Diếu-tố là một loại chất đạm với nhiều chuỗi acid amin liên kết với nhau.
Ðây là những chất hữu cơ có trong mọi tế bào sống, từ thực vật tới động vật và có nhiều tác dụng đối với cơ thể:
-Diếu tố gây ra nhiều phản ứng hóa học thiết yếu cho sức khỏe và sự sống của mọi sinh vật.
-Diếu tố cần cho sự tiêu hóa thực phẩm,
-Diếu tố có tác dụng kích thích vào não bộ,
-Cung cấp năng lượng cho tế bào,
-Tu bổ các mô bào của mọi cơ quan bộ phận…
Sự hiện diện và tác dụng của diếu-tố đã được biết tới từ lâu.
Công trình nghiên cứu đầu tiên về diếu tố là do hoa học gia Thụy Ðiển Jon Jakob Berzelius thực hiện. Tới năm 1926, khoa học gia Hoa Kỳ James B. Summer đã tạo ra diếu tố urease, nhờ đó ông đã được giải thưởng Nobel vào năm 1947. Từ đó nhiều nghiên cứu kế tiếp đã tìm ra cả vài ba ngàn loại diếu-tố khác.
Trước đây, tên của người tìm ra diếu tố được dùng để gọi diếu tố đó hoặc một số diếu-tố khám phá ra lúc đầu được đặt tên riêng như trypsin, pepsin. Sau đó, đa số các enzym đều tận cùng bằng tiếp ngữ “ase” như lipase, lactase…
Một số diếu tố có thể tác động một mình. Một số khác cần một chất hỗ trợ hữu cơ hoặc vô cơ mới hành động được. Các phân tử hỗ trợ này gọi là coenzym, thí dụ coenzym Q10, coenzym-A…
Ðặc tính của diếu tố
Diếu-tố có một số đặc tính như sau:
a-Là những chất hữu cơ do tế bào sản xuất. Thực phẩm, dù là từ thực vật hay động vật, đều có diếu-tố.
b-Là một thành phần để duy trì sự liên tục của môi trường. Ðược tạo ra từ các hệ thống sinh học, diếu tố lại trở về với thiên nhiên sau khi bị phân hóa.
c-Có tác động như một chất xúc tác (catalytic), có nghĩa là tham dự vào một phản ứng sinh hóa học mà không bị thay đổi, phân hủy.
d-Có khả năng làm tách rời hoặc liên kết các phần tử cấu tạo của cơ chất.
e-Mỗi diếu tố có trách nhiệm riêng biệt và không thể thay thế cho nhau. Nếu thiếu một diếu-tố nào đó thì cơ thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
g-Có tính cách đặc hiệu: mỗi diếu-tố chỉ có tác dụng vào một cơ-chất (substrate). Ðây là điểm khác biệt căn bản giữa diếu-tố với các chất xúc tác vô cơ như acít, kiềm, muối khoáng… Các chất sau này có tác dụng lên nhiều cơ-chất khác nhau.
h- Với một lượng rất ít, diếu tố có thể thúc đẩy sự chuyển hóa của một lượng cơ chất khá lớn;
i-Dưới tác dụng của diếu-tố, sự chuyển hóa có thể hoàn tất trong giây phút, trong khi không có chúng, phải cần thời gian lâu gấp bội để hoàn tất.
k-Diếu-tố cần có một nhiệt độ thích hợp để gây ra phản ứng sinh hóa học. Nhiệt độ cao hủy hoại đa số các diếu-tố.
l-Diếu-tố cũng cần một môi trường acid-kiềm thích hợp và một lượng nước đầy đủ để có thể tác động.
Tất cả thực phẩm mà con người tiêu thụ đều trở thành vô dụng, đôi khi độc hại, nếu không có diếu tố phân hóa ra thành từng đơn vị nhỏ để có thể hấp thụ vào máu.
Dưới tác dụng của diếu tố, một miếng thịt bò ăn vào có thể được tiêu hóa sau vài giờ, trong khi phải ninh nấu suốt ngày với một dung dịch acid để biến thịt thành những phân tử acid amine…
Ngoài tác dụng phân hóa, diếu tố còn có khả năng tạo ra các cơ chất mới. Thí dụ, với các acid amin từ thịt bò lưu thông trong dòng máu, diếu tố có thể tạo ra các tế bào cơ bắp của cơ thể.
Một số diếu tố có khả năng oxy hóa, sản xuất năng lượng. Từ những phần tử thực phẩm và qua một số phản ứng hóa học, diếu tố tạo ra một chất vô cùng quý giá là adenosine triphoaphate (ATP). ATP là một kho cung cấp và dự trữ năng lượng bất tận cho các tế bào thịt. Mỗi khi trái tim co bóp, cặp mắt nhắm mở… đều được ATP cung cấp năng lượng để hành động
Phân loại diếu-tố:
Có ba loại diếu-tố chính là:
a-Diếu-tố tiêu hóa.
Có khoảng hơn hai mươi enzym tiêu hóa với bốn nhóm chính: amylase để tiêu hóa tinh bột đường; lipase tiêu hóa mỡ, protease tiêu hóa chất đạm và cellulase. Ba diêu tố đầu do cơ thể sản xuất, còn cellulase do thực vật cung cấp.
Amylase có ba loại phụ là lactase để phân hóa đường lactose, sucrase phân hóa đường tinh chế sucrose, và maltase để tiêu hóa đường maltose.
Cellulase nằm lẫn trong chất xơ của thực phẩn, cần được nhai nhuyễn mới được thoát ra.
Các diếu- tố này chuyển đổi thực phẩm thành những phần tử nhỏ hơn để cho cơ thề dùng. Thực phẩm ăn vào sẽ trở thành vô dụng, nếu không có enzym để được chuyển hóa.
b-Diếu-tố thực phẩm
Ðây là các enzym có trong trái cây còn xanh như đu đủ, trái dứa, soài, chuối, trái bơ… hoặc thực phẩm chưa nấu chín. Các diếu tố này khởi sự việc tiêu hóa thực phẩm ngay ở miệng và phần trên của bao tử. Ðó là các diếu-tố protease để tiêu hóa chất đạm, amylase để tiêu hóa tinh bột và lipase để tiêu hóa chất béo.
Diếu-tố thực phẩm giúp sự chuyển hóa thức ăn được dễ dàng và giảm thiểu việc sản xuất enzym từ cơ thể.
Trái cây hái lúc còn non xanh, để ít ngày sẽ chín là nhờ có các diếu tố có sẵn trong trái cây.
Nhiệt độ cao thường hủy hoại diêu tố. Do đó thực phẩm tươi có một số lợi điểm cho cơ thể mà món ăn nấu chín không có. Vì vậy, có nhiều người chủ trương ăn thực phẩm tươi để tránh bệnh tật.
c-Diếu-tố chuyển hóa
Chuyển hóa (metabolism) là các sự thay đổi sinh hóa trong cơ thể để con người có thể tăng trưởng và hoạt động.
Chuyển hóa gồm có sự phân tách các thành phần tử hữu cơ phức tạp trong cơ thể và sự tạo ra năng lượng cần thiết cho nhiệm vụ của các cơ quan. Enzym mở đường cho sự chuyển hóa này. Không có enzym, tế bào bị tê liệt.
Các enzym chuyển hóa là nhóm nhiều nhất trong số các loại diếu tố và giữ vai trò quan trọng trong tất cả các chức năng như sự hô hấp, di chuyển, suy nghĩ, hành vi, phát âm cũng như duy trì sự hữu hiệu của hệ miễn dịch.
Một số enzym chuyển hóa cũng có thể vô hiệu hóa các hóa chất độc gây ra thư ung, hoặc do ô nhiễm môi trường…
Diếu-tố và sự Tiêu Hóa Thực Phẩm
.
Thực phẩm chính của con người gồm có chất đạm, chất béo và tinh bột đường. Các chất này chỉ được tế bào sử dụng sau khi được chuyển thành các phần tử nhỏ hơn dưới tác dụng của các diếu tố.
1-Tiêu hóa chất tinh bột
Tinh bột chiếm 60% trong phần ăn của mỗi người và là nguồn cung cấp năng lượng chính của cơ thể. Tinh bột có trong các loại ngũ cốc và rau trái cây. Một gram tinh bột cho 4 Kcalo.
Sự tiêu hóa tinh bột bắt đầu ở miệng. Nước miếng có diếu-tố amylase. Amylase biến đổi tinh bột thành những phân tử đường maltose. Vì thế khi nhai lâu một miếng cơm, ta thấy ngọt ngọt trong miệng.
Một chi tiết đáng kể là nước miếng của chó và mèo không có amylase như trong nước miếng của con người.
Xuống tới bao tử thì tác dụng của amylase trong nước miếng ngưng lại vì bị chất acid trong bao tửvô hiệu hóa.
Sự tiêu hóa tinh bột tiếp tục ở ruột non nhờ tác dụng của diếu-tố amylase tiết ra từ tuyến tụy. Các loại đường glucose, fructose, lactose, maltose được thành hình và sẵn sàng để tế bào sử dụng.
Ðể có thể dùng các loại đường này, cơ thể cũng phải có các diếu tố riêng cho từng loại đường như sucrase cho dường sucrose, lactase cho lactose, maltase cho maltose.
Một thí dụ là có nhiều người thiếu hoặc không có diếu-tố lactsase để tiêu hóa đường lactose trong sữa. Ðường sẽ không được hấp thụ, chuyển xuống ruột già và hút nước ở ruột. Ðồng thời các vi khuẩn trong ruột sẽ làm sữa lên men, tạo ra nhiều hơi.. Ðó là chứng bất dung (intolerance) với sữa chứ không phải là dị ứng. Ta sẽ bị ngâm ngẩm đau bụng, đầy hơi, ấm ách bụng và tiêu chẩy.
Một điểm cần lưu ý là uống sữa ít chất béo (skim milk) lại hay bị chứng này nhiều hơn là uống sữa có chất béo.
Uống sữa với thực phẩm khác, chia sữa ra làm nhiều phân lượng nhỏ hoặc khi dùng các sản phẩm của sữa như pho mát thì không sao cả.
Trên thị trường có bán sữa không có lactose hoặc có thể mua men lactase để dùng khi uống sữa.
2-Tiêu hóa chất béo.
Chất béo gồm có mỡ động vật và chất béo của thực vật. Ðây là nguồn cung cấp năng lượng rất lớn cho cơ thể. Một gram chất béo cho 9Kcalo.
Ðể tiêu hóa chất béo, cần có diếu-tố lipase do bao tử, tụy tạng, ruột và phần cuối của thực quản sản xuất. Sự tiêu hóa bắt đầu ở bao tử nhưng tới 99% là ở ruột non dưới tác dụng của lipase tụy tạng. Trước đó, chất béo đã được các muối mật từ gan biến thành chất béo nhũ hóa để lipase dể dàng hành động.
Thiếu lipase sẽ đưa tới kém hấp thụ chất béo trong cơ thể. Chất béo theo phân ra ngoài. Phân có mầu tái, trơn láng, có mùi rất hôi và dính vào cầu tiêu.
3-Tiêu hóa chất đạm.
Ða số thực phẩm đạm đều do thịt cá và rau trái cây cung cấp. Chất đạm là thành phần nòng cốt của các tế bào cấu tạo cơ thể và cũng là nguồn năng lượng quan trong. Một gram chất đạm cung cấp 4 Kcalo.
Bao tử và phần trên của ruột non là các địa điểm chính để tiêu hóa thực phẩm này.
Bao tử tiết ra diếu-tố pepsin. Với sự hỗ trợ của acid hydrochloric ở bao tử, pepsin phân hóa chất đạm thành các phân tử nhỏ hơn.
Xuống tới ruột non thì chất đạm lại được các emzym trypsin, chymotrypsin từ tụy tạng tiêu hóa tiếp. Ruột non cũng tiết ra diếu-tố peptidases để hoàn tất sự chuyển hóa chất đạm thành ra các acid amine. Cơ thể chỉ hấp thụ được các acid amine này mà thôi.
Một số bệnh do thiếu diếu tố
Nhiều người khi sinh ra đã thiếu một vài loại diếu tố vì thay đổi gen di truyền. Hiện nay, có khoảng gần 50 bệnh gây ra do thiếu enzym. Sau đây là vài bệnh thường gặp:
1. Bệnh bạch tạng (Albinism) do thiếu diếu tố tyrosinase. Diếu tố này giúp cơ thể tạo ra sắc tố melanin trên da. Người bạch tạng có tóc trắng, da và mắt mầu hồng. Mầu hồng là do mạch máu ở dưới da bình thường được che phủ bởi sắc tố. Bệnh nhân rất dễ bị cháy da hoặc ung thư da nếu tiếp xúc lâu dài với tia nắng, Không có thuốc đặc trị cho trường hợp này.
2.Bệnh galactose huyết (Galactosemia) do sinh ra đã thiếu diếu tố galactose 1-phosphate uridytransferase. Người bệnh không chuyển hóa đường galactose ra glucose là dạng đường mà cơ thể cần. Galactose sẽ.tích tụ trong máu.
Nếu không được điều trị, trẻ bị bệnh sẽ không tăng trưởng, chậm phát triển trí tuệ.. Tuy nhiên, nếu chế độ ăn uống không có đường galactose thì dứa trẻ vẫn tăng trưởng bình thường. Galactose có trong sữa, phó mát, trái cây và rau.
3. Bệnh phenylketon -niệu (Phenylketonuria) là một khuyết tật bẩm sinh về chuyển hóa chất đạm amino acid phenylalamine ra chất tyrosin vì cơ thể thiếu diếu tố phenylamine hydroxylase. Amino acid này sẽ tích tụ trong máu, gây thương tích cho hệ thần kinh và đưa tới chậm phát triển trí tuệ rất trầm trọng.
Ðứa trẻ sinh ra bình thường, nhưng dấu hiệu bệnh xuất hiện dần dần trong mấy tháng, khi tiêu thụ thực phẩm có phenylalamine. Dấu hiệu bệnh gồm có: trẻ trở nên rất năng động, dáng điệu đi đứng bất bình thường, tính tình thay đổi, da, tóc, mắt có mầu lợt hơn anh chị em, đôi khi có mùi hôi toát ra từ cơ thể và trong nước tiểu.
Bệnh có thể điều trị bằng dược phẩm và giới hạn tiêu thụ thực phẩm có chất đạm phenylalamine.
Diếu tố tổng hợp
Hiện nay có rất nhiều loại enzym được tổng hợp và được nhiều người dùng với mục đích phòng bệnh và trị bệnh. Chẳng hạn như chymotrypsin, trypsin là diếu tố phân hóa chất đạm lấy ra từ nước tiết tụy tạng con bò, papain từ trái đu đủ xanh, Proteolytic enzym để chữa thương tích gây ra do vận động cơ thể, bromelain từ trái dứa được dùng để trị các bệnh do nấm gây ra, chống viêm sưng đau xương khớp; loại bỏ cholesterol thành động mạch tránh stroke, streptokinase để làm tan máu cục, hyaluronidase chích vào khớp xương để khớp trơn chu …
Các nhà sản xuất lý luận rằng với sự gia tăng tiêu thụ thực phẩm nấu chín hoặc chế biến như hiện nay thì cơ thể sẽ thiếu diếu tố, vì chúng bị nhiệt phân hủy. Ngoài ra, khả năng cơ thể sản xuất diếu tố cũng giảm theo với tuổi cao. Do đó người tiêu thụ được khuyên khích dùng bổ sung enzym.
Ðể giới thiệu cho sản phẩm của mình, một số các nhà sản xuất trình bầy rằng: “Enzyme đã loại trừ được các bệnh cảm cúm, bệnh tim mạch, bệnh ung thư ở cả người lẫn xúc vật; Enzymes đã chữa lành được các bệnh nan trị như bệnh herpes, bệnh liệt kháng HIV; enzyme trị liệu đã được chứng minh công dụng bởi cả ngàn nghiên cứu khoa học; rằng dù bị bệnh gì, cứ việc dùng enzym là có kết quả như ý muốn….”
Các diếu tố được cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ coi như là thực phẩm nên nếu có ý định dùng thì nên hỏi ý kiến bác sĩ. Cũng nên phân tích cẩn thận các lời giới thiệu của nhà sản xuất để biết rõ các thành phần của enzym đó, cách dùng và tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Coenzyme Q10
Diếu tố là các phân tử chất đạm. Ðể có tác dụng, diếu tố cần trợ giúp của một chất không phải là đạm, như khoáng chất Mg, kẽm hoặc các sinh tố B6, B12. Các chất này gọi là coenzym.
Coenzyme Q10 là một hợp chất có sẵn trong thực phẩm và cơ thể có thể sản xuất bằng sự tổng hợp của nhiều acid amin. Coenzym Q10 còn có các tên gọi khác là Ubiquinone, Vitamin Q10, Q10, CoQ10, Ubidecarenone,
Coenzym Q10 có nhiều trong các tế bào tim, gan, thận, tụy tạng…và số lượng trong cơ thể giảm dần với tuổi cao.
CoQ10 được bác sĩ Frederick Crane, Ðại học Wisconsin Hoa Kỳ lấy ra từ tế bào tim bò vào năm 1957. Tiến sĩ Peter Mitchell bên Anh đã được giải Nobel hóa học vào năm 1976 do sự khám phá ra vai trò của coenzym này trong việc tạo ra năng lượng ở tế bào
Kết quả một số nghiên cứu cho thấy CoQ 10 có thể giúp tế bào tạo ra năng lượng, là chất chống oxy hóa chống lại tác hại của các phần tử gốc tự do, tăng khả năng ngừa bệnh của hệ thống miễn dịch của cơ thể…
Coenzym Q10 được bán trên thị trường như một thực phẩm phụ với giới thiệu là có nhiều tác dụng tốt trong việc điều trị một số bệnh như bệnh nha chu, bệnh tim, cao huyết áp, bệnh Parkinson, bệnh thần kinh, bệnh do suy nhược miễn dịch, bệnh ung thư…
Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học quy mô nào xác định tác dụng trị bệnh của Co Q10.
Kết luận
Bác sĩ Edward Howell, người thành lập cơ sở đầu tiên ở Hoa Kỳ để sản xuất diếu-tố thực vật có nói rằng: “Sẽ không có đời sống nếu không có diếu tố”.
Ý kiến này phù hợp với kết quả các nghiên cứu y khoa học về vai trò của diếu tố đối với cơ thể.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, duy trì sự sống, mọi người nên tận dụng các diếu tố thiên nhiên có sẵn trong thực phẩm.
Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức
Texas-Hoa Kỳ