Thưa Ông,
Xin cảm ơn ông đã dành nhiều cảm tình cho khoahocnet cũng như các bài viết của anh chị em chúng tôi. Thực ra, chúng tôi không phải là những “chuyên gia”như ông nói, mà chỉ góp nhặt những kiến thức sẵn có của nhân loại, sắp xếp lại cho gọn gàng rồi chuyển tới quý vị không có thì giờ tìm kiếm.
Những câu hỏi mà ông nêu ra cũng là thắc mắc chung của nhiều người và cần các nhà chuyên môn về y tế, dinh dưỡng, về miễn dịch học, về sinh hóa học… giải thích. Trong khi chờ đợi các thân hữu đó của khoahocnet lên tiếng, chúng tôi xin có mấy góp ý như sau.
1-Dị ứng là một rối loạn trong đó cơ thể phản ứng một cách quá đáng với một chất thường thì không có hại. Phản ứng này liên can tới hệ miễn dịch, một cơ chế có vai trò bảo vệ cơ thể khi có sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc chất lạ. Sự bảo vệ được thực hiện qua một loại chất đạm đặc biệt do các tế bào riêng của hệ miễn dịch sản xuất khi có chất lạ vào cơ thể lần đầu. Đó là kháng thể IgE. IgE bám vào các dưỡng bào (mast cell), một loại tế bào lớn nằm trong các mô liên kết ở da, hệ tiêu hóa, trong mũi…và bám vào các lympho bào của máu. Sau này, nếu cùng chất lạ đó xâm nhập cơ thể thì IgE này nhận diện ra đây là quân gian đã từng tới, IgE kích thích các tế bào lớn và lympho bào phóng thích vài hóa chất (histamine là chất chính) để chống cự. Nhưng, một điều đáng buồn xảy ra là chính các chất này (histamine) lại gây ra các triệu chứng khó chịu như ngứa ngáy, sổ mũi, hắt hơi…Và người đó được coi là dị ứng với chất đó.
Cần phân biệt dị ứng với bất dung (intolerance). Đây là khi cơ thể không dung nạp được một chất nào đó và trong diễn biến này không có sự can thiệp của hệ miễn dịch, không có IgE. Thí dụ nhiều người không uống được sữa bò vì không có enzyme lactase để tiêu hóa đường lactose trong sữa, cho nên uống sữa vào là bị tiêu chẩy, đầy bụng.
Bây giờ xin trở lại với câu hỏi của ông về: nếu dị ứng với thức ăn thì phải kiêng cữ bao lâu? Ý kiến chung là: phải tuyệt đối kiêng cữ cho tới khi nào hết dị ứng, nhờ điều trị. ” Tránh voi chẳng xấu mặt nào” ông ạ. Món ăn đó đã gây khó khăn cho mình thì tránh nó đi, đừng tơ hào tới nó, dù là một tí, đôi khi chỉ ngửi cũng có vấn đề đấy. “Bệnh tùng khẩu nhập” mà. Kháng thể IgE với món ăn đó (đúng hơn là một chất nào trong món ăn) sản xuất lần đầu khi mới chạm chán, sẽ mai phục trong cơ thể mãi mãi, nhiều ít tùy người tùy tuổi tùy giống tính. Rồi sau này cứ thấy chất đó tái xuất hiện là nó bao vây.
2-Dùng thuốc điều trị Dị ứng với dị nguyên hô hấp (mạt nhà, nấm mốc): gọi là điều trị thuốc khi có dị ứng nhưng thực ra là thuốc chỉ có mục đích làm giảm các dấu hiệu triệu chứng do histamine và đồng bọn gây ra (sổ mũi, ngứa, mần da, ói mửa…) chứ không ” điều trị” nấm, mạt. Mốc mạt vẫn lởn vởn đâu đó, chỉ chờ cơ hội thuận tiện là tái xâm nhập cơ thể, NẾU ta không loại trừ, xa lánh chúng. Liệu pháp miễn dịch có thể là giải đáp cho vấn đề.
3-Ngày xưa, các cụ ta nuôi con cháu chỉ với sữa mẹ và “mớm cơm” mà con vẫn lớn như thổi khỏe mạnh. Sữa bò cũng tốt nhưng không thể so sánh với sữa mẹ, Ngày nay, đã có những formula (sản phẩm đặc chế dinh dưỡng) cho trẻ em, cho nên có thể dùng để thay thế cho sữa bò, nếu bị dị ứng. Nếu không dị ứng với sữa đậu nành thì dùng sữa thực vật này. Sữa đậu nành tuy không đầy đủ chất dinh dưỡng như sữa bò, nhưng chấp nhận được. Không nên dùng sữa đậu nành cho trẻ em sanh thiếu tháng hoặc trước 6 tháng tuổi.
4-Dị ứng thuốc và dị ứng con mạt nhà: thường thường thuốc là hóa chất do tổng hợp còn mạt nhà là sinh vật. Sinh vật này chứa một chất nào đó có thể gây dị ứng khi sinh vật đốt cắn người. Theo chúng tôi, hai sự việc không giống nhau và không liên can tới nhau. Một đằng con người tình nguyện dùng một thuốc nào đó với mục đích chữa lành một bệnh rồi bị dị ứng với thuốc đó. Cỏn đằng kia là con mạt nó vô cớ cắn người, nhả chất độc gây phản ứng ở một số người.
Liệu pháp miễn dịch là phương thức trị liệu có mục đích làm giảm phản ứng khác biệt của cơ thể với một kháng nguyên nào đó. Trị liệu có hiệu quả tốt với dị nguyên cỏ, phấn hoa, bụi mạt, lông chó mèo, nọc độc sâu bọ; ít công hiệu với nấm mốc và ít được dùng trong dị ứng thực phẩm. Người bệnh được chích một dung dịch rất loãng chất gây dị ứng, nồng độ tăng dần, để cơ thể quen với kháng nguyên đó, tới một lúc đôi bên “thân mật, thương yêu nhau” thì không còn lục đục gây gổ đánh nhau. Và khi đó cơ thể tha hồ tiêu thụ, tiếp xúc với chất đó.
5-Đúng như ông nói, dị ứng thuốc ngày càng tăng vì càng ngày càng nhiều thuốc được sản xuất. Mà thuốc cũng chỉ là những hóa chất do tổng hợp mà ra, rất xa lạ đối với cơ thể. Đôi bên gặp nhau thì thế vào cũng có chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” đối với một số người.
Có ý kiến cho rằng, dị ứng là căn bệnh của thời đại văn minh tiến bộ. Ngày xưa các cụ ta ăn uống “vô tư”, nhà cửa giản dị, chẳng cần máy lạnh máy nóng, làm vườn làm ruộng quanh năm mà chả thấy cụ nào than phiền bị dị ứng đâu nhỉ. Hay là các cụ sợ mắc cỡ, nên không nói ra.
Như đã nói ở trên, chẳng may bị dị ứng, phương thức hữu hiệu nhất là tránh xa nó, có khi suốt đời, như là kẻ thù không đội trời chung vậy. Ngày nay thiếu gì thuốc cùng công dụng có thể thay thế với thuốc đã gây dị ứng. Dị ứng thuốc thường thấy nhất là với kháng sinh Penicillin và khi nào cần thuốc này lắm, có thể áp dụng phương pháp giảm cảm thụ desensitization: tiếp cho bệnh nhân một lượng nhò thuốc rồi tăng dần. Phương pháp cần các nhà chuyên môn thực hiện theo dõi, vì chỉ một chút síu Penicillin cũng có thể gây dị ứng chết người.
Theo chúng tôi biết, kết quả điều trị miễn dịch liệu pháp căn cứ vào kết quả lâm sàng, như ông nói.
6-Một số ký sinh trùng như giun xoắn trichinosis, sán dây.. cũng có chất gây dị ứng trong cơ thể của chúng và cũng cho các dấu hiệu ngứa ngáy, nổi mề đay ở bệnh nhân.
7-Mề đay là các dấu hiệu trên da trong dị ứng do các chất như histamine gây ra. Khi bị mề đay, ta uống thuốc chống histamine (anti-Histamine), để giảm tác dụng của chất này và các dấu hiệu hết dần, chứ không tồn tại suốt đời.
Hy vọng những góp ý trên đây đáp ứng được yêu cầu của ông. Chúng tôi nghĩ rằng các anh chị em trong ban biên tập khoahocnet cũng sẽ góp ý thêm về các thắc mắc của ông. Nếu cần thêm thông tin gì xin ông cứ cho biết, chúng tôi sẽ cố gắng giải đáp.
Chúc ông và gia đình VUI MẠNH
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức– Hoa Kỳ