Tiểu Đường và Biến Chứng Quan Trọng
A-Biến chứng ở chân
Với người bị Tiểu Đường, bàn tay, bàn chân thường thường bị tê, không thấy được cảm giác nóng lạnh, đau đớn. Do đó họ hay bị phỏng, da thịt bị cắt đứt mà không biết. Các vết thương dù nhẹ cũng dễ trở nên trầm trọng, lâu lành vì nhiễm độc và có thể đưa đến tình trạng hư khô tế bào, ngón chân teo cứng như đá (hoại thư, gangrene), đôi khi cần giải phẫu cắt bỏ.
Để tránh tổn thương cho bàn chân, việc quan trọng trước tiên là ta cần giữ lượng đường trong máu ở mức độ bình thường. Có thể đo đường huyết ở nhà với dụng cụ rất giản dị, tiện lợi và chính xác. Bệnh nhân cũng cần dùng thuốc, giữ gìn ăn uống, tập luyện cơ thể theo lời dặn của bác sĩ. Ngoài ra bàn chân cần được săn sóc chu đáo.
1- Giữ chân sạch. Rửa chân mỗi ngày với nước ấm, dùng loại xà bông trung bình không mạnh quá. Lau chân và kẽ ngón chân cho khô với khăn mềm, nhớ đừng chà quá mạnh, rồi thoa kem mềm da, nhất là ở gót chân.
2- Quan sát chân mỗi ngày, coi có bị trầy da, cắt thịt, chẩy máu, vết thâm, nhất là ở kẽ ngón chân. Nếu chân đổ mồ hôi nhiều, cần giữ chân khô bằng phấn trẻ em (baby powder). Thông báo cho bác sĩ hay ngay nếu thấy có dấu hiệu tổn thương bất thường.
3- Cắt móng chân ngang bằng, đừng quá sát vào da và đừng cắt theo chiều cong của móng, để tránh móng mọc ngầm dưới da (ingrown toenail), dễ gây nhiễm độc.
4- Khi chân có những mụn nước, chỉ nên bôi lên mụn một lớp thuốc mỡ kháng sinh chứ đừng chọc thủng, bóp nước ra vì làm như vậy là mở đường cho vi trùng xâm nhập. Sau ít ngày, nếu mụn nước không lành, nên đi khám bác sĩ.
5- Tránh gây thương tích cho bàn chân. Tập một vài cử động nhẹ ở hạ chi để máu huyết lưu thông, tránh cho chân khỏi bị quá lạnh hoặc quá nóng. Nằm ngủ, nên nới rộng chăn mền phủ nơi chân để tránh sức nặng cho bàn chân.
6- Xin nhấn mạnh vài điều về giầy dép, tất vớ:
Luôn luôn đi tất khi mang giầy để tránh cọ xát gây trầy da.
Đừng đi d��p vì chân bị hở dễ bị trầy da cắt thịt khi đụng vào vật cứng.
Không mang giầy gót cao, mũi quá nhọn gây trở ngại máu lưu thông cũng như không vững khi di động.
Giầy cần hơi rộng, mềm cho thoáng khí, đặt mua giầy đặc biệt nếu thấy cần. Đề nghị đi mua giầy vào buổi chiều, khi chân hơi sưng, nếu giầy vừa gọn lúc này thì nó sẽ thoải mái trong ngày.
Khi giầy còn mới, mang vài giờ mỗi ngày cho quen và cho vật liệu làm giầy mềm.
Không nên mang tất làm bằng nylon, tất có dây thun ở trên, vừa bí hơi vừa gây cản trở sự lưu thông của máu. Xin nhớ thay tất mỗi ngày và để ý coi trong giầy có hạt cát, vật nhỏ có thể gây trầy da.
7- Những điều nên tránh:
Không đi chân đất, đi trong giầy ướt, không rửa chân bằng nước quá nóng, quá lạnh.
Không dán băng keo, bôi hóa chất, trên da chân.
Không thoa bóp chân bằng máy massage, không tự cắt chai da (callous) hay bôi thuốc tẩy chai.
Đừng hút thuốc lá, vì thuốc lá có ảnh hưởng xấu tới sự lưu thông của máu.
Không nên di chuyển quá sức khi bàn chân mỏi, nghỉ ít phút, nâng bàn chân hơi cao cho bớt sưng.
B-Biến chứng ở mắt
Biến chứng quan trọng và thường xẩy ra là bệnh suy võng mạc vì tiểu đường (diabetic retinopathy). Võng mạc là lớp tế bào trong cùng của nhãn cầu, có nhiệm vụ thu nhận ánh sáng và giúp ta nhìn thấy sự vật.
Khi có mức độ quá cao trong máu, đường làm các mạch máu nhỏ ở võng mạc mỏng và yếu đi, máu rỉ ra làm sưng mắt khiến thị giác mờ kém, có thể đưa tới mất thị giác. Đa số bệnh nhân bị tiểu đường trên 30 năm đều bị chứng hư võng mạc này, nhất là khi được chữa bằng insulin đã trên 10 năm.
Ngoài ra tiểu đường còn gây ra cườm mắt (catarract), tăng áp nhãn (glaucoma).
Người bị tiểu đường cần được bác sĩ nhãn khoa khám mắt thường xuyên để phát hiện dấu hiệu bệnh và chữa trị kịp thời. Phụ nữ có thai lại bị bệnh tiểu đường cần khám mắt mỗi ba tháng trong thời gian mang thai. Ngày nay nhờ có tia Laser nên việc giải phẫu võng mạc hư sớm sủa có thể lấy lại thị giác trong nhiều trường hợp.
Xin lưu ý một vài dấu báo hiệu hư hao võng mạc như mờ mắt quá hai ngày, đột nhiên mất thị lực ở một hay hai con mắt, đau nhức mắt, có những vết đen như ruồi bay ở vùng thị giác.
Để tránh biến chứng mắt, cần giữ mức đường trong máu bình thường bằng dược phẩm, điều chế ăn uống, tập thể dục, không hút thuốc lá và đi khám bệnh bác sĩ đều đặn.
C-Biến chứng Thần kinh ngoại vi.
Khi đường trong máu lên quá cao, đường sẽ làm tổn thương hệ thần kinh. Giây thần kinh không truyền dẫn hữu hiệu các cảm giác về não cũng như từ não ra cơ thể.
Cảm giác mất nhiều nhất là dưới chân. Bệnh nhân thấy tê tê ở bàn chân và ngón chân, đau nhức cẳng chân. Chân dễ bị tổn thương như bị phỏng, cắt đứt vì không còn thấy được cảm giác đau hoặc nóng để mà tránh. Ngoài ra, nam giới thường bị chứng loạn cương dương.
Muốn tránh biến chứng này, thì ta lại cần giữ đường máu ở mức bình thường
4-Biến chứng thận
Tại Mỹ, nguyên nhân thứ nhất đưa tới suy thận kinh niên là tiểu đường.
Với Tiểu Đường loại 1, phụ thuộc vào insulin thì từ 30-40% bệnh nhân bị suy thận kinh niên; loại 2 nếu bị cao đường đã 20 năm thì tỷ lệ suy thận từ 5 tới 10%. Cả hai trường hợp đều ảnh hưởng tới khả năng của thận trong việc lọc bỏ chất phế thải trong cơ thể. Người bệnh thường phải lọc máu hoặc thay thận. Bệnh nhân tiểu đường trẻ, khỏe mạnh mà bị suy thận kinh niên thì có thể được ghép thận và tụy tạng. Thay tụy tạng chữa lành tiểu đường và thay thận là hết thận suy.
Để tránh thận suy, ta cần giữ đường máu ở mức càng gần bình thường càng tốt, tránh nhiễm vi khuẩn cơ quan tiết niệu cũng như giới hạn tiêu thụ dược phẩm có hại cho thận.
Sống thích nghi với bệnh
Tiểu đường là bệnh kinh niên. Tùy theo tuổi bị bệnh và tùy theo nặng nhe,ỉ tiểu đường sẽ đưa đến một số thay đổi trong nếp sống mà người bệnh phải thích nghi. Bệnh tiểu đường đã được xếp vào loại tật nguyền trong Americans with Disabilities Act, cần được giúp đỡ. Như vậy không có nghĩa là người bệnh không sống bình thường được. Nhiều lực sĩ thể thao, nhiều chuyên gia bị tiểu đường mà vẫn có đời sống như mọi người, miễn là họ kiểm soát được đường trong máu, đừng để biến chứng xẩy ra.
Sau đây là một số điều cần làm:
1- Giữ mức độ đường trong máu gần trung bình qua cân bằng dinh dưỡng, năng lượng tiêu thụ, vận động cơ thể và dùng thuốc như bác sĩ dặn.
2- Đo đường ở máu mỗi ngày theo lịch trình nhất là trước khi đi ngủ. Ban đêm đường có thể xuống thấp và gây ra biến chứng trầm trọng như kinh phong, hôn mê. Nếu mức đường đo trước khi ngủ thấp hay gần bình thường thì nên ăn một chút thực phẩm. Có thể đo đường bằng que giấy có thuốc thử hoặc máy đo tự động.
3- Nếu phải dùng insulin thì nên mang sẵn một ống chích với insulin đang dùng, phòng khi cần đến bất thình lình.
4- Cẩn thận trong việc ăn uống, bớt chất béo bão hòa, giới hạn muối, nhiều chất xơ. Chia thực phẩm trong ngày ra nhiều bữa ăn nhỏ để tránh đường xuống quá thấp, nhất là khi đang chữa bệnh bằng insulin.
4- Vận động cơ thể hàng ngày để điều hòa đường trong máu, làm giảm cholesterol, giảm nguy cơ bệnh tim và giúp người bệnh cảm thấy khỏe hơn.
5- Giới hạn dùng rượu vì rượu giảm đường thoát ra từ gan, đường trong máu xuống thấp, rất nguy hiểm. Khi ở trong tình trạng này, cần được cho dùng ngay một chút thực phẩm có đường như một ly nước trái cây, một cục kẹo.
6- Luôn luôn mang theo một món ăn có đường như một cục kẹo, một ly nước ngọt, miếng trái cây để đề phòng khi đường xuống quá thấp thì dùng.
7- Thuộc lòng các dấu hiệu của chứng đường xuống thấp như tự nhiên thấy mệt mỏi, nói ngượng ngạo khó khăn, cử động chân tay luýnh quýnh, mất định hướng, gắt gỏng, âu lo, đổ mồ hôi, nhức dầu, đói bụng, muốn xỉu. Chia sẻ hiểu biết này với thân nhân và người làm cùng phòng cùng sở vì có khi mình cần họ cấp cứu.
8- Mang một bảng tên có ghi mình bị tiểu đường, loại insulin hay thuốc viên đang dùng để khi cần mà mình bất tỉnh thì được cấp cứu.
9- Tránh những căng thẳng vì stress có thể tăng hoặc giảm quá độ đường trong máu.
10- Chủ động trong nếp sống của mình để duy trì trung bình mức độ đường bằng cách dùng dược phẩm, ăn uống, vận động cơ thể.
11- Sinh hoạt bình thường nhưng cẩn thận một chút để tránh biến chứng làm bệnh trầm trọng hơn.
12- Giữ chân khô, sạch, ấm. Cẩn thận khi cắt móng chân tránh cắt vào da. Đi giầy vừa khít, giầy cũ tốt hơn giầy mới vì cứng dễ cắt vào da.
13- Cẩn thận khi lái xe nhất là đang chích insulin, máu xuống bất thường, gây ra tai nạn.
14- Khi dùng các thuốc không cần toa, lựa thứ không có thêm đường và rượu (như thuốc ho, sinh tố).
15- Hợp tác và nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Một số người nam sẽ bị loạn cương dương, giảm khả năng làm tình nhưng ngày nay đã có nhiều phương thức để cứu vãn vấn nạn này. Nhiều người thiệt mạng vì biến chứng tim mạch mà thông thường nhất là cơn suy tim (heart attack) hoặc chết vì suy thận.
Tiểu Đường và Du Lịch
Một cuộc du lịch vượt qua nhiều múi giờ cũng đủ làm người lành mạnh mất định hướng, giao động nếp sống huống chi là người bị bệnh, mà lại là bệnh tiểu đường.
Trong bệnh tiểu đường, bệnh nhân cần sửa soạn kỹ càng cả vài tuần trước khi khởi hành về ăn uống, về thuốc men. Khi vượt qua bốn năm múi giờ, giờ giấc thay đổi từ bữa ăn, giấc ngủ tới các sinh hoạt khác. Do đó, cần có những thích nghi, điều chỉnh khi tới nơi. Sửa soạn càng kỹ thì ta tránh được những biến chứng của bệnh và người bệnh cũng không còn cảm thấy sợ hãi và ngần ngại đi du lịch.
Trước khi khởi hành vài tuần, nên tới bác sĩ để khám tổng quát một chút, nhưng cần nhất là xem mức độ đường trong máu cao thấp bao nhiêu, có cần tăng giảm thuốc không, nhất là khi chích insulin.
Thuốc mang đi hơi dư một chút vì có khi vui bạn bè, phong cảnh ở lại lâu hơn dự trù; nên để thuốc trong hành lý cầm tay và san ra làm hai phần mang riêng, phòng khi một mất thì còn một phần.
Thuốc cần để trong lọ, hộp nguyên thủy và cần có toa bác sĩ chỉ cách dùng, viết bằng tiếng thông dụng bây giờ là Anh ngữ.
Khi dùng insulin thì nhớ là hầu hết các quốc gia đều chế theo số lượng đơn vị 100U/ml (U 100) tức là 100 unit trong một phân khối thuốc; vài quốc gia sản xuất loại có 40U. Mỗi loại như vậy cần được chích với ống chích riêng biệt cho từng loại kẻo mà lượng thuốc bị gia giảm ngoài phạm vi trị liệu đã dự trù.
Insulin có thể giữ ở nhiệt độ bình thường trong phòng ngủ một tháng mà không giảm công hiệu. Điều cần là nên tránh chỗ nóng quá (trong thùng xe) và có nhiều ánh sáng mặt trời.
Gia giảm insulin cần được bác sĩ chỉ dẫn kỹ càng, nhưng theo nhiều chuyên gia, khi đi về hướng Đông thì cần ít insulin và khi di chuyển về hướng Tây thì cần nhiều hơn. Nhiều bác sĩ cũng chỉ cách thử đường bằng cách chích máu trên đầu ngón tay trong khi bay, để thêm bớt insulin thường. Khi tới nơi thì điều chỉnh insulin theo giờ giấc tại địa phương.
Luôn luôn mang trong mình một tấm thẻ ghi có bệnh tiểu đường và thuốc đang dùng với phân lượng.
Cũng luôn luôn thủ trong mình vài cục kẹo, miếng bánh, một trái cây để phòng hờ khi đường trong máu xuống quá thấp, có thứ mà cấp cứu. Có thể mua một hộp B-D Glucose, Insta-Glucose có bán ở nhà thuốc tây.
Ngoài ra cũng lưu ý tránh mấy bệnh tại địa phương như tiêu chẩy để khỏi ảnh hưởng tới bệnh tiểu đường. Khi đi bộ coi phong cảnh nhiều thì nên cẩn thận để ý tới đôi bàn chân, đừng để bị thương, vừa lâu lành lại dễ nhiễm trùng. Mang giầy vừa khít, giầy cũ càng tốt để khỏi bị trầy da. Giữ bàn chân cho sạch, thoáng khí và không sũng mồ hôi.
Giữ các sinh hoạt, ăn uống bình thường và tận hưởng những ngày đi xa.
Kết luận.
Bệnh tiểu đường là bệnh có thể kiểm soát và phòng ngừa biến chứng được. Điều quan trọng là người bệnh cần sử dụng thuốc theo lời dặn của bác sĩ cũng như duy trì sự ăn uống, cân bằng, đa dạng, vận động cơ thể và sống đời sống lành mạnh, bao dung vui vẻ với gia đình, bằng hữu.
Bác Sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Texas-HOa Kỳ