Với nhà thơ Trúc Lang, tình yêu không phải là hồi xuân, mà là dài dài tiếp nối từ khi biết yêu và biết làm thơ cho tới cái tuổi xấp xỉ bát tuần hiện tại. Tuổi mà ngày xưa ở quê hương Nam Giao, Phủ Cam, Bến Ngự có khi thi sĩ ta đã được bà con trong họ ngoài làng rước trên kiệu đỏ thiếp vàng, mừng khao thượng thọ.
Trúc Lang đã giãi bầy tình yêu của mình qua những bài thơ trong đó, “tôi đã tìm riêng cho chính mình một hướng đi sáng tạo mới “táo bạo”, diễn tả tình yêu “rất thực tế, rất trẻ trung” và được giới trẻ của thế hệ đang lên hôm nay yêu thích đáp ứng”.-Trích thư Trúc Lang gửi cho người viết.
Xin mời cùng nhau thưởng thức cái tình yêu trẻ trung, táo bạo, thực tế đó qua những vần thơ của Trúc Lang.
Trước hết Trúc Lang là một thi sĩ của tình yêu:
…”Tôi vốn là thi sĩ của tình yêu
Viết nên chữ tình người trong diễm lệ!” ( Thi Sĩ Của Tình Yêu)
…”Thơ tôi viết từ trái tim tội lỗi,
Tuồi si tình thuở cha mẹ sinh ra?
Đời của tôi chuỗi tràng hạt đàn bà…
Yêu con gái thiết tha còn rất dại” (Đời Tội Lỗi)
…”Tôi làm thơ cho thế giới đa tình
Cho vũ trụ nghiêng mình yêu tội lỗi
…Tôi làm thơ bằng đôi mắt đôi môi
Bằng hơi thở trái tim trai gái chạm…” ( Tôi Làm Thơ)
Trúc Lang diễn tả tình yêu với những từ dễ dàng cảm nhận:
…”Mắt hớp cả sắc hương ngào ngạt hái
Từ phương phi no ứ nhả thơ ra!” ( Tuổi Thần Thoại)
“Đời là một tiếng cười to tuổi trẻ,
Phải không Em? Thơ xác thịt ra đời!” (Đời Là Một Tiếng Cười To)
“Thơ anh nhả cắn làn da lụa mỏng
Hình như còn chưa chứa hết no nê!” (Tiếng Rú trẻ Đi Hoang)
Trong hơn 100 bài thơ của ông, tình yêu đều thênh thang trải rộng và quả tình là có táo bạo. Táo bạo đến nỗi một thầy thuốc quá quen với sự trẩn truồng cơ thể học, khi đọc tới, cũng phải nhìn trước ngó sau coi có ai bắt gặp. Vì thơ Trúc Lang táo bạo như chưa ai táo bạo bằng:
“Ta cắn vào da thịt đến no nê
Đến ngậm cứng tà dâm từ đáy miệng…” (Dáng Em Diễm Lệ)
…”Ta muốn mút lưỡi tình cho đến chết
Để loài người chọn xác chỗ ta nằm…” (Lưỡi Tình)
“Xác quyến rũ liếm sâu vào lỗ miệng,
Thuần túy say ngậm nuốt lẳng lơ quên…” (Vẻ Đẹp Hồn Nhiên)
Tác giả diễn tả cặp nhũ hoa nữ giới một cách thực tình, trần thế. Kể cũng đúng thôi! Vì nhũ hoa là nguồn nuôi dưỡng bé thơ trước khi tự túc tự cường, là biểu tượng cho sắc đẹp người nữ dù nhỏ to kích thước và là gia vị cần thiết cho ngũ giác trong những cuộc giao tình đắm đuối. Tác giả gọi đó là “sóng ngực đồi dâm”, trong bài “Thơ Mọc Đàn Bà”:
“Anh sẽ nói hôn em nhiều lắm lắm…
Cho ngực căng bồng đảo vú Em say! (Nếu Là…)
“Tôi đi qua thấy thơ rụng kiêu sa…
Em mở ngực màu đỏ bồng đảo thoát” (Tình Tự Cho Em)
Và nhiều nhũ hoa nữa, khiến người đọc nhớ tới những vần thơ tương tự của Bích Khê:
“Nâng lên núm vú đôi
Sữa trăng nhỉ nhỉ giọt;
Bay qua cụm liễu phơi
Những cườm tay điểm hột
Sương Phất phơ lau lách” (Xuân Tượng Trưng-Tinh Huyết xb 1939)
Thơ Trúc Lang mang nhiều nét thực tế, hợp với cái tâm trạng của những người cao tuổi mà lòng còn vương vấn yêu đương:
“Yêu nhau gấp! Kẻo thời gian chóng hết
Môi không còn chờ đợi kịp hôn nhau
Vì trái tim ngây ngất vội vàng mau
Bước tuổi trẻ không một lần trở lại. (Tình Yêu Chóng Mặt)
“Cho ta gọi trái tim em mở cửa
Kẻo lỡ muộn mai kia không kịp nữa
Thượng Đế buồn bắt hỏi tội ta sao?
Sao thơ không lời mắt em hao…
Ta tự hỏi Yêu và Yêu chợt biến!” (Yêu và Yêu)
Nét trẻ trung trong thơ Trúc Lang cũng rất rõ rệt:
“Tôi vốn là gã yêu cuồng sống vội
Bắn đạn tình xuyên qua phổi qua tim
Đem bom yêu làm “Nhất tự Thiên Kim”
Nguyện viết hết những vần thơ xác thịt
Dẫu cho nhật nguyệt nói nhiều nói ít
Tôi vẫn chăn chùm kín cổ yêu em” (Thơ Và Nguồn Thơ)
“Những trái tim xanh tuổi mặt trời,
Những làn môi đỏ biển ra khơi
Chao ôi!Thương quá lời không nói
Sóng vỗ nằm nghe nắng nhả hơi.” Sóng đời
Tôi muốn cầm tay Em cánh bồ câu,
Tôi muốn xiết rõ thật lâu thịt vỡ,
Làn da trắng tinh cầu năm sắc nhớ
Giang tay dài nghe đại lộ kinh hoàng!” (Thơ Yêu Tuổi Trẻ
Yêu vội vã bốc nhanh từng diễm lệ,
Chụp lấy tình kẻo trễ nải Xuân đi!…
Môi thật gần, Em níu chặt, Anh ghì,
Gấp đi chứ? Cho hôn thành phép lạ! (Yêu Vội Vã)
Có những câu thơ “muốn hiểu sao thì hiểu” như:
“Bởi tôi muốn nồng nàn da thịt ấm
Ngửa đôi tay hứng vũ trụ Em ra,
Thơ ọc tuôn từng trinh tuyết sương sa…
Từ miệng lưỡi tim răng Tôi cắn nuốt.!!!”( Tôi Muốn)
“Hồn Anh rộng chứa kho vô tận
Giữ hộ tim Em chả có sao
Môi lỡ hôn nhầm Em chớ thẹn,
Chớ buồn mà sợ mất chiêm bao” (Thi Mộng
Trúc Lang sử dụng những chữ rất phổ thông, tự nhiên trong thơ mình:
“Anh hỏi em còn bao nhiêu tuổi trẻ
Cho nhau xài! Kẻo hối tiếc Xuân thì…
…Cứ tỉnh bơ cho da thịt chìu nhau
Môi nóng bỏng những lần hôn phạm tội” (Tình Lan Điệp
“Vì tình yêu tuổi trẻ vốn cho nhiều
Yêu xả láng không có Anh vẫn thiếu” (Không Có Anh)
“Tôi la làng cho sóng nổi âm ba
Thiên hạ hỏi sao mình yêu dữ quá? (Tôi Làm Thơ Tình)
“Lời tôi nói yêu em là thứ thiệt
Chưa một lần thề thốt với men say
Chưa bao giờ lừa dối dạ lòng ngay
Như đinh đóng tình thủy chung tột đỉnh”( Đạn Pháo Tình Yêu)
Chẳng khác chi Hàn Mặc Tử:
“Biết rồi, biết rồi! thôi biết cả
Té ra Nàng sắp sửa yêu ta” (Cô Gái Đồng Trinh )
Hoặc Trần Trung Đạo:
…Nhắc chiếc phone lên bỗng lặng người (Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười)
Và Nguyên Sa, Bùi Giáng…
Đây quả là đúng như nhận xét của Trương Trọng Nguyên về thơ Trúc Lang: “Lối sáng tác thoải mái và đầy trần tục của anh” qua email Nguyê[email protected] Wed 17 Jan ………khi đọc nhiều thơ Trúc Lang trên Net:
“Anh chỉ biết mát tê dòng máu huyết,
Trong thân Em rung động thoát phi thường
Sững lòng lên chế chán đã mùi hương
Như chiếc hổ lao mình trong địa ngục” (Tình trong thể xác)
Và cùa nhà biên khảo, đồng nghiệp Lê Văn Lân: “Thơ anh đặc biệt có sắc thái mô tả “cái chân” của tình yêu mới lạ trong thi ca…Tôi nghĩ rằng đó là sự hiếm hoi tài năng đáng kể”.
Trúc Lang sinh và lớn lên ở miền Sông Hương Núi Ngự, thuộc Hoàng phái Nguyễn Phước Tộc, do đó khi nói đến Cố Đô, ông đã thần hóa bút pháp với những nét thơ tuyệt mỹ Huế:
“Sóng lau lách đò sông trăng Vỹ Dạ,
Biếng lười trôi lướt mướt khỏa thân nằm…
Sương giọt trắng cò hoang dăm ả bóng
Vu vơ trời nghe cắn nửa xa xăm!
Huế trầm lặng trần mình trong khói trắng,
Bóng mù sương Thiên Mụ tiếng chuông ngân
Ta hoang phế về say trăng Cổ Ngữ
Mơ dáng Em Tôn Nữ bước Huyền Trân! (Nhớ Huế-Huyền Trân)
Không chỉ là tình yêu trai gái, tình yêu của Trúc Lang với quê hương cũng dạt dào xây dựng:
“Tôi sẽ vẽ một trái tim thật lớn
Đựng bầu trời Tổ Quốc Việt Nam yêu
Khi tuổi tôi còn bé đã yêu nhiều
Trong sữa Mẹ, tiếng khóc còn ngậm vú” (Một Trái Tim Quê Hương)
“Đã đến lúc rồi già với trẻ
Bừng lên để thấy mặt Non Sông
Tóc xanh râu bạc chung dòng huyết
Chí lớn gan lì! Há thẹn không! (Xuân Pháo)
Chỉ với thời gian giữa mấy mùa xuân mà Trúc Lang đã sáng tạo trên 1000 bài thơ đậm nét yêu đương thì sức sáng tạo phải rất phi thường. Cái phi thường đó chắc phải có sự đồng cảm, hỗ trợ của “một nửa người kia” của Trúc Lang, đó là lão nữ Đào Thị Cúc, người đã cũng Trúc Lang xây tổ ấm yêu đương vợ chồng tràn đầy hạnh phúc từ hơn nửa thế kỷ.
Nhờ đó và cũng bởi đó mà cứ hai ba ngày là một tình yêu được trải rộng thành thơ. Ấy là chưa kể, từ năm 1994 tới 2003, Trúc Lang đã trình làng 4 thi phẩm với cà ngàn bài thơ đậm nét yêu đương: Bến Nước Làng Quê (1994), Thơ và Tình Yêu (1996), Thơ Tình Cho Em (2001) và Một Trời Thơ Lãng Mạn (2003). Và trước đó, khi còn là sinh viên rồi khi “xếp bút nghiên theo việc đao cung” với tập thơ đầu tay “Mộng Lành” xuất bản tại Huế năm 1954. Mỗi tập đều chung một khổ lớn trên 300 trang.
Chả vậy mà lúc nào gặp Trúc Lang cũng thấy chan hòa tích cực yêu đời, ồn ào cười nói vô tư, khích lệ. Vì tình yêu cũng có nhiều phúc lợi cho sức khỏe tinh thần và thể chất, như danh y Mỹ quốc Dean Ornish đã viết: Sự sống còn của con người tùy thuộc rất nhiều ở khả năng làm lành bệnh của tình yêu, của sự gần gũi và sự gắn bó mạnh mẽ với nhau”.
Xin mời cùng thường thức những vần thơ giầu tình yêu đó của Trúc Lang. Thưởng thức một mình, bên người bạn tình hoặc với bằng hữu vong niên.
Để nghĩ rằng dường như mình cũng còn chút tình đắm đuối, một mười một tám so với Trúc Lang.
Vì “Đời sống ơi! Mi sẽ là gì nếu thiếu tình yêu.” -Edward Moore (1712-1757), kịch- tác- gia Anh quốc.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Dallas-Texas.
Ngày 15 tháng 8 năm 2007