Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Truyền Thông và Sức Khỏe


Tin tức về y khoa trở nên phong phú hơn nhưng cũng phức tạp, khó hiểu với các từ ngữ mới về bệnh tật, các danh từ kỹ thuật về phương thức chẩn đoán khám chữa bệnh cũng như danh tính các tác nhân gây bệnh. Nguồn cung cấp tin tức dữ kiện y khoa học cũng nhiều và dưới các hình thức khác nhau, đặc biệt là kết quả các nghiên cứu đã hoàn tất mỹ mãn cũng như kết quả sơ khởi, cần nhiều nghiên cứu khác để được coi là chung kết.
Trước các kiến thức mới này, một người có sức học trung bình thu lượm được cách đây trên dưới nửa thế kỷ đôi khi cảm thấy mình như lạc lõng không biết phải dùng những tin tức nào để duy trì sức khỏe. Đặc biệt là đối với những người tuổi cao, nhóm dân thiểu số, những người có căn bản giáo dục giới hạn, lợi tức thấp hoặc đang ở trong tình trạng sức khỏe suy kém.
Thống kê cho hay có tới 12% dân chúng thiếu hiểu biết về các vấn đề sức khỏe. Họ sẽ rơi vào các hoàn cảnh như:
-Thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng về cấu tạo cơ thể, diễn tiến và nguyên nhân gây ra bệnh
-Không biết tự chăm sóc cũng như phòng tránh bệnh tật.
– Thường có sức khỏe kém vì bỏ qua các phương thức phòng tránh bệnh mà khoa học đã cống hiến. Chẳng hạn, họ sẽ không làm mammogram để tìm kiếm ung thư nhũ hoa, không làm pap smear để sớm khám phá ung thư cổ tử cung, không chịu chích ngừa cúm…
-Có nhiều bệnh kinh niên và thường hay than phiền đau chỗ này bệnh chỗ kia
-Không chữa trị ổn định bệnh do đó dùng nhiều dịch vụ để chữa các biến chứng của bệnh và ít dùng dịch vụ để giảm thiểu các biến chứng.
-Nhập bệnh viện nhiều hơn
-Thường tới phòng cấp cứu để chữa các bệnh thông thường thay vì tới bác sĩ gia đình, đưa tới gia tăng chi phí y tế.
-Chỉ đi khám bệnh khi bệnh đã trở nên trầm trọng.
Nhìn thấy vấn đề, chính quyền và các tổ chức y tế xã hội công tư đã cố gắng cùng nhau:
-Nâng cao ý thức y tế, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội
-Nâng cao ý thức y tế giúp mọi người sống lành mạnh hơn
-Nâng cao ý thức y tế cũng giảm thiểu nạn tử vong vì sanh non, tại nạn giao thông, lao động, ảnh hưởng của các chất có hại cho sức khỏe
-Nhờ tập trung vào sự phòng bệnh, nâng cao ý thức y tế giúp cắt giảm chi phí chăm sóc điều trị cho cá nhân cũng như gia đình và ngân sách quốc gia.
Cổ võ y tế dựa trên các kết quả nghiên cứu về sinh học, môi trường, tâm lý, y khoa học để duy trì sức khỏe, tránh bệnh tật, chết yểu…bằng cách thúc đẩy quần chúng tự mình thay đổi nếp sống, áp dụng điều tốt, loại bỏ điều xấu.
Cổ võ y tế cũng giúp quần chúng tạo ra các cơ hội để nâng cao kiến thức, tạo ra hành vi lành mạnh, bảo vệ sức khỏe.
Cổ võ y tế có thể sử dụng các phương tiện liên lạc để chuyển đạt các tin tức có tính cách xây dựng.
Một trong những phương tiện để tăng cường sự hiểu biết và cải thiện sức khỏe của quần chúng là truyền-thông-đại-chúng (Mass Communications hoặc Mass Media).
Truyền thông đại chúng có ít nhất 4 vai trò:
-Thu lượm tin tức về sức khỏe bệnh tật
-Lọc lựa phân tich các tin tức
-Phổ biến các tin tức chính xác có ích lợi trong việc bảo vệ sức khỏe tới dân chúng đồng thời cũng tạo điều kiện để mọi người có thể đối thoại với nhau dù ở cách xa.
-Cung cấp giải trí để đời sống quần chúng thoải mái, thư dãn hơn.
Nhờ truyền thông giáo dục, mọi người có thể nghe tận tai, đọc- nhìn tận mắt những gì mà nếu không có truyền thông đều không có được. Thế giới như thu hẹp lại nhờ truyền thông. Đây là kết quả của tiến bộ trong lãnh vực kỹ thuật và công kỹ nghệ điện tử.
Ngày xưa, việc truyền đạt lệnh lạc, ý tưởng trực tiếp giữa con người diễn ra trong phạm vi hết sức hạn hẹp. Thông tin trong xóm làng là các chú “Mõ” lốc cốc gõ sừng trâu, gáo dừa đi từng xóm để loan tin cần thiết. Rộng lớn hơn thì có truyền hịch, chạy ngựa báo tin. Ngày nay nhờ truyền thông đại chúng, sự trao đổi này quy mô rộng lớn hơn, từ địa phương nhỏ bé tới không gian bao la, từ một số giới hạn con người tới cả triệu triệu quần chúng. Một dịch bệnh nguy hiểm ở vùng sa mạc Phi châu chỉ cần vài phút là quần chúng khắp địa cầu biết tới. Một phương thức trị bệnh mới lạ cũng mau chóng được thông báo tới các bác sĩ và bệnh nhân.
Truyền thông cũng mang lại nhiều thay đổi trong các giá trị sẵn có từ lâu và cũng thúc đẩy con người “hiện đại” hóa cuộc sống.
Các phương tiện truyền thông đại chúng gồm có:
1-TV truyền hình
Đây là phương tiện chuyển đạt tin tức rất hữu hiệu tới mọi người, không kế già trẻ, nam nữ.
Lợi điểm của truyền hình là gửi đi cả lời nói lẫn hình ảnh, khiến cho người coi lãnh hội dễ dàng và có ảnh hưởng lâu dài, vì quần chúng sẽ nhớ mãi.
Tuy nhiên, bên cạnh những tin tức tài liệu hữu ích thì TV đôi khi cũng có những màn bạo lực, dâm ô, quảng cáo quá mức, gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
2-Radio
Rất phổ biến, tới được nhiều thính giả với đầy đủ chi tiết và chi phí cũng ít hơn là với TV. Các vị cao niên đều rất thích nghe các chương trình của radio, từ thời sự thế giới tới cách bảo vệ sức khỏe, phân ưu, chia vui…
3-Báo chí
Theo thống kê, có tới 70% dân chúng thu lượm kiến thức về sức khỏe qua nhật báo. Lợi điểm của báo chí là độc giả có đầy đủ các loại tin tức, đọc lúc nào cũng được chứ không như TV, radio: mất dịp coi nghe một chương trình là mất luôn, không coi nghe lại được.
4-Tạp chí
Với tạp chí, độc giả thường có tính cách chọn lựa, tài liệu tương đối có giá trị hơn và thường được cất giữ để dành hoặc trao đổi với bạn bè.
5-Internet
Đây là phương tiện truyền thông rất phổ biến hiện nay, ai cũng có thể sử dụng để thu nhận và truyền đạt tin tức. Người sử dụng có thể dùng bất cứ lúc nào, gửi đi bất cứ tin tức gì. Tuy nhiên, các tin tức nhiều khi không được kiểm chứng tính cách xác thực, gây hoang mang, ngộ nhận cũng như làm phiền lòng người nhận.
6-Các trang web, blogger với các bài viết y khoa học đầy đủ chi tiết có tính cách xây dựng, giáo dục.
Đó là chưa kể tới các thông tin qua tờ bướm tờ rơi, bảng quảng cáo, bích chương, bích báo, bản tin luân lưu nội bộ cũng như âm nhạc, hình ảnh, nét vẽ minh thị…
Truyền thông đại chúng cũng được các nhà chuyên môn y tế xã hội sử dụng rất nhiều để cải thiện sức khỏe quần chúng. Nhờ truyền thông mà các phương thức phòng ngừa bệnh, các hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh, diễn tiến bệnh cũng như các phương thức điều trị căn bản được phổ biến.
Các nhà chuyên môn có thể dùng truyền thông để gửi tới dân chúng các tin tức y học liên quan tới việc bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Họ cũng có thể dùng truyền thông để mở ra các cuộc thảo luận với dân chúng về y khoa học hoặc góp ý kiến, giải đáp cho dân chúng về các thắc mắc bệnh tật thông thường.
Truyền thông có một số lợi điểm như:
-Truyền thông dễ dàng lôi cuốn sự lưu ý của quần chúng đối với các vấn đề sức khỏe một cách mau chóng
-Truyền thông có thể đưa ra các ý kiến về sức khỏe hết sức hữu hiệu.
-Truyền thông có thể kích thích quần chúng, tạo ra những đáp ứng tình cảm để người nghe-coi thay đổi nếp sống ngõ hầu có một sức khỏe tốt.
-Truyền thông có thể tác động lên dư luận, tạo ra các cơ hội để tranh luận cách thức duy trì sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật qua phượng tiện liên lạc.
-Truyền thông có thể hợp tác với các nhà chuyên môn để tổ chức các buổi gặp gỡ giữa quần chúng với nhau hoặc giữa các nhà chuyên môn với quần chúng để trao đổi kiến thức bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, truyền thông cũng có:
-Tính cách giáo dục, chia sẻ kiến thức, cổ võ những hành vi có lợi cho công ích
-Giúp cải thiện sự gắn bó các quan hệ công cộng, giúp các tổ chức liên quan tới bảo vệ sức khỏe cùng sát cánh làm việc.
-Góp phần tranh đấu, cổ võ, truyền thông tiếp tay với các nhà lãnh đạo đưa ra các chính sách y tế, dung hòa các tranh luận và tìm ra các hỗ trợ ý kiến có tính cách quyết định đặc biệt.
Tuy vậy, truyền thông cũng có một số bất lợi như:
-Truyền thông gửi ra thông tin nhưng ít khi tiếp nhận được phản ứng của quần chúng.
-Khó mà ước lượng coi xem tin tức đưa ra có đáp ứng nhu cầu dân chúng, có đúng thời điểm và không biết phản ứng của dân chúng ra sao.
-Dân chúng có thề không coi, không đọc hoặc tắt tv, radio giữa chừng vì bất đồng ý kiến.
-Do ảnh hưởng của kinh tế tự do cạnh tranh “khuyến thị”, truyền thông cũng lệ thuộc vào các “thông-tin-thương-mại” để trang trải chi phí điều hành, cơ sở, nhân viên, cho nên nhiều khi phổ biến những dữ kiện có tính cách chủ quan, thỏa mãn lợi nhuận cho giới sản xuất, cung cấp dịch vụ, hàng hóa. Nhưng, “đời là thế”, khán thính giả cũng “sính sái”, thông cảm. Vì “có bột mới gột nên hồ”. Không tiền thì lấy đâu ra đài ra sóng, không cả văn nghệ văn gừng giải trí chứ nói chi tới tuyên truyền cổ võ sức khỏe miễn phí.
-Đôi khi vì tính cách thời sự nóng hổi, “giật gân”, truyền thông cũng loan tải các tin tức chưa được chứng minh tính cách xác thực hoặc chưa có sự đồng thuận của các nhà chuyên môn, gây hoang mang cho người nhận.
Truyền Thông giữ một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của quần chúng. Đó là điều quan tâm hàng đầu của nhân loại. Bản hiến chương của Tổ Chức Y Tế Liên Hiệp Quốc, WHO, đã công bố ” sức khỏe là một quyền căn bản của con người “
Đối với Phật giáo, sức khỏe được xem là món quà lớn nhất của đời người. Một trạng thái an lạc và khỏe mạnh của thân và tâm là tối cần thiết trong việc tập trung tư tưởng để tu tập.
Mặc dù có vài khuyết điểm có thể điều chỉnh và tránh được, truyền thông đại chúng vẫn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe quần chúng.Điều tiên quyết là các dữ kiện đưa ra phải rõ ràng, chính xác, có tính cách thuyết phục và có thể giúp người nhận áp dụng được.
Như Đức Giáo Hoàng John Paul II từng nhắc nhở:
“Sự phát triển tích cực của truyền thông để phục vụ chính nghĩa chung là trách nhiệm của mỗi người. Vì sự liên quan chặt chẽ giữa truyền thông với kinh tế, chính trị, văn hóa, cần có một hệ thống điều hành có khả năng bảo vệ quyền hạn và nhân cách của con người, bảo vệ tính ưu việt của gia đình như một đơn vị căn bản của xã hội và sự gắn bó đích thực giữa người với người”.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.
Comments are closed