Tuổi già hư cấu và sự thực



Đã có một thời kỳ, và ngay cả bây giờ, người ta đã gán ghép cho người già một số những điều hoang tưởng, những một nửa sự thật có dụng ý kỳ thị, phân chia.


Họ xếp người già vào một nhóm: “nhóm người đầu bạc, răng long, suy yếu; nom ai cũng giống ai, cũng vô dụng, hết sài, không tự lo thân được. Rồi lại sức khoẻ kém, nay nằm nhà thương, mai đi bác sĩ, kém trí nhớ, lú lẫn. Họ sống cô đơn xa lánh mọi người; luôn luôn than buồn chán. Họ không còn hấp dẫn cả về hình dáng lẫn tình dục. Đừng đả động tới họ nữa. Hãy cứ đưa họ vào viện dưỡng lão hay tập trung vào các nông trại cho tiện việc”.


Trên truyền thông báo chí, chỉ thấy hình ảnh những người thuộc lớp trẻ đầy sinh lực hấp dẫn, khoẻ mạnh. Nhóm người già được mời vào mép chiếu của các sinh hoạt xã hội, gia đình.



Tuổi già có đáng để mang nhiều hư cấu như vậy không?


Tuổi già có đành an phân: già là vô dụng, là không hoạt động, không thích nghi, kém khả năng tình dục, là gánh nặng cho gia đình, cộng đồng!



Đã có nhiều dẫn chứng khoa học, nhiều thống kê cụ thể phủ nhận những huyền thoại, những vô nghiã đó.


1- Đâu có phải những người trên 60 tuổi đều già cả rồi.-


Ở nhiều quốc gia, để cân bằng sự cung cầu nhân lực và do hoàn cảnh kinh tế, tới một tuổi nào đó người đi làm được cho về hưu, nhường công việc cho lớp người sanh sau. Họ được khuyến dụ là về để vui thú điền viên, là đã đóng góp, trả nợ đầy đủ cho xã hội.


Việt nam hiện nay đàn bà 55 tuổi nghỉ việc, đàn ông làm thêm tới 60. Bên Hoa Kỳ, trước đây khi đáo hạn tuổi 65 thì bắt buộc nghỉ việc. Nhưng từ năm 1986, sự bắt buộc về hưu này được hủy bỏ vì có tính cách kỳ thị tuổi tác, chẳng khác gì kỳ thị chủng tộc, nam nữ.


Từ cái tiêu chuẩn hành chánh đó nhiều người đã suy luận ra một khi về hưu là họ đều già rồi. Và hãy gom họ vào một nhóm những người có nhiều khó khăn về mọi phương diện từ sức khỏe, tài chánh, đến sinh hoạt trong những năm cuối cuộc đời. Ngay cả người về hưu cũng nghĩ là: thôi đã đến lúc ta nghỉ cho khỏe thân già. Rồi còn dành thì giờ dối già, đi chơi đây đó chứ..


Về phương diện y khoa, không có một chứng cớ sinh lý học nào hỗ trợ cho ý kiến coi về hưu là lúc cơ thể bắt đầu già. Có người bẩy tám mươi tuổi mà nom còn dắn dỏi, nhanh nhẹn; trái lại có người mới gần năm chục mà nom đã hom hem, móm mém, tóc bạc khô, đi đứng không vững.


Hóa già là do thể chất, gen di truyền, cách thức sống, ảnh hưởng của môi trường quyết định. Thực ra rất khó mà xác định là ở khoảng thời gian nào của đời người ta sẽ bắt đầu già. Có người nói là ta già từ khi còn ở trong lòng mẹ.


Người ta đã cố gắng đo một số mốc sinh lý để coi xem già bắt đầu từ tuổi nào, như là đo sức mạnh của bắp thịt, chỉ số huyết áp, giảm thính, thị giác, dung tích của phổi… nhưng kết quả chưa rõ ràng. Thôi thì cứ đành nhận là khi nào ta cảm thấy già thì ta già vậy.



2- Mấy người già, người nào cũng như nhau.


Có ý kiến cho rằng mọi người đều già đi theo cùng một phương thức, do đó họ đều giống nhau. Tất cả đều có bề ngoài già nua như nhau, suy nghĩ, hành động già như nhau và chỉ cần thấy một người già thì coi như ta đã hình dung ra cả nhóm.


Thực ra, có rất nhiều khác biệt trong sự hóa già. Và ở mỗi cá nhân, sự hoá già đều rất cá biệt. Diễn tiến này chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: gen di truyền, chủng tộc, giống tính, địa phương, khí hậu, nếp sống, hoàn cảnh gia đình, xã hội.


Cho nên có người già suy yếu, bệnh tật chỉ chờ chết. Có người già khoẻ mạnh, còn hoạt động đều đặn. Có người sống rất phóng khoáng, lại có người mang nhiều định kiến, bảo thủ. Có người sống lẻ loi, tự cô lập thì có nhiều người giữ giao tiếp với bạn bè cũ mới, đi đó đi đây.


Sự già giữa người nam, người nữ cũng không giống nhau. Người nữ có tuổi thọ cao hơn, nhân số nhiều gấp rưỡi người nam già. Họ hay bị bệnh trầm kha hơn như các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, phong thấp, loãng xương. Đáp lại thì người nam già thường hay bị tai biến động mạch não, bệnh tim.


Vì sống lâu hơn lão nam nên nhiều lão nữ lâm vào cảnh góa bụa, ít có cơ hội tái giá. Người nam ít tuổi kiếm đối tượng trẻ hơn, mà người nam nhiều tuổi hơn mình thì mình chẳng chịu. Lãnh về để thay tã cho ổng suốt ngày hay sao!. Nên các lão bà nhiều sầu muộn đơn côi,ï tương đối kém lợi tức nên cảnh già thường đạm bạc, thiếu thốn.


Thành ra cho rằng người già đều như nhau thì có vẻ nông nổi, cả tin.



3- Không phải hễ già thì yếu đuối, kém sức khoẻ.


Thường thường khi nói tới giaø là ta cứ gắn vào chữ yếu.


Họ đều già yếu rồi. Người thì đi xe lăn, người chống gậy, lủng lẳng mang thêm bình dưỡng khí để thở, một tháng đi bác sĩ vài ba lần, nhập bệnh viện thường xuyên, đâu còn sức lực gì.


Nhiều khi cả thầy thuốc cũng giải thích cho bệnh nhân là các vấn đề của sức khoẻ đều do sự chồng chất của những ngày sinh nhật gây ra.


Câu chuyện nghe được trong một phòng mạch: Một ông già than phiền sao cái cánh tay bên trái cứ nhức mỏi hoài. Bác sĩ bảo: cụ đã 80 tuổi rồi thì nó vậy đó, bệnh già mà. Cụ chỉ đau như vậy thôi là may lắm rồi, còn muốn gì hơn. Bệnh nhân lại hỏi thế tại sao tay phải tôi cũng 80 tuổi lại không nhức?


Thực tế ra, đa số người cao tuổi đều có một sức khoẻ tốt, đều duy trì tình trạng tự cáng đáng các nhu cầu hàng ngày, duy trì khả năng làm việc. Đối với người cao tuổi, duy trì bình thường các chức năng cũng quan trọng như làm sao để không bị bệnh hoạn.


Tám mươi phần trăm các vấn đề sức khỏe của người già có thể tránh hoặc trì hoãn được khi cơ thể được chú ý chăm sóc, đồng thời sự hoá già cũng đến từ từ, nhẹ nhàng hơn.


Xin nhớ sự hóa già và bệnh hoạn đôi khi trùng hợp nhưng không có liên hệ nhân, quả.



4- Tránh thành kiến hễ già thì nói trước quên sau.-


Có nhiều thành kiến gán cho sự hóa già là nguồn gốc của sự nói trước quên sau, trí tuệ trì trệ. Có thời kỳ, ngay cả các nhà khảo cứu cũng cho là về già trí tuệ suy yếu.


Nhưng mới đây nhiều bằng chứng kết luận là trí tuệ không giảm với tuổi cao, ngoaị trừ khi người già đồng thời mắc một số bệnh thần kinh đặc biệt và ngoại trừ ta chẳng may bị chứng bệnh sa sút trí tuệ. Nói chung thì sự sáng suốt của con người còn duy trì được tới tuổi ngoài 70.


Bác sĩ Robert Butler, nhà lão khoa có uy tín đã từng xác định: “Cứ tin tưởng rằng khi sống lâu trí tuệ ta trở thành suy thoái là điều không đúng. Hãy thử để con người sống trong cô lập, không giao tiếp với ngoài đời, thụ động, thì chỉ một thời gian ngắn họ sẽ trở thành bất thường, không có lý trí, lệ thuộc, buông suôi. Trái lại, nếu sống năng động với nhiều thử thách thì không những tinh anh hơn mà còn thọ lâu, khoẻ mạnh hơn”.


Có thể là cũng như ở lứa tuổi khác, người cao tuổi có giảm đi phần nào trí nhớ ngắn hạn, như đột nhiên quên tên người quen, quên một sự kiện vừa xẩy ra hay không nhớ để chiếc chìa khóa xe ở đâu, hoặc không làm hai việc một lúc. Nhưng với sự tập luyện lập đi lập lại, sửa soạn và dành thì giờ rộng rãi cho công việc, làm việc theo thứ tự ưu tiên, thì khả năng trí óc của họ sẽ khá hơn.




5- Già không có nghĩa là cô lập


Xưa kia, có một thời gian ngắn ngủi, người cao tuổi được mời lên chiếu trên của các sinh hoạt cộng đồng xã hội trong vai trò hướng dẫn, cố vấn, nhờ ở những kinh nghiệm khôn ngoan từng trải của họ.


Rồi với sự thay đổi quan niệm sống cộng thêm sự lên xuống của cung cầu kinh tế, người già xuống cấp, đôi khi bị coi là gánh nặng. Họ được đẩy vào bóng tối của xã hội.


Ngay cả trong giới thần tiên, sự già cũng có số phận hẩm hiu. Câu chuyện nữ thần sắc đẹp Aurora yêu say mê Thimonus, xin Thượng Đế được kết hôn cùng chàng, xin cho chàng được sống mãi mãi. Nhưng quên không xin cho chàng được khỏe mạnh, sung sức. Nên khi chàng vừa già vừa yếu đuối, hết hấp dẫn, không thỏa mãn được nhu cầu của nàng thì nàng bèn cô lập, ruồng bỏ người yêu xưa.


Nhiều người cứ nghĩ là khi về già, họ sẽ sống thu mình, xa cõi nhộn nhịp, tranh đua, giảm bớt liên lạc với bạn bè. Để có thì giờ vật lộn với lãng tai, mắt kém, với táo bón, kém tiêu hóa, với đau nhức mình mẩy, với huyết áp cao… Thêm vào đó, cố tri lần lượt ra đi, rồi cuối cùng người bạn đường cũng giã từ, vĩnh biệt càng khiến họ có nhiều nguy cơ rơi vào cảnh cô lập, lẻ loi, buồn thảm.


Sự thực thì sau những mất mát, chia tay, con người nói chung, người cao tuổi nói riêng, cũng đều rơi vào thời gian tiếc nhớ. Thời gian này dài ngắn tùy hoàn cảnh, tùy khả năng ứng phó của mỗi cá nhân. Nhưng bình thường thì chỉ vài năm là ta đã có thể thích nghi được.


Bạn bè không bỗng chốc tan hàng hết. Người muốn an hưởng tuổi vàng không thiếu gì cách để thực hiện ý muốn của mình. Tìm bạn mới ở các nhóm họp người già. Tham gia những sinh hoạt chung của cộng đồng, lối xóm. Trao đổi thư tín, tin tức về vấn nạn, giải đáp khó khăn của đồng tuế. Thăm nom vui chơi cùng cháu chắt. Tránh những ưu tư không cần thiết.


Có rất nhiều cơ hội để người cao tuổi làm cuộc sống cuối đời vui nhẹ nhàng, thoải mái. Chỉ cần một chút tích cực, một vươn tay ra tiếp nhận. Cũng cần cảnh giác với những gán ép lệ thuộc.



6- Người già không phải là vô dụng.


Mới đây, phóng sự của hai ký giả Đức Hà, Lý Hoàng Thu, nói về một người Việt Nam 66 tuổi khai trương vào ngày 15-4-2000 một tiệm hớt tóc ở thị trấn San José, khiến độc giả đi từ ngạc nhiên đến cảm phục người phụ nữ đó.


Bà ta một tay phụ vói chồng mang mười đứa con còn thơ ấu từ miền quê hương nhỏ bé, thiếu thốn mọi thứ, sang miền đất phì nhiêu vật chất, tinh thần. Gây dựng cho các con đầy đủ, dư hoàn cảnh để nghỉ ngơi vui hưởng cảnh già nhưng bà ta nói: “Tôi sẽ làm việc cho đến khi nào không còn đủ sức nữa mới thôi “. Bà còn nói rằng bà có mấy đứa cháu thành ra bà muốn làm gương cho các cháu thấy rằng phải luôn luôn cố gắng học hành và làm việc để trở thành những con người tốt cho xã hội cho dù bao nhiêu tuổi đi nữa. Bà là một trong nhiều người già không vô dụng.


Cái quan niệm già vô dụng, không sản xuất có lẽ chỉ đúng phần nào vào thuở nhân loại phải lấy sức người kéo cầy thay trâu, khuân mang những tảng đá khổng lồ lên xây Kim Tự Tháp, kéo thuyền rồng cho vua chúa ngự cảnh dọc sông.


Có lẽ người già không còn dẻo dai để làm những việc tay chân như vậy nhưng ngay khi đó cũng có những người tuổi cao ngồi tham mưu, đóng góp tâm sức, thực hiện kế hoạch chung cho quốc gia. Giảm đi một vài chức năng của cơ thể không đồng nghĩa với mất khả năng lao động.


Ngày nay với sự tiến bộ kỹ thuật, khoa học, nhu cầu sức lao động chân tay đã bớt và người khiếm khuyết một vài chức năng của cơ thể vẫn còn hữu dụng trong nhiều lãnh vực. Ấy là chưa kể nhiều người già phục vụ những công việc không chính thức, không sổ sách lương bổng như thiện nguyện, giữ trẻ, săn sóc thân nhân, phối ngẫu đau ốm.


Đồng thời cũng có nhiều dẫn chứng rằng người cao tuổi làm việc chuyên cần, đáng tin cậy, ít gây ra tai nạn, ít bị ảnh hưởng của những căng thẳng vu vơ. Một vài phản ứng chậm chạp, đắn đo, một số chậm hiểu tính toán đôi khi lại giúp hoàn tất công việc an toàn hơn



Rồi còn những hoang tưởng như già hết duyên, khô cạn tình dục, chấm dứt cuộc đời trong nhà dưỡng lão, cả ngày chỉ ngồi nuối tiếc quá khứ, ám ảnh với kinh kệ, sẽ là nạn nhân của lạm dụng người già, của tội phạm.


Ôi, sao mà nhiều gán ghép độc địa!

[More]

NHỮNG THAY ĐỔI VỀ HÌNH DÁNG BỀ NGOÀI.

Thay đổi vẻ dáng bên ngoài của cơ thể đôi khi là những chỉ dấu báo hiệu sự đến của tuổi già. Và thường thường con người sẽ có những ngỡ ngàng, những ưu tư trước các thay đổi đó.


1-Thay đổi về lông-tóc


Với khoa học, lông và tóc giúp bảo vệ cho đầu khỏi bị tác dụng nguy hại của ánh nắng mặt trời, ngăn ngừa sự xâm nhập vật lạ vào mắt, mũi. Nhưng với con người, tóc là món đồ trang trí quý giá, một biểu tượng của cá tính. Do đó tóc được chăm sóc rất chu đáo. Khi tóc thay đổi với tuổi già thì nhiều người thấy không vui, tìm đủ mọi cách để che đậy.


Về cấu tạo, tóc là một tập hợp những tế bào khô đã chết được đẩy lên khỏi da từ chân tóc. Trong chân tóc có mạch máu, dây thần kinh, tuyến tiết chất nhờn. Trung bình trên đầu có hơn 100,000 sợi tóc và mỗi ngày có khoảng một trăm sợi rụng đi. Trong sợi tóc có tế bào tiết ra chất mầu khiến tóc đen, bạch kim hay hung hung đỏ.


Cho tới nay chưa có giải thích thỏa đáng cho những thay đổi của tóc khi về già như thay dỗi về số lượng, mầu sắc và phẩm chất của tóc. Mặc dù những thay đổi này không mang lại ảnh hưởng xấu cho sức khỏe nhưng con người lại rất quan tâm đến.


a-Tóc bạc


Về mầu sắc, sự kiện tóc bạc hay tóc hoa dâm là những dấu hiệu sớm của tuổi về già.


Tóc bạc bắt đầu từ hai bên thái dương rồi lan lên đỉnh đầu. Mới đầu, nó còn có tính cách muối tiêu, trắng đen lẫn lộn, sau đó thì muối nhiều hơn tiêu. Sở dĩ tóc thành trắng là vì loại tế bào sinh hắc tố (melanin ) giảm đi, tóc thành không có mầu, ánh sáng phản chiếu lên khiến tóc như trắng.Cho đến nay khoa học chưa chứng minh tại sao tế bào này giảm đi cũng như chưa tìm ra cách ngăn chặn sự giảm này.Có ý kiến cho là vì thiếu sinh tố loại B, kém dinh dưỡng hoặc do căng thẳng tâm thần, buồn phiền quá mức.Vì không ngừa, không chữa được nên con người che đậy , thay đổi sự bạc trắng này bằng mỹ phẩm nhuộm tóc, mang tóc giả.


Tuy được coi là một dấu hiệu sớm của tuổi về già, nhưng sự kiện bạc tóc chỉ xẩy ra ở khoảng 65% người cao tuổi, còn 35% thì hoặc tóc không bạc hay chỉ bạc khi tuổi rất cao. Có nhiều trung niên, 25-30 tuổi tóc đã bạc. Thành ra sự bạc tóc này không phải là chỉ dấu của sự hóa già của các bộ phận trong cơ thể, cũng như không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay tới tuổi thọ. Còn huyền thoaị Ngũ Tử Tư, sau một đêm trầm suy, sáng dậy tóc đã trắng sóa cũng vẫn chỉ là huyền thọai, không có căn bản giải thích khoa học .



b-Rụng tóc


Rụng tóc là một hiện tượng bình thường xẩy ra ngay từ khi còn trẻ. Nhưng với tuổi cao, tóc rụng nhiều hơn nhất là khi da đầu bị nhiễm trùng, hoặc do ảnh hưởng của một vài dược phẩm, chất phóng xạ trị liệu, vài loại thực phẩm. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 100 sợi tóc rụng. Lông nách và lông mu cũng chịu cùng số phận.


Ngoài ra, khi về già tóc khô, ròn dễ rụng vì các tuyến nhờn kém họat động.


Ở nữ giới, lông tóc mọc ở cằm trên khi số lượng kích thích tố nữ giảm vào thời tắt kinh và gây nhiều ngượng ngùng cho quý bà. Ta có thể nhổ, cạo hoặc dùng các chất hóa học để làm mất những lông này. Ngoài ra khi qúy bà dùng thuốc có nam kích thích tố, thì lông tóc cũng mọc ra ở mặt và thân thể, nhưng khi ngưng thuốc thì lông tóc ngưng mọc.



2- Thay đổi về da


Với một diện tích 17 thước vuông, da là bộ phận lớn nhất của cơ thể. Về phương diện cấu tạo, da đã làm nhiều kiến trúc sư xây dựng ngạc nhiên vì tính cách bền bỉ, đàn hồi và nhậy cảm của nó.


Da là đồng minh bảo vệ cơ thể chống ngoại vật xâm lăng như vi khuẩn, cát bụi, những phũ phàng của thời tiết nóng lạnh, thay đổi của thiên nhiên. Nhưng da cũng tố giác tuổi già với nhiều thay đổi không đẹp như da nhăn nheo, khô cằn, mềm xệ hoặc những vết đồi mồi…


Về cấu tạo, da có ba lớp chính: biểu bì, bì và hạ bì với các chức năng khác nhau.


Biểu bì là lớp ngoài cùng gồm tế bào tiết chất cứng gelatin để bảo vệ da; tế bào sinh mầu làm da có mầu và chặn tia tử ngoại xâm nhập cơ thể. Biểu bì được liên tục thay thế và trong suốt cuộc đời 70 tuổi, ta mất đi tới 20 kí lô tế bào da.


Bì là một mạng lưới tế bào với hai chất đạm elastin và collgen làm da được bền bỉ và co giãn. Bì còn có nhiều mạch máu, giây thần kinh, tuyến mồ hôi, tuyến nhờn và chân tóc.


Hạ bì nằm dưới cùng, có nhiều tế bào mỡ, sợi thần kinh, mạch máu và được dùng như để gắn hai lớp bì và biểu bì vào cơ thể.


Sự hóa già mang đến nhiều thay đổi không đẹp lắm cho hình dáng con người ở cả ba lớp da. Biểu bì hư hao nhiều hơn là tái tạo, mô mới kém tổ chức khiến biểu bì mỏng manh. Tế bào mầu , chất elastin và collagen giảm, tuyến mồ hôi và tuyến nhờn teo, giảm hoạt động. Những thay đổi đó đưa tới các hậu quả sau đây:


a-Da nhăn.


Sự xuất hiện của lớp da nhăn đầu tiên trên cơ thể làm nhiều người hoảng hốt vì với da nhăn làm ta như già đi. Da nhăn nheo vì chất collagen giảm, chất elastin tăng lên, da mất tính đàn hồi. Chúng ta có thể đo sự mềm dịu đàn tính của da bằng cách kẹp lớp da giữa hai ngón tay trong ít giây, rồi thả ngón tay, tính xem mất mấy giây để lớp nhăn trở lại bằng phẳng. Thường thì một hai giây, nhưng ở người trên 60 tuổi, thì phải mất vài chục giây.


Da nhăn nheo, không có nghĩa là những cơ quan cốt yếu trong cơ thể cũng suy mòn đi. Người trẻ tuổi mà da không được chăm sóc thì cũng vẫn nhăn như thường


b.- Da khô


Ở người cao tuổi, sự bài tiết mồ hôi giảm vì những tuyến mồ hôi, tuyến nhờn ít đi hoặc kém hiệu năng. Do đó da trở nên khô, ngứa nhất là về mùa lạnh.


c- Thay đổi khả năng điều hoà thân nhiệt


Dưới lớp bì và biểu bì là một lớp mô mỏng chứa nhiều chất mỡ để chống sự thất thoát nhiệt độ cơ thể. Ở người cao tuổi, lớp mỡ này mất đi, nhất là ở mu bàn tay, mặt và gan bàn chân. Các cảm giác ngoài da cũng kém , nhất là cảm giác đau nên người cao tuổi hay bị phỏng ở bàn chân.


Số lượng những mạch máu nhỏ dưới da của người cao tuổi ít hơn nên người gìa chịu đựng độ lạnh kém người trẻ. Khi nhiệt độ giảm dưới mức an toàn, người già có thể bị lạnh cóng.


d- Chậm lành vết thương


Xúc giác giảm cộng thêm sự suy yếu của hệ thống miễn nhiễm kéo dài độ nhạy cảm của da khi tiếp xúc với hoá chất kích thích. Người già hay bị tổn thương nơi da. Khả năng lành da cũng rất chậm vì máu nuôi dưỡng da bớt đi.


Nhìn chung, những thay đổi theo tuổi già của da xuất hiện rõ nhất ở trên mặt. Vầng trán nhăn nheo với vết rạn chân chim ở duôi con mắt; da mặt mỏng; xương mặt nhô; mạch máu lộ trên da; mí mắt xệ, quầng mắt sậm đen; vành tai to chẩy xuống; cằm nhiều mỡ.



3- Thay đổi về chiều cao


Với tuổi đời chồng chất, con người như co lại, và dáng điệu ngay thẳng hiên ngang lúc trai tráng không còn nữa. Trung bình khi về già đàn ông thấp đi khoảng 2 phân, đàn bà 1,5 phân. Đây là do ảnh hưởng của một số yếu tố như sự giảm nước trong cơ thể, các bắp thịt yếu, thay đổi vóc dáng, xương sống hao mòn và biến dạng. Riêng ở nữ giới, nguyên nhân chính của co ngắn chiều cao vẫn là bệnh loãng xương (osteoporosis).



4- Thay đổi về sức nặng, dung lượng nước của cơ thể


Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu đều xác nhận là, sức nặng của cơ thể tăng lên ở tuổi trung niên rồi giảm xuống lúc tuổi già. Đồng thời, tế bào mỡ tăng và thay thế vào chỗ những tế bào thịt bị tiêu hao vì ta không xử dụng đến chúng.Tế bào mỡ xuất hiện nhiều nhất ở vùng bụng và hông.


Ở tuổi thanh niên, 60% sức nặng của cơ thể là nước. Khi về già chỉ còn có 51%. Nữ giới cũng vậy: từ 51% lúc trẻ xuống 46% lúc về già. Nguyên do là số lượng tế bào chứa nhiều nước mất đi hoặc teo đi


5- Một số những thay đổi khác


Nhận xét chung cho thấy,về già vòng ngực tăng lên, sống mũi và dái tai dài ra một chút. Trên xương đầu thì những khớp nối của xương dính liền lại, xương sọ dầy lên. Móng tay, móng chân mọc chậm, đổi mầu và có những lằn gợn gồ ghề.



Kết luận


Trên đây là những thay đổi bình thường xẩy ra trong tiến trình lão hoá.


Ngày nay khoa học đã chứng minh là ta có thể làm những thay đổi này chậm lại bằng cách sống theo quy luật thiên nhiên, tránh lạm dụng những chất có hại cho cơ thể, vận động cơ thể đều đặn cho khí huyết lưu thông, gân cốt thư dãn.


Cũng như giữ cảnh lòng luôn luôn an lạc, như lời người xưa : “Lạc giả trường thọ, ưu giả dị yểu”.

[More]

Su lao hoa

Con người sinh ra, trưởng thành, suy yếu bệnh hoạn rồi từ trần, đó là chu kỳ ” Sinh Lão Bệnh Tử” theo luật thiên nhiên mà ta đã chấp nhận từ nhiều ngàn năm.


Nhưng ngày nay, với tiến bộ của khoa học, con người đã có khả năng ảnh hưởng tới hai trong bốn giai đoạn của chu kỳ trên. Đó là Lão và Bệnh. Con người hiện đại có khả năng kéo dài tiến trình lão hóa, làm chậm sự lão suy, làm nhẹ bớt nhiều chứng bệnh liên hệ tới tuổi già và loại hẳn một số bệnh gây tử vong trước đây. Tóm lại, con người ngày nay có thể tăng tuổi thọ và sống bình an, thoải mái suốt giai đoạn cuối của cuộc đời. Giai đoạn mà người Tây phương gọi là Tuổi Vàng (The Golden Years) . Bí quyết để đạt đến mục đích đó là tìm hiểu tuổi già và các phương pháp tổ chức lối sống cho có hiệu năng để hưởng trọn tuổi già.
[More]

Con người với sự trường sinh

Nhà Xuân vừa mở thọ diên,


Chén pha Giếng Cúc, bàn chen Non Đào.


Nguyễn Huy Tự .



Giấc mộng trường sinh, bất tử đã được ghi nhận từ thuở hoang sơ, khi con người còn ăn lông ở lỗ, trong huyền thoại thần tiên, trong niềm mê tín dân gian, trong nguồn cảm hứng xuất thần của văn nhân thi sĩ hay luận lý của triết gia. Tân, Cựu Ước, kinh Koran cũng có nhắc tới nguồn nước trường sinh.
[More]

Nói về tuổi hạc tuổi vàng

Vào khoảng đầu thế kỷ hai mươi, sống được tới tuổi 40, là các cụ ta đã mở tiệc ăn mừng “tứ tuần đại khánh”. Mà sống tới 70 tuổi thì cả là một sự hiếm có: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”.


Cho nên, chúc tụng nhau, ngoài sự giàu có, ruộng cả ao liền, con cái tốt lành “như tranh, như rối “, các cụ còn chúc nhau “Bách niên giai lão”. Với vua chúa, thì được kính chúc ” Thánh Thọ vô cương” hoặc ” Thọ tỷ Nam Sơn”.
[More]

Người Cao Tuổi Với Chăm Sóc Lâu Dài



Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC


Chuyện dân gian Nhật Bản, thế kỷ thứ XI kể rằng:


“Từ thuở xa xưa, dân chúng trong bộ lạc vẫn có một phong tục là phế bỏ người già khi họ tới tuổi 60.


Năm đo,ù có một lão nhân được hai đứa con khênh trên một cái ghế bành để mang lên bỏ trên ngọn núi hoang.


Dọc đường, cứ được một đoạn thì ông lão lại bẻ một cành cây. Hai anh con bèn hỏi bố: ” Tại sao bố phải bẻ cành cây như vậy? Bộ bố muốn đánh dấu đường về sau khi chúng con để bố trên núi hay sao”?. Ông già không trả lời mà chỉ lẩm bẩm ngâm: “Bẻ cành, ta giúp con ta; Thân già có thác cũng đà hy sinh”.
[More]

Chăm Sóc Cha Mẹ Già



Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC


Nhân ngày “Từ Phụ”, Lang tôi xin cùng quý thân hữu đi vào một vấn đề có tính cách gia đình. Vì nhìn gần xa, thấy các vị đàn anh và một số bạn đồng tuế đang từ từ vướng mắc. Và con cháu cũng rất ưu tư suy nghĩ.


Đang ngồi họp, Vân được cho hay có điện thoại khẩn cấp. Chị vội đứng lên, về phòng. Bà hàng xóm nơi mẹ Vân ở, cho hay bà cụ vừa được đưa vào nhà thương. Bà cụ té ngã. Vân vào cáo lỗi với ông chủ rồi xuống lấy xe lái vào bệnh viện.
[More]