Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

TRần Mộng Tú với Sức Khỏe Tuổi Già

Trong tác phẩm SỨC KHỎE TUỔI GIÀ ngoài những tựa thuộc y tế thông dụng, bạn đọc luống tuổi sẽ tìm thấy những cái tựa khác, rất gần với mình như: Sống Với Tuổi Già; Thay Đổi Hình Dáng Khi Về Già; Gắn Bó Tình Già; Tình Bằng Hữu- Bạn Già; Săn Sóc Cha Mẹ Già v.v
Nghe những cái tựa như thế đã thấy có cảm tình ngay với tác giả. À, ít ra cái tâm cảm của người già cũng cần được giới trẻ biết đến lắm chứ. Thế ra cuốn sách này còn có ích cho cả người trẻ, là con cháu của người già nữa. Chúng ta đọc truyện kể trong “Chăm Sóc Cha Mẹ Già” để thấy cái khó khăn của con cái trong tình yêu thương cha mẹ :

Rồi Vân nghĩ tới hoàn cảnh của mình.
Trong sáu người con, Vân là người duy nhất ở gần mẹ. Mà bà cụ vẫn có cảm tình đặc biệt với Vân, nên trước sau cụ vẫn nói là mai mốt nếu cần “tao chỉ ở với vợ chồng con Vân thôi. Nó bướng bỉnh nhưng có lòng”.
Vợ chồng Vân được hai trai một gái đã vào đại học nên cũng nhẹ gánh. Vân mới được lên chức và trong tương lai gần, sở sẽ cho nàng đi học thêm để lấy bằng chuyên môn. Vân đã sắp xếp như vậy cho mình. Chồng nàng thì cứ vài tháng phải đi công tác xa mươi ngày.
Bây giờ, cơ sự sẩy ra như thế này, mọi dự tính của Vân đều phải xét lại. Để chờ cụ giải phẫu xong rồi tuần sau anh chị em về sẽ tính. Nhưng Vân có linh tính rằng nàng sẽ là người đứng mũi chịu sào. Mẹ mình vẫn muốn vậy, nàng tự nhủ…

Đọc đoạn viết trên tôi bỗng nhớ đến câu ngạn ngữ của người Nhật “Cái khỏang cách sống gần lý tưởng nhất giữa cha mẹ và con cái là khoảng cách bưng một bát canh sang mà còn nóng.”

Ở một vài th��nh phố trên đất Mỹ, có những ngôi nhà cất trên mảnh đất rộng, trong mảnh
đất đó ta thấy phía sau nhà chính lại có một căn nhà nhỏ, người ta gọi căn nhà nhỏ đó là “In Law Corner” để cho cha mẹ già của vợ hay chồng ở. Khỏang cách của mảnh sân nhỏ đó là khỏang cách lý tưởng để “Có bát canh cần nó cũng đem cho” như ca dao Việt Nam thường nói.

Bài viết “Gắn Bó Tình Già” tác giả cho ta thấy đời sống tình dục nắm giữ một vai trò quan trọng của sức khỏe trong tuổi già. Một điều mà luân lý đông phương cổ xưa không mang ra nói ở nơi công cộng:

Một lão bà 71 tuổi quả quyết:” Vợ chồng tôi còn tận hưởng thú phòng the hơn là lúc chúng tôi 50 tuổi. Khi bạn còn trẻ, tôi nghĩ là bạn không hiểu được rằng, “ngủ với nhau” không những chỉ có chung đụng về thân xác. Mà còn là tình yêu, là sự cam kết, ràng buộc giữa hai sinh vật”.
Với dân Giao Chỉ ta thì là Tình và Nghĩa.” Tao khang chi thê” mà.

Trong những quốc gia Âu Mỹ mà người Việt chúng ta đang sinh sống. Từ thực phẩm ta ăn, sách báo ta đọc, bệnh viện và bác sĩ ta đến để được chăm sóc sức khỏe, ngay cả ngôi nhà ta ở, đồ đạc trưng bầy trong nhà, nhất nhất đều khác biệt với những gì cách đây hai, ba chục niên ta sống ở Việt Nam, thì cái lẽ tất nhiên cách sống và suy nghĩ về đời sống cũng thay đổi, nhất là đời sống tình dục.

Sự tiến bộ của y khoa học, cũng như sự cởi mở về nếp sống, sự khoan dung về tư duy đạo đức đã đóng góp không ít vào sự kiện lạc quan này. Có nhiều sách báo, tài liệu thảo luận thoải mái về nếp sống tình dục
Nhiều khi họ có cảm nghĩ là chính nhờ sự yêu thương “chăn gối” đi đôi với yêu thương tình cảm đã giúp họ tích cực hơn, sức khỏe họ bền bỉ hơn, tâm hồn tươi trẻ hơn. Họ tiếp tục làm những công việc từ thiện, tự nguyện; đưa nhau đi ăn tiệm; lâu lâu đi khiêu vũ tại các phòng trà có nhạc êm dịu. Họ thắm thiết với nhau, tạo cho nhau hạnh phúc và tin tưởng rằng, những người có sức khỏe bình thường, vẫn tiếp tục có đời sống tình dục thỏa đáng tới tuổi bát tuần hoặc cao hơn nữa.

Xin đừng tưởng nhầm là tác giả khuyến khích người già đi tìm người trẻ để quân bằng sức khỏe tình dục, theo ông:

” Không có gì lành mạnh bằng làm tình với người bạn trăm năm. Nó nhẹ nhàng như bước lên mấy bậc của cái cầu thang. Ngày nay con người sống lâu, khỏe mạnh hơn thì hãy đừng từ bỏ một phần quan trọng của đời mình. Đó là bản năng tính dục”

Tóc bạc anh em giấu vào trong gối
Để đêm đêm em không ngủ một mình
Trái tim anh em giấu vào trong ngực
Để cùng em thức dậy trước bình minh (tmt)

Tóc bạc ở lại với tóc bạc, đừng đi tìm tóc xanh.

Sinh, lão, bệnh, tử là một cái vòng bánh xe, mỗi ngày chúng ta quay tròn trên đó. Có đến phải có đi. Trong bất cứ niềm tin vào tôn giáo nào, chúng ta cũng thấu đáo luật thiên nhiên đào thải của đất trời. Từ thời tuổi trẻ mơ mộng: ” Tóc em anh sẽ gọi là mây/Ngày sau hai đứa mình xa cách/Anh sẽ được nhìn mây trắng bay ( Nguyên Sa) tiếp theo là: “Khi trở về dẫu tuổi gầy sương tuyết/Bốn bàn chân sẽ làm ấm thềm nhà (tmt) Bỗng một ngày chúng ta mất nhau. Cái ngày không ai tránh được. Chồng trước, vợ sau hay ngược lại thì người đi sau bao giờ cũng là người gánh chịu sự mất mát to lớn đó.
Trong bài “Thương Tiếc” tác giả từ từ dẫn dắt chúng ta qua từng giai đoạn khó khăn này :
Những dấu hiệu biểu lộ sự mất mát:

Khi mất người bạn đường, người ở lại sẽ có những tổn thương về cơ thể và tâm hồn.
Mệt mỏi, không có năng lực là triệu chứng thường thấy. Điều này cũng dễ hiểu , vì thương tiếc là một gánh rất nặng con người phải mang trong nhiều năm tháng với buồn rầu chồng chất.
Biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, bao tử ấm ách không tiêu đưa đến thiếu dinh dưỡng. Có người than phiền không nuốt nổi thức ăn vì buồn nôn, muốn ói. Táo bón hoặc tiêu chẩy cũng thường xẩy ra.
Giấc ngủ bị rối loạn vì đêm đêm thao thức nhớ thương. Tính tình thay đổi, gắt gỏng với mọi người.
Có người thấy như nghẹn ở cổ họng, khó thở, nặng ngực, tim đập không đều, hồi hộp, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt. Từ năm 1944, Erick Lindermann đã nhận thấy là người goá bụa bị bệnh tim nhiều hơn người có vợ có chồng.
Nguy cơ bị các bệnh phong thấp, huyết áp cao, ung thư, bệnh ngoài da cũng gia tăng. Theo bác sĩ Glen Davidson, nguy cơ thiên đầu thống, trầm cảm kinh niên, đau lưng lên rất cao. Sức chịu đựng của cơ thể với bệnh tật cũng suy giảm rất nhiều.
Một nghiên cứu khác cho thấy là hệ thống miễn dịch giảm đi, nhất và từ tuần lễ thứ 8, do đó người thương tiếc rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Mỗi người gậm nhấm nỗi đau, hay chữa trị nỗi đau của mình một cách khác nhau, tác giả dẫn dắt chúng ta đi từng bước một, nương theo thời gian để chữa trị vết thương tâm hồn nhưng điểu quan trọng nhất là chúng ta nên luôn luôn giữ cho cơ thể đầy đủ sức khỏe để có thể đương đầu với mất mát đó.
Tác giả khuyên chúng ta: Hãy khóc khi cần, không hối hả rút ngắn tiếc thương, chấp nhận sự thực, đặt niềm tin vào tôn giáo của mình, tâm sự với người đồng cảnh, từ từ trở lại với những sinh hoạt bình thường, luôn luôn nhớ là mình còn đường dài trước mặt, ăn ngủ đầy đủ, v.v
Từ những nhu cầu trên cho người ở lại, tác gỉa đưa chúng ta đến kết luận:

Ta có tự do lựa chọn để yêu một người mãi mãi. Nhưng không có gì bảo đảm là người đó sẽ ở bên ta trọn đời hay trong một thời gian nhất định. Có gì là vĩnh cửu ở cõi đời này.
Mất mát, tiếc thương là điều không tránh khỏi. Nhưng kéo dài tiếc thương bao lâu, tiếc thương nhiều, ít thế nào để không chìm đắm trong sầu bi khổ lụy là điều tùy ta lựa chọn: muốn hòa vui với người sống hay vùi đầu trong ám ảnh với người chết.
Xóa nhòa tiếc thương cũng chỉ là để nói giã từ người thân, tháo gỡ những cảm xúc, ưu tư về một cái chết. Chứ không phải là chấm dứt tình cảm, quên người thân, bỏ dĩ vãng.
Xa dần tiếc thương là đưa cảm xúc này từ chỗ nổi vào chỗ chìm, để không mang đau thương vào những bước đi, nhịp sống,
Và không tự hành hạ. Để còn phải tích cực đi tiếp đoạn đường còn lại.
Vì như Cicero đã nói:” Chẳng có sự sầu não nào không nguôi dần và lắng dịu với thời gian”.

Chính trong lúc khó khăn đó “Tình Bằng Hữu, Bạn Già” đem đến cho ta niềm an ủi nhiều nhất, vì trong những người bạn đồng tuổi, thế nào cũng có người đã trải qua cảnh huống mà chúng ta đang có. Có ai thông cảm mình hơn những người cùng cảnh. Bạn tốt giúp ta quên đi khó khăn của đời sống hàng ngày. Ngày xưa cụ Nguyễn Khuyến nghèo lắm, có bạn đến chơi cụ chẳng có gì đãi bạn, đành làm một bài thơ suông. Bài thơ đó cho đến bây giờ ai cũng muốn đọc lên mỗi khi có bạn đến chơi nhà, vì nó nói lên được cái quan trọng của tình bằng hữu mặc dù:
“Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa cà chửa nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”
Chẳng có gì để đãi, thế mà bạn cứ đến. Vậy thì bạn già cho ta được những gì? Tác giả cắt nghĩa:

Giống như lúc mới sinh và trong thời còn thơ ấu, tuổi già đôi khi chịu một số phận không mấy vui là phải phụ thuộc vào người khác nhất là sau khi đã có nhiều mất mát.
Nhưng, thay vì vươn ra khỏi sự phụ thuộc như lớp tuổi thơ thì người già lại đi sâu vào vòng phụ thuộc. Họ không còn làm việc, bị giảm lợi tức, con cái đi ở riêng, mất dần bạn bè, người thân yêu, kém sức khỏe, bệnh hoạn. Cho nên về già mà có được những bạn cố tri thân thiết hoặc tạo thêm ra những bạn mới để nương tựa lẫn nhau là một điều rất an ủi.
Nhiều người cho rằng dù họ hàng thân thuộc có giúp đỡ nhưng bằng hữu thường gần gũi nhau hơn, dễ nói với nhau hơn. Và có nhiều điều mà chính người phối ngẫu cũng không cung ứng được bằng những bạn cố tri. Họ đã cùng vui buồn có nhau khi xưa mà bây giờ già rồi vẫn còn bên nhau. Họ nương tựa lẫn nhau để có bầu có bạn, hiểu nhau để giúp đỡ lẫn nhau. Họ lắng nghe nhau tâm sự, kể lại cho nhau những kỷ niệm, những việc đã cùng làm. Họ đối xử, xưng hô thân mật như mấy chục năm về trước.
Thường thường người già muốn có bạn cùng lứa tuổi, có hoàn cảnh như nhau, sở thích kinh nghiệm như nhau, sống gần nhau để thuận tiện qua lại. Nhưng họ cũng có khuynh hướng là tạo thêm bạn mới ở lứa tuổi trẻ hơn để thay thế vào chỗ của những người bạn cùng tuổi sẽ lần lượt ra đi. Cũng có người già tập trung nuôi dưỡng bạn cố tri, giới hạn tìm thêm bạn mới để tiết kiệm sinh lực và để tránh gặp những trái ý không cần thiết.

Quý hóa thay là tình bạn già!
Đêm cho nhau trăng ngày cho nhau nắng
Chụm đầu vào nhau rồi lại tách ra
Thả tiếng cười bay trên từng chiếc lá
Ta rắc tuổi đời như rắc cánh hoa (tmt)

Khi nào đọc xong một cuốn sách hay, bao giờ tôi cũng nghĩ là mình thật may mắn. Một cuốn sách viết về bất cứ một đề tài gì, dù là sách y học, chính trị, hay lịch sử, thì phương cách tác giả diễn tả những điều mình viết, mình muốn chia xẻ với độc giả bao giờ cũng giữ một vị trí quan trọng nhất.
Đọc lịch sử mà không thấy khô khan, viết sử hay như viết tiểu thuyết có Will Durant (1885-1981)Đọc bình luận về kinh tế, chính trị mà có cả âm nhạc, thơ và chuyện cười bàng bạc trong đó của Ngô Nhân Dụng. Đọc về sức khỏe, về y tế mà như đọc một đoạn truyện ngắn văn chương của bác sĩ Nguyễn Ý Đức thì chúng ta thật sự thấy mình quả là may mắn.

Chúng tôi còn rất nhiều đề tài trong cuốn sách này, một bài giới thiệu ngắn không nói hết được. Quý vị hãy tự tìm đọc và hưởng những lợi ích của từng bài viết.

Xin trân trọng giới thiệu SỨC KHỎE TUỔI GIÀ của BS Nguyễn Ý Đức

Trần Mộng Tú
8/2007


Comments are closed