Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Mình ơi, em muốn bé trai

Các cụ ta khi xưa thì vẫn “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô “. Một phần vì cần con trai để nối dõi dòng họ, phần khác vì quan niệm “Con gái là con người ta”. Ngoài ra, còn nhu cầu nhân lực cũng như bảo vệ an ninh nên con trai vẫn được ưa thích hơn, nhất là với đứa con đầu lòng.

Khi được thăm dò ý kiến thì đa số đàn ông, ngay cả các bà mẹ đều muốn có con trai. Các nhà kinh tế lại còn nói rằng nuôi con gái cũng tốn kém hơn là nuôi con trai cơ đấy.

Trong thực tế, đã có em sanh ra ngoài ước muốn, đều chịu những đối xử không đẹp từ cha mẹ. Lớn lên họ trở thành tiêu cực, cô lập, chống đối hoặc không biết mình phải hành động nam hoặc nữ. Nhiều cha mẹ cho con mặc quần áo, mang trang sức theo giới mà mình ước muốn. Con trai cho đi học vũ ba lê, con gái đi đá banh..

Ngày xưa, khi chưa có khái niệm gì về sự thụ tinh với tinh trùng, trứng và gene di truyền thì đã có nhiều phương thức, đúng hơn là mẹo, được đưa để lựa trai gái.

Có nhiều tin tưởng vui vui như: ngọc hoàn bên trái tạo ra tinh trùng nữ, bên phải tinh trùng nam, nên nếu cột một bên thì chỉ sinh con một giới; khi giao hợp nằm nghiêng bên phải sanh trai, nghiêng bên trái thì sanh gái; làm tình hôn cắn tai phải vợ sanh nam, cắn bên trái thì nữ; bà bầu ăn của ngọt sanh trai, ăn nhiều thịt sanh gái. Rồi lại còn giao hợp khi trăng tròn sẽ sanh gái, trăng khuyết sanh trai..

Một y sĩ Hy Lạp E Rumley Dawson vào đầu thế kỷ trước tuyên bố người đàn bà quyết định sex: noãn sào phải cho trứng sinh trai, bên trái cho trứng sinh gái và mỗi bên thay phiên nhả trứng, một tháng gái một tháng trai. Vậy ta cứ theo đó mà giao hoan là có giống đực giống cái theo ý muốn.

Các cụ Đại Cồ Việt ta không nghĩ ra mẹo để chọn trai gái, nhưng nghĩ ra cách để đoán thằng cu hay cái đĩ. Trai nằm bên trái bụng mẹ, gái nằm bên phải; gọi đàn bà có thai mà quay lại bên phải là gái, quay trái là trai; thai nhi cựa mạnh là trai, cựa yếu là gái; bụng bà bầu dẹp là trai mà tròn là gái; cột cái nhẫn cưới vào sợi tóc, đu đưa trước bụng bà bầu: nhẫn lắc lư là con trai mà xoay tròn là gái.

Tới thế kỷ thứ 20 thì khoa học soi sáng hơn về vấn đề thụ tinh.

Người ta đã khám phá ra rằng tinh trùng của người đàn ông quyết định giới tính. Rồi khám phá mới hơn là tinh trùng có hai loại: một loại mang tính đực nhiễm thể Y một loại mang tính cái với nhiễm thể X. Trứng người nữ chỉ có nhiễm thể X. Khi X gặp X thì sanh gái mà khi X kết duyên với Y thì sanh trai.

Khoa học cũng thấy rằng tinh trùng mang nhiễm thể Y nhỏ, ngắn và di chuyển mau hơn tinh trùng nhiễm thể X nhưng lại dễ bị tiêu hủy vì thay đổi hóa tính của môi trường tử cung. Tinh trùng nhiễm thể X nhỉnh hơn, di chuyển chậm, chịu đựng rủi ro và sống lâu hơn.

Từ các khám phá đó, khoa học gia tìm kiếm phương thức phân tách hai loại tinh trùng, chọn loại X hay Y để giúp cha mẹ lựa giới cho con. Trong y học, ban đầu việc lựa giống chỉ được áp dụng khi muốn ngăn ngừa một số nan bệnh di truyền theo giống đực hoặc cái. Bây giờ thì người ta lựa giống vì lý do tôn giáo, kinh tế, xã hội hoặc ý thích riêng.

Các phương pháp sau đây đang được nghiên cứu, áp dụng.

a-Microsort phân loại tinh trùng nam Y và nữ X bằng cách nhuộm mầu nhiễm thể rồi lựa tinh trùng X hoặc Y tùy theo ý muốn để cho thụ tinh với trứng X.

b-Để tinh dịch lắng trong một ống nghiệm: tinh trùng Y bơi nhanh hơn X sẽ lắng xuống đáy mau hơn; lấy tinh trùng Y hoặc X cho thụ tinh với trứng.

c-Cho trứng và tinh trùng thụ tinh trong ống nghiệm thành phôi bào. Từ phôi bào, nhận diện tế bào nào mang nhiễm thể đực Y hoặc nhiễm thể cái X. Lấy tế bào đã lựa và cấy vào dạ con bà mẹ để thành hài nhi. Còn tế bào không cần thì vứt bỏ. Phương pháp này coi như rất hoàn hảo nhưng khá tốn kém, cả gần hai chục ngàn mỹ kim.

d-Một bác sĩ khác thì khuyên giao hợp vào ngày rụng trứng nếu muốn con trai hoặc vài ngày trước khi rụng trứng nếu muốn con gái. Họ giải thích là khi trứng vừa rụng, các tinh trùng Y bơi nhanh hơn sẽ tới trứng trước để kết hợp với trứng nữ; giao hợp trước vài ngày thì tinh trùng X sống lâu hơn Y và X sẽ độc diễn giao duyên với trứng. Người phát minh ra phương pháp này giới thiệu thành công với 75% lựa gái và 80% lựa trai.

Nhận xét chung, các phương pháp hiện nay cũng không phải hoàn toàn công hiệu, không áp dụng cho mọi người và cũng không phải an toàn. Tuy vậy khoa học đã lấy đi một phần cái quyền năng tạo sinh vật của tạo hóa. Không những giúp người vô sinh có con mà còn giúp con người lựa trai gái theo ý muốn. Ngày xưa, cả dòng họ chờ đợi, cầu nguyện và thích thú khi đứa bé ra đời. Bây giờ chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng là không những có con mà còn có giống mình muốn.

Và từ đó nẩy sinh ra ý kiến thuận và chống của vấn đề.

Bên Anh, 80% dân chúng không đồng ý việc lựa giới cho con, ngoại trừ vì lý do sức khỏe. Có những bệnh chỉ di truyền cho con trai như loãng máu (hemophilia), bệnh Duchenne Muscular Dystrophy thì lựa có con gái là điều cần thiết. Tổng trưởng Y Tấ Anh John Reid nói là ông ta hoàn toàn ủng hộ ý kiến không cho lựa giới chỉ vì ý thích hoặc để cân bằng nam nữ trong gia đình.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo và đạo đức đều phản đối vì trẻ em sẽ được chọn theo những tiêu chuẩn cá nhân, bề ngoài và cho rằng khoa học đã đi quá xa quy luật thiên nhiên.

Tạo hoá đã sắp đặt để có sự cân bằng nam nữ trên trái đất. Kết quả các nghiên cứu cho biết tỷ lệ nam nữ hiện nay là 105-107 nam cho 100 nữ. Như vậy là thiên nhiên đã cho nam nhiều hơn nữ một chút để các cô có thêm mấy đối tượng để lựa chọn. Cũng như thêm vài nhân lực để phục vụ lao động cho quý bà. Cái tỷ lệ này như vậy tưởng như cũng tạm ổn thỏa. Với quan niệm trọng nam khinh nữ thì khi tự do lựa chọn, chắc nam sẽ quá dư thừa. Tình trạng này hiện đang xẩy ra tại Trung Hoa, nơi mà trong nhiều thập niên, chính quyền chỉ cho phép mỗi gia đình có một con. Khi siêu âm biết là con gái thì nhiều bà mẹ đã phá thai. Con gái trở nên hiếm hoi và đàn ông phải kiếm vợ ở các quốc gia khác. Nhưng các quốc gia như Trung Hoa, Aán Độ, Đại Hàn, Việt Nam đều cấm các phương pháp lựa giới tính, cũng như tại nhiều quốc gia ở Âu châu.

Hiệp hội Y Khoa Anh thì nhất định cho rằng lựa giới để thỏa mãn nhu cầu cá nhân và xã hội là điều không chấp nhận được. Và lựa giới cũng kỳ thị nam nữ nữa. Lựa giới này rồi ghét bỏ giới kia.

Bên Mỹ thì khuynh hướng chung là muốn giữ việc sanh đẻ ở con người có chút tình người, chứ không máy móc, thử nghiệm. Hiện nay chưa có luật pháp nào cấm lựa trai gái vì đây là chuyện riêng tư được hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ. Nhưng đã có những đề nghị điều hòa, kiểm soát các phương thức chọn giống, chỉ áp dụng khi có nhu cầu y học.

Những người muốn lựa giới cho con thì nghĩ khác. Theo họ:

– Phương pháp nào cũng có một vài rủi ro cho xã hội, nhưng nếu có sự thỏa mãn của mẹ cha, mà đứa trẻ sanh ra được tiếp đón thật tình thì còn gì đẹp bằng.

– Cái tình cảm mà cha mẹ có đối với thai nhi trước hoặc sau khi sanh ảnh hưởng rất nhiều đến tính tình, hành động của đứa bé sau này. Khi sanh ra mà biết chắc là được cha mẹ mong đợi thì lớn lên nó sẽ ít bị trầm cảm, bực bội.

– Nếu vợ chồng có thể lựa giới cho con thì sẽ giải tỏa được nỗi buồn lo của họ, gia đình họ mà cũng có ảnh hưởng tốt cho xã hội. Nhiều người chỉ muốn có hai con, một trai một gái. Nếu được như vậy là họ thỏa mãn, vui lòng. Nếu không thỏa mãn, sẽ có những tác dụng tâm lý xấu

– Cũng có những cha mẹ chỉ nuôi trai hoặc gái chứ không cả hai. Thành ra lựa chọn giới rất tiện cho trường hợp này để cha mẹ và con cùng vui vẻ với nhau, tránh tổn thương. Đây cũng chỉ là trường hợp ngoại lệ thôi chứ khi mà cha mẹ chỉ nuôi tốt con một giống thì là có vấn đề rồi.

– Lựa trai gái sẽ tránh được các bệnh di truyền theo giới tính , tránh cho cả dòng họ bị bệnh di truyền như vậy.

– Vào khoảng 1982, bên Trung Hoa hạn chế mỗi gia đình chỉ có một con nên dân chúng đều phá thai khi biết là thai gái. Khi đó nếu có kỹ thuật lựa giống như bây giờ thì đâu có việc làm mất đạo đức này. Nhưng Trung Hoa là một trong mấy quốc gia ở Á Châu cấm các phương pháp lựa trai gái đang áp dụng ở Aâu Mỹ.

– Nhà nhân chủng học Margaret Mead hoàn toàn ủng hộ lựa chọn vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người mà con gái được lựa chọn như con trai. Theo tác giả này, nếu được cha mẹ chọn thì bé gái sẽ lớn lên trong niềm tin là bố mẹ muốn mình thật mà không phải do muốn trai mà lòi ra gái.

Tất nhiên là sẽ có người lạm dụng các kỹ thuật để chọn trai gái. Sẽ có nhiều người chỉ thích có con trai và sẽ có sự lạm phát nam giới, đưa đến sự mất thăng bằng âm dương nam nữ, tăng đồng tính luyến ái, mãi dâm, bạo hành chỉ vì dương thịnh âm suy.

Lựa giống cho con có hợp với đạo đức không? Câu hỏi chưa được đáp ứng trả lời vì còn nhiều tranh cãi. Những người phát minh ra phương thức lựa con thì nói rằng chẳng có gì mà mất đạo đức mà lại còn có lợi. Thỏa mãn được đòi hỏi của con người. Tránh được vài bệnh di truyền theo giống. Cân bằng nhu cầu gia đình, xã hội.

Tiến bộ của khoa học đã mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại. Nhưng dường như nó cũng tạo ra nhiều mối suy tư cho con người khi áp dụng các tiến bộ đó. Nhiều người cứ e ngại rằng “Khoa học mà hiếm lương tâm thì chỉ là sự hủy hoại của linh hồn”.

Sanh con không còn được coi như một quà tặng của tạo hóa mà trở thành một sản phẩm tùy theo ý thích của con người. Đã qua rồi một thời cả dòng họ reo mừng khi bà đỡ báo con trai hoặc con gái.

Một ngày nào đó, người ta sẽ rắc rối đòi lựa mầu mắt, thương số trí tuệ cho con. Chẳng khác chi khi mua xăng, muốn super, premium hoặc regular là có ngay.

Có lẽ cứ vô tư, sống ít đòi hỏi như người tiền sử lại nhiều tình người.

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

Texas 2-04

ViệtBáo Online

Comments are closed