Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Phải Sống Không Chỉ Cho Riêng Mình


Mình thấy tâm hồn rất thoải mái, lại còn cả hát nữa chứ. Tuy rất mải mê ngắm trời đất nhưng không thể quên nhiệm vụ quan trọng của mình, đó là sang Bệnh viện K để khám bệnh.
Mình đánh một ít phấn phớt hồng, bôi một ít son cho đỏ môi, vì ăn được nên mình không gầy gò, trông cũng không đến nỗi nào.
Ngắm trong gương xoay một vòng, đẹp rồi, không ai có thể biết mình là bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo cả. Vậy mình đã là “công dân thường trú” tại “Làng chạy thận nhân tạo” của Bệnh viện Bạch Mai được mười năm rồi đấy.
Lên xe buýt!
Ôi sao chật chội thế không biết, vì mình lên ở bến phụ. Hơn nữa điểm này lại gần hai trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Xây dựng, nên rất nhiều sinh viên. Đông quá! May sao có một cái ghế trống, vừa ngồi xuống thì có một ông già bước sau. Mình đang phân vân nếu mà mình nhường ghế cho ông cụ thì mình phải đứng, sẽ rất mệt, còn nếu không nhường thì mình lại áy náy. Mình quyết định nhường ghế cho ông, không vấn đề gì, có ai biết mình là bệnh nhân đâu, trẻ nhường cho già là đúng rồi. Mình đứng một lúc, mệt quá toát cả mồ hôi, chân muốn khụy xuống mà không biết kêu với ai.
Cuối cùng thì cũng đến được Viện K.
Sống ở trên đời chẳng ai thích hoạn nạn, đau khổ, ốm yếu đến với mình và cũng chẳng ai muốn đi viện, tới Viện K lại càng không muốn. Vì đấy là nơi chuyên khám và điều trị cho những người bị “u”. Nếu là “u lành” thì còn cơ may được sống, còn nếu “u ác” thì có nghĩa là ung thư, là đã nhận được kết quả “một cái chết được báo trước”. Thuốc thang chạy chữa tốt đến mấy, cũng chỉ là biện pháp kéo dài sự sống. Rồi cuối cùng cái chết vẫn sẽ đến trong đau đớn tột cùng…
Mới tám giờ sáng mà sao bệnh viện K lại đông thế nhỉ? Mọi người đến khám bệnh nườm nượp cứ như đi trẩy hội. Không khí thật ngột ngạt. Đúng là ở viện K hầu như không nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của ai cả. Ai cũng căng thẳng, lo âu. Mấy chị có chồng đi cùng, khi khám xong cứ khóc rưng rức, có lẽ vì kết quả xấu, làm các anh ấy cứ phải dỗ mãi, cảm thấy mềm lòng.
Mình liền lại gần động viên chị ấy:
– Chị hãy nhìn em này, em đang phải chạy thận nhân tạo mà bây giờ lại phải khám K đây nhưng em có khóc đâu, mà lại rất yêu đời nữa đấy.
Các chị ấy ngạc nhiên hỏi lại mình:
– Em á? Em còn trẻ thế mà phải chạy thận nhân tạo à?
Tôi nói:
– Vâng! Em chạy thận lâu lắm rồi đấy.
Chị hỏi tiếp:
– Em đã có gia đình chưa?
Tôi trả lời:
– Em chưa có chồng. Cuộc sống của em phải gắn với cái máy lọc máu từ năm mười tám tuổi thì ai mà thèm lấy!
Chị lại hỏi:
– Thế à! Tội nghiệp em quá. Hôm nay em cần khám cái gì vậy?
Tôi trả lời chị:
– Em cũng chưa biết là bị cái gì nữa, có thể là một cái u, cũng có thể là ung thư, em đang hy vọng nó sẽ là một cái u lành bình thường.
Chị nói:
– Vậy à! Chị cũng lo lắm em ạ, tại sao người ta lại cứ phải mắc vào những căn bệnh oái oăm vậy nhỉ?
Tôi an ủi chị:
– Chị đừng lo lắng quá vì nếu có khóc thì bệnh nó cũng có khỏi đâu. Chị nên nhớ rằng lúc nào cũng có một người bất hạnh hơn chị, đau đớn hơn chị…
Chị nói giọng rất rầu rĩ:
– Nhưng chị buồn chán lắm, chị sợ cái chết.
Tôi lại động viên:
– Chị là một người hạnh phúc vì chồng chị đã rất lo lắng và quan tâm yêu thương đến chị. Trong Khoa Thận nhân tạo của em, có chị còn bị chồng bỏ, nhưng họ vẫn phải sống.
Có thể mình đã miễn dịch trước nỗi đau rồi nên mình cảm thấy bình thường, nhưng người bình thường thì quả là sốc…
Rồi mình xếp sổ để mua phiếu khám. Số thứ tự của mình là “15”.
Chờ lâu quá, mình nhìn qua khung cửa sổ phòng khám, ngoài đường phố mọi người vẫn tươi cười trò chuyện, xe cộ vẫn ngược xuôi. Mọi người vẫn có những cuộc hẹn hò, những dự định, trái đất vẫn cứ quay tròn như quy luật của nó. Chờ mãi rồi bảng điện tử cũng hiện lên số “15” của mình.
Vào phòng để khám. Bác sĩ khám cho mình thật hiền, cô ấy tên là Tuyết. Cô bác sĩ Tuyết hỏi đủ thứ chuyện, mình cũng trả lời nhiệt tình, thực ra hỏi mình về vấn đề “u” thì ít, mà hỏi về chuyện thận nhân tạo thì nhiều.
Cô hỏi mình :
– Cháu chạy thận lâu chưa?
Mình trả lời:
– Được tám năm rồi cô ạ!
Cô ấy bảo:
– Vậy cơ à, cũng “anh hùng” ra phết nhỉ. Kéo tay lên cho cô xem vết kim nào?
Mình kéo ống tay áo lên. Cô ấy nói:
– Có đau lắm không cháu, vết kim chằng chịt thế này, còn gì là tay thiếu nữ nữa?
Mình trả lời:
– Bây giờ da thịt của cháu đã chai rồi cô ạ, chỉ mỗi tội là xấu thôi.
Cô ấy nói:
– Khổ thân cháu quá, còn trẻ thế này mà…! – cô bỏ dở câu nói đó.
Mình nói:
– Cô ơi trong Khoa Thận của cháu còn có các em trẻ hơn cả cháu nữa đấy cô ạ, nhìn các em ấy thương lắm. Bây giờ cháu thuộc thành phần “già” rồi.
Cô cười hỏi tiếp:
– Bố mẹ cháu già chưa? Sao không bảo mẹ sinh thêm một em nữa có phải tốt hơn không?
Mình cười:
– Mẹ cháu sợ rằng nếu có em bé nữa thì sẽ không có điều kiện để chăm sóc cho cháu, nên thôi.
Một cô bác sĩ bên cạnh nhìn mình, rồi như phát hiện ra điều thú vị:
– Cô bé này hôm trước lên ti vi đây mà. Cháu có ông bố dượng thật là tuyệt vời, hiếm có đấy, sao lại có người tốt đến thế!
Cô lại hỏi:
– Nhà cháu có mấy anh em?
Mình trả lời:
– Bố mẹ cháu chỉ có được hai anh em cô ạ!
Cô nói:
– Vậy thì tốt rồi!
Tôi rất hiểu câu nói ấy của cô, có hàm ý cảm thông. Cô nói tiếp:
– Cố gắng lên cháu nhé, cứ vui vẻ mà sống không có gì mà phải buồn cả.
– Vâng! Cháu cám ơn cô, cháu luôn sống vui vẻ, chỉ trừ những lúc bị đau quá thôi.
Mình và hai cô bác sĩ cùng cười vui vẻ.
***
Dạo này mình bị đau, đau hết cả hai bên ngực. Đau không thể chịu được. Trời trở lạnh mà mình thì đau vã cả mồ hôi, ướt đẫm cả người, nhưng không thèm kêu, có lúc đau quá mình nghiến răng cắn môi đến bật máu, vẫn phải chịu đựng. Nó cứ giật nhói, đau buốt đến tận xương tủy. Cảm thấy trong người như có hàng nghìn hàng vạn con kiến đang châm đốt. Không nằm, không ngồi, cũng không thể ăn nổi nữa. Đau quá mình lại bảo bác sĩ là “em bị đau tim quá, hình như em có hai quả tim thì phải, vì nó đau cả bên phải nữa”. Làm các bác sĩ cũng phải phì cười con ngốc là mình.
Bác sĩ bảo mình kéo áo lên, mình kéo luôn không xấu hổ gì cả, quen rồi mà. Qua một hồi khám xét sờ nắn, bác sĩ kết luận mình bị u xơ nang tuyến vú hai bên rồi kê đơn thuốc cho mình.
Kê đơn cũng khó, cô phải gạch xóa, sửa chữa đến năm sáu loại thuốc mới có một cái đơn hoàn chỉnh cho mình. Cô hỏi mình bị những bệnh gì, loại nào cô hỏi mình cũng mắc phải, mà bị những bệnh đó thì không được uống những loại thuốc này. Nhìn cô tìm mãi các loại thuốc thích hợp cho mình mà cảm thấy ái ngại quá.
Nói không buồn thì cũng không đúng, nhưng thực ra mình cũng không cảm thấy buồn lắm. Tại vì không muốn phá hỏng một ngày đẹp trời như thế này. Hơn nữa mình bị mắc quá nhiều bệnh rồi, nên có bị thêm một bệnh nữa cũng chẳng sao.
Nếu bây giờ cho mình tham gia chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” của VTV3, chủ đề về các loại bệnh, chắc chắn mình sẽ lọt được vào vòng đặc biệt và giành giải thưởng lớn cũng nên.
Mới tuần vừa rồi bác sĩ trong Khoa Thận nhân tạo của mình bảo: “Cháu Công còn loại bệnh gì mà chưa bị nhỉ? A! Còn ung thư nữa”. Thì hôm nay thưa với bác, cháu sang Viện K khám rồi, chưa ung thư nhưng mà đã bị “u” rồi.
Bố mẹ biết mình mắc thêm một bệnh nữa nên buồn lắm, thương mình nhiều hơn. Bố nói:
– Các bộ phận của cơ thể con coi như hỏng hết rồi.
Mình lại phải động viên bố mẹ:
– Không sao đâu bố mẹ ạ, càng tốt, vì nếu thêm một bệnh nữa, nghĩa là lại phá hủy thêm một bộ phận nữa của cơ thể! Chết sớm càng đỡ đau đớn!
Nói thì nói thế thôi, chứ bị bệnh tật hành hạ ai mà chẳng sợ. Có tới bệnh viện mới thấy trên đời này không có gì quý giá hơn sức khỏe. Sức khỏe là tài sản vô giá. Nếu không có sức khỏe thì còn cái gì để ta vui nữa đâu.
Tôi cũng chán nản và tuyệt vọng lắm chứ. Nhưng từ đáy vực sâu của tận cùng đau khổ, tôi hiểu rằng đã có sự sống thì ắt phải có cái chết. Ai cũng được xuất hiện trên cõi đời này chỉ có một lần và cũng chỉ có một lần duy nhất đi vào cõi vĩnh hằng mà thôi.
Ông trời lắm khi cũng chỉ là kẻ bất tài, ưa chơi khăm kẻ khó. Ông đã tạo ra tôi mà không ban cho tôi sức khỏe. Ông thật là tàn nhẫn đối với tôi. Bắt tôi phải chịu đựng đớn đau lạnh lùng hết lần này đến lần khác. Thật là bất công, tại sao những chuyện không may lại luôn xảy ra với tôi?
Nhưng tận đáy lòng mình tôi luôn cảm ơn bố mẹ đã sinh ra tôi, dù tôi không được hưởng cuộc sống của một người bình thường. Tôi vẫn cảm thấy mình là người may mắn lắm rồi. Qua bao khó khăn như vậy, tôi cũng đã hiểu, thế nào là hạnh phúc, thế nào là khổ đau. Tôi cũng biết rằng hạnh phúc chẳng qua cũng chỉ là một khái niệm trừu tượng, mà mỗi người có thể hiểu theo một khía cạnh khác nhau, tùy thuộc vào từng điều kiện hoàn cảnh.
Cuộc sống vẫn êm ả trôi, và dù thế nào tôi vẫn cứ phải sống, không phải chỉ cho riêng tôi mà cho cả bố mẹ và những người thân yêu của tôi, những người quan tâm đến gia đình tôi nữa.
Hạnh phúc lớn nhất của tôi là đem lại niềm vui và hạnh phúc cho bố mẹ, cho người thân và cho tất cả mọi người.
Người ta có thể thay đổi được tất cả, làm được tất cả, nếu người ta có sức khỏe. Còn tôi không có sức khỏe, nên không thể thay đổi được gì.
Và tôi cũng là người nghèo nhất vì có sức khỏe là có tất cả, không có sức khỏe là không có gì…
Đời tôi sinh ra đã không được may mắn. Lẽ ra tôi không phải chịu đựng những chuyện như thế này. Nhiều đêm dài không ngủ, mọi nghĩ suy trăn trở trong tôi chỉ xoay quanh câu hỏi “tại sao”: Tại sao ông trời lại ác với tôi thế? Ông có thù hằn gì với mình không mà lại cứ “ưu ái” ban cho tôi nhiều bệnh đến như vậy? Tại sao ông không san sẻ mỗi người một ít nỗi đau có phải hơn không? Tôi xin thề rằng sang bên kia gặp thượng đế nhất định tôi sẽ hỏi thật cặn kẽ và làm rõ ràng điều đó, tôi xin hứa là như vậy.
Không chỉ có những người đang buồn chán, thất vọng vì bệnh tật đọc cuốn Khát vọng sống để yêu, để lấy lại niềm tin; không chỉ có thân nhân của người bệnh nên đọc để biết và cảm thông; mà tất cả những ai có tấm lòng đang sống trên cõi đời này đều nên đọc, để nhìn lại mình và hiểu thêm chính mình.
Trích tự truyện của Nguyễn Hồng Công

Comments are closed