Đặt chế độ độc tài ngoài vòng Pháp luật
Đề nghị được trình bày trong bài bình luận “Kế hoạch quốc tế xóa bỏ độc tài” (An International plan to eradicate dictatorship), trên báo Washington Post ngày 28 – 9, 2011, của hai tác giả Mark Palmer, cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hung Gia Lợi, và Patrik Glen, Giảng Sư Luật, Đại Học Georgestown.
Theo bài báo, sự bảo vệ quyền dân sự và chính trị của dân chúng đã được luật quốc tế bảo đảm qua các Hiệp Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, Quy Ước Cấm Tra Tấn. Ngoài ra các phán quyết của Tòa Án Quốc Tế về tội phạm chống nhân loại cũng có thể dùng để kết án các nhà độc tài.
Tuy nhiên, theo 2 tác giả, các Hiệp Ước nói trên đều cục bộ và hạn chế vào một số hành động của các nhà độc tài khi các hành động này vượt qua một giới hạn nào đó.
Các diễn biến của “cách mạng mùa xuân” mới đây tại Trung Đông đã chứng tỏ rõ rệt: Tự do dân chủ là niềm khát vọng của đại đa số dân chúng và đó là hướng đi của thế giới trong thế kỷ 21. Theo các tác giả, thế giới cần tạo ra một cơ chế xác định độc tài vi phạm luật quốc tế.
Đường lối hay nhất là tiến tới một “Hiệp Ước Chống Độc Tài”. Thay vì coi độc tài như phụ thuộc trong việc kết án các tội phạm khác do độc tài gây ra, theo đề nghị mới, độc tài chính nó là một tội phạm.
Sự lên án tội phạm sẽ chú trọng tới việc cứu xét các loại hành động tàn bạo và đàn áp do các nhà độc tài chủ xướng. Các tội phạm này gồm có sự tước đoạt một số quyền dân sự – như tự do hội họp, tự do ngôn luận và báo chí – sự can thiệp cùa nhà nước vào các định chế như ngành tư pháp, các cơ quan dân cử, hay các qui định áp bức liên quan tới tự do ý chí cá nhân. Thêm vào đó, bài báo đề nghị, mọi quốc gia thông qua các đạo luật chống độc tài, tạo ra một diễn đàn để tố cáo các vi phạm và khởi tố kẻ vi phạm luật.
Việc xóa bỏ độc tài dựa trên luật quốc tế sẽ tránh sự can thiệp vào nội bộ các quốc gia đang bị thống trị, khiến thế giới bình yên hơn và giúp tháo bỏ gông cùm trên cổ hàng triệu người hiện đang sống dưới các chế độ chuyên chế độc tài.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức