Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Bình phục sau Tâm bệnh

Liệu một trong những hoàn cảnh sau đây có làm cho quý vị cảm thấy khó chịu, khổ sở hoặc có gây trở ngại cho các sinh hoạt hàng ngày của mình?

Nếu CÓ, xin đánh dấu:

-Có cảm tưởng như cuộc đời trở nên tuyệt vọng và mình trở thành một người vô dụng đối với gia đình và xã hội.

-Có bao giờ có ý định muốn chấm dứt sự sống

-Có bao giờ luôn luôn nghĩ mình là người có tài, lừng danh khắp nơi, có thể làm bất cứ công việc nào.

-Luôn luôn cảm thấy lo sợ, hoang mang.

-Sợ hãi mọi thứ, không dám bước ra khỏi nhà

-Cảm thấy như một tai họa nào đó sắp xẩy ra cho mình

-Cảm thấy luôn luôn nóng nẩy, bực bội

-Không kiểm soát được hành vi của mình

-Bồn chồn, đứng ngồi không yên

-Làm đi làm lại một động tác, như rửa tay liên tục, kiểm soát khóa cửa nhiều lần

-Hành động bất cẩn như là mùa hè mặc áo bông, mùa lạnh mặc áo lót, quần cụt đi ra đường

-Có ý nghĩ hoang tưởng như nghe thấy radio, TV nói với chuyện với mình hoặc đèn báo động ở nơi công cộng đang chụp hình mình
-Lặp đi lặp lại những lời nói không có ý nghĩa

-Nghe như có tiếng nói phát ra từ trong đầu mình

-Nhìn thấy sự vật mà mình biết là không có thực

-Cảm thấy như xa lạ, lạc lõng với xã hội

-Cảm thấy như người không hồn

-Khó khăn để hết tâm trí vào công việc

-Kém suy nghĩ, tập trung, hiểu biết các vấn đề xẩy ra chung quanh

-Không quyết định được mình muốn gì, làm gì…

Nếu trả lời CÓ cho câu hỏi đầu tiên hoặc đánh dấu vào bất cứ câu hỏi nào trên đây, thì tập sách nhỏ bé này rất thích hợp với quý vị, vì nó giúp quý vị quyết định phải làm gì để cảm thấy dễ chịu hơn.


Vài điều lưu ý

Trước hết, xin nhớ rằng quý vị không phải là người duy nhất ở trong hoàn cảnh như vậy, vì có rất nhiều người khác đôi khi cũng có cùng tâm trạng.
Khi mang tâm bệnh thì nhiều người vươn ra tìm sự giúp đỡ, điều trị tại các trung tâm tư vấn tâm thần.
Một số người giữ im lặng, chẳng kể cho ai nghe. Họ e ngại người khác không những không hiểu khó khăn của mình mà lại còn trách móc, chê bai là bị “tâm thần”
Một vài người thổ lộ khó khăn với thân nhân, bạn bè, người làm cùng sở.
Dù thế nào chăng nữa, các cảm giác bất thường kể trên cũng ảnh hưởng tới đời sống, đến công việc làm của mình và gây trở ngại cho sự an vui gia đình của mình.
Khi quý vị muốn “làm một việc gì đó” để đời sống thoải mái và trở lại bình thường, xin lưu ý tới mấy điểm quan trọng sau đây:

1-Quý vị sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn vì các dấu hiệu kể trên thường thường chỉ là tạm thời. Có nhiều cách mà mình có thể làm để gạt bỏ những cảm giác đó. Ta sẽ được sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, các nhà chuyên môn y tế, xã hội…

2-Thời gian tốt nhất để giải quyết các khó khăn đó là “ngay bây giờ”, trước khi quá trễ.

3-Quý vị không có lỗi, vì những cảm giác đó không do mình gây ra. Quý vị là người đáng kính trọng như mọi người khác.

4-Khi gặp những khó khăn như vậy, ta có thể không đủ sáng suốt để suy nghĩ, hành động. Cho nên, đừng quyết định việc lớn, như xin việc, đổi việc, ly thân…mà đợi tới khi nào tình trạng khá hơn.
Nếu cần quyết định việc hệ trọng, như là đi chữa trị, hãy hỏi ý kiến bạn bè, thân nhân, bác sĩ hoặc nhân viên y tế khác.

5-Dành thì giờ với người mà mình tin tưởng và họ cũng hiểu rõ về mình. Làm bạn với người có thái độ tích cực, hay giúp đỡ. Xa lánh người đối xử không tốt với mình.

6-Hãy lắng nghe lời nhận xét, quan tâm của chuyên gia y tế, gia đình, bạn bè. Họ là những người muốn giúp mình bình phục.

7-Các cảm giác khó khăn về tinh thần không lấy đi những quyền hạn cá nhân căn bản. Mình vẫn có quyền:
-đòi hỏi nhu cầu, nói có hoặc không và thay đổi ý kiến
-phạm lỗi lầm nhỏ nhặt
-diễn tả tất cả các cảm nghĩ tích cực hoặc tiêu cực với tinh thần trách nhiệm
-sợ hãi, nghi ngờ
-xác định điều gì quan hệ đối với mình và tự mình quyết định dựa trên nhu cầu, ý muốn của mình
-được đối xử đàng hoàng, xứng đáng, tình cảm.
-có bạn bè theo lựa chọn riêng
-được sống bình an
-biết tác dụng không muốn của dược phẩm và các phương thức trị bệnh
-từ chối thuốc men, điều trị mà mình thấy không chấp nhận được.
-Tham khảo ý kiến thứ hai về bệnh tật của mình
-Thay đổi các nhà chuyên môn trị bệnh. Ðiếu này có thể bị giới hạn, tùy theo bảo hiểm sức khỏe.
-Có người đi cùng khi khám bệnh hoặc tư vấn.

8-Nếu có người nói với quý vị rằng những điều sau đây là sai, xin đừng nghe họ. Vì đây là những điều thường thấy và là bản chất của con người:
-Giận dữ khi bị khiêu khích
-Diễn ta cảm xúc một cách tự nhiên, khi vui cũng như khi buồn
-Quên sự việc này sự việc kia
-Ðôi khi cảm thấy mệt mỏi và thất vọng
-Muốn tự quyết định về trị liệu…

9-Quý vị là người chịu trách nhiệm về thái độ và sự bình phục của mình. Qúy vị có quyền đòi hỏi sự giúp đỡ tùy theo nhu cầu của mình, nhưng quý vị mới là người quyết định tối hậu đấy.

Những điều cần làm khi có dấu hiệu trầm trọng

Nếu các dấu hiệu tâm thần trầm trọng đến nỗi quý vị luôn luôn cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng, hết chịu đựng nổi hoặc có bất cứ điều nào sau đây, thì cần hành động ngay:

-Cảm thấy như cuộc đời không còn gì để đáng sống

-Luôn nghĩ đến chết chóc, có ý định quyên sinh hoặc đã có kế hoạch để tự hủy hoại.

-Làm nhiều điều nguy hiểm có thể gây tổn thương cho mình và cho người khác.

-Có cảm giác như muốn gây thương tích cho chính mình hoặc người khác, muốn đập phá sự vật hoặc gây ra tội ác.

Sau đây là các điều cần làm tức thì:

-Lấy một cái hẹn với bác sĩ gia đình hoặc nhân viên y tế hoặc trung tâm tư vấn tâm thần. Nếu thấy có dấu hiệu hiểm nguy cho bản thân hoặc người khác, yêu cầu được chăm sóc điều trị ngay. Nếu bệnh quá nặng, quý vị có thể nhờ người nhà làm thay. Nếu đang uống thuốc và thấy công hiệu, hỏi bác sĩ coi có nên tăng thuốc.

-Yêu cầu bạn bè hoặc người nhà thay phiên ở với mình cho tới khi cảm thấy khá hơn.
-Làm những công việc mà trước đây quý vị vẫn thích thú, như đọc tiểu thuyết, coi phim, chơi với súc vật…

Tham khảo với bác sĩ gia đình

Nếu có thể được, quý vị nên đến bác sĩ gia đình để được khám nghiệm, coi xem các dấu hiệu tâm thần đó có phải là do bệnh thể chất gây ra, như bệnh tiểu đường, cường tuyến giáp…
Bác sĩ gia đình cũng có thể giới thiệu mình tới các dịch vụ có lợi cho việc điều trị bệnh của mình.
Khi tới phòng mạch của bác sĩ, nên:

-Ði cùng với một người bạn, để người này có thể ghi nhớ lời căn dặn của bác sĩ.
-Mang theo tất cả các loại thuốc đang dùng để bác sĩ coi xem nên tiếp tục hoặc ngưng thuốc nào.
-Ghi tất cả dấu hiệu bệnh, các thay đổi cảm xúc, các khó khăn trong đời sống hàng ngày.
Các dữ kiện này sẽ giúp bác sĩ sẽ dễ dàng hơn trong việc điều trị chăm sóc cho mình

Quyền được chăm sóc sức khỏe

Bác sĩ và chuyên viên y tế là những người đã được huấn luyện, học hỏi và có kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe.
Ðối với quý vị, cũng như với các bệnh nhân khác, họ phải:
-chú ý nghe tất cả những gì bệnh nhân kể và trả lời mọi câu hỏi của bệnh nhân.
-tìm phương thức trị liệu tùy theo nhu cầu của người bệnh.
-hướng dẫn để bệnh nhân có thể tự chăm sóc
-nắm vững và sẵn sàng áp dụng các phương thức khác nhau để điều trị bệnh.
-sẵn sàng tham khảo ý kiến với các nhà chuyên môn y tế khác, với thân nhân bạn bè về bệnh tình của mình, nếu bệnh nhân muốn.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có quyền:

-Tự mình quyết định phương thức trị liệu thích hợp và không thích hợp với mình.

-Lấy ý kiến thứ hai từ một bác sĩ khác mà không bị làm khó dễ.

-Thay đổi bác sĩ, nhưng cũng coi xem bảo hiểm có đồng ý không.

-Có người ở bên cạnh khi gặp bác sĩ hoặc chuyên viên tư vấn tâm lý.

Sử dụng dược phẩm

Bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng một vài loại dược phẩm. Dùng hay không là tùy mình. Nhưng trước khi quyết định, ta nên tìm hiểu từ bác sĩ, dược sĩ hoặc trong sách về các thuốc đó:

-Thuốc có tên khác không?

-Liều lượng thường dùng là bao nhiêu?

-Tác dụng của thuốc ra sao?

-Bao lâu sau khi dùng bắt đầu thấy tác dụng?

-Tác dụng ngoại ý của thuốc như thế nào?

-Có cách nào giảm thiểu tác dụng phụ này không?

-Có cần kiêng cữ hoặc giới hạn sinh hoạt nào khi dùng thuốc này không? Chẳng hạn như lái xe, không ăn thực phẩm nào đó…

-Có phải thử nghiệm để đo nồng độ thuốc trong máu không?

-Nếu có thì thử khi nào: trước hoặc trong khi dùng thuốc?

-Có cách nào để mình biết liều kượng thuốc cần thay đổi hoặc cần ngưng?
-Thuốc có đắt không? Có thuốc nào rẻ hơn không? Có chương chương trình trợ cấp về thuốc không?

-Có thể dùng thuốc với tên chung không?

-Có thể dùng chung với dược thảo hoặc các thuốc mua tự do khác?
Nếu vì rối loạn trầm trọng, quý vị không nắm vững cách dùng thuốc thì nên nhờ người nhà hoặc bạn bè ghi nhận và góp ý với quý vị coi có nên dùng hay không.
Ngoài ra cũng nên cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích của thuốc, và có nên dùng thử một thời gian.
Nếu đã quyết định dùng và nếu muốn có kết quả tốt, mình cần phải:
-dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ.
-nói cho bác sĩ hay tất cả tác dụng phụ của thuốc và ý kiến của bác sĩ về những tác dụng này.
-cho bác sĩ hay mỗi khi mình không dùng thuốc và cho biết lý do để bác sĩ hướng dẫn cần phải làm gì. Không bao giờ uống gấp đôi liều lượng, sau khi quên uống.
-tránh uống rượu, dùng thuốc cấm trong khi điều trị bệnh bằng dược phẩm.
-để ý tới các yếu tố trong đời sống mà thuốc men không chữa được như căng thẳng, sáo trộn đời sống, dinh dưỡng sai, không vận động cơ thể, thiếu ngủ nghỉ…Cần dần dần giải quyết các khó khăn này.

Một số phương thức giúp mình thoải mái.

Sau đây là một số phương án giản dị, an toàn, không tốn tiền có thể giúp mình cảm thấy thoải mái hơn:

-Hãy kể cho bạn bè hoặc thân nhân mà mình tin tưởng về tâm trạng của mình. Tâm sự với người có cùng khó khăn giúp ta rất nhiều vì người đó sẽ hiểu mình hơn.
Trước hết, hãy hỏi xem họ có thì giờ để nghe chuyện riêng của mình mà không ngắt lời, bình phẩm, khuyên nhủ. Nói với họ là sau khi kể hết bầu tâm sự thì mình muốn cùng họ thảo luận đề tìm cách giúp giải quyết khó khăn.
-Nếu có chuyên viên tư vấn tâm lý hợp ý với mình, ta có thể nói rõ tâm trạng và xin người đó góp ý kiến và giúp đỡ.

-Dành thì giờ với những người bạn mang lại niềm vui cho mình và tránh những người có thể làm điều xấu với mình. Nếu bị hành hung, lạm dụng, hãy la to cầu cứu.

– Nhờ thân nhân hoặc bạn bè làm đỡ một phần công việc giúp minh mấy ngày để mình có thì giờ giải quyết khó khăn.

-Dành ít nhất nửa giờ mỗi ngày để vận động cơ thể.

-Ăn uống hợp lý, cân bằng. Giới hạn đường, muối, rượu, nước uống có nhiều caffeine.

-Mỗi ngày làm một công việc mà mình cảm trhấy thích thú, như làm vườn, đọc sách báo, thăm bạn bè, làm việc bác ái…

-Hãy thư giãn nhiều lần trong ngày để tâm hồn được thoải mái, an lạc.
-Nếu có rối loạn giấc ngủ, nên:
a) nghe nhạc êm dịu sau khi vào giường;
b) uống một ly sữa ấm;
c) tránh uống rượu. Rượu có thể giúp ngủ ngay nhưng lại khiến ta thức dậy sớm.
d) đừng dậy trễ, ngủ trưa.
d) trước khi đi ngủ, không nên ăn quá no, tránh vận động quá sức và nên tắm với nước nóng…

-Giản dị hóa nếp sống, làm điều gì thật cần thiết
-Nếu thấy việc làm không cần thiết, thẳng thắn từ chối, nhưng đừng chốn tránh trách nhiệm.

-Chuyển thái độ, ý nghĩ tiêu cực ra tích cực: thua thành thắng, buồn thành vui, tuyệt vọng thành đầy hứa hẹn…


Ðiều cần làm khi thấy khá hơn

Khi đã cảm thấy bình phục, hãy ghi nhớ những điều đã làm để duy trì sức khỏe tốt. Chẳng hạn như:

1-Nhắc nhở những điếu cần làm mỗi ngày như tập thể thao, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng…

2-Nhắc nhở những việc không cần làm mỗi ngày nhưng nếu thiếu chúng, quý vị sẽ cảm thấy khó chịu như là mua thực phẩm, trả tiền điện, tắm rửa…

3-Nhắc nhở những hoàn cảnh khiến cho căn bệnh trở nên trầm trọng, như gây lộn với thân nhân, bạn bè, bác sĩ…Rồi ghi lại việc làm nào đã giúp mình giải trừ được các căng thẳng đò.

4-Ghi nhận những dấu hiệu báo động tình trạng xấu như là cảm thấy mệt mỏi, ngủ li bì, ăn quá nhiều, hành vi bất thường. Rồi ghi rõ bằng cách nào để giải tỏa các khó khăn đó.


Trên đây chỉ là những góp ý. Không nên cố gắng thực hiện tất cả những gợi ý này một lúc, mà nên làm dần dần theo kế hoạch.
Mỗi khi giải quyết được một khó khăn, ta sẽ cảm thấy thoải mái, cuộc đời đáng sống hơn.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức

Comments are closed