giai đoạn sung mãn của cuộc đời về cả thể xác lẫn tâm hồn. Cơ thể họ có những đòi hỏi nồng nàn, chín chắn, với những chức năng khôn ngoan, kinh nghiệm. Rồi vì những ràng buộc thế gian, những quy luật tôn giáo, tình cảm gia đình, nhu cầu không được đáp ứng, thỏa mãn, khiến lương tri họ dằn vặt, vật lộn. Họ sẽ đi vào khủng hoảng. Đó là trường hợp của hai người góa Ngọc Ánh và Bích Hoa. Để tránh miệng lưỡi thế gian, cũng như giữ đẹp tình cảm mẹ-con, họ đã thầm lặng có những người tình, mà không dám nghĩ đến chuyện sống đời còn lại với nhau. Hy sinh cho con. Dằn vặt với giáo lý tôn giáo, cho rằng sự chung đụng xác thịt ngoài phép hôn phối là phạm luật chúa, là tội lỗi
Để rồi mấy năm sau, chúng có chồng, chúng bỏ mình tung cánh ra đi, để lo cho đời chúng.
Một người may mắn tìm được lối thoát trong người tình trước đây đã từng tâm sự ” trong thâm tâm, anh không muốn có một người tình. Anh cần một mái ấm gia đình. Anh ước mơ nó như người lữ hành trên sa mạc khao khát được thấy một ốc đảo “. Người đàn bà đó đã từng kêu gào rằng : ” sự góa bụa lâu dài làm em rất thèm khát ân tình, em muốn được thỏa mãn nhu cầu đó”; cũng như ” em cũng cần có người đàn ông bên cạnh để cùng tạo dựng cuộc sống lúc tuổi về chiều”.
Một người ” phần nhớ con, phần sống trong nỗi dầy vò cô quạnh, bà đã thức trắng nhiều đêm , cuối cùng lâm bệnh cả tuần”, chỉ vì ám ảnh bởi:” con biết con có lỗi với Chúa, con không xứng đáng làm con cái Ngài, con có tội…, tâm hồn con yếu đuối , thể xác con nhơ nhớp, con đã làm xúc phạm đến tình yêu thương của Chúa..” Để suốt đời còn lại van xin : ” Chúa ơi! Xin Ngài đưng bỏ con…”. Tôn giáo quả đã có một sức mạnh để làm con người sợ phạm tội nhưng vẫn không kiềm chế được những nhục dục của con người! Vì có ai nghĩ cho rằng: ” Bên cạnh tình thương của bà mẹ dành cho con, họ còn có nhịp đập của con tim và sự nung nấu của thân xác”. Và trên cõi đời này còn biết bao nhiêu Bích Hoa, Ngọc Anh khác nữa!
Đó là nói về những tuổi 40. Còn người cao niên ở khoảng cuối cuộc đời, sau một lần bên bốn thước đất sâu vĩnh biệt người bạn đường từng trăm năm với nhau, thì sao? Có nhốt giam tiếng nói con tim, có cột chặt sợi giây chung thủy chỉ vì phải nương theo những gán ghép thế gian. Già còn mất nết, trót đời còn bầy đặt yêu đương; có vì sợ bầy trẻ mắc cỡ vì mình già còn tìm kiếm người chia sẻ tâm tình…Để lủi thủi kéo lê những ngày cuối đời trong mỏng manh hy vọng được gặp con cháu vào vài ngày cuối tuần hay “khi nào con rảnh con ghé thăm ba, mẹ”. Ngay như Thánh Phao Lồ cũng từng nhắn nhủ : “Những người độc thân và các bà quả phụ cứ ở vậy như tôi thì cũng hay, nhưng nếu tình dục đỏi hỏi mà không tự chủ được thì họ nên bước vào hôn nhân bởi vì lấy vợ lấy chồng thì tốt hơn là bị nung nấu mãi”
Mình cũng chẳng trách con trẻ sao lãng với mình khi chúng thành gia thất. Vì đã có một lúc ta nghĩ là “Tình cảm thiêng liêng cao quý nhất khi còn trẻ là tình nghĩa cha mẹ và con cái và ngược lại. Nhưng khi đã trưởng thành thì là tình nghĩa vợ chồng…Đố ai dám bỏ vợ bỏ chồng chỉ vì lòng hiếu thảo với cha mẹ” và ” tình nghĩa vợ chồng nặng hơn tất cả các thứ tình nghĩa khác trên cõi đời này”.
Ngay trong thực tế xã hội ” những kẻ dám hy sinh thân xác mình để báo hiếu cha mẹ đếm không đủ mười đầu ngón tay, còn những kẻ chết vì tình thì đếm hoài không hết” Đó là những thực tế mà nhiều người cao tuổi cần nhìn thẳng vào để đối phó, kẻo không rồi lại cứ sống trong ảo tưởng, trong vẻ đạo đức bề ngoài.
Ở đời đã nhiều người giả đạo đức lắm rồi. Những thường dân giả đạo đức. Những kẻ có quyền thế giả đạo đức. Những người làm việc tông đồ giả đạo đức. Để làm gì nhỉ? Thỏa mãn dục vọng cá nhân. Che dấu sự yếu đuối của mình. Để lường gạt, phỉnh phờ người khác. Có những người chỉ thích nghe lời nịnh bợ, tâng bốc; những người quá nhu nhược, thủ phận; những người chỉ thích áp đặt. Nhưng đời là vậy, phải không nhỉ? Thôi, hãy cứ:” Lậy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Hoặc khả năng hơn, thì hãy: ” Muốn bảo vệ một vườn hoa xinh đẹp, chúng ta hãy mạnh dạn loại trừ những cây hoa bị sâu bọ”. Liệu có ai dám làm công việc Thạch Sanh chém mãng sà này không?
Tiểu thuyết phóng sự còn đi vào vấn đề mà cách đây vài chục năm được coi như cấm kỵ. Cấm kỵ vì không nắm vững vấn đề. Cấm kỵ vì không chịu tìm hiểu. Cấm kỵ vì thành kiến sai lầm. Cấm kỵ vì cái lớp nho phong đạo cốt bề ngoài. Và còn nhiều cấm kỵ khác nữa.
Dục tính, làm tình là một trong nhiều nhu cầu tự nhiên của con người, như thỏa mãn sự đòi hỏi về thực phẩm, nước uống, không khí, ánh nắng mặt trời. Ngoài nhu cầu tự nhiên đó, nó còn có một ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng là sự lưu truyền nòi giống.Vậy mà thiên hạ cứ thi nhau nói đó là chuyện riêng tư, chuyện phòng the kín đáo chẳng nên nói tới, tìm hiểu; rằng chẳng ai cần dậy ai, tự nhiên là biết; rằng ám ảnh dâm ô. Trong khi đó thì những dâm thư được lén lút truyền tay; những vụ thông dâm, hãm hiếp được che đậy; những thai nhi chết oan trong tay các mụ lang vườn ; những bệnh phong tình nhập cốt lan tràn.
Nhiều vấn đề đẹp và không đẹp của sinh hoạt người mình cũng đã được nói tới một cách đầy đủ. Nhưng sự thực thường hay làm mích lòng người đọc, người nghe . Người viết có lẽ muốn “thuốc đắng dã tật”, nhưng thiên hạ thường hay dị ứng với thuốc mạnh, nên đâu đây sao tránh được những giận hờn, quay mặt. Lại nữa, chắc nhiều người cũng không vui khi thấy người viết mang một ấn phẩm, mà tác giả Lý Ngư coi như là thiên hạ đệ nhất phong lưu tiểu thuyết, để đối chiếu một vài vấn đề với các giáo lý cao siêu .
Đã có sách ” Người Trung Quốc Xấu Xí ” của Bá Dương. Một người bạn định viết về ” Người Việt Nam có Bốn Ngàn Năm Văn Hiến”, thì phóng sự tiểu thuyết “Phía Sau Cuộc Đời” đã đáp ứng được phần nào cho những ai muốn góp ý để làm người mình, cộng đồng mình, đất nước mình đẹp hơn.
Như nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã viết : “Mục đích chính của ngươì viết phóng sự là gì? Là làm cho người ta thấy “mặt trái” những việc người ta đã vì nông nổi mà tưởng là tốt đẹp.. Viết ít lời mà nhiều ý. Phóng sự là thăm dò thấy việc và ghi lấy việc. Phóng sự và ký sự là anh em đồng bào song sinh, nhưng phóng sự khác ký sự ở mấy điều này: phóng sự tức là ký sự mà có lời phẩm bình, phóng sự ghi những điều mắt thấy tai nghe, có tính cách thơì sự , và có chỉ trích, còn ký sự không cần đến lời phẩm bình và không kể đến tính cách thời sự…..Người viết phóng sự chân chính bao giờ cũng là người bênh vực lẽ phải , bênh vực sự công bình” .Vũ Ngọc Phan -Nhà Văn Hiện Đại -1942 .
Mà ” Phía Sau Cuộc Đời” đã được cẩn thận ghi là phóng sự tiểu thuyết.
Xin có vài cảm nghĩ như trên về ” Phía Sau Cuộc Đời”.
Thân kính,
Nguyễn Ý-Đức M.D.
Louisiana-Hoa Kỳ