Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Sống Với Thận Suy


Thận phục vụ cơ thể bằng nhiều phương thức:
-Thận lọc máu, loại bỏ các chất phế thải rồi tái hấp thụ nước và một số chất cần thiết trở lại máu.
-Cân bằng nước và muối để duy trì lượng chất lỏng trong cơ thể.
-Giữ huyết áp ở mức độ trung bình.
-Giúp cơ thể cấu tạo hồng cầu và xương vững chắc.
-Kiểm soát lượng muối khoáng kali, calci, magnesium và phosphor trong máu.
Thận không có nhiệm vụ gì trong hoạt động tình dục như nhiều người nghĩ.
Dấu hiệu của thận suy:
– Nhức đầu, mệt mỏi, biếng ăn
-Ứ nước trong cơ thể với phù sưng bàn tay bàn chân
-Khó thở
-Thay đổi tâm trạng
-Tiểu tiện khi nhiều khi ít
-Da có mầu sâm, ngứa, tê dại
-Huyết áp tăng cao.
-Lên cơn co giựt, kinh phong
-Ngây ngất, kém tập trung, mất định hướng
– Hôn mê nếu không điều trị.
Nguyên nhân gây suy thận
Thận bị suy nhược khi chúng không chu toàn nhiệm vụ loại bỏ ra khỏi cơ thể chất cặn bã và chất lỏng dư thừa. Các chất này sẽ tăng cao trong máu và đưa tới bệnh. Giảm chức năng dần dần sẽ đưa tới Suy-Thận-Mãn-Tính.
Có nhiều nguyên nhân đưa tới bệnh thận mãn tính, thông thường nhất là bệnh tiểu đường và cao huyết áp không được điều trị đúng cách.
Khi chức năng còn lại dưới 15%, thận ở giai đoạn cuối của sự tồn tại và cần được điều trị suốt đời bằng lọc máu hoặc thay ghép thận.
Điều trị thận suy
Có ba phương thức điều trị suy thận mãn tính:
a-Thẩm tách máu (hemodialysis), thông thường gọi là Lọc máu hoặc thận nhân tạo được thực hiện tại một trung tâm chuyên môn hoặc tại nhà, ba lần một tuần. Hiện nay có dụng cụ mới chữa ngắn thời gian nhưng nhiều lần trong ngày hoặc ban đêm.
Máu được đưa qua dụng cụ có màng thấm tách, phế chất có hại được một dung dịch ở bên kia màng lấy đi và máu tinh khiết được đưa trở lại cơ thể.
b-Lọc máu qua xoang phúc mạc bụng (Peritoneal dialysis) có thể thực hiện tại nhà, sở làm hoặc một nơi sạch sẽ kín đáo để có thể thay túi đựng dung dịch chất lọc.
c-Ghép thận (Kidney transplant) cho từ người còn sống hoặc lấy từ tử thi mới mệnh một.
Nên lưu ý là các phương thức lọc máu không chữa trái thận đã bị suy và mỗi phương pháp có những điểm tốt xấu mà bệnh nhân và gia đình cần biết.
Chăm sóc, điều trị
Khi được bác sĩ cho hay bị thận suy, bệnh nhân trải qua nhiều tâm trạng khác nhau.
Mới đầu là thái độ ngạc nhiên hoảng hốt, tự hỏi sao mình lại rơi vào tình trạng nan y này.
Rồi cảm thấy bất lực thất vọng, tiếc nuối thời kỳ khỏe mạnh khi x��a “giá kể mình để ý đến sức khỏe một chút thì đâu đến nỗi này”.
Cuối cùng thì đành chấp nhận và thích nghi với hoàn cảnh mới.
Lọc máu hoặc thay thận đều đưa tới nhiều thay đổi trong toàn bộ cơ thể người bệnh, từ thể chất tới tinh thần.

Để duy trì nếp sống khỏe mạnh, người bệnh phải chủ động trong việc tự chăm sóc nhưng họ cũng cần được sự điều trị, hướng dẫn của các nhà chuyên môn y học và sự hỗ trợ của thân nhân.
Bác sĩ chuyên về tiết niệu sẽ phối hợp với bác sĩ gia đình để lo việc điều trị thận suy. Bác sĩ gia đình tiếp tục chăm lo sức khỏe tổng quát.
Bệnh nhân đừng ngần ngại nói với bác sĩ về tình trạng bệnh, về điều mình mong muốn. Hỏi bác sĩ các điều không biết về bệnh và các biến chuyển có thể xảy ra. Ghi rõ các hướng dẫn của bác sĩ để khỏi quên.
Tại cơ sở lọc máu, nên có giao hảo tốt với chuyên viên điều khiển dụng cụ và theo dõi diễn tiến mà ta sẽ gặp mỗi tuần lễ 3 lần, mỗi lần kéo dài tới 3-4 giờ.
Lọc máu lấy đi chất phế thải và nước dư trong cơ thể. Nếu các chất này được loại đúng số lượng thì người bệnh sẽ khỏe mạnh hơn và có nhiều triển vọng sống lâu hơn.
Tại Hoa Kỳ, chi phí lọc máu được chương trình bảo hiểm của chính phủ hoặc bảo hiểm tư nhân đài thọ
Một số điều cần lưu ý:
1-Chế độ dinh dưỡng
Dù là lọc máu bằng thận nhân tạo hoặc qua xoang phúc mạc, bệnh nhân với suy thận đều cần tuân theo một chế độ dinh dưỡng đúng đắn. Chế độ này sẽ giúp bệnh nhân duy trì một sức khỏe tốt và giúp sự lọc máu thành công hơn.
Mỗi bệnh nhân có một quy chế ăn uống riêng về các chất dinh dưỡng như nước, các muối khoáng potassium, sodium, phosphor, chất đạm… Các chuyên viên dinh dưỡng có thể giúp bệnh nhân lựa chọn một chế độ thích hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh trạng của mình.
a-Nước
Bệnh nhân cần lưu ý tới lượng nước tiêu thụ hằng ngày.
Với thận suy mà dùng quá nhiều nước sẽ đưa tới ứ nước, tăng huyết áp, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn.
Giới hạn thực phẩm chứa nhiều nước như dưa hấu, thạch, kem, nước đá cục, thực phẩm đông lạnh.
b-Chất đạm
Khi bị suy thận, bệnh nhân thường được bác sĩ khuyên giới hạn tiêu thụ chất đạm, để giảm thiếu chất thải ure.
Khi lọc máu, bệnh nhân lại được khuyến khích ăn nhiều hơn các loại chất đạm có phẩm chất tốt từ thịt, cá, gà vịt…vì các chất đạm này tạo ra ít ure. Lý do là cơ thể cần nhiều chất đạm để tăng cường sức khỏe
c-Muối
Muối ăn cần được hạn chế để tránh giữ nước trong cơ thể và để tránh tăng huyết áp.
Ăn thực phẩm tươi. Tránh thực phẩm đóng hộp, thịt cá muối.
Nên đọc nhãn hiệu để coi món ăn có bao nhiêu muối.
d- Potassium
Kali thường lên cao trong thời gian giữa hai lần lọc máu và gây ra rối loạn nhịp tim, đôi khi đưa tới ngưng tim.
Ðể giữ mức potassium bình thường trong máu, nên bớt ăn thực phẩm có nhiều khoáng này như chuối, cam, trái cây khô…
đ-Phospho
Giới hạn thực phẩm có nhiều phospho như sữa, pho mát, đậu khô.., vì khi dư thừa, khoáng này sẽ lấy calcium từ xương, làm cho xương yếu, giòn, dễ gẫy.
e-Sinh tồ, khoáng chất
Lọc máu đôi khi cũng lấy đi một vài loại sinh tố, khoáng chất của cơ thể. Bác sĩ sẽ chỉ định những chất nào mà người bệnh cần dùng thêm.
2-Tổ chức nếp sống
Người bệnh cần sắp xếp lại nếp sống cho thoải mái, bớt căng thẳng tinh thần, giới hạn các chất có thể gây hại cho thận, nói riêng, và toàn cơ thể nói chung.
-Nhớ vận động cơ thể đều đặn, hợp với khả năng để máu huyết lưu thông, xương khớp trơn tru, cơ bắp mạnh mẽ và tăng cường sức chịu đựng với thận suy. Nên hỏi ý kiến bác sĩ về chương trình vận động thích hợp.
-Không hút thuốc lá để tránh nhiều bệnh do thuốc là gây ra, như ung thư phổi, bệnh đường hô hấp. Riêng với thận suy, ngưng thuốc lá giảm rủi ro bị cao huyết áp, tăng làm việc cho tim và ảnh hưởng tới trái thận đã suy yếu.
-Người bệnh có thề đi du lịch đó đây, vì các trung tâm lọc máu đều có ở nhiều nơi. Ta chỉ cần biết sẽ ở nơi nào, lấy hẹn trước từ 6 tới 8 tuần lễ để việc điều trị không bị gián đoạn.
-Người bệnh cũng có thể tiếp tục công việc thường lệ, sau khi đã làm quen với sự lọc máu, nhưng nên tránh các việc cần nhiều sức mạnh như nâng vác vật nặng, đào đất…
Nói cho chủ nhân rõ tình trạng của mình để được thông cảm, hỗ trợ. Năm 1990, Quốc hội Hoa Kỳ đã biểu quyết đạo luật cấm kỳ thị vì bệnh hoạn.
-Về thuốc men, nên tránh thuốc trị ợ chua, acid dạ dày vì có nhiều muối natri; thuốc xổ táo bón vì có thể đưa tới khô nước và mất muối khoáng.
Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc cây con thiên nhiên.
-Hình dáng bề ngoài có vài thay đổi: da lợt hoặc hơi vàng, khô tróc vẩy. Cần tắm mỗi ngày và thoa kem giữ hơi ẩm trên da.
-Thay đổi vị giác và khứu giác do ảnh hưởng chất thải quá cao trong máu. Miệng có mùi hôi. Cần giữ gìn vệ sinh răng miệng và đi khám nha sĩ 2 lần mỗi năm.
-Nam giới với thận suy có thể có rối loạn cương dương vì bệnh, do thiếu máu, tác hại của quá nhiều chất thải. Nên thảo luận với bác sĩ vì nhiều trường hợp có thể điều trị được.
-Phụ nữ lọc máu không nên mang thai e là có nhiều rủi ro cho cả mẹ lẫn thai nhi.
-Và đặc biệt là để ý tới tâm trạng. Những khó khăn sống với thận suy, lọc máu, ảnh hưởng của chất thải, của dược phẩm có thể làm tâm trí ta căng thẳng, trầm buồn, lo âu hơn. Đó là chuyện có thật, thường xảy ra và cần được biểu lộ, chia sẻ để nhẹ lòng mình cũng như thân nhân. Đừng nghĩ rằng mình là gánh nặng cho gia đình, vì thận suy có thể đến với mọi người.
Nếu có những dấu hiệu như trầm cảm kéo dài hơn hai tuần lễ, ý nghĩ quyên sinh, giảm khẩu vị, thay đổi giấc ngủ, bỏ thú vui thường lệ, luôn luôn buồn bực, không quyết định, tự cô lập…nên thảo luận với bác sĩ để được tư vấn, điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.
Texas-Hoa Kỳ

Comments are closed