-Phòng tránh loại 2
Nhận diện, khám phá ra các mầm bệnh từ lúc chưa có dấu hiệu hoặc chưa có thay đổi về chức năng và cấu tạo của các bộ phận, rồi áp dụng điều trị để trì hoãn hoặc ngăn không cho bệnh xuất hiện.
Chẳng hạn như chụp x-quang nhũ hoa để sớm tìm ra ung thư vú, đo huyết áp theo định kỳ để sớm biết có bị cao huyết áp…
-Phòng tránh loại 3
Ngăn ngừa không cho biến chứng, hậu quả xấu của bệnh xảy ra.
Chẳng hạn tránh mất thị lực, suy tim, suy thận trong bệnh tiểu đường, hoặc áp dụng vật lý trị liệu, y khoa phục hồi để lấy lại sự cử động của chân tay bị tê liệt sau khi bị tai biến động mạch não…
Tùy theo tuổi tác và giới tính, có nhiều phương thức để đạt được những mục tiêu này.
1-Từ 18 -34 tuổi
Ở tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu cho tới tuổi trung niên tràn đầy sức sống. mà nói tới khám sức khỏe thì chắc nhiều người cũng cho là vô ích. Nhưng bệnh là bệnh, không từ chối, tránh bỏ bất cứ tuổi nào.
Tuổi trẻ nam nữ cũng thường bị cao huyết áp mà cao huyết áp là rủi ro đưa tới bệnh tim. Vì vậy nên đo huyết áp mỗi 2 năm.
Ở lớp tuổi này, cần coi lại xem mình đã chủng ngừa các bệnh truyền nhiễm đầy đủ chưa. Các bệnh phong đòn gánh, yết hầu, ho gà cần được tái chích ngừa mỗi 10 năm.
-Riêng với phụ nữ, trước hết là nên tự khám nhũ hoa mỗi tháng một lần. Mặc dù ung thư thường xảy ra ở người tuổi cao hơn, nhưng 2% phụ nữ trong lứa tuổi này cũng hay bị u ác tính tới thăm đấy.
Rồi tới khám phụ khoa và làm thử nghiệm Pap để tìm ung thư cổ tử cung. Thường thường quá nửa ung thư này xảy ra ở tuổi từ 35-54, nhưng nhiễm siêu vi Human papillomavirus (HPV) cần khoảng 15 năm để chuyển sang ung thư. HPV gây ra ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và mụn cóc nơi cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ. Cho nên, từ 21 tuổi hoặc ba năm sau khi quan hệ tình dục lần đầu là phải khám cơ quan sinh dục và làm Pap. Tiếp tục như vậy mỗi 3 năm cho tới tuổi 65.
Thử nghiệm đếm tế bào máu (complete blood count). Ở tuổi có thể mang thai, đếm hồng cầu, bạch cầu và huyết cầu tố để coi xem có bị thiếu máu không là điều cần làm. Bệnh thiếu máu (anemia) xảy ra ở 12% phụ nữ mang thai.
-Nam giới, từ tuổi 14 trở lên, cần tự khám ngọc hành để coi có bị sưng, u bướu.
2-Lớp tuổi từ 35-49
Đây là thời gian mà nhiều bệnh có thể xuất hiện vì con người bắt đầu có những thay đổi trong nếp sống như rượu chè, hút sách, phung phí sức khỏe trác tang, cờ bạc…
Một số thử nghiệm có thể sớm khám phá ra các bệnh này để việc điều trị được công hiệu hơn.
Phụ nữ ít rủi ro ung thư vú cần chụp x-quang vú mỗi năm khi tới tuổi 40.
Với phụ nữ có nhiều rủi ro ung thư như mập phì, hút thuốc lá, uống rượu, tiếp xúc với phóng xạ, có thân nhân bị ung thư vú cần làm mammography sớm hơn, từ tuổi 35.
Nam nữ trong tuổi này cần thực hiện các khám nghiệm sau:
-Đo cholesterol trong máu.
Cao cholesterol là một trong ba rủi ro chính gây ra bệnh tim mạch. Hai rủi ro kia là hút thuốc lá và huyết áp cao. Do đó, nam giới từ 35 tuổi, nữ giới 45 tuổi cần thử cholesterol toàn phần, HDL và LDL mỗi 5 năm.
-Đo đường huyết khi đói
Hội Tiểu đường Hoa Kỳ đề nghị nên đo đường huyết mỗi 3 năm để coi có bị bệnh tiểu đường hay không.
Trước đây, chỉ số đường huyết trên 120mg/dl được coi như đã bị tiểu đường và dưới mức độ này là bình thường. Bây giờ nếu mức đường huyết từ 110-120 được coi như tiền-tiểu-đường. 1/3 các trường hợp này có thể chuyển sang bệnh tiểu đường thực sự nhưng nếu tìm ra sớm, có thể áp dụng nhiều phương thức để phòng tránh.
-Khám mắt
Thị lực bắt đầu kém ở tuổi này.
Nếu cảm thấy có giảm thị lực nên đi bác sĩ để được khám nghiệm ngay.
Nếu thị lực bình thường, bác sĩ nhãn khoa đề nghị nên khám mắt hai lần mỗi năm trong tuổi từ 30-39.
Nếu mang kính cận hoặc viễn thị, nên khám thường xuyên hơn, tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Từ tuổi 45, áp xuất của mắt bắt đầu lên cao rất nhanh và có thể đưa tới mù lòa. Người bị bệnh tiểu đường, cận thị hoặc có thân nhân bị cao áp nhãn (glaucoma), nên đo áp xuất mắt mỗi khi khám mắt. Khám phá ra sớm, cao áp nhãn có thể điều trị dễ dàng bằng dược phẩm.
3-Tuổi từ 50-64
Ở tuổi này, nên thực hiện thường xuyên một số khám nghiệm để sớm tìm một số bệnh, đặc biệt là những người có nhiều rủi ro của mỗi bệnh.
a- Nam nữ mọi giới cầm làm:
-Nội soi ruột già (colonoscopy) để truy tìm ung thư đại tràng vào tuổi 50 rồi làm lại khi tới 60 tuổi. Nếu có các rủi ro như đã bị mụn polyp ruột hoặc thân nhân bị ung thư ruột già cần làm thường xuyên hơn, tùy theo hướng dẫn của bác sĩ.
-Mỗi 5 năm, làm nội soi đại tràng sigma (sigmoidoscopy) để tìm kiếm xuất huyết, viêm hoặc tổn thương của đoạn ruột già cuối.
-Tìm kiếm máu trong phẩn (fecal occult blood test) thường được thực hiện hàng năm khi khám hậu môn để coi xem có lẫn máu trong phẩn. Máu chảy ra từ ruột già bị viêm sưng, loét lở hoặc polyp.
-Tiếp tục đo cholesterol trong máu mỗi 5 năm.
b-Nữ giới tiếp tục chụp x-quang vú mỗi năm
c-Nam giới trên 50 tuổi
Nên khám nghiệm nhiếp tuyến để tìm ung thư tuyến này. Giới chức y tế đề nghị khám nhiếp tuyến qua hậu môn mỗi năm và thử nghiệm PSA (Prostate specific antigen).
4-Trên 65 tuổi
Quý cụ trên 65 tuổi cần tiếp tục khám mắt hàng năm để tìm ra bất thường của mắt như cao áp nhãn, đục thủy tinh thể, bệnh của võng mạc.
Thính lực của quý cụ cũng bắt đầu kém ở tuổi này, yêu cầu bác sĩ đo thính lực của mình hàng năm.
Trên 65 tuổi, đo cholesterol trong máu mỗi 4 năm thay vì 5 năm như trước đây.
Theo các nhà y học, trên 80 tuổi không đo cholesterol nữa, vì nếu lên cao mà uống thuốc hạ thì tác dụng phụ của thuốc nhiều khi lại xấu hơn là bệnh do cao cholesterol gây ra.
Ung thư vú tăng với tuổi của nữ giới, cho nên cần tiếp tục chụp X-quang như đã chỉ định trước đây. Tuy nhiên nhiều nhà chuyên môn đề nghị ngưng mammography từ 70-85 tuổi. Lý do là ở tuổi này chẳng may bị ung thư vú mà điều trị với hóa hoặc xạ trị thì e rằng các cụ không có sức để chịu đựng với tác dụng của thuốc.
Với Pap smear, tới tuổi 65 mà thử nghiệm này âm tính thì không cần tái thử nghiệm nữa.
Điều nên lưu ý là các đề nghị như trên đều được cập nhật hóa thường xuyên, tùy theo kết quả các nghiên cứu. Vì vậy ta cũng nên theo dõi tin tức, hỏi bác sĩ để áp dụng phương pháp sàng lọc đúng tuổi, đúng thời gian.
Bác sĩ Nguyển Ý-Đức
Texas-Hoa Kỳ.