Trước hết, cần lưu ý sự khác biệt giữa khoáng chất (minerals) và sinh tố (vitamin), ít nhất là ở hai điểm:
-Vitamin là những chất hữu cơ có phân tử carbon do cây cỏ và động vật tạo ra còn khoáng chất là các chất vô cơ không có carbon.
-Cơ thể có thể tạo ra một vài loại sinh tố nhưng không sản xuất được một khoáng chất nào.
Khoáng chất rất cần thiết cho sự hấp thụ các loại vitamin. Dù rất quan trọng nhưng vitamin sẽ trở thành vô dụng nếu không có sự hỗ trợ của khoáng chất.
Khoáng chất không phải chỉ có trong thực phẩm mà còn thấy trong đất như là sắt, kẽm…Cây cỏ kết hợp khoáng từ đất vào các tế bào của chúng. Do đó, trái cây, các loại rau, hạt là nguồn cung cấp khoáng chất rất phong phú..
Vì là chất vô cơ, cho nên khoáng chất có sức chịu đựng với nhiệt độ cao và vẫn hiện diện trong thực phẩm hoặc tế bào bị đốt cháy.
Khoáng chất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển bình thường của cơ thể và cần phải được cung cấp đầy đủ từ thức ăn mà ta tiêu thụ mỗi ngày.
Tất cả các loại tế bào và dung dịch chất lỏng trong cơ thể đều chứa một số nhiều ít khoáng chất khác nhau. Khoáng chất là thành phần cấu tạo của xương, răng, tế bào mềm, cơ bắp, máu, tế bào thần kinh. Nói chung, khoáng có vai trò quan trọng duy trì tốt tình tạng tinh thần cũng như thể chất của cơ thể.
Phân loại
Về phương diện dinh dưỡng, khoáng chất được chia ra làm hai nhóm, căn cứ theo nhu cầu của cơ thể:
-Vĩ khoáng (macromineral) hay khoáng chất đa lượng, là những chất mà cơ thể cần đến với lượng khá lớn, mỗi ngày có thể trên 250 mg. Đó là calci, phospho, sulfur, magnesium và ba chất điện phân natri, chlor và kali.
-Vi khoáng (microminerals) hay khoáng chất vi lượng tuy rất cần thiết nhưng nhu cầu không nhiều, mỗi ngày chỉ cần dưới 20 mg. Như là sắt, đồng, bạc, kẽm, crôm, magan, selen, cobalt, fluor, silic, molybden, boron…
Khoáng chất được ruột non hấp thụ từ thực phẩm, rồi dự trữ và lưu truyền trong máu, trong các loại tế bào. Phần không dùng đến sẽ được nước tiểu loại ra ngoài.
Khi số lượng khoáng chất mang vào cơ thể quá cao và được giữ lại quá lâu thì chúng có thể gây ra một số tác hại.
Vai trò của khoáng chất
Nói chung, vai trò của khoáng chất như sau:
-Cần cho sự tăng trưởng và sự vững chắc của xương;
-Điều hòa hệ thống tim mạch, tiêu hóa và các phản ứng hóa học;
-Để làm chất xúc tác chế biến diếu tố ( enzyme);
-Là thành phần của chất đạm, chất béo trong các mô, tế bào;
-Có tác dụng phối hợp với các sinh tố, kích thích tố trong các chức năng của cơ thể;
-Giữ thăng bằng các thể dịch lỏng trong cơ thể.
Công dụng của khoáng chất đã được người đời xưa biết tới và dùng để trị bệnh, mặc dù họ không giải thích được tại sao.
Trước Công nguyên, các thầy thuốc Trung Hoa đã khuyên bệnh nhân bướu cổ ăn rong biển (seaweed) có chứa iod. Các vị lương y Hy Lạp cho bệnh nhân thiếu máu uống nước nhúng sắt nung.
Kết quả nghiên cứu của khoa học hiện nay đã tìm ra và chứng minh được vai trò của khoáng chất. Ngoài công dụng dinh dưỡng, mỗi khoáng còn có một vai trò khác nữa trong cơ thể.
Gần đây nhiều thí nghiệm cho thấy có mối liên hệ giữa khoáng chất và các bệnh kinh niên như bệnh cao huyết áp, bệnh giòn xương, bệnh tim mạch, thậm chí cả bệnh ung thư. Do đó nhiều người đã vội vã đi mua khoáng chất dưới dạng thực phẩm phụ (food supplement) để uống. Họ tin tưởng rằng khoáng chất có thể chữa hết các chứng bệnh đó.
Trong thực tế, cơ thể không cần khoáng chất dưới dạng thực phẩm phụ và cũng không cần khoáng chất với liều lượng quá lớn (megadose). Sự tác động qua lại trong cơ thể của khoáng chất, sinh tố, các chất dinh dưỡng và nhiều chất khác, rất là phức tạp. Cho nên một lượng lớn của bất cứ một thành phần nào cũng đều gây ra sự mất cân bằng và cản trở hấp thụ bình thường các chất dinh dưỡng.
Hậu quả thiếu khoáng chất
Khi thiếu khoáng chất, một số bệnh có thể xẩy ra, như là:
-Gia tăng khả năng mắc các bệnh cảm cúm, nhiễm trùng
-Cao huyết áp
-Trầm cảm, lo âu
-Không tăng trưởng hoặc xương yếu
-Đau nhức bắp thịt, khớp xương
-Rối loạn tiêu hóa như ợ chua, táo bón, buồn nôn.
Nhu cầu hàng ngày
Tại Hoa Kỳ, viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia khuyến cáo chỉ nên giữ mức tiêu thụ bảy khoáng chất hằng ngày như sau đối với những người tuổi cao :
Calci (Ca) 800 mg
Phospho (P) 800 mg
Magnesium (Mg) 350 mg
Sắt (Fe) 10 mg
Kẽm (zinc) 15 mg
Iod (I) 150 mcg
Selen (Se) 70 mcg.
Với các khoáng chất khác, viện này chỉ đưa ra những ước lượng về mức an toàn cho cơ thể với số lượng được hấp thụ.
Cách tốt nhất để có một lượng vừa phải các khoáng cần thiết là cân đối bữa ăn với nhiều loại thực phẩm có đầy đủ chất dinh dưỡng.
Vài khoáng chất căn bản
Trong cơ thể có trên 60 loại khoáng chất nhưng chỉ có 20 loại được xem là cần thiết. Khoáng chất chỉ chiếm 4 % trọng lượng cơ thể.
Sau đây là một số khoáng chất quan trọng:
1.Calci
Calci đặc biệt có nhiều trong sữa và các phó sản như pho mát, sữa chua. Cho tới tuổi 20, xương có thể hấp thụ và dự trữ cần thiết cho sự tăng trưởng cơ thể và duy trì các chức năng khác. Sau đó thì cơ thể dùng nhiều calci hơn để xương cứng chắc. Do đó, nếu ta không tiêu thụ đầy đủ calci, xương sẽ bị rỗng loãng, dễ gẫy cũng như rụng răng.
2.Phospho
Phopho cần thiết để duy trì tốt sự tiêu hóa, tuần hoàn, nuôi dưỡng tế bào thần kinh, mắt, cơ bắp, não bộ.
Phospho có nhiều trong các thực phẩm như sữa, thịt cá, cám, ngô bắp…
Thiếu phopho sẽ gây ra một số rối loạn như xương ròn dễ gẫy, răng lung lay, đau nhức cơ bắp…
3.Sắt
Sắt cần thiết để giúp máu chuyên chở và phân phối dưỡng khí tới khắp các bộ phận của cơ thể.
Thiếu sắt đưa tới kém tăng trưởng, tóc và móng tay móng chân ròn, thiếu hồng cầu, thiếu máu.
Sắt có nhiều trong thịt, cá, trứng …
4.Magnesium
Magnesium là một trong những khoáng chất mà cơ thể cần. May mắn là khoáng này hiện diện trong nhiều loại thực phẩm như trái cây, sữa, pho mát.
Thiếu Mg có thể làm cho cơ bắp đau nhức, rối loạn tim và huyết áp.
5.Iodine
Iodine có trong muối được tăng cường i-ốt ( iodized salt), hải sản, rau spinach, rong biển.
Mặc dù cơ thể chỉ cần số lượng rất ít, nhưng khi thiếu iod sẽ đưa tới rối loạn tăng trưởng cả thể chất lẫn tinh thần cũng như tuyến giáp (thyroid).
6.Kẽm
Kẽm có vai trò quan trọng trong việc tạo ra tính miễn dịch mạnh cho cơ thể để chống lại với cảm lạnh, cúm. Thiếu kẽm cũng gây ra bệnh ngoài da, vết thương chậm lành.
Nguồn cung cấp chính của kẽm là hải sản như sò hến, thịt, gan, trứng, sữa, mầm lúa mạch.
7.Selenium
Selenium là một chất chống oxi- hóa giúp cơ thể ngăn chặn được ung thư, trì hoãn sự hóa già và các bệnh thoái hóa. Selen rất cần thiết cho hệ thống miễn nhiễm và sự hoạt động của cơ tim, giúp cân bằng kích thích tố và tạo ra chất prostaglandin, làm da và tóc khỏe mạnh.
Selenium có nhiều trong cá, sò hến, thịt, ngũ cốc, trứng, tỏi và gan, cật. Rau và trái cây có rất ít selenium.
Kết Luận
Khoáng chất là những phần tử cần thiết cho các chức năng của cơ thể, từ hệ thần kinh cơ bắp tới điều hòa tiêu hóa hấp thụ chất dinh dưỡng, duy trì cân bằng chất lỏng trong và ngoài tế bào. Mặc dù cơ thể chỉ cần một số lượng khiêm tốn, nhưng thiếu chúng là cơ thể trở nên suy yếu, kém hoạt động.
Vậy thì ta nên tiêu thụ đầy đủ các chất này, có sẵn trong thực phẩm mà tạo hóa đã dành cho con người.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.
Texas- Hoa Kỳ