Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Vurus West Nile


Cùng lúc đó thì cơ quan Kiểm soát Bệnh CDC cũng cập nhật hóa bản tin tức về các phương thức để phòng ngừa bệnh này. Theo cơ quan, tại Hoa Kỳ đã có 241 trường hợp bệnh được báo cáo trong đó có 144 ca trầm trọng vì virus xâm nhập gây ra viêm cho não bộ. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết nóng ấm và thường thấy ở miền đông-bắc Louisiana, miền trung và nam California, các vùng phụ cận Dallas, Houston, Chicago và Phoenix.
Virus West Nile xuất hiện ở Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 1999 tại thành phố New York rồi lan dần ra khắp Hoa Kỳ, cao điểm vào các năm 2002 và 2003 với gần 3000 ca bệnh và hơn 260 tử vong. Theo các nhà chuyên môn, virus trở thành dịch bệnh theo mùa tại vùng Bắc Mỹ nở rộ vào mùa Hạ kéo dài tới mùa Thu.
Nguồn gốc
West Nile Virus thường sinh sống ở các vùng có khí hậu ôn hòa và nhiệt đới và được tìm thấy đầu tiên ở vùng West Nile của quốc gia Uganda, đông châu Phi vào năm 1937. Đây là vùng đất hội tụ tất cả các yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển như rừng núi hoang xơ, bùn lầy nước đọng, loại muỗi chuyên chở virus gây bệnh, những con chim mang bệnh và những con người dễ dàng bị nhiễm bệnh vì thiếu phưong tiện phòng tránh như mùng màn, thuốc đuổi diệt muỗi. Ngoài West Nile Virus, quốc gia nghèo khó này còn là nơi mà bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Hiện nay bệnh tập trung ở châu Phi, các quốc gia ở phía Tây châu Á, ở Âu châu và Trung Đông.

Cách truyền bệnh
-Sự truyền bệnh bắt đầu khi muỗi cái hút máu có virus của một con chim hoặc con chó, mèo, ngựa, sóc, cá sấu bị bệnh rồi sau đó lại truyền virus sang sinh vật khác khi nó hút máu để nuôi thân. Muỗi cái bị bệnh có thể truyền virus sang người khi chúng đốt hút máu người. Triệu chứng xuất hiện sau khi bị nhiễm khoảng từ 3 tới 14 ngày.
Các nhà chuyên môn đã xác định có tới gần 140 loại chim có thể mang bệnh và cũng có tới 43 loại muỗi khác nhau có thể truyền WNV. Với nhiều chim ký chủ có khả năng chứa chấp virus và nhiều loại muỗi khác nhau cho nên WNV có thể lan truyền rộng rãi.
-Trong một số rất ít trường hợp, virus có thể lan sang người qua truyền máu, ghép bộ phận, từ mẹ sang thai nhi hoặc qua sữa mẹ.
Nên nhớ là virus này không lây lan từ người sang người qua cầm tay hoặc ôm hôn hoặc chăm sóc người bị bệnh.
Bệnh thường thấy ở người tuổi cao và người bị suy hệ miễn nhiễm.
Xin lưu ý một điểm là chỉ có muỗi cái mới đốt hút màu người hoặc súc vật vì chúng cần chất đạm của máu để phát triển trứng. Muỗi cái đuổi b��m theo người vì mùi toát ra từ da cũng như mủi từ hơi thở của quý ông bà cô câư.
Thực phẩm chính của muỗi đực và cái là chất ngọt từ thảo mộc.
Những rủi ro đưa tới nhiễm WNV
-Người trên 50 tuổi bị nhiễm WNV thường có các triệu chứng trầm trọng do đó quý vị tuổi này nên thận trọng tránh bị muỗi đốt.
-Ở ngoài nhà càng nhiều thì càng có cơ hội để muỗi có bệnh đốt, cho nên hết sức đề phòng khi phải ra khỏi nhà.
Hiện nay, tại Hoa Kỳ tất cả các máu đều được kiểm soát kỹ trước khi truyền cho nên không sợ rủi ro truyền bệnh bằng tiếp máu, kể cả chuyển ghép bộ phận cơ thể.
Dấu hiệu bệnh
Bệnh có nhiều hình thức với mức độ trầm trọng khác nhau:
-Một số rất ít bệnh nhân có dấu hiệu trầm trọng. Theo quan sát, khoảng 1/150 người có các dấu hiệu trầm trọng như nóng sốt rất cao, nhức đầu, cổ cứng, tâm trạng bất tỉnh, sững sờ ngơ ngác mất định hướng, lên cơn kinh phong, cơ bắp suội yếu, tê dại, mất thị giác thậm chí hôn mê. Các triệu chứng này kéo dài có khi mấy tuần lễ nhưng hậu quả về viêm màng não và não bộ có thể tồn tại mãi mãi.
-Triệu chứng nhẹ hơn ở 20% người bị nhiễm virus, với nóng sốt, nhức đầu đau mình, mệt mỏi, nôn mửa, đôi khi nổi ban ngứa trên ngực, lưng, bụng, sưng hạch và nhức mắt. Triệu chứng có thể kéo dài vài ngày, đôi khi vài tuần.
-Không triệu chứng ở 80% người bị nhiễm virus. May mắn thay!
Nên đi bác sĩ ngay nếu thấy nóng sốt cao, mê sảng, co cứng cơ bắp, nhức đầu triền miên.
Điều trị
Vì là bệnh do virus gây ra cho nên hiện nay chưa có dược phẩm để trị dứt bệnh.
Với trường hợp nhẹ, bệnh tự hết trong vài tuần.
Trường hợp nặng hơn như là khi có nhức đầu kinh khỉng, tâm trạng rối loạn… bệnh nhân nên nhập bệnh viện để được theo dõi. Điều trị chính là hỗ trợ với truyền dịch dinh dưỡng, hỗ trợ hô hấp, phòng tránh nhiễm trùng như sưng phổi, nhiễm trùng đường tiểu tiện và chăm sóc điều dưỡng chu đáo. Có thể có tử vong nhưng rất ư là hiếm.
Có thuốc chủng ngừa WNV chưa
Rất tiếc là hiện nay chưa có vaccin ngừa WNV ở người nhưng có vaccin ngừa bệnh ở loải ngựa nhưng không dùng cho người được.
Một thắc mắc thường được nêu ra là nếu cơ quan y tế đã phun thuốc diệt trừ muỗi thì có cần dùng thuốc xua muỗi không? Xin thưa là xịt muỗi không diệt hết được muỗi, vì chúng ẩn ở khe ngách mà thuốc không đạt tới, do đó đề phòng cá nhân vẫn nên thực hiện.
Phòng ngừa bệnh
Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là đừng để muỗi đốt.
-Hầu hết các loại muỗi đều bắt đầu hoạt động mạnh mẽ tìm kiếm thực phẩm là máu từ các sinh vật vào bình minh hoặc hoàng hôn do đó nếu thấy không cần thì tránh ra ngoài vào các thời điểm này. Nếu cần ra ngoài thì dùng thuốc đuổi muỗi hoặc mặc quần áo phủ kín mình.
-Đẩy xe đưa baby ra ngoài đường vào sáng sớm hoặc chiều tối nên phủ với vải màn để tránh muỗi đốt.
-Cửa sổ cửa ra vào có khung lưới ngăn muỗi bay vào trong nhà.
-Loại bỏ các vũng nước đọng và ống nước chung quanh nhà để muỗi không có chố tá túc sinh đẻ.
Cách dùng thuốc đuổi muỗi
Thuốc xua đuổi muỗi được cơ quan EPA Bảo Vệ Môi Trường chấp thuận là:
-Thuốc đuổi muỗi DEED (N,N-diethyl-m-toluamide) hoặc picaridin (KBR 3023). Các thuốc này có tác dụng bảo vệ lâu dài và có thể vừa dùng trên da lẫn trên quần áo, mùng màn.
-Thuốc có hoạt chất permethrin cũng có tác dụng kéo dài nhưng chỉ dùng trên quần áo chứ không trực tiếp lên da.
Sản phẩm càng nhiều hoạt chất chính thì tác dụng bảo vệ với muỗi càng lâu hơn. Cơ quan CDC khuyên dùng DEED có dưới 30% hoạt chất cho người lớn và trẻ em trên 2 tháng.
-Đọc kỹ cách dùng do nhà sản xuất hướng dẫn.
-Chỉ xịt/thoa trên da hoặc quần áo;
-Không xịt/thoa lên chỗ da bị viêm nhiễm tổn thương hoặc vùng da nằm dưới quần áo;
-Không xịt lên mặt, mắt, miệng mà xịt vào lòng bàn tay rồi thoa lên mặt;
-Dùng với số lượng vừa đủ để bao phủ da hở và quần áo vì thuốc khá mạnh, dùng nhiều cũng vô ích;
-Sau khi vào trong nhà, rửa sạch vùng da vừa mới xịt thuốc, để lâu có thể gây kích thích cho da;
-Nếu thuốc làm cho da nổi ngứa thì ngưng dùng, rửa sạch với nước và xà bông, nếu cần kêu toxic control center để được hướng dẫn các đối phó.
-Đừng cho trẻ em tự thoa xịt thuốc xua duổi muỗi mà giúp các em thoa bôi. Không dùng thuốc chống muỗi đối với trẻ em dưới 2 tháng.
-Có thể dùng thuốc đuổi muỗi cùng lúc với kem chống nắng, nhưng dùng đúng theo hướng dẫn. Thường thường có thể thoa kem chống nắng trước rồi thoa thuốc chống muỗi lên trên. Không nên dùng hỗn hợp 2 hóa chất vì mỗi thứ có cách dùng khác nhau.
Lưu ý là thuốc chỉ không cho muỗi tới gần mình vì không chịu được mùi vị khó chịu của thuốc, chứ không giết chúng. Thuốc cũng chỉ có tác dụng với khoảng cách gần vì thế ta vẫn thấy muỗi vo ve loanh quanh.
Ngoài ra có thể tự chế biến dung dịch đuổi muỗi như sau: Cắt vài nhánh tỏi ngâm trong mấy thìa mineral oil trong nửa giờ, chắt lấy nước; hòa với một ly nước lạnh và nửa thìa nước chanh vắt rổi xịt lên quần áo hoặc da khi ra ngoài nhà, để không cho muỗi tới gần.

Kết luận
Mấy ngày qua, nhân khi WNV hoành hành tại DFW, báo chí lại nhắc nhở tới trường hợp một thanh niên tại địa phương bị bệnh cách đây 10 năm. Đó là anh Ran Kilpatrick, năm nay 27 tuổi đang sinh sống tại bắc Dallas.
Mười năm trước, trong khi vui chơi ven suối ở một vùng ở miền Tây Texas, anh bị muỗi đốt rồi mang bệnh. Anh bị biến chứng viêm não bộ, lên cơn kinh phong. ảnh hưởng tới trí nhớ. Cho tới nay cơn co giựt lâu lâu vẫn xảy ra khiến anh không làm việc được đều đặn. Trí nhớ suy giảm khiến cho vợ đôi khi phải nhớ thay cho anh, nhắc nhở chồng việc này việc kia. Mười năm trước anh cân năng trên 300 lb, bây giờ sụt ký kinh khủng. Mỗi lần nghĩ lại tới căn bệnh, anh lại rung mình.
Rõ thực “cái xẩy nẩy cái ung” . Một mụ muỗi cái tí ti mà cũng gây tổn thương quá lớn cho như vậy cho con người nặng hơn mụ cả triệu lần.
Cho nên xin hãy phòng ngừa West Nile Virus và nhớ kỹ 4 chữ D:
DUST/DAWN: tránh tối đa ra ngoài vào sáng sớm và lúc chạng vạng chiều hôm hôm tối trời;
DRESS: mặc quần áo phủ kín cơ thể khi ra khỏi nhà vào sáng sớm hoặc chạng vạng tối
DEED: dùng thuốc xua đuổi muỗi DEED, bán trên thị trường;
DRAIN: loại bỏ nước đọng chung quanh nhà, trong lon sữa, chậu cây cảnh, vỏ bánh xe hơi…
Chúc độc giả bình an mùa Hè nóng nực năm nay.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
www.bsnguyenyduc.com

Comments are closed