SA BỌNG ĐÁI

Hỏi 


Cháu 42 tuổi bị bệnh
tiểu đường cách đây 4 năm. Bác sĩ nói cháu bị prolapse, nhưng không nói
prolapse tử cung  hay gì. Cháu tưởng mình
prolapse tử cung nhưng uống thuốc hoài không hết. Mới đây cháu đi khám về pap
smear thì bác sĩ nói cháu không bị prolapse tử cung mà là prolapsed bladder. Có
cách nào chữa khỏi không, xin bác sĩ chỉ giùm cháu.
 


 

Đáp 

Chào cô Ánh,

Thôi thì tôi cứ coi như
cô bị prolapsed bladder đi và xin trả lời vào bệnh này.

 

Sa bọng đái là trường hợp
trong đó bọng đái rớt vào dạ con, vì các cơ bắp nâng đỡ bọng đái bị yếu. Bọng
đái sa xảy ra khi áp suất trong ổ bụng tăng như là khi quý bà rặn đẻ, khi người
bị táo bón phải ngồi rặn để đi cầu hoặc là khi ho quá mạnh, nâng nhấc vật quá nặng.
Bệnh nhân cảm thấy như bụng dưới của mình hơi cộm cộm và nếu bọng đái sa quá
sâu xuống âm hộ, có thể lòi ra ngoài và khi ngồi họ có cảm giác như ngồi trên một
quả trứng. Bọng đái lúc nào cũng như đầy nước tiểu, có thể dễ bị nhiễm trùng và
đau khi đi tiểu.

 

Trường hợp sa nhẹ thì cứ
để theo dõi. Nặng hơn thì bác sĩ có thể đặt một cái vòng gọi là Pessary vào
trong dạ con để đỡ bọng đái lên. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân cách lấy
vòng ra để rửa rồi lại đặt vào và làm vài lần là quen đi.

 

Ngoài ra bệnh nhân cũng
có thể được bác sĩ hướng dẫn cách tập để làm các bắp thịt hốc xương chậu mạnh
hơn và như vậy có thể nâng dạ con, bọng đái và ruột. Đó là phương pháp tập Kegel,
như sau:

 

Bệnh nhân nhín co các bắp
thịt mà thường ta sử dụng để nín đái. Co giữ khoảng 5 giây, nhả ra thư giãn 5
giây rồi lặp lại mươi lần. Sau đó tăng lên mười giây. Ngày tập dăm lần, kết quả
rất khả quan.

 

Bác sĩ cũng có thể cho
dùng estrogen để giúp cơ vùng xương chậu mạnh hơn.

 

Nếu các phương thức
trên không mang lại kết quả thì có thể giải phẫu để nâng các bộ phận nâng đỡ bọng
đái, dạ con, giảm sa tử cung và bọng đái.

 

Đây chỉ là góp ý để cô
có thêm hiểu biết về hoàn cảnh của mình chứ không phải để chữa bệnh. Cô cần hợp
tác với bác sĩ để tìm ra phương thức điều trị thích hợp.

 

Trong khi chờ đợi, nên
tránh táo bón để khỏi rặn khi đi cầu, tránh nâng nhấc các vật nặng; chữa bệnh
ho để tránh ho sù sụ, giảm vài cân nếu quá ký và thư giãn yêu đời.

 

Còn bệnh tiểu đường thì
tiếp tục dùng thuốc hạ đường huyết mà bác sĩ đã cho, đồng thời giữ gìn ăn uống
và năng vận động cơ thể.

 

 



Comments are closed