Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Dúng Giờ


Ta thường nói đùa với nhau rằng đúng giờ không có trong văn hóa giao thiệp của người mình. Vì thói quen cố cựu của ta là như vậy. Nhưng đây cũng là tật của nhiều sắc dân khác. Như dân Pháp. Cho nên một du khách ngoại quốc đã chữa thẹn “tôi trở thành người Pháp vì tôi đã không tới đúng giờ”, khi tới trễ một bữa ăn.
Đúng giờ là đặc tính có thể hoàn tất một cam kết trước hoặc ngay vào thời điểm đã định.
Đúng giờ không những là một bổn phận mà còn là một phần của tư cách con người. Thành công trong đường đời, tạo được uy tín hay không, có trở nên người hữu dụng, đáng tin cậy hay không, cũng nhờ phần nào ở sự đúng giờ.
Văn hóa mỗi quốc cho phép một giới hạn co giãn thời gian với hẹn, trên dưới mươi phút còn có thể chấp nhận được.
Lord Horatio Nelson có tâm sự, “Tôi thành công trong đời sống là nhờ ở việc bao giờ tôi cũng tới trước giờ hẹn 15 phút”.
Đi xa hơn, nhà cải cách Anh Samuel Smiles nói, “Mất của cải có thể thay thế bằng kỹ nghệ; mất kiến thức bằng học hỏi; mất sức khỏe bằng sự điều độ hoặc thuốc men chứ mất thời gian là nó đi luôn”.
Trong khi đó, theo Williams Shakespeare: ” Không tôn trọng sự đúng giờ rõ ràng là một hành động không lương thiện Vì ta đã lấy cả tiền lẫn thì giờ của người khác” .
Và nhà tu hành Richard Cecil kết luận: “Một hẹn đã hứa trở thành món nợ. Nếu tôi đã hẹn với ai tôi nợ người đó sự đúng giờ. Tôi không có quyền làm phí thì giờ của người đó, nếu tôi phí thời giờ của tôi” .
Do đó, thường xuyên trễ hẹn sẽ khiến người khác cho rằng mình:
– vô tổ chức và cẩu thả, không biết tự sắp đặt để đúng hẹn;
-là người ích kỷ khiến thiên hạ phải cắm rễ mất thời giờ chờ đợi;
-là người nói dối, hẹn xong việc ngày mai mà tuần sau mới làm và
-ngớ ngẩn nếu luôn luôn chỉ nêu ra một lý do lỡ hẹn, “xin lỗi, nhiều việc quá nên quên”.
Quá bận thì chia xẻ công việc với người khác, ôm đồm làm chi.
Bác sĩ NguyễnÝ Đức

Comments are closed