Mọi người đều có quyền nghĩ tốt về mình.
Nhưng làm sao có thể nghĩ tốt về mình khi luôn luôn có những khó
khăn, căng thẳng, luôn luôn phải đối phó với bệnh hoạn tật nguyền, luôn luôn bị người khác dè bỉu, chê bai.
Gặp những hoàn cảnh như vậy thì niềm tự trọng của mình càng ngày càng xuống thấp, và chính mình cũng nghĩ là mình xấu, không là cái gì cả.
Kém tự trọng đưa tới nhiều hậu quả tai hại:
-Nó tạo ra sự lo sợ, cô đơn, căng thẳng, rồi lâu ngày đưa tới bệnh trầm cảm
-Nó có thể gây khó khăn trong giao tế bạn bè
-Nó có thể làm giảm khả năng học hỏi, làm việc
-Nó có thể dẫn tới lạm dụng rượu và thuốc cấm.
Xấu hơn cả là những hậu quả này lại làm giảm niềm tự trọng và con người rơi xuống mức cuối cùng của lòng tự trọng, trở nên vô dụng và có hành động gây gổ hành hung người khác hoặc tự hủy hoại.
Tập tài liệu này sẽ trình bày một số ý kiến có thể giúp ta tạo lại niềm tự trọng, nghĩ tốt về mình. Các ý kiến này đến từ những người có cùng hoàn cảnh như chúng ta và họ đã thành công để thay đổi cảm nghĩ xấu.
Ðiều có thể làm ngay để nâng cao niềm tự trọng
Có nhiều có nhiều cách:
1-Chú ý tới nhu cầu và ước muốn của chính mình.
Hãy lắng nghe những điều mà cơ thể, trái tim và linh hồn của mình nói với mình.
Chẳng hạn khi lưng than phiền quá mỏi vì mình ngồi làm việc quá lâu, thì hãy đứng dậy vươn vai cho giãn xương cốt, nghỉ mươi phút.
Khi trái tim nói là hãy dành thì giờ tâm sự với người bạn thân có chuyện khó khăn, thì hãy làm như vậy.
Hoặc mình luôn luôn tiêu cực, nghĩ xấu về mình mà tâm trí nhắc nhở hãy vùng lên, phấn đấu, nghĩ tốt về mình, thì nên nghe theo tiếng nói chân tình đó.
2-Chăm sóc chu đáo thân thể của mình
Cơ thể là vật rất quý mà tạo hóa cũng như cha mẹ đã tặng cho ta. Ta phải chăm sóc, gìn giữ và trang trọng cơ thể đó. Biết cách giữ cơ thể lành mạnh cũng giúp ta cảm thấy vui vẻ hãnh diện về khả năng của mình.
Sau đây là một số điều có thể thực hiện để tự chăm sóc.
-Ăn uống cân bằng, đa dạng, đầy đủ các chất dinh dưỡng và tiêu thụ đúng với nhu cầu. Ăn nhiều rau trái cây, tránh thức ăn vô bổ, giảm thiểu đường, muối, chất béo động vật, không lạm dụng rượu.
-Vận động cơ thể đều đặn, 30 phút mỗi ngày.
-Giữ gìn vệ sinh cơ thể, quần áo chỉnh tề, dáng đi ngay thẳng
-Ði bác sĩ để kiếm tra tổng quát về sức khỏe, bệnh tật mỗi năm một lần
-Thoải mái, nhẹ nhàng làm những điều mình thích như nghe âm nhạc, đi câu, đọc sách
-Làm những gì mà trước đây mình chưa làm như lau rửa xe, quét dọn nhà kho…
-Thực hiện những công việc cần đến tài năng của mình, như trang trí nhà cửa, vẽ một bức tranh…
-Chọn lựa quần áo có giá tiền phải chăng nhưng trang nhã
-Dành thì giờ vui vẻ với bạn bè
-Tổ chức, sắp đặt nhà ở tiện nghi, sạch sẽ
-Học hòi thêm các kiến thức mới để mở rộng tầm hiểu biết
-Bắt đầu thực hiện vài chương trình có thể mang niềm vui cho mình như học yoga, tập thể dục dưỡng sinh
-Làm điều tốt cho người khác
-Tạo thêm bạn mới
-Mỗi ngày hãy làm điều tốt cho cơ thể.
Chuyển đổi ý nghĩ tiêu cực sang tích cực
Chúng ta thường có những ý nghĩ tiêu cực về mình góp nhặt được từ khi còn bé hoặc lớn lên đi làm do ảnh hưởng của bạn bè, truyền thông, người thân trong gia đình, người làm cùng sở…
Các ý nghĩ xấu này liên tục ám ảnh ta, nhất là khi trong người không được khỏe hoặc có căng thẳng tinh thần. Vì lẽ đó, đôi khi ta tin là ta xấu thật và lòng tự trọng của ta giảm xuống. Các ý nghĩ tiêu cực có thể là “tôi là người vô dụng”, “Chẳng ai ưa thích tôi”, “Tôi là tên ngu xuẩn”..
Những ý nghĩ xấu về mình như vậy lởn vởn trong trí óc ta mà ta không biết, làm ta tưởng rằng mình xấu thật và đôi khi khó mà xua đuổi chúng.
Tuy nhiên, để sống, để thành công trong cuộc đời, ta phải loại bỏ những ý tưởng tiêu cực đó, biến chúng thành những ý tưởng hữu ích, cho bản thân ta, cho sức khỏe của ta.
Sau đây là một số góp ý để thực hiện sự thay đổi này.
Mỗi khi nhận thấy có một ý tưởng xấu về mình, hãy tự hỏi:
-Ý tưởng đó đúng hay sai?
-Liệu người ta có nói xấu về nhau như vậy không? Vậy thì tại sao mình lại nói xấu về mình như vậy?
-Nghĩ xấu về mình như vậy có mang lại cho ta điếu tốt gì không? Nếu chúng làm ta cảm thấy khó chịu, thì tại sao ta lại gán cái xấu cho chính mình?
Cần phải chấm dứt, đừng để các ý nghĩ xấu đó ảnh hưởng tới mình.
Sau đó:
-Tạo ra những ý nghĩ tốt, tích cực về mình để thay thế các ý nghĩ xấu, tiêu cực.
Chẳng hạn:
Ý nghĩ tiêu cực Ý nghĩ tích cực
Tôi thật là vô dụng Tôi là người hữu ích
Tôi luôn luôn lầm lẫn Tôi làm được nhiều việc tốt
Tôi không xứng đáng sống hạnh phúc Tôi xứng đáng sống hạnh phúc
Tôi là thằng ngu Tôi khá thông minh
-Nhắc đi nhắc lại các ý nghĩ tích cực
-Viết đi viết lại những ý nghĩ tích cực trên một tờ giấy
-Viết chữ to các ý nghĩ tích cực, dán ở chỗ dễ nhìn thấy để nhắc nhở
Thay đổi tiêu cực thành tích cực cần thời gian và sự kiên nhẫn. Xin hãy cố gắng, đừng dơ tay đầu hàng.
Luôn luôn tin rằng:”Kiên nhẫn là mẹ thành công”.
Những sinh hoạt nâng cao cảm nghĩ tốt về mình
Các hoạt động sau đây sẽ giúp chúng ta có ý nghĩ tốt về mình và nâng cao tính tự tôn trọng. Xin hãy đọc đi đọc lại và áp dụng.
1-Lập một danh sách những điều mang ý nghĩ tốt
-Năm điều về khả năng của mình như can đảm, thân thiện, sáng tạo, kiên nhẫn…
-Năm điều mình tự khen như nuôi con cái tới nơi tới chốn, có đời sống tâm linh tốt….
-Năm sự thành công trong đời như học cách dùng máy vi tính, giảm cân vì quá mập phì..
-Mười điều mà khi nghĩ tới là mình cười phá lên
-Mười điều có thể làm để giúp đỡ người khác..
Rồi trên một tờ giấy khác, dành 10 phút để tự do viết các điều tốt về mình chợt hiện ra trong trí nhớ. Tránh viết điều xấu. Làm như vậy là để dẹp bỏ ám ảnh tiêu cực về mình.
2-Tái xác định ý nghĩ tích cực
Ðây là những ý nghĩ luôn luôn diễn tả tốt về mình.
-Tôi cảm thấy tốt về mình
-Tôi chăm sóc cơ thể tôi rất chu đáo
-Tôi dành thì giờ chơi với bạn bè và họ đối xử tốt với tôi
-Tôi xứng đáng để sống
-Nhiều người ưa thích tôi…
Ngoài ra:
-Làm một tấm bảng ghi những việc mình đã thực hiện để lấy lại niềm tự trong
-Trên một trang lịch lớn, ghi một số việc tốt sẽ làm trong tuần lễ
-Gặp gỡ với một người mà mình tin tưởng, chia xẻ những ý nghĩa tốt về nhau.
Trên đây chỉ là một số gợi ý để lấy lại lòng tự trọng.
Càng có lòng tự trọng thì ta thấy đời sống càng đáng sống hơn và trong lòng mình cũng thoải mái, hạnh phúc.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức
(Phỏng theo tài liệu của SAMSHA-Bộ Y tế Xã Hội Hoa Kỳ)