Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Kế Hoạch Phòng Tránh và Phục Hồi Tâm Bệnh

Sau đây là một số gợi ý để hoàn tất kế hoạch này.

1-Danh sách những điều làm cho mình thoải mái.

Trong danh sách này, quý vị ghi lại tất cà các điều phải làm để cảm thấy mạnh khỏe trong khi bị bệnh.
Thí dụ:
-Ăn ba bữa cơm hợp lý mỗi ngày
-Uống nhiều nước
-Mỗi tối đi ngủ lúc 10 giờ
-Làm điều mà mình thích như coi TV, đọc sách, vẽ…
-Vận động cơ thể 30 phút mỗi ngày
-Nói chuyện với bạn bè qua điện thoại
-Viết thư cho bạn
-Uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ
-Uống thêm sinh tố, khoáng chất
Quý vị có thể bổ túc nhiều điều khác vào danh sách này.

2-Chương trình hành động mỗi ngày

Trên một tờ giấy, ghi mấy điều sau đây:
a-Cảm thấy dễ chịu: ghi lại những cảm giác tích cực như tinh thần phấn khởi, vui miệng nói nhiều, đầy sinh lực, có óc hài hước..
b-Mục đích và ước mơ: ghi lại những gì mình muốn và phương thức để đạt được ước mơ này.
c-Ðiều phải làm mỗi ngày để được khỏe mạnh, bình an. Thí dụ như:
-Phải ăn ba bữa cơm mỗi ngày với đầy đủ chất dinh dưỡng, rau trái cây, ít chất béo, đường muối..
-Uống ít nhất 6 ly nước mỗi ngày
-Tiếp cận với ánh nắng mặt trời ít nhất là 15 phút
-Uống bổ sung sinh tố khoáng chất
-Thư giãn cơ thể 20 phút
-Dành 30 phút để làm điều mình thích
-Tự kiểm soát coi xem hôm nay mình cảm thấy có bình an, khỏe mạnh không
-Tới sở làm việc nếu là ngày đi làm.
Trên đây là các điều PHẢI làm.

Trên một tờ giấy khác, ghi các điều NÊN làm để cảm thấy thoải mái. Ghi như vậy để lâu lâu mình coi lại và sẽ không quên:
-Lấy hẹn với bác sĩ hoặc chuyên viên tư vấn
-Gặp gỡ bạn bè, thân nhân
-Nói chuyện với người cùng cảnh ngộ
-Làm công việc lặt vặt trong nhà
-Mua thực phẩm
-Giặt quần áo
-Ngồi thư giãn một mình
-Viết thư cho bạn
-Tham dự nhóm hỗ trợ của người cùng cảnh ngộ.

Ta có thể coi lại danh sách này. Gạch bỏ việc làm không giúp ích và bổ túc điều có lợi cho sức khỏe của mình.

3-Ðiều gây ra khó khăn

Trong danh sách này, ghi hết những sự kiện có thể làm mình khó chịu. Thí dụ:
-Ngày mà người thân yêu vĩnh biệt ra đi
-Nhận được tin dữ
-Gia đình có chuyện đụng độ, bất hòa
-Chấm dứt một quan hệ bạn bè
-Sống cô đơn quá lâu
-Bị người khác ngộ nhận, chỉ trích, hạ nhân phẩm
-Có khó khăn về tài chánh
-Bệnh hoạn
-Bị quấy nhiễu tình dục
-Khó chịu vì hàng xóm ồn ào…
-Bị la mắng vô cớ

Trên một trang giấy khác, ghi những điều mà mình đã áp dụng để không cảm thấy khó chịu. Chẳng hạn như:
-Ðạp một vòng xe đạp
-Ði bộ quanh nhà
– Ra ngoài trời hít thở không khí trong sạch
-Nghe âm nhạc
– Cầu nguyện…

4-Những dấu hiệu báo trước

Trên một tờ giấy, ghi lại những dấu hiệu báo trước là mình cảm thấy khó chịu vì một sự kiện nào đó. Ðồng thời cũng ghi rõ mình đã làm gì để hóa giải chúng.
Các dấu hiệu đó có thể là:
-Lo âu
-Bồn chồn
-Hay quên
-Không có nhiệt tình
-Không vui thích với mọi sự việc
-Cảm thấy trở nên chậm chạp hoặc hấp tấp vội vàng
-Tránh gặp mọi người
-Suy nghĩ lung tung
-Trở nên thụ động, tiêu cực
-Không giữ hẹn với bác sĩ
-Thay đổi khẩu vị
-Thấy bứt rứt trong lòng…
Khi thấy các dấu hiệu này, mình phải đối phó ngay khi còn sáng suốt để làm.

Trên một tờ giấy khác, ghi những điều mình áp dụng để đối phó với các dấu hiệu đó.
Như là:
-Áp dụng các điều đã ghi trong “Chương trình hành động mỗi ngày”
-Cho chuyên viên tư vấn biết và xin giúp đỡ
-Tập thư giãn tâm trí trong 10 phút, ba lần một ngày
-Làm một việc mình ưa thích
-Ðọc một cuốn sách hay
-Tham khảo ý kiến với bác sĩ hoặc chuyên viên tư vấn
-Khiêu vũ hoặc ca hát, đi câu

5-Khi mọi việc trở nên trầm trọng

Mặc dù với mọi cố gắng, các triệu chứng bệnh có thể trở nên trầm trọng, đôi khi nguy hiểm thì ta phải hành động ngay để chặn đứng hậu quả tai hại.
Dấu hiệu trầm trọng có thể là:
-Cảm thấy rất nhậy cảm và yếu ớt
-Ðáp ứng một cách bất thường, vô lý với hoàn cảnh hoặc hành động của người khác
-Không ngủ được hoặc ngủ li bì
-Biếng ăn uống hoặc ăn quá nhiều
-Hoàn toàn muốn sống một mình
-Lạm dụng rượu, thuốc cấm
-Hút thuốc lá liên tục

Trên một tờ giấy khác, ghi rõ những việc phải làm để tránh tình trạng khẩn cấp.
Thí dụ:
-Thông báo cho bác sĩ hoặc chuyên viên tư vấn và làm theo hướng dẫn của họ
-Ðiện thoại cho người vẫn hỗ trợ mình và kể hết sự tình
-Dàn xếp để có người ở với mình cho tới khi bệnh thuyên giảm
-Sắp xếp để có sự giúp đỡ ngay nếu mọi chuyện trở nên trầm trọng
-Coi lại xem mình đã làm những điều ghi trong bản “việc cần làm hàng ngày”
-Sắp xếp để tạm nghỉ việc ít nhất ba ngày
-Cần có it nhất hai lần gặp chuyên viên tư vấn
-Lấy hẹn đi khám sức khỏe tổng quát
-Kiểm soát dược phẩm đang uống
Luôn luôn coi lại xem kế hoạch của mình có hữu hiệu hoặc thiếu sót và thay đổi bổ túc nếu cần.

6-Chương trình cấp cứu
Nhận diện và đáp ứng với các dấu hiệu báo trước sẽ giúp ta giảm rủi ro rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Ðiều rất quan trọng là ta phải đối phó với mọi khó khăn vì dù có kế hoạch đầy đủ, đôi khi mình cũng cần người khác hành động hộ khi mình rơi vào tình trạng không tự kiểm soát được.
Cần phải có một kế hoạch cấp cứu trong đó ghi rõ điều mình muốn người khác làm khi mình bất lực. Kế hoạch này sẽ giúp thân nhân, bạn bè biết phải làm gì để giúp mình. Cần hoàn tất kế hoạch khi trong người còn tỉnh táo, khỏe mạnh.
Nên nhớ kế hoạch này là để cho người khác áp dụng thay cho mình. Kế hoạch phải được viết rõ ràng, dễ hiểu và dễ đọc. Xin cứ từ từ thảo kế hoạch cho chu đáo.
Kế hoạch gồm có 9 tiết mục:

1-Cảm thấy khỏe mạnh.
Ghi rõ tâm trạng mình khi khỏe mạnh. Quý vị có thể lấy các tâm trạng này trong danh sách “Việc làm hàng ngày”. Các dữ kiện này rất quan trọng vì chúng sẽ giúp mọi người hiểu rõ khi mình khỏe mạnh thì cảm nghĩ của quý vị ra sao.

2-Các dấu hiệu
Ghi lại các dấu hiệu để mọi người biết là mình không tự quyết định được và cần người khác hành động thay cho mình.
Ðây là một việc làm rất khó khăn, vì không ai muốn nghĩ tới việc phải nhờ người khác hành động thay cho mình. Nhưng thực tế cho thấy có nhiều trường hợp như vậy đã xẩy ra.
Các dấu hiệu có thể là:
-Không nhận biết bạn bè, thân nhân
-Không hiểu biết điều người khác nói
-Nghĩ mình là người khác
-Cho rằng có thể làm một việc nào đó mà thực ra mình không làm được
-Có hành vị tự hủy hoại, hung dữ, đập phá
-Lạm dụng rượu, thuốc cấm
-Không tự chăm sóc vệ sinh cá nhân
-Không nấu nướng hoặc dọn dẹp nhà cửa
-Bỏ ăn uống
-Nằm li bì trên giường

3-Danh sách những người thay mặt

Ðây là những người mà ta muốn họ thay mặt để quyết định việc chữa trị, chăm sóc khi mình không quyết định được.
Nên lựa ít nhất ba người. Họ có thể là thân nhân, bạn bè hoặc người cung cấp dịch vụ y tế và họ cũng tỏ ý sẵn sàng lãnh trách nhiệm.
Cũng có thể ghi tên những người mà mình không muốn thay thế.
Ngoài ra, cũng nên ghi rõ, khi có bất đồng ý kiến thì đa số sẽ quyết định.
Ðôi khi mình có thể yêu cầu cơ quan pháp lý góp ý kiến.

4-Danh sách bác sĩ, người chăm sóc và dược phẩm đang dùng.

-Tên, địa chỉ, số điện thoại các bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, nhân viên điều trị.
-Tên tất cả các thuốc đang dùng, liều lượng và lý do dùng, kể cả sinh tố, khoáng chất, dược thảo
-Tên các thuốc muốn dùng nếu cần thêm. Nêu rõ lý do
-Tên các thuốc nên tránh và lý do.

5-Các hình thức trị liệu

Có thể là quý vị không thích một vài hình thức trị liệu vì không có hiệu quả hoặc gây ra tác dụng không tốt. Phương thức có thể là dược phẩm, giải phẫu, trị liệu thay thế vv…Vì vậy, trong kế hoạch hành động xin ghi rõ:

-Các trị liệu hiện đang áp dụng, ghi rõ lý do
-Trị liệu mà mình muốn có nếu cách chữa đang dùng không có hiệu quả. Nêu rõ lý do.
-Trị liệu chấp nhận được nếu các chuyên gia y tế thấy cần
-Trị liệu cần tránh, ghi rõ lý do.

6-Kế hoach chăm sóc

Thường thường, bệnh nhân đều muốn sống ở nhà.
Nhưng cũng nên thực tế, coi xem người nhà hoặc bạn bè có thể thay phiên trông nom mình tại gia được không. Coi xem trong cộng đồng có cơ sở nào giúp đỡ một phần trong việc săn sóc hoặc có phượng chuyên trở tới bệnh viện, phòng mạch bác sĩ.
Ghi rõ các chi tiết trong việc chăm sóc.

7-Nơi trị bệnh
Ghi rõ bệnh viện nào mình thường nằm điều trị và các bệnh viện mà mình không ưa thích, với lý do.
Việc lựa chọn này cũng có giới hạn vì còn tùy thuộc vào bệnh viện có chỗ trống không hoặc bảo hiểm có đồng ý không.

8-Ðiều mình muốn người khác giúp đỡ.

Ghi rõ những điều mà người khác có thể giúp đỡ để mình khỏe mạnh hơn. Việc này rất quan trọng vì đôi khi bạn bè, thân nhân không biết mình cần gì để tiếp tay. Chẳng hạn như:
-Nghe tâm sự của mình mà không chỉ trích, bình phẩm, khuyên nhủ
-Khích lệ mình hoặc giúp mình đi lại
-Hướng dẫn cách thư giãn cơ thể
-Khuyến khích và an ủi mình
-Góp ý kiến với mình về mọi vấn đề
-Giúp mình trong chế độ dinh dưỡng
-Nhắc nhở uống thuốc
-Giúp mình mua thức ăn
-Trông nom con cháu
-Tưới chậu hoa, cây cảnh
-Trả tiền nhà, tiền điện nước…

Cũng ghi những điều không thích ai làm cho mình, như là:
-Bắt mình đi bộ, dọn dẹp nhà cửa
-Gắt gỏng với mình
-Không kiên nhẫn với mình
-Nói quá nhiều…

9-Ước lượng sự hồi phục
Ghi các điều mà mọi người cần biết để nhận ra là mình đã bình phục, có thể tự lo tự liệu và họ không cần áp dụng kế hoạch này nữa.
Thí dụ như:
-Khi mình tự ăn được ít nhất hai bữa cơm mỗi ngày
-Khi mình đã tự chăm sóc vệ sinh cá nhân
-Khi mình đã nói chuyện trôi chảy, bình thường
-Khi mình đã đi lại được loanh quanh ở trong nhà.

Như vậy là bản “Chương Trình Cấp Cứu” đã được hoàn tất.
Quý vị có thể ký tên dưới bàn kế hoạch với hai người làm chứng để có tư cách pháp lý cần đến khi mình không còn sáng suốt để tự quyết định việc chữa trị, chăm sóc.

Sử dụng “Kế Hoạch Hành Ðộng”
Quý vị đã có một Kế hoạch để hành động để phòng tránh và phục hồi. Mỗi ngày, mình nên dành ra nửa giờ để coi lại các điều đã ghi trong đó.
Trước hết là phần nói về mình cảm thấy thế nào và phải làm gì khi mọi sự bình thường.
Rồi tới các điều cần làm nếu gặp khó khăn hoặc có dấu hiệu báo trước khó khăn sẽ xảy ra.
In kế hoạch ra nhiều bản và đưa cho những người giúp đỡ chăm sóc mình. Thảo luận với họ về các chi tiết để đôi bên hiểu rõ lẫn nhau, ngõ hầu việc áp dụng có kết quả mong muốn.
Kinh nghiệm cho hay, những ai áp dụng và cập nhật hóa kế hoạch thường xuyên thì đều ít gặp phải trở ngại cho việc chăm sóc, điều trị tâm bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức
(Phỏng theo tài liệu của SAMSHA-Bộ Y Tế Xã hội Hoa Kỳ)

Comments are closed