Khoảng Cách Thế Hệ
-Sự khác nhau trong các quan niệm hoặc thiếu sự hiểu biết giữa lớp thanh niên và lớp người già.
– Khác biệt về tuổi tác;
-Khác biệt thế hệ, giữa những người sinh trưởng trong thời gian khác nhau rồi trưởng thành trong những điều kiện xã hội khác nhau.
Khoảng cách tạo ra những không giống nhau về tâm lý, hành động, và đối xử.
Nói ra thì nhiều, nhưng đi vào thực tế, phải công nhận là có một khoảng cách, những khác biệt nào đó giữa cha mẹ, con cái. Khác biệt về suy nghĩ, về hành động, về quan niệm sống, về cách diễn tả tình cảm, tâm trạng. Sông có khúc, người có lúc thì mỗi lứa tuổi cũng có đặc điểm, cá tính của mỗi thế hệ, mỗi lớp tuổi.
Không nên coi khác biệt đó là mâu thuẫn gây trở ngại cho sự hài hòa trong gia đình ngoài xã hội mà là một lẽ đương nhiên trong đời sống trong đó có già có trẻ. Tre già sát cánh măng non. Cũng như có âm thì có dương, có sáng thì có tối, có tốt và có xấu.
Chẳng nên tìm cách xóa bỏ cách biệt mà nên “biết người biết mình”, để hòa hợp chung sống.
Thích nghi, thỏa thuận với khác biệt của nhau, miễn là chúng không mang tính cách hủy hoại lẫn nhau.
Giúp nhau gọt rũa khác biệt cho ăn khớp với nhau dần dần.
Sẵn sàng lắng nghe nhau, phân tích dị biệt, thảo luận thẳng thắn rồi chấp nhận lẫn nhau.
Tóm lược những gì đã thông cảm, thỏa thuận thành đường lối chung cho cả gia đình.
Với các cháu, thì cũng nên nghĩ rằng đời sống con người là một cái vòng luẩn quẩn, một chu kỳ kín, như diễn tả của bác sĩ tâm lý Milton Greenblatt:
“Trước hết, chúng ta là con của cha mẹ
Rồi là cha mẹ của bầy con
Sau đó sẽ trở lại làm cha mẹ của cha mẹ
Cuối cùng là con của bầy con »
Lớn lên trong sự nuôi dưỡng của cha mẹ. Lập gia đình có con làm nhiệm vụ mẹ cha. Khi cha mẹ mình già chăm sóc các cụ. Để rồi khi mình già thì con chúng lại take care mình.
Như vậy cuộc đời cũng có nhiều ý nghĩa, phải không ạ ?
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức