Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Bệnh Bà Bầu


1.Bệnh tiểu đường.
Khi mang thai, một số kích thích tố liên hệ tới thai nghén như estrogen, human chorionic gonadopin, lactogen của nhau (placenta) được tiết ra. Các kích thích tố này giảm tác dụng của insulin, do đó tụy tạng phải làm việc nhiều hơn để sản xuất thêm. Nếu insulin vẫn không đủ thì dấu hiệu bệnh tiểu đường sẽ xuất hiện. Ở một số người, hiện tượng này mất đi sau khi sanh, nhưng hơn 50% trường hợp có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong tương lai.
Rủi ro đưa tới tiểu đường ở bà bâu gồm có: tuổi từ 30 trở lên; gia đình có người bị tiểu đường; đã sanh con nặng kí; mẹ mập phì, cao huyết áp.
Mọi phụ nữ có thai đều cần được theo dõi để ý kỹ các dấu hiệu của bệnh này, vì nếu không sớm khám phá và không điều trị, sẽ có nhiều nguy cơ tử vong cho cả mẹ lẫn con.
Người mẹ có thể bị nhiễm độc, rút ngắn thai kỳ (sinh non), cao huyết áp cộng với các biến chứng thưởng lệ của tiểu đường như bệnh võng mạc, thận, giây thần kinh.
Thai nhi có thể bị khuyết tật thần kinh, bệnh tim hoặc kém phát triển cột sống.
Tiểu đường do thai nghén thường xẩy ra vào giữa thời kỳ có thai. Người mẹ cần được thử nghiệm đường trong máu lúc mới có thai và vào tuần lễ thứ từ 24-26 của thai kỳ.
Nếu xác định có bệnh thì mẹ phải ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên viên dinh dưỡng cũng như điều trị đúng mức, thường là với insulin.
2-Cao huyết áp.
Huyết áp cao có thể là kéo dài hay tạm thời.
Huyết áp cao kéo dài gây tử vong cho thai nhi và suy nhược chức năng của nhau thai.
Huyết áp cao tạm thời có thể là dấu hiệu của nhiễm độc huyết thai nghén (toxemia of pregnancy) với hậu quả là tai biến mạch máu não, rối loạn đông máu ở người mẹ; nhau thai giảm chức năng, tách sớm và thai nhi sanh non.
Nguyên nhân của nhiễm độc trong giai đoạn thai nghén chưa được tìm ra. Một số ý kiến cho là vì mẹ sụt cân khi thai nghén, kém dinh dưỡng, cao huyết áp, không được chăm sóc tiền thai sản, không tiêu thụ đầy đủ calcium. Những trường hợp này thường thấy ở những bà mẹ ít tuổi hoặc trên 35.
Điều trị cao huyết áp khi có thai rất khó khăn và phải hết sức thận trọng, vì dược phẩm có thể gây nhiều rủi ro cho thai nhi, mà nếu không chữa thì lại có nhiều biến chứng. Do đó, việc áp dụng một nếp sống hợp lý như vận động cơ thể, không quá kí, giảm thiểu stress…để phòng tránh các nguy cơ đưa tới cao huyết áp là điều rất cần thiết.

3-Ứ nước trong cơ thể.
Sưng phù tứ chi, nhất là bàn chân và cổ chân là chuyện thường gặp ở người có thai. Đó là do cơ thể giữ lại nước vào tháng cuối của thai kỳ vì khối lượng máu của mẹ gia tăng. Hiện tượng này là bình thường và sẽ mất dần đi sau khi sanh khoảng một tuần.
Nhưng nếu ứ đọng chất lỏng ở các phần khác của cơ thể đồng thời huyết áp lên cao, nước tiểu có nhiều ure thì lại là điều cần quan tâm. Đây có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản kinh (pre-eclampsia), đôi khi đưa tới Sản kinh (Eclampsia), một tình trạng hiếm hoi nhưng cực kỳ nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mệnh của cả mẹ lẫn con.
Khi thấy các dấu hiệu này, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

4-Thiếu máu
Số lượng hồng huyết cầu và huyết cầu tố người có thai thường ở dưới mức trung bình. Nguyên nhân thông thường là do thiếu chất sắt trong thực phẩm hoặc thiếu các yếu tố khác như chất đạm, sinh tố B6, B12, C, folic acid, khoáng đồng; hoặc do mất máu mà không được thay thế.
Dinh dưỡng với đầy đủ khoáng chất sắt trong thực phẩm, nhất là thịt, gan, là điều cần thiết. Đôi khi bác sĩ cũng cho uống thêm từ 30-60 mg sắt mỗi ngày.

5- Quá nhẹ hoặc quá nặng cân.
Khi người mẹ sụt cân đến hơn 15% trọng lượng cơ thể thì dễ bị bệnh tim, phổi, thiếu hồng cầu, nhau thai sẽ nhỏ và nhẹ, ít phần tử tiếp nhận dinh dưỡng và thải chất bã, do đó có tác dụng xấu cho thai.
Nhưng tăng cân quá mức cũng không tốt, có thể đưa tới cao huyết áp, tiểu đường, thai nhi quá lớn. Thai nhi sinh ra mà nặng trên 4,5kg cũng có rủi ro bệnh tật, đôi khi thai quá lớn, người mẹ phải sanh bằng cách mổ dạ con.
Tăng cân quá mức thường là do tiêu thụ nhiều chất béo, carbohydrat, nhiều năng lượng mà lại ít đạm, khoáng và sinh tố.
Khi người mẹ có thai, tăng cân vừa phải là chuyện bình thường. Mức độ tăng tung bình cho đến cuối thai kỳ khoảng từ 9 kg đến 12.5 kg là vừa phải, đứa bé sinh ra có trọng lượng khoảng 3.5 kg là tốt.
Sự tăng cân cũng cần diễn ra đều đặn trong suốt 9 tháng 10 ngày có thai. Ba tháng đầu khoảng 0,7kg tới 1,4 kg là vừa. Sau đó thì cứ mỗi tuần lễ lên khoảng 0.3 kg cho tới ngày sinh.
Tăng cân quá nhanh cũng không tốt cho cả mẹ lẫn con. Người mẹ sẽ đau lưng, nhức bắp thịt, mau mệt, nhiều khi sưng phù chân tay vì ứ nước.

6- Ợ chua (Heartburn).
Sự lớn lên của thai nhi gây ra sức ép vào bao tử. Thực phẩm và dịch bao tử bị dồn ngược lên thực quản và đưa đến ợ chua. Bệnh thưởng xẩy ra vào tháng cuối của thai kỳ, nhiều nhất là sau khi ăn hoặc nằm nghỉ.
Để hạn chế sự khó chịu này, ta có thể chia thực phẩm ra nhiều bữa nhỏ trong ngày; tránh ăn hai giờ trước khi đi ngủ; tránh dùng thực phẩm kích thích cay chua kích thích bao tử.
Cũng có thể kê đầu giường cao hơn khoảng 6 phân. Với tư thế nằm như vậy có thể giúp giảm bớt ợ chua.
Chỉ dùng thuốc chống acid khi có hướng dẫn của thầy thuốc.

7- Táo bón.
Vào mấy tháng cuối của thai kỳ, nhiều bà mẹ than phiền bị táo bón. Phân thường rắn và vài ngày mới đại tiện một lần.
Nguyên do có thể là thai lớn, tạo sức ép vào hệ tiêu hóa hoặc do giảm sức căng của bắp thịt vùng bụng do đó sự tiêu hóa thực phẩm chậm lại, phân nằm ở ruột già lâu hơn.
Đề giảm táo bón, khi mang thai nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau trái có chất xơ, ngũ cốc, hạt nguyên vẹn có nhiều cám và năng vận động cơ thể theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Chỉ dùng thuốc nhuận tràng khi có hướng dẫn của thầy thuốc để tránh tác dụng phụ.
Một triệu chứng khác là người mẹ mang thai tới cuối thai kỳ thường hay tiểu tiện nhiều lần hơn, vì thai ép vào bàng quang. làm căng lên và gia tăng nhu cầu tiểu tiện.
8- Nôn ói (Morning sickness).
Triệu chứng này thường xẩy ra vào tháng đầu của thai kỳ, khi mà kích thích tố human chorionic gonadotropin lên cao để giúp noãn sào thụ tinh làm tổ ở dạ con. Tới tháng thứ tư, kích thích tố này giảm thì nôn ói cũng giảm theo. Bệnh thường thấy ở phụ nữ có thai lần đầu, còn trẻ, người mập phì;
Nôn ói có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng thường là vào sáng sớm, sau khi thức dậy. Có người bị nhiều, có người chỉ bị nhẹ trong ít ngày.
Không có thuốc và cũng không nên dùng thuốc để giải quyết hiện tượng tự nhiên “Cơn đau buổi sáng” này vì chỉ thoảng qua và không gây hậu quả trầm trọng. Tuy nhiên có thể áp dụng một số phương thức sau đây để giảm bớt:
-Buổi sáng thức dậy nên ăn một miếng bánh khô mặn;
-Chia thực phẩm trong ngày ra làm nhiều bữa nhỏ;
-Tránh thực phẩm nhiều chất béo;
-Tránh những chất kích thích bao tử như cay chua;
-Tránh thực phẩm có mùi dễ gây buồn nôn, như cá tanh;
-Tránh rượu, cà phê, thuốc lá;
-Khi thấy muốn nôn ói thì hít thở sâu một hơi thật dài để đưa nhiều không khí trong lành vào phổi rồi thư giãn tâm hồn.

9- Thèm món ăn bất thường.
Có người khi có thai thèm ăn chua, ăn kem, ăn thực phẩm mặn…Kinh nghiệm dân gian cho rằng khi phụ nữ thèm ăn như vậy là dấu hiệu có thai.
Để thỏa mãn, có thể ăn một chút các món ăn đó cũng không sao.
Nhưng cũng có người thèm chất không phải là có dinh dưỡng như đất sét, tro, sơn, đá, quần áo… Đây là hiện tượng “dị thực” (Pica).
Sự thèm ăn rất kỳ lạ này là có thật nhưng chưa có giải thích tại sao. Có ý kiến cho Pica là dấu hiệu của thiếu khoáng sắt vì khi dùng khoáng này thì không còn ăn cảm giác thèm ăn kì lạ như vậy nữa.
Dị thực đều không tốt cho cơ thể, nhất là khi có thai, nên cần được bác sĩ khám và thảo luận cách đối phó. Đã có trường hợp vì dị thực mà người mang thai bị nghẹt ruột, sưng phù, sinh non và có thể đưa tới tử vong.
Kết luận
Có thai là niềm vui mừng không những cho người mẹ mà còn cho cảc gia đình lớn nhỏ. Nhưng có thai mà “mẹ tròn, con vuông” thì hạmh phúc lại tăng thêm. Cho nên, khi có thai, nên đi bác sĩ khám tiền thai để biết tình trạng của thai nhi cũng như sớm tìm ra những rủi ro bệnh tật ở người mẹ rồi giải quyết đối phó.
Để khi đứa con sinh ra, cả gia đình vui lên trước tiếng khóc chào đời của đứa bé khỏe mạnh và nụ cười thỏa mãn của người mẹ sau chin tháng mang nặng đẻ đau.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Comments are closed