Nền y học xưa của nước ta, Y Đức luôn được đặt lên hàng đầu đức tính của người thầy thuốc. Thông qua những lời dạy của các danh y như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Đình Chiểu.
Trong lời dạy cho học trò, danh y Lãn Ông nói: “Chữa bệnh cho người nghèo, nhất là con hiếu, vợ hiền, thời ngoài sự cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm, nếu họ không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật… Trong trường hợp bệnh không chữa được, người thầy thuốc không bao giờ được từ chối không giúp đỡ. Họ có bổn phận nói sự thật cho bệnh nhân, nhưng về phần họ, họ phải mang hết sức mình để tìm sự sống trong cái chết, cho tới lúc âm và dương thật sự mất hoàn toàn”.
“Tận tình cứu chữa coi người đau như mình đau, nếu cần thì ngày đêm đứng ở bên phải người bệnh”.
“Thầy thuốc phải coi trọng nghề nghiệp là một nhân thuật, chuyên bảo vệ mạng sống con người”.
“Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.
“Thầy thuốc phải làm cho bệnh nhân sống toàn diện, như thế mới có nhân thuật”.
“Nghề thuốc là nghề thanh cao nên thầy thuốc phải giữ khí tiết cho trong sạch, không được tâng bốc kẻ giàu sang để cầu lợi”.
“Thầy thuốc không được lợi dụng nghề nghiệp để lừa dối bệnh nhân”
“Thầy thuốc không được coi nghề nghiệp của mình như là nghề buôn bán”
“Thầy thuốc phải coi nghề nghiệp là đầu mối của đạo đức chân chính”.
“Thầy thuốc phải thành thật mới thu được kết quả”
“Thầy thuốc phải bào chế thuốc theo sách, theo phương, nhưng biết theo thời theo bệnh mà gia giảm”.
“Thầy thuốc phải biết biến hóa các kiến thức thâu nhận được, để nhập tâm và đem ra ứng dụng tùy trường hợp, như thế mới không phạm sai lầm”.
“Khi kê đơn thuốc, thầy thuốc phải cân nhắc, nếu lập phương thức mới cần phỏng theo kinh nghiệm của người xưa, không được kê bừa bãi”
“Thầy thuốc phải biết nhiệm vụ của mình là quan trọng như thế nào và không được chểnh mảng”.
“Thầy thuốc phải siêng năng, lúc nào cũng nghĩ đến giúp người, đừng vì vui chơi mà bỏ lỡ cấp cứu”.
“Thầy thuốc phải biết phân biệt bệnh nặng hay nhẹ, để sắp xếp thì giờ đi thăm bệnh trước sau”.
“Thầy thuốc không được ngại vất vả, dù có gian nan cũng vượt qua để cứu người”.
“Dù vất vả, phải dầm mưa dãi nắng, qua đèo vượt núi, đã là bệnh cấp cứu, thầy thuốc không được quản ngại”.
“Thầy thuốc không được phân biệt đối xử vì bệnh nhân giàu hay nghèo hèn; người giàu thì thăm trước người nghèo sau; người giàu bốc thuốc tốt, người nghèo bốc thuốc xấu”.
“Thầy thuốc không được chữa cho người sang thì sốt sắng, người nghèo thì lạnh nhạt, sống chết mặc bay”.
“Thầy thuốc gặp bệnh khó khăn, không nên vì giàu nghèo sang hèn mà thay lòng đổi dạ”.
“Thầy thuốc phải coi con hát, nhà thổ như con nhà tử tế và phải đối xử đúng đắn, không đùa cợt để khỏi mang tiếng bất chính tà dâm”.
“Thầy thuốc gặp người ăn mày đau cũng phải chữa và cho thuốc”.
“Thầy thuốc gặp người “cô quạnh mẹ cha”, hay đói khổ, phải giúp đỡ, nếu cần cho cả cơm áo”.
“Bổn phận của người thầy thuốc là cứu người, cứu người đui mù, người ngọng, mà không sợ ai chê cười”.
“Thầy thuốc không được mưu cầu quà cáp khi chữa khỏi bệnh, để tránh sự nể nang, hay sự khinh rẻ”.
“Thầy thuốc chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không được cầu lợi kể công”.
“Thầy thuốc không được dùng lối quỉ quyệt hành động bất lương; bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó chữa bảo là không chữa được”.
“Thầy thuốc không được lợi dụng bệnh ngặt nghèo mà đòi ăn của người”.
“Thầy thuốc không được bắt bớ bệnh nhân khi có bệnh nguy cấp”.
“Thầy thuốc phải cho bệnh nhân thuốc tốt, không được ham rẻ mà mua thuốc xấu”.
“Đối với đồng nghiệp giỏi thầy thuốc phải coi như bậc thầy”.
“Gặp đồng nghiệp kiêu ngạo thầy thuốc phải nhún nhường”.
“Đối với đồng nghiệp kém mình, thầy thuốc phải dìu dắt”.
“Thầy thuốc không được khoe khoang”.
“Thầy thuốc phải học cả người dưới mà không thẹn”.
“Trong trường hợp có bệnh nặng, thầy thuốc cần hỏi ý kiến bạn đồng nghiệp”.
[More]