Lại Nói Về Cúm
Hàng năm, cứ vào cuối Hạ, sửa soạn vào Thu là y giới phòng bệnh Hoa Kỳ lại nhộn nhịp “mài gươm, chuốt kiếm” để chiến đấu ngăn chặn Ông Cúm Bà Co cũng như Cúm Heo Cúm Lợn. Mùa cúm thường bắt đầu vào tháng 11 hàng năm và kéo dài có khi tới tháng 5.
Thực vậy, mới tháng 8 còn nóng nắng mà cơ quan Phòng Bệnh CDC Hoa Kỳ đã thông báo cho bà con là, thuốc chủng ngừa cho Cúm năm 2010 đã sẵn có và nhắc nhở bà con đi chích ngừa. Theo cơ quan này, chủng ngừa là phương pháp hữu hiệu nhất để tránh Cúm tới thăm viếng, hành hạ cơ thể đồng thời cũng tránh được các biến chứng của bệnh như viêm phổi, tai, xoang, khô nước hoặc làm cho các bệnh mãn tính suy tim, tiểu đường trầm trọng hơn. Theo CDC, tại Hoa Kỳ có từ 3000 tới 49,000 tử vong vì cúm, tùy theo loại virus.
Nhớ lại là năm 2009 vừa qua bà con ta phải chích tới hai mũi thuốc mới phòng ngừa được Cúm Hàng Năm và Cúm Heo H1N1. Nhưng năm nay thuốc được chế biến hỗn hợp, cho nên chỉ cần một lần chích là hầu như bảo đảm an toàn với các virus H1N1, H3N2 và một phâm loại virus cúm 1 B. Chúng tôi nói “hầu như” là vì theo các nhà chuyên môn, cũng có mươi mười lăm % trường hợp dù có chích ngừa mà vẫn bị cúm nhưng nhẹ hơn hoặc cúm vì một dạng virus cúm khác.
Các dược phòng cũng như phòng mạch bác sĩ đều cho hay là họ sẵn sàng chích ngừa rồi. Bà con ở Việt Nam có thể chích ngừa ở Viện Pasteur, các Trung tâm Y tế Dự phòng hoặc phòng mạch bác sĩ.
Vậy xin mời nam phụ lão ấu từ 6 tháng tuổi trở lên đi chích ngừa để cơ thể có đủ thì giờ tạo ra sức đề kháng với 3 loại virus của mùa cúm 2010-2011. Đặc biệt là với các cháu bé, bà mẹ mang bầu, lão nhân từ 65 tuổi sấp lên cũng như người đang có bệnh kinh niên như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim bệnh phổi.
Các cháu dưới 6 tháng cũng dễ mắc bệnh cúm nhưng còn quá bé để nhận vaccin, cho nên người chăm sóc các cháu phải chích ngừa. Những ai chăm sóc người bệnh hoặc nhân viên y tế cũng cần chủng ngừa. Riêng các cháu dưới 9 tuổi mà chưa bao giờ chích ngừa cúm lại cần hai lần chích, cách nhau một tháng.
Không chích ngừa nếu dị ứng với trứng gà, đã có phản ứng với vaccin cúm, trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Ai đang bị nóng sốt, nên đợi sau khi hết sốt hãy chích ngừa.
Ngoài chủng ngừa, mỗi cá nhân nên áp dụng sáu bước chống Flu sau đây:
-Tránh tiếp xúc quá gần với bệnh nhân flu để khỏi hít virus từ họ
-Khi bị cúm, nên nghỉ ở nhà cho tới 24 giờ sau khi hết sốt, vừa điều trị dưỡng sức vừa không truyền bệnh cho người khác.
-Che mũi miệng với khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi để virus khỏi tung bay trong không khí, truyền bệnh cho mọi người. Ném bỏ khăn giấy đã dùng vào thùng rác
-Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng để loại bỏ virus gây bệnh bám trên tay
-Đừng sờ mũi, miệng mắt để tránh lây nhiễm khi tay dính virus.
-Sống khỏe mạnh, dinh dưỡng ngủ nghỉ đầy đủ, xả stress, uống nhiều nước.
Nếu chẳng may bị xác định mắc Cúm thì cần uống thuốc vô hiệu hóa virus như như thuốc viên/ nước Tamiflu (generic: osaltamivir và zanamivir) hoặc thuốc bột xịt mũi Relenza mà bác sĩ đã cho toa.
Các thuốc này khác với kháng sinh và có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng bệnh hoặc rút ngắn thời gian bị bệnh. Điều cần nhớ là thuốc phải dùng sớm, trong vòng 2 ngày sau khi có dấu hiệu bệnh và dùng liên tục 5 ngày.
An Toàn Ăn Trứng
Theo CNN, từ giữa tháng 8, 2010 cho tới hôm nay, cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ đã yêu cầu một số trang trại thu hồi cả nửa tỷ quả trứng bị nhiễm với vi khuẩn Salmonella Enteritidis. Đây chỉ là 1/10 của cả 67 tỷ quả trứng được sản xuất hàng năm ở Hoa Kỳ.
Trước đây đã có ý kiến cho rằng vi khuẩn xâm nhập trứng qua những lỗ nhỏ trên vỏ trứng. Nhưng bây giờ có nhiều bằng chứng cho hay trứng bị nhiễm từ khi được cấu tạo trong noãn sào gà mẹ và vi khuẩn thường nằm trong lòng trắng của trứng .Gà ăn chất phế thải có nhiễm trùng của loài gậm nhấm hoặc từ những con ruồi, bọ. Mới đây, khi thanh tra hai trại gà ở Hoa Kỳ, FDA tìm ra nhiều đống phân bên cạnh trại nuôi gà với ruồi bay. Có nơi lại rửa trứng với nước chứa Salmonella.
Theo cơ quan FDA, hàng năm nông trại phân phối hơn 2 triệu trứng bị nhiễm Salmonella, và mỗi năm có khoảng 150,000 trường hợp ngộ độc thức phẩm vì trứng nhiễm. May mắn là 91% trường hợp đều tự khỏi trong vài ba ngày và chỉ có khoảng 1% cần điều trị tại bệnh viện. Ấy vậy mà đôi khi cũng ca trầm trọng, tử vong.
Sau đây là vài phương thức để an toàn tiêu thụ trứng:
-Khi chọn mua trứng, chỉ mua trứng còn nguyên vẹn, vỏ không nứt và sạch.
-Nên để ý tới ngày trứng hết hạn được bán, và chỉ mua trứng được bầy trong ngăn tủ lạnh vì để ở ngoài không khí, nhiệt độ trong phòng làm cho trứng rất mau hư và dễ nhiễm độc.
-Mang trứng về nhà, nên cất ngay vào tủ lạnh, xếp đầu nhọn xuống dưới, đầu to quay lên trên. Đầu to vỏ cứng hơn, khó vỡ, đồng thời cũng để cho lòng đỏ nằm gọn trong sự che chở của chất kháng sinh ở lòng trắng. Tốt hơn hết là giữ trứng trong hộp nguyên thủy từ tiệm hoặc trong hộp có nắp đậy. Giữ như vậy, trứng vẫn còn tốt, an toàn tới ba tuần lễ. Đôi khi nếu cất giữ ỏ nghiệt độ thấp và nơi khô ráo, trứng có thể vẫn còn tốt tới sáu tháng.
-Tránh để trứng gần thực phẩm có mùi như hành, tỏi vì trứng dễ hút mùi của các thực phẩm này.
-Không cần rửa trứng trước khi sếp vào tủ lạnh. Trên vỏ trứng, có một lớp màng mỏng tự nhiên hoặc do nông trại nhúng trứng vào một loại dầu không mùi, vô hại để che chở cho trứng khỏi bị vi khuẩn xâm nhập cũng như tránh thất thoát độ ẩm và khí carbon dioxide trong trứng. Vỏ trứng rất xốp để trứng có thể thở. Nhưng đây cũng là nhược điểm vì trứng cũ sẽ mất bớt carbon dioxide khiến hương vị trứng giảm bớt, khoảng không khí ở đầu quả trứng tăng, lòng trắng đổi sang vị kiềm.
-Trứng còn tươi khi đập khỏi vỏ thì lòng đỏ tròn đầy với lòng trắng đặc quánh bao chung quanh. Trứng hư, lòng đỏ xẹp, lòng trắng vữa loãng. Trứng mới thì lòng trắng đục mờ như sữa, đôi khi còn dính vào vỏ khi ta đập trứng ra; trứng cũ thì lòng trắng nom trong hơn.
-Trứng đã nứt vỏ rất mau hư nên cần nấu ngay. Ra khỏi vỏ, trứng có thể giữ trong hộp đậy kín, cất trong tủ lạnh vài ngày. Lòng trắng trứng có thể giữ được một tuần lễ trong tủ lạnh hoặc dăm tháng trong tủ đông lạnh, nhưng lòng đỏ thì chỉ giữ trong tủ lạnh độ vài ngày là hư. Nên thả lòng đỏ trong một bình nước lạnh đậy kín để giữ được lâu hơn.
-Luộc trứng tới khi lòng đỏ và trắng chín hẳn. Trứng đánh cần nấu tới khi khô nước.
-Rửa tay, dụng cụ bếp núc với nước và xà bông sau khi tiếp xúc với trứng sống.
-Đừng để trứng ngoài tủ lạnh quá 2 giờ.
-Không ăn trứng chưa nấu chín.
-Trứng nấu rồi mà không ăn hết cần được cất ngay vào tủ lạnh.
Các điều trên đây cần được áp dụng cho mọi người, đặc biệt là với các cháu bé, quý lão ông lão bà, người suy miễn dịch như là đang điều trị với thuốc steroid, bệnh HIV, tiểu đường, đang hóa trị ung thư…
Tháng 9, tháng Hướng dẫn về Cholesterol
Cao cholesterol vẫn là mối e ngại của mọi người vì hậu quả trầm trọng của tình trạng này. Do đó, y giới Hoa Kỳ đã dành trọn tháng 9 hàng năm là Tháng Hướng Dẫn Quốc Gia về Cholesterol (National Cholesterol Education Month).
Xin cùng nhau cập nhật về chất béo này.
Cholesterol là gì?
Cholesterol là một loại chất béo mềm như xáp lưu hành trong dòng máu. Chất này có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể như là cấu tạo màng tế bào, tiền chất của nhiều hormon và muối mật.
Cholesterol từ đâu mà ra?
Có hai nguồn cung cấp cholesterol cho cơ thể, đó là gan và thực phẩm
Gan và một số tế bào khác tổng hợp khoảng 75% cholesterol và 25% do thực phẩm động vật cung cấp.
Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như thịt mỡ, lòng đỏ trứng, tôm cua sò vẹm và sữa nguyên dạng là nguồn cholesterol.
Có vai trò quan trọng, tại sao lại có hại?
Dù cần thiết nhưng khi quá cao trong máu thì cholesterol lại là rủi ro gây ra các bệnh tim mạch với hậu quả là tai biến não, cơn đau tim. Mỗi ngày, tại Hoa Kỳ có khoảng 2300 tử vong vì bệnh tim mạch, nghĩa là cứ mỗi 38 giây đồng hồ là một người mãn phần.
Thế nào là quá cao?
Cholesterol toàn phần: Lý tưởng là dưới 200mg/dl; từ 240md/dl trở lên là cao.
LDL (cholesterol xấu): dưới 100mg/dl là tốt nhất; trên 160mg/dl là cao.
HDL(cholesterol Tốt): từ 60mg/dl là tốt mà dưới 40mg/dl là thấp
Triglycerid: dưới 150mg/dl là bình thường mà trên 200 là cao.
Sở dĩ LDL coi là “xấu” vì nếu có quá nhiều trong máu, chúng sẽ kết tụ thành những mảng vữa trong lòng động mạch, gây ra tắc nghẽn sự lưu thông của máu, lâu ngày sẽ gây bệnh tim.
Còn HDL tốt vì chúng giúp đưa cholesterol cao từ máu về gan để loại ra ngoài.
Các nhà y khoa học đề nghị mọi người từ 20 tuổi trở lên, nên đo cholesterol trong máu mỗi 5 năm.
Làm sao để hạ cholesterol quá cao trong máu
Chẳng may cholesterol lên cao thì nên nhờ bác sĩ gia đình hướng dẫn điều trị với dược phẩm, thay đổi nếp sống và áp dụng chế độ dinh dưỡng tốt cho tim mạch.
-Dược phẩm gồm mấy loại chính như sau:
Nhóm statin làm giảm sản xuất cholesterol ở gan như Lipitor, Pravachor, Zocort…
Nhóm resins ngăn cản sự hấp thụ cholesterol ở ruột non như Questran, Colestid.
Nhóm fibrates tăng HDL, giảm triglycerides, như Lopid
Nhóm Niacin giảm LDL, cholesterol, tăng HDL như nicotinic acid.
Bác sĩ sẽ lựa dược phẩm thích hợp cho mỗi bệnh nhân.
-Dinh dưỡng lành mạnh với nhiều rau trái cây, các loại hạt nhiều chất xơ, thịt nạc, hai lần cá mỗi tuần lễ, sữa giảm chất béo.
-Vận động cơ thể mỗi ngày 30 phút như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, khiêu vũ…tùy theo sở thích và sức khỏe cho phép.
Một vài ngộ nhận:
Tôi gầy thì cholesterol đâu có cao
Gầy béo đều có thể bị cao cholesterol nhưng dân mập phì dễ bị cao hơn. Hơn nữa, người gầy lại thường ỷ y, ăn vung vít đủ các loại thịt chứa nhiều chất béo bão hòa, hoặc thực phẩm chiên rán với trans fat. Cho nên, dù gầy cũng cần thử cholesterol trong máu.
Cholesterol là chuyện của liền ông chứ đâu có “ăn nhậu” gì với liền bà chúng tôi.
Cao cholesterol là vấn đề của cả nam thanh nữ tú. Có điều là, khi đang còn ở tuổi sanh đẻ thì quý bà quý cô được sự che trở của hormon nữ estrogen, nâng cao HDL. Nhưng khi ở tuổi mãn kinh, estrogen giảm lần thì triglyceride và cholesterol lại có chiều hướng lên cao đấy.
Bác sĩ cho tôi uống thuốc hạ cholesterol rồi thì đâu cần kiêng khem.
Vẫn cần giới hạn chất béo bão hòa. Dược phẩm thường được chỉ định cho người bị cholesterol cao dù là đã áp dụng dinh dưỡng lành mạnh, vận động cơ thể mỗi ngày hoặc cho người có rủi ro bị bệnh tim mạch, tai biến não.
Ngộ nhận còn nhiều. Xin hẹn kỳ tới
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.
Texas- Hoa Kỳ