Già Cậy Con


Xét cho cùng thì giữa cha mẹ và con cái đều có những mối “Nợ” qua lại.
Với trách nhiệm của con cái, quan tòa Sir William Blackstone (1723 – 1780) của Anh có viết trong tác phẩm luật nổi tiếng Commentaries on the Laws of England như sau:
“…những người bảo vệ sự yếu đuối khi ta còn bé bỏng đều có quyền nhận sự hỗ trợ của ta khi suy nhược tuổi già; những người mà bằng sự nuôi dưỡng và giáo dục đã giúp con cái thành đạt đều tới lượt nhận được sự hỗ trợ của con cái khi cần”.
Còn cha mẹ thì cũng có “nợ” đối với con.
Nợ đầu tiên và quan trọng là cha mẹ có trách nhiệm giúp con phát triển để trở thành người trưởng thành có lý trí và đầy đủ khả năng cũng như cố gắng bảo vệ chúng với những hành vi có hại do chính chúng gây ra. Rồi một hướng dẫn đúng đắn, một tinh thần kỷ luật vững chắc, một niềm tin tôn giáo căn bản làm chỗ dựa cho linh hồn.
Cha mẹ còn “nợ” con cái sự dạy dỗ trong việc tôn trọng quyền hạn, ý kiến người khác, tôn trọng pháp luật bằng hành động của mình để chúng noi gương. Trẻ bị lường gạt thì lớn lên sẽ lường gạt người khác.
Con cái cũng cần được cha mẹ tôn trọng sự riêng tư, chẳng hạn không đọc lén thư từ, bút ký, không lục ngăn kéo, túi xách tay…
Khi lớn lên, đôi khi con cái cũng hành động “trật đường rầy”. Chúng cần được điều chỉnh nhưng không quá gắt gao, hạ phẩm giá mà có cân nhắc khuyến khích kèm theo lời khen với một nụ cười. Đứa trẻ lớn lên mà không thấy tình thương trong gia đình thì sau này chúng cũng khó mà có tình cảm thương yêu với tâm hồn hoan lạc.
Nhưng cha mẹ không nợ con những dịch vụ thời đại, như “Ông bà ơi, giữ các cháu hộ chúng con tuần sau nhé. Chúng con đi vacation”. Hoặc “Con cần mua xe mới, cha mẹ giúp con một nửa nhé”.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.


Comments are closed