Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Khi Miệng Hết Thơm



Ở loài người, miệng là cửa ngõ của sự tiêu hóa và hô hấp, nơi mà không khí cũng như thực phẩm ra vào. Cấu trúc của miệng cũng khá phức tạp với phía trước là cặp môi và hàm răng; hai bên cạnh là xương hàm và má, phía sau thông với cuống họng. Phía trên là hàm ếch, mặt dưới là lưỡi.
Miệng có nhiệm vụ quan trọng trong việc tiêu hóa thực phẩm.
Răng để nhai nhuyễn món ăn với sự trợ giúp của lưỡi. Tuyến nước miếng tiết ra nước miếng để làm món ăn nhuyễn nhỏ đồng thời cũng để giữ gìn vệ sinh răng miệng, giúp phát âm hoạt bát. Nước miếng còn chứa men tiêu hóa amylase để chuyển hóa tinh bột ra đường.
Miệng còn chứa thanh quản, một cơ quan phát âm. Không khí cũng ra vào theo miệng mặc dù mũi là cơ quan chính sự hô hấp.
Xét vậy thì miệng có vai trò quan trọng trong vấn đề sức khỏe, như các cụ ta thường nói “Bệnh từ miệng mà vào, vạ từ miệng mà ra”. Ý giả các cụ bảo là nhiều bệnh gây ra ro sự ăn uống cẩu thả mà nhiều tai ương cũng từ cửa miệng khi phát ngôn bừa bãi mà nên chuyện. Chẳng khác chi câu nói cổ nhân “miệng nhà sang có gang có thép”.
Miệng quan trọng như vậy mà không khéo giữ gìn thì cũng bệnh, cũng đau. Mà hôi miệng là một trong những bệnh.
Sanh ra em bé miệng thơm tho sạch sẽ, ai cũng muốn “thơm” một tý. Vì em chỉ bú sữa mẹ dễ tiêu, và cũng vì chưa có răng cho nên vi sinh vật có hại chưa có nơi ẩn núp. Lớn lên, răng bắt đầu nhú mà kém vệ sinh răng miệng là lúc bắt đầu có vấn đề.

Hôi miệng, hơi thở hôi hoặc thối miệng là dấu hiệu một bệnh nào đó của cơ thể. Ðây là một chứng bệnh rất phổ biến với nhiều nguyên nhân phức tạp. Thậm chí danh từ chuyên môn y học gọi là Halitosis cũng bắt nguồn từ hai ngôn ngữ khác nhau: “halitus” từ tiếng La tinh có nghĩa là hơi thở, và suffix Hy Lạp “osis” là tình trạng.
Thường thường, khi nói tới hôi miệng thì nhiều người cứ cho là do bao tử mà nên nỗi. Nhưng thực ra những 85% trường hợp hôi miệng lại chính từ miệng, còn lại 15% đến từ nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề dinh dưỡng, ăn uống như bạn cô nói.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân đưa tới hôi miệng
a-Từ miệng
Miệng được một số khoa học gia ví như một sở thú, trong đó chen chúc sinh sống cả dăm ba trăm loại vi sinh vật lành dữ khác nhau, đặc biệt là ở phần sau của lưỡi. Đa số các vi khuẩn này thuộc nhóm kỵ khí nghĩa là chúng chỉ tăng sinh trong môi trường không có oxy như trong bựa răng, khe răng, túi nha chu nhất là ở mặt sau của lưỡi.
Khi há miệng soi vào gương, ta thấy lợn cợn những vệt trắng với nhiều vi khuẩn phủ trên lưỡi. Thức ăn sót lại trong miệng hoặc ở các kẽ răng là món ăn hấp dẫn đối với chúng và sẽ bị phân hóa tạo ra mùi hôi.
-Nhiễm trùng ở nư��u răng cũng lại mấy cô cậu vi khuẩn bám vào các cục bựa chất béo, calci ở chân răng mà ra. Bựa vôi đóng vào chân răng là môi trường tốt cho vi khuẩn tác dụng vào và đưa đến hôi miệng.
-Khi miệng khô, như ngủ ban đêm thở bằng miệng hoặc dưới tác dụng của vài dược phẩm, hút thuốc lá khiến cho miệng khô, đóng bựa, vi khuẩn tác dụng vào và tạo ra mùi hôi.
-Các bệnh nấm trong miệng tạo mùi ngọt trái cây
-Răng giả không được chùi rửa sạch sẽ.

b-Một số thực phẩm có chất dầu gây hôi cho hơi thở như tỏi, hành. Các thực phẩm này sau khi được tiêu hóa, chất bay hơi của chúng đều được hấp thụ vào máu, lên phổi và theo không khí hít thở mà bay ra cửa miệng.
Mùi rượu sau khi uống vào cũng thoát ra như vậy trong hơi thở.
c-Một số bệnh về bộ máy hô hấp như nhiễm trùng phổi kinh niên, viêm xoang mãn tính, chất lỏng ở sau miệng nhỏ giọt xuống cuống họng, ung thư phổi, viêm cuống họng, tiểu đường với mùi trái cây hư ủng, bệnh gan mùi trứng thối, thận mùi tanh cá ươn, rối loạn tiêu hóa cũng tạo ra hơi thở hôi. Đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường là hay bị bệnh nớu răng, máu lưu thông giảm. dinh dưỡng kém, nớu mau hư.
Những bệnh về bao tử ít gây ra hôi miệng vì van thực quản-dạ dày luôn luôn khép kín, hơi không bốc lên được ngoại trừ khi ói mửa hoặc ợ chua, trào ngược nước chua từ bao tử vào thực quản, thoát vị khe thực quản (hiatal hernia) hoặc hẹp môn vị (pyloric stenosis)
Nhiễm trùng tổng quát, bị nóng sốt làm cho miệng khô
d-Rối loạn về sự co bóp của bao tử, thực phẩm chậm tiêu hóa ở lâu trong dạ dầy, bị lên men cũng tạo ra mùi hôi, nhất là khi ta ợ.
e-Một nguyên nhân Tâm Lý là nhiều người quá chú tâm tới dung nhan mình, có ảo tưởng là cơ thể mình hư hao, phát tiết ra mùi khó chịu. Nhiều người mỗi khi nói chuyện là che miệng, như thể là miệng mình hôi.
g-Trong thời kỳ kinh nguyệt cũng hay có mùi hôi lưu huỳnh từ miệng gây ra do thay đổi kích thích tố trong cơ thể.
h-Dược phẩm gây ra khô miệng cũng gián tiếp tạo mùi hôi như thuốc chống dị ứng benadryl, trị tâm thần, trầm cảm, thuốc lợi tiểu tiện, trị bệnh Parkinson, cao huyết áp
Phân tích mùi hôi
Đa số mùi hôi là do chất hơi có lưu huỳnh (Sulfur), như hydrogen sulfide có mùi hôi trứng thối, methyl mercaptan, và dimethyl disulfides. Đôi khi, mùi hôi do những chất hơi acids béo (fatty acids) như propionic, butyric, hay valeric acids hay những chất amin (indole, skatole, cadaverine và putrescine).
Bình thường các chất này được hòa tan trong nước miếng và hấp thụ vào tế bào ở miệng. Nhưng khi có quá nhiều hoặc miệng quá khô, chúng sẽ tỏa ra hơi thở từ miệng, khiến cho hơi thở kém thơm tho.
Chẩn đoán hôi miệng
Nhiều người cứ tự hỏi không biết miệng mình thơm hôi ra sao nhất là khi cần rù rì tâm sự sát với tai người khác. Sau đây là mấy phương thức:
-Tự mình tìm hiểu bằng cách thở hoặc bôi nước miếng vào lòng bàn tay đợi vài giây cho nước miếng khô rổi hửi xem thơm hôi ra sao.
-Khi ta bịt mũi thở ra bằng miệng mà thấy hôi thì đa phần là mùi xuất phát từ miệng. Ngược lại ngậm miệng thở ra bằng mũi mà hôi là do bệnh cơ quan nội tăng. Mùi hôi ngấm vào máu, thoát lên phổi rồi thở ra ngoài.
-Nhờ người khác khám phá khi họ kề sát mũi vào miệng mình hửi hơi thở. Nhớ giữ khoảng cách an toàn, tránh nước miếng văng vào mũi miệng mình.
-Dùng máy khám phá mùi hôi (Halimeter). Máy rất chính xác có thể đo nồng độ cao thấp khác nhau của mùi lưu huỳnh trong hơi thở.
Xin cô thử duyệt lại các nguyên do kể trên, xem mình ở vào trường hợp nào rồi ta từ từ loại bỏ, chữa trị.
Điều trị
Về điều trị thì xin đề nghị với cô các phương thức sau đây:
a-Nguyên nhân thông thường nhất của hôi miệng là từ miệng.
Đề nghị với cô để ý nhiều đến vấn đề vệ sinh răng miệng. Đánh răng sau khi ăn, nhất là nếu cô có thói quen hay ăn vặt, ưa món ăn ngọt. Cô không cần dùng kem đánh răng, mà chỉ cần trà nhẹ mặt trong mặt ngoài của răng cho sạch hết thức ăn sót trong miệng, đặc biệt là ở kẽ răng.
-Mua thêm dây chỉ nylon (Dental Floss) để cà khe răng cho sạch thức ăn kẹt ở đó.
– Cô nên khám Nha sĩ coi có bị sâu răng, nhiễm độc nớu thì xin chữa.
-Giữ miệng ẩm ướt bằng cách lâu lâu uống một chút nước.
-Nếu lưỡi đóng bựa, bám nhiều vi khuẩn thì cạo cho hết, nhất là mặt sau của lưỡi.
b-Xin bác sĩ khám nghiệm coi có các bệnh kinh niên như tôi kể trên và điều trị.

Nhắc nhở với cô là trước khi gặp người yêu, không nên ăn các thực phẩm có thể gây mùi hôi ở miệng như hành tỏi, cá mú. Đồng thời có thể tạm thời làm giảm mùi hôi với:
-Nhai kẹo cao su không đường để tăng tiết nước miếng mà công dụng là vừa loại các miếng bựa vừa diệt vi khuẩn trong miệng,
-Xúc miệng với các mỹ phẩm làm thơm miệng. Các chất này chỉ có tác dụng che đậy, làm bớt hôi miệng trong thời gian ngắn sau khi dùng, chứ không trị dứt được hôi miệng đâu.
-Trái cây có nhiều chất xơ như táo, cà rốt, lê khi nhai có thể làm sạch miệng.
-Ăn một ly sữa chua, một miếng pho mát cũng có tác dụng sạch miệng, trừ hôi.
-Các loại cây lá có mùi thơm như quế, gừng, rau mùi tây, bạc hà, hồi, chè xanh …cũng tạm thời át mùi hôi ở miệng.
-Pha một chút bột nở baking soda với nước cũng diệt vi khuẩn, giảm mùi hôi ở miệng.
-Mạnh hơn nếu cô pha 50% nước oxy già hydrogen peroxide với 50% nước rồi xúc miệng. Đây là dung dịch diệt trùng rất tốt.
Nhớ đừng quá chén, nhiều rượu hoặc cà phê nhé, vì các chất này lợi tiểu, làm miệng mau khô, lời nói không dẻo mà vi khuẩn lại tăng sinh, hôi miệng.
Chúc cô có nhiều niềm vui trong hơi thở vẫn thơm, cho tăng tình yêu lứa đôi.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.
Texas-Hoa Kỳ.
www.bsnguyenyduc.com
Comments are closed