Nail Salons
Chăm sóc móng tay chân là một nghề tương đối thích hợp với bàn tay khéo léo, đặc tính cần cù chịu khó của người mình. Để có bằng hành nghề tương đối cũng không khó lắm, không cần vốn Anh ngữ cao mà lợi tức thu nhập rất tốt. Nhưng rủi ro cũng khá nhiều.
Trước hết là giờ làm việc. Nhiều người có khi làm tới 12 giờ một ngày trong một công việc đòi hỏi nhiều chú tâm tỷ mỷ. Nên chiều về là đa số rã rời mệt mỏi.
Thứ đến là các hóa chất.
Khi mới bước vào một số nail salon, người viếng thăm thường khựng lại một vài giây. Họ chợt ngửi thấy những mùi đặc biệt trong tiệm tỏa ra. Đó là do hơi hoặc bụi của các hóa chất rất cần thiết cho ngành nghề nhưng cũng gây ra vài ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của nhân viên và khách hàng.
a- Acetone là hóa chất được dùng rất nhiều để lau chùi móng.
Đây là một chất lỏng, hòa tan trong nước, không mầu, rất bay hơi, dễ cháy, có mùi và vị đặc biệt. Bình thường, acetone vô hại vì chúng bị biến đổi rất mau và có lẫn trong không khí, nước uống, ruộng đất.
Chuyên viên cặm cụi lau chùi gọt giũa móng, rồi bôi sơn mầu, khách chăm chú theo dõi, đôi bên cùng hít thở hơi acetone bay ra từ cái lọ thủy tinh mở nắp. Trong nửa giờ đồng hồ. Thế là acetone vào cơ thể, hóa chất sẽ lan vào máu và xâm nhập nhiều các bộ phận khác. Nếu chỉ là số lượng nhỏ, acetone sẽ được gan biến hóa thành các phần tử vô hại và có thể được chuyển thành năng lượng cung cấp cho các chức năng của cơ thể. Trái lại, nếu hít thở không khí có mức độ acetone cao dù chỉ trong thời gian ngắn, cũng đưa tới ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Hít thở hoặc sờ mó vào acetone có thể đưa đến ói mửa, nhất là khi nồng độ hơi acetone trong không khí cao.
Khi chẳng may dung dịch acetone bắn vào thì mắt sẽ cay rồi có tổn thương cho giác mạc, nhưng chỉ vài ngày sau thì lành. Hơi acetone cũng làm ngứa và chẩy nước mắt hoặc tổn thương cho giác mạc. Tiếp xúc lâu hơn với dung dịch acetone, giác mạc sẽ bị đục tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Dù chỉ với nồng độ rất nhỏ, hơi acetone cũng gây ra kích thích niêm mạc của mũi; khiến tim đập rất nhanh và huyết áp giảm đáng kể; thính giác có thể giảm. Khi trúng độc acetone thì thần kinh trung ương bớt hoạt động, nạn nhân thấy buồn ngủ, cử động không phối hợp, con ngươi chuyển động liên tục và có thể rơi vào tình trạng hôn mê.
b- Methyl Methacrylate Monomer, quen thuộc hơn với viết tắt MMA, là hóa chất được sử dụng nhiều trong việc làm móng tay giả, xi măng trám răng, bộ phận cơ thể giả. MMA có mùi rất nồng nặc, bay hơi rất nhanh. Keo gắn móng tay giả có MMA rất cứng, rất khó giũa mặc dù đã ngâm vào nước nóng hoặc nước pha thuốc.
Nhân viên gắn móng tay giả và khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của hóa chất này do bụi và hơi MMA bay vào mũi, miệng, phổi.
Với gần một giờ cúi sát vào bàn tay khách hàng để sửa soạn làm móng giả, gọt giũa móng giả, cả khách và chuyên viên hít thở liên tục một lượng đáng kể hóa chất này. Trước hết, mặt móng tự nhiên được giũa cho nhẵn. Chuyên viên dùng cọ nhúng vào dung dịch MMA, chấm thêm bột polymer, tạo ra một hợp chất để đắp lên mặt móng. Móng giả được phủ lên trên. Trong suốt thời gian đó, nhân viên hít thở rất nhiều MMA. Rồi những hộp đựng MMA bỏ ngỏ, hơi MMA cũng bay ra và lẫn với không khí.
Hóa chất sẽ gây ra viêm da, chẩy nước mắt, nước mũi, kích thích cuống họng, chóng mặt, tay run rẩy, giảm cảm giác ở đầu ngón tay với lâm châm như kim chích. Các trường hợp suyễn vì hơi MMA cũng đã được nói tới. Nhiều người còn bị viêm gân ở các ngón tay vì ngón tay liên tục cầm chặt dụng cụ mài, giũa móng. Một số nghiên cứu khoa học cho hay MMA cũng có nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu cho thai nhi khi bà mẹ tiếp cận quá lâu với hóa chất này.
Năm 1974, Cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ đã cấm các công ty bán mỹ phẩm có MMA. Tuy nhiên, MMA vẫn còn được dùng vì giá rẻ hơn chất thay thế. Chính quyền không có đủ thanh tra để kiểm soát việc sử dụng MMA và khách hàng cũng không than phiền hoặc báo cáo khi chủ tiệm nail dùng hóa chất này.
MMA đã được thay thế bằng chất Ethyl Methacrylate (EMA)
c- Ethyl Methacrylate. Sự hiểu biết về hóa chất này hãy còn giới hạn. Tuy nhiên kinh nghiệm nghề nghiệp cho thấy, tiếp xúc lâu EMA có thể đưa tới:
-Dị ứng mắt với giác mạc: rát, đỏ ngứa, mắt sưng, chảy nước mắt.
-Da sẽ bị kích thích, ngứa, nổi mề đay.
-Hít phải hóa chất với nồng độ cao thì hơi thở khó khăn, nặng ngực choáng váng, chóng mặt, rối loạn các cử động, mệt mỏi.
-Chẳng may nuốt hóa chất này vào miệng thì bị ói mửa, đau bụng.
Nghề giặt ủi khô cũng có rủi ro.
Nói là giặt khô (Dry cleaning) nhưng thực ra quần áo được nhúng vào một dung dịch hóa chất. Ngày nay, 90% các tiệm giặt khô đều dùng chất tổng hợp Tetrachloroethylene hoặc perchlorethylene, viết tắt là PERC. Theo Cơ Quan An Sinh Nghề Nghiệp Hoa Kỳ (NIOSH), có khoảng 650,000 công nhân tiếp cận với hóa chất này ở nước Mỹ qua nghề giặt ủi khô mà một số khá đông là người Việt mình.
PERC có thể xâm nhập cơ thể qua ngả hô hấp và qua lớp da. Số lượng hóa chất xâm nhập tùy theo:
a- Thời gian ta tiếp cận với chúng;
b- Hóa chất có nhiều hoặc ít trong không khí,
c- Ta thở nhanh hay chậm, mạnh hoặc yếu trong không khí ô nhiễm PERC.
Từ cơ thể, hầu hết hóa chất thải ra bằng đường hô hấp và một số nhỏ trong nước tiểu. Khi được dùng đúng cách, PERC tương đối an toàn. Tuy nhiên hóa chất này cũng có nguy cơ gây ra một số rủi ro cho sức khỏe như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn; làm suy nhược hệ thần kinh trung ương; tổn thương cho gan, thận; giảm trí nhớ thoảng qua, mất định hướng; dị ứng và ngứa mắt, mũi, cuống họng; da khô, viêm. Có trường hợp suy yếu thị giác, ung thư miệng và cuống họng do hít thở PERC đã được nêu ra.
Từ lâu, PERC đã được coi như chất gây ung thư cho súc vật và mới đây hóa chất này đã được xếp vào loại 2B có thể gây ung thư cho loài người. Viện Quốc Gia Hoa Kỳ về An Toàn và Sức khỏe Nghề Nghiệp đang nghiên cứu thêm về ảnh hưởng gây ung thư này. PERC cũng có ảnh hưởng không tốt cho sự sinh đẻ và kinh nguyệt của phụ nữ.
Còn các ngành nghề khác thì sao?
Thưa nhân viên nhà in thì có chất benzene hòa tan; thợ sơn, họa sĩ tiếp xúc với chì, thủy ngân; làm đồ gốm thì hít bụi silica của đất sét khô, khói từ lò nung; kiến trúc điêu khắc thì hít thở bụi gỗ đá, kim loại, plastic; dệt nhuộm vải thì phẩm mầu, bột sợi vải; thợ sửa xe thì khói săng, dầu mỡ; làm canh nông thì thuốc trừ sâu, phân hóa chất Thôi thì nghề nào rủi ro đó. Thầy lang nói như vậy thì bộ chúng tôi giã từ nghề nghiệp à! Lấy gì nuôi con ăn học, trả tiền nhà, tiền du lịch đó đây?
Dạ Lang tôi đâu dám nói vậy. Nhưng đã biết có rủi ro mà mình biết áp dụng vài cách phòng ngừa cũng như đòi hỏi quyền được bảo vệ thì tháng tháng đô la vẫn về mà sức khỏe vẫn tốt, vợ con vẫn vui vẻ thương yêu. Nói cho cùng lý thì không có vật liệu nào mà không có rủi ro; nhưng có cách không-rủi-ro để sử dụng chúng. Cũng như mình chịu trách nhiệm về sự an toàn của mình; biết rõ mình phải làm gì. Và khi nghi ngờ có rủi ro thì áp dụng bảo vệ nhiều một chút còn hơn là ít quá.
Hóa chất xâm nhập cơ thể bằng ba đường chính là da, miệng và hô hấp.
– Ngoài làm đẹp cho con người, da còn nhiều chức năng khác trong đó có sự bảo vệ cơ thể với sự xâm nhập của vi khuẩn và các chất nguy hại. Nhưng với bề mặt lớn nhất, da cũng là cửa ngõ mà các chất này tới thăm ta. Nào là chất acít, kiềm, chất hòa tan. Rồi khi da bị thương tích thì lại mở đường cho chất có hại đi qua. Thế là viêm sưng, lở loét da xẩy ra. Rồi lại còn hóa chất vào máu, ảnh hưởng tới gan, tới sự sinh đẻ, tới khuyết tật cho hài nhi, đôi khi đưa tới ung thư.
Để ngăn ngừa, ta mang bao tay cao su, mặc quần áo che kín cơ thể; rửa tay bằng nước và xà phòng sau khi tiếp cận với hóa chất; mang vật bảo vệ mắt mũi.
Ăn uống tại chỗ làm, tay chạm vào hóa chất rồi đưa lên miệng; vừa sửa máy xe vừa hút thuốc lá dầu mỡ theo điếu thuốc vào miệng; chén bát dính hóa chất tại chỗ làm; hóa chất bắn vào thực phẩm; họa sĩ ngậm chì mầu, cán bút vẽ dính mực.. Thế là hóa chất vào bộ máy tiêu hóa.
Cho nên cần có khu ăn trưa ăn chiều riêng rẽ; nhớ rửa tay sạch sẽ trước khi ăn; chẳng nên hút thuốc lá khi tay chân dầu mỡ; không quệt miệng, chùi mũi khi tay dơ.
– Hô hấp là để hít dưỡng khí vào nuôi cơ thể và loại trừ thán khí. Thay vì hít dưỡng khí, ta hít khói xe tự động, hơi săng, hơi acít, khói thuốc lá dư từ bạn cùng sở. Lại còn bụi bậm khi cưa mài gỗ, kim loại, plastic hoặc từ tơ sợi, hạt silica, chất asbestos. Nhân viên sẽ chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, té xỉu. Rồi phế nang sẽ bị tổn thương, cuống phổi thu hẹp đưa tới khí thũng, nghẹt ống phổi kinh niên. Ấy là chưa kể tới tổn thương cho tủy sống, lá gan.
Để tránh hủy hoại hai buồng phổi thì một hệ thống thanh lọc độc chất trong không khí ngay từ nơi phát sinh là điều tiên quyết; rồi cất giữ chất dễ bắt lửa, dễ bay hơi nơi an toàn; dán nhãn cảnh báo trên đồ chứa nhiên liệu; mang khẩu trang, mang vật bảo vệ cá nhân; lọ đựng acetone và hóa chất khác có nắp đậy kín khi không dùng; quét nhà bằng máy hút bụi thay vì chổi chà bụi bay tứ tung…Và thông báo cho chủ nhân các tai nạn xẩy ra cũng như đòi hỏi họ hướng dẫn kỹ càng về công việc, các rủi ro có thể có. Nếu cần, yêu cầu cơ quan lao động tới thanh tra cơ sở.
Để bảo vệ quyền lợi của mình. Một cái quyền mà có lẽ chỉ các quốc gia tự do, dân chủ, coi trọng quyền làm người của người dân, mới bảo đảm là có.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Texas 4-2004