Trái tim của tỷ muội cũng nhiều tình yêu như vậy, mặc dủ nó chỉ bé nhỏ bằng bàn tay nắm chặt nặng có 234 gr, nhẹ hơn trái tim nam những 76 gr. Tuy nhỏ nhưng tim tỷ muội đập nhanh hơn nam 5 nhịp mỗi phút. Và với 80 nhịp/ phút, trái tim bơm gần 3500 lít máu một ngày vào 170,000 km mạch máu lớn nhỏ để mang oxy, thực phẩm nuôi dưỡng cơ thể. Tim là bộ phận không những quan trọng mà còn cần thiết cho cơ thể, vì khi trái tim ngưng làm việc thì sự sống của con người cũng không còn. Do đó, sách Proverbs 4:23 có nói “Trên hết mọi sự, hãy bảo vệ trái tim vì đây là suối nguồn của sự sống”.
Dông dài như vậy là để nhấn mạnh tới sự thiết yếu nhưng cũng mỏng manh, dễ bệnh hoạn của trái tim khi mà tim ta ngày đêm liên tục làm việc.
Vậy mà theo thống kê, bệnh về tim của nữ giới đã có một thời kỳ lâu dài không được y giới, công luận và chính quý tỷ muội lưu tâm. Đã có nhiều vị ngộ nhận cho rằng mình ít bị bệnh tim mạch hơn là đàn ông. Đúng ra đây không phải sơ sót từ tỷ muội mà từ các nhà khoa học. Số là vào thập niên 1950, nghiên cứu do Framingham Heart Study thực hiện đã kết luận là trái tim nữ giới, nhìn chung, được miễn nhiễm với bệnh tim và y giới lập lại, tin theo.
Hậu quả của ngộ nhận này là, theo một báo cáo đặc biệt của Hội Tim Hoa Kỳ, chỉ có 21% nữ giới ý thức được rằng bệnh tim là sát thủ số 1 của mình. Về phía y giới thỉ chỉ có 8% bác sĩ gia đình, 17% bác sĩ tim mạch biết rằng tử vong vì bệnh tim ở nữ giới cao hơn nam giới. (National Study of Physician Awareness and Adherence to cardiovascular Disease Prevention Guidelines.” Circulation: Journal of the American Heart Association. 2005 111: 499-510). Từ đó người ta đã ít bao gồm nữ giới vào các nghiên cứu y khoa học về bệnh tim và đã áp dụng điều trị, phòng ngừa bệnh tim của quý bà quý cô với kết quả nghiên cứu từ người nam.
May mắn là tới thập niên 1980, các nghiên cứu khác đã điều chỉnh sai sót này với chứng minh rằng ở tuổi cao nữ cũng mắc bệnh tim như nam.
Rồi phải đợi tới năm 2001, Viện Y học Hoa Kỳ mới đưa ra kết quả nghiên cứu cho hay có một số khác biệt giữa bệnh tim của nam và nữ, đặc biệt là nguyên lý sinh bệnh, về dấu hiệu.
Thực tế ngày nay đã chứng minh rằng tại Hoa Kỳ:
-tỷ lệ phụ nữ mãn phần vì cơn đau tim dẫn đầu trong số các tử vong ở nữ giới;
-rằng cứ 1 trên 4 phụ nữ chết vì bệnh tim thì tử vong vì ung thư vú thấp hơn, chỉ có 1/30;
-rằng 23% phụ nữ sẽ thiệt mạng trong vòng 1 năm sau khi bị cơn đau tim heart attack và chỉ có 2/3 là phục hồi hoàn toàn ;
-rằng trong vòng 6 năm sau đó thì 46% trong số này rơi vào tình trạng suy tim;
-rằng mỗi năm có 450,000 nữ nhân thiệt mạng vì bệnh tim mạch và 64% nữ nhân bất chợt từ giã cõi đời ra đi vì bệnh tim mà không có dấu hiệu triệu chứng rõ ràng.
Ở tuổi trẻ, phụ nữ tương đối ít bị bệnh tim nhờ được hormon nữ estrogen bảo vệ, nhưng gần tới tuổi mãn kinh thì bệnh xảy ra nhiều hơn. Với nữ nhân tuổi từ 45 tới 64 thì cứ 8 người có 1 người đã mang một loại bệnh tim nào đó và khi tới tuổi 65 thì nguy cơ tăng tới 1 trên 4.
Ngoài ra, nghiên cứu cho hay bệnh tim ở nữ giới có một số khác biệt so với nam giới:
-Ở nam giới, cholesterol quá cao kết tụ thành mảng ở lòng động mạch lớn thì ở nữ giới chúng phân tán mỏng tại các mạch máu nhỏ cho nên xét nghiệm X-quang đôi khi không khám phá ra được. Sự phân tán mỏng này cũng đủ để gây ra trở ngại tuần hoàn nuôi dưỡng tế bào tim.
-Nữ giới thường chần chừ lâu hơn mới tới bệnh viện khi có dấu hiệu cơn đau tim vì cứ cho rằng các dấu hiệu này là do khó khăn tiêu hóa hoặc stress hoặc trì hoãn vì không muốn tạo ra lo lắng cho người thân. Mà khi tới bệnh viện thì các bác sĩ cũng chậm chạp trong việc chẩn đoán, điều trị vì dấu hiệu bệnh không rõ ràng.
-Sau mỗi cơn đau tim, các thuốc đặc trị, đặt stent, phẫu thuật nối cầu động mạch cũng ít được dùng ở bệnh nhân nữ so với nam bệnh nhân.
-Một năm sau cơn đau tim, tỷ lệ tử vong ở nữ là 38% trong khi nam chỉ có 26%.
-Trong mấy tuần lễ đầu sau cơn đau tim thì tỷ lệ tử vong ở nữ cao gấp đôi so với người nam.
-Sáu năm sau suy tim, tình trạng bất lực ở phụ nữ cũng cao hơn nam.
-Tử vong sau phẫu thuật nối cầu động mạch tim ở nữ giới cao hơn nam, nhất là bệnh nhân trong tuổi 49-50.
-Nữ giới thường bị bệnh tim ở tuổi trễ hơn nam nhưng biến chứng lại tai hại hơn. Riêng phụ nữ đau tim mà hút thuốc lá thì sẽ thiệt mạng ở tuổi trẻ hơn.
Nghe mà phát sợ phải không quý tỷ muội.
Nhưng xin hãy an tâm, vì ngày nay bệnh tim của quý tỷ muội đã được y giới cũng như các tổ chức dân sự lưu ý rất nhiều. Và trong vòng mươi năm vừa qua, rất nhiều quý tỷ muội cũng đã tham gia tìm hiểu bệnh tình và tìm kiếm điều trị bệnh tim hơn là trước đây. Vì có bệnh thì vái tứ phương.
Tại Hoa Kỳ, tổ chức “Heart Truth” Sự Thực về Trái Tim đã liên tục nhắc nhở rằng nữ giới cũng bị bệnh tim như nam giới, đôi khi còn trầm trọng hơn. Họ cũng khích lệ quý bà dành nhiều cố gắng trong việc phòng tránh các rủi ro gây ra bệnh tim mạch. Chiếc áo đầm màu đỏ Red Dress mặc trong tháng 2 hàng năm là biểu tượng cho chiến dịch này. Nó nhắc nhở mọi người rằng Bệnh tim mạch là Sát thủ số 1 ở nữ giới.
Năm 2007, Hội Tim Mạch Hoa Kỳ đưa ra một hướng dẫn nhấn mạnh tới sự phòng tránh, điều trị bệnh tim ở nữ giới từ tuổi 20 trở lên. Hướng dẫn tập trung đặc biệt vào đời sống lành mạnh, lưu tâm tới các rủi ro gây ra bệnh tim và sử dụng thuốc đúng theo chỉ định.
Lang tôi xin tóm lược sau đây những điều cần làm để trái tim được luôn luôn khỏe mạnh, hoàn thành mỹ mãn việc bảo vệ sự sống con người và tiếp tục cho và nhận tình yêu.
Dấu hiệu bệnh tim
Cần thuộc làm lòng các dấu hiệu chính ở nam cũng như nữ như sau:
1-Cảm giác ĐAU:
-Đột nhiên thấy khó chịu hoặc đau trước ngực, cổ, hàm, vai, tay. Cơn đau kéo dài trên vài phút
-Đau như có gì cháy bỏng, siết ép đè nặng lên ngực.
-Đau không hết khi ngồi nghỉ.
Với nữ giới, cơn đau nhiều khi không rõ ràng: đau khi gắng sức, hết khi nghỉ ngơi.
2-Khó thở, thở hụt hơi
3-Buồn nôn, cảm thấy đầy bụng khó tiêu
4-Đổ mồ hôi, da lạnh, ẩm.
5-Tâm trạng sợ hãi, lo âu
Thấy các dấu hiệu này, kêu 9-1-1 hoặc điện thoại cấp cứu ngay.
Rủi ro gây bệnh tim mạch
Những rủi ro gây cơn đau tim gồm có:
1-Cao huyết áp, tim phải gắng sức hơn mới đẩy máu vào động mạch, lâu ngày mệt mỏi, suy yếu.
2-Cholesterol trong máu quá nhiều, đóng mảng trong lòng động mạch gây trở ngại lưu thông máu nuôi tim và cơ thể.
3-Tiểu Đường. Phụ nữ mang bệnh tiểu đường có rủi ro bị bệnh tim gấp đôi so với người thường và 2/3 sẽ sớm thiệt mạng vì cơn đau tim, tai biến não. Nguyên nhân chưa được biết rõ, có thể vì cao huyết áp, cao cholesterol…
4-Béo phì, quá ký làm tăng cholesterol, huyết áp đưa tới bệnh tim mạch.
5-Hút thuốc lá làm tim đập nhanh, tăng huyết áp, giảm khả năng chuyên chở oxy của hồng cầu, tăng thán khí có hại trong cơ thể, khiến cho cholesterol dễ kết tụ với tế bào máu đưa tới khối huyết, làm mạch máu co hẹp, tăng sức làm việc của tim.
Ngoài ra stress cũng là rủi ro gây ra bệnh tim mạch bằng cách tăng nhịp tim, tăng huyết áp, gây tổn thương lòng động mạch, cholesterol có cơ hội kết tụ gây ra nghẽn tắc tuần hoàn rồi lại ăn uống quá nhu cầu, đưa tới béo phì.
Phòng tránh
Rất nhiều phụ nữ có thể tránh được bệnh tim mạch nếu họ có những hiểu biết về bệnh, biết đặt câu hỏi liên quan tới bệnh với bác sĩ cũng như nhận được sự hỗ trợ của mọi người trong việc duy trì nếp sống lành mạnh.
Hội Tim Hoa Kỳ đưa ra hướng dẫn như sau:
-Không hút thuốc lá
-Chịu khó vận động cơ thể mỗi ngày 30 phút
-Giảm béo phì qua cân bằng ăn uống. Giữ chỉ số khối cơ thể BMI từ 18.5 tới 24.9 và vòng hông nhỏ hơn 88 cm.
– Ăn nhiều rau, trái cây, giảm chất béo động vật.
-Không uống rượu.
-Giảm căng thẳng tinh thần. Điều trị ngay khi bị trầm cảm.
-Phụ nữ mới thoát khỏi cơn đau tim, cơn đau thắt ngực, đã thông tim, nhận stent cần gia nhập các chương trình tập luyện phục hồi để giảm thiểu tái phát bệnh.
Điều trị
Ngày nay, khoa học đã cống hiến nhiều phương pháp điều trị rất hữu hiệu đối với bệnh tim mạch, NẾU bệnh nhân nhập viện sớm ngay khi có dấu hiệu. Chẳng hạn tắc nghẽn mạch máu nuôi tim vì khối huyết sẽ được khai thông tức thì nếu thuốc đặc trị được dùng trong vòng vài giờ. Cứu bệnh như cứu hỏa. Xin gọi 9-1-1 hoặc điện thoại cấp cứu ngay khi cảm thấy có các dấu hiệu báo động cơn đau tim, bệnh tim mạch.
Ở bệnh viện về, dùng thuốc theo đúng hướng dẫn. Tiếp tục các chương trình phòng tránh sự tái phát của bệnh.
Tiện đây xin nhắc về công dụng của viên Aspirin trong phòng tránh bệnh tim, vì nhiều người cũng thắc mắc.
Hội Tim Hoa Kỳ đề nghị (Recommend) Aspirin được dùng cho những người đã từng bị cơn đau tim, cơn đau thắt ngực không ổn định, tai biến vì máu cục, hoặc cơn tai biến thoảng qua, nếu không có chống chỉ định và với mục đích phòng tránh sự tái phát của bệnh.
Aspirin cũng được gợi ý (suggest) dùng để phòng tránh các bệnh vừa kể ở những người có rủi ro gây bệnh như cao huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường, thân nhân bị bệnh tim.
Không nên tự ý dùng Aspirin khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ vì Aspirin cũng có tác dụng phụ đôi khi hiểm nghèo.
Rủi ro và ích lợi của Aspirin thay đổi tùy theo từng người.
Nếu đang dùng Aspirin nên cho bác sĩ hay khi nhổ răng hoặc có giải phẫu để tránh xuất huyết quá độ.
Kết luận
Để kết luận, lang tôi xin mượn ý kiến của nữ bác sĩ chuyên khoa tim mạch Julia Shin, Trung tâm Y Khoa Montefiore, thành phố Nữu Ước: “ Nữ giới trẻ cũng bị cơn đau tim thường kết thúc bằng tử vong” và “ Nếu nếu bạn là người vận động đều đặn, đang chạy 8,5 km mỗi ngày mà đột nhiên bây giờ chỉ chạy được 1.5 km thì đó là điều cần lưu ý. Nếu bạn thấy buồn nôn, khó chịu dạ dày mỗi khi tập luyện cơ thể thì cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay”.
Nói có sách, mách có chứng, mà là chứng cớ đến từ nhà chuyên môn nữ giới. Rằng bệnh tim mạch cũng thường xảy ra ở quý bà quý cô trong nhiều hoàn cảnh, qua nhiều hình thức lắm đấy.
Kẻo lại cứ bị cho là lang tôi chỉ hay rung cây nhát khỉ.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.
Dallas- Texas.
BODY { MARGIN: 8px } .LW-yrriRe { FONT: x-small arial }