Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Muỗi


Hai người dắt tay nhau trở về quê cũ. Người chồng tưởng rằng vợ nghĩ lại sẽ sống đời với mình. Chẳng ngờ nàng vẫn quen đường cũ, theo một tay lái thương giầu có và xin vĩnh biệt tình lang. Hết lời khuyên can không được, người chồng bèn nói: “nàng có thể ra đi nhưng xin trả lại ta ba giọt máu”. Vợ bèn chích ngón tay, hoàn trả máu. Máu vừa nhỏ thì nàng tắt thở.
Chết đi, nàng hóa thân thành con muỗi, tìm người để lấy lại ba giọt máu, mong được hồi sinh. Nàng bay tới đâu cũng bị sua đuổi, nên luôn miệng vo ve than vãn”.
Do đó chỉ có muỗi cái mới hút máu động vật.

Nhưng khoa học ngày nay tinh tế hơn, đã tìm hiểu lý do khiến tại sao chỉ các mợ muỗi mới làm công việc hút máu động vật. Ðể sinh sống và cũng để gây ra một vài tai họa cho loài người.
Thứ nhất là các Mợ có miệng dài với vòi để dễ bề hút máu của động vật máu ấm. Còn các cậu muỗi hầu hết đều sống nhờ mật hoa và nước lã.
Thứ hai là đa số các mợ cần phải sống bằng máu để có chất đạm mới làm công việc sanh đẻ được.
Thứ ba là khi đốt người ( hay thú vật) hút máu như vậy thì các mợ “ký niệm” vào huyết quản “thí chủ” một chút nước miếng có các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Thứ tư là các mợ chỉ đẻ trứng trên mặt nước: hoặc là nước đang chẩy, nước ao tù, nước trên sông, trong lạch hoặc nước mưa đọng trong cái ống lon rỉ sét ở đầu nhà.Tất nhiên là các cậu muỗi thì không được tạo hóa giao cho cái trách nhiệm đẻ trứng này.

Muỗi cũng như ong kiến gây ra nhiều khó khăn cho con người mỗi khi Hè tới. Khí hậu nóng ấm là thời gian phát triển ưa thích của nhóm sinh vật này. Chúng đốt, chúng cắn, chúng hút máu, chúng truyền chất có hại khiến vô số người mang bệnh phải đi bác sĩ, phải vào nhà thương.

Trước khi nói tới những khó chịu do các côn trùng này gây ra, xin nhắc qua về sự khác biệt giữa CHÂM ĐỐT và CẮN. Hai hành động này đôi khi tưởng như giống nhau mà lại hơi khác nhau.
Châm đốt thường do côn trùng có nọc độc ( poisonous) để tự vệ khi bị phá . Khi đốt, chúng sẽ chích vào sinh vật quấy phá chúng một liều chất độc qua cái ngòi. Đây là hành động tự vệ, trả đũa của chúng như là để trừng phạt và cảnh giác lần sau đừng quấy rầy chúng nữa. Đó là những con ong các loại, con kiến.
Còn cắn là do các côn trùng không có nọc độc (non poisonous), khi cắn chỉ truyền vào chút nước miếng có lẫn chất chống đông máu. Chúng sống nhờ máu hút được. Muỗi, bọ chét, chấy rận, con cái ghẻ, bọ chét cắn người ta và sinh vật khác.

Về những con Muỗi

Muỗi là một loại côn trùng biết bay có hai cánh nhỏ, thân hình mảnh mai, chân dài, cánh hẹp, lấm tấm nhiều vẩy trên gân cánh.
Từ đầu, nhú ra một xúc tu với nhiều sợi lông loắn xoắn. Lông ngắn ở muỗi cái, lông dài và rậm rạp ở muỗi đực.
Miệng muỗi cái dài, có vòi để hút, còn miệng muỗi đực rất thô sơ.
Có khoảng trên 2000 loại muỗi khác nhau. Chúng sống khắp nơi, từ miền nhiệt đới nóng ấm tới vùng bắc cực lạnh giá; từ vực sâu tới đỉnh núi cao. Muỗi cân nặng khoảng 2.5 milligrams, có thể bay nhanh tới gần một cây số một giờ. Muỗi có thể di chuyển xa cả năm chục cây số.

Muỗi hút máu

Muỗi cái hút máu để sống và để có thể sinh sản. Mỗi lần muỗi hút khoảng 5 phần triệu của một lít.
Muỗi có thể đánh hơi ra thân chủ xa cả vài chục thước bằng nhiều cách: nhìn thấy sự di động của động vật; có thể phát hiện những tia hồng ngoại phát ra từ thân thể con mồi; đặc biệt là chúng ngửi thấy mùi các hóa chất mà động vật tiết ra như carbon dioxide, lactic acid, chất béo cholesterol, chất steroid. Lactic acid là hóa chất tiết ra từ các bắp thịt trong khi làm việc.

Khi phát hiện con mồi thì muỗi sẽ bám sát. Chúng cắn để hút máu.
Việc hút máu cũng rất khoa học: trước khi hút, chúng nhả vào một chút chất chống đông máu để máu dễ dàng chạy vào ruột chúng. Nước miếng của muỗi cũng có thể có vi khuẩn truyền một số bệnh truyền nhiễm.
Chúng có thể hút bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm, nhưng thời điểm ưa thích là sáng sớm và khi chạng vạng hoàng hôn. Lý do là giữa trưa mà bay ra ngoài thì chúng có thể bị tổn thương vì hơi nóng làm khô nước trong cơ thể chúng. Lý do khác nữa là ở hai thời điểm này, những con mồi của chúng cũng hay ra ngoài.
Chúng hút máu đủ no rồi tung cánh bay đi. Vì thế khi muỗi bám vào da mà động vật xua đuổi chúng đi thì chúng sẽ bay trở lại, lấy đủ thực phẩm đã. Cho nên, nhiều khi để tránh tiếng vo ve gây khó ngủ ban đêm, thà cứ thí cô hồn cho chúng vi lượng máu cho xong. Muỗi no đi ngủ, mình cũng ôm “gối mềm” ngủ cho ngon giấc.

Sau khi hút no thì mợ muỗi phải kiếm một chỗ yên tĩnh để thưởng thức, tiêu hóa chiến lợi phẩm là máu. Nghỉ ngơi, muỗi cũng có tư thế đặc biệt: muỗi thường thì thân mình song song với mặt bằng, còn đầu thì chiếu nghiêng. Muỗi anophele truyền bệnh số rét thì nghỉ ngược lại: đầu và vòi song song với mặt bằng, mình nghiêng nghiêng. Vì thế các cụ ta gọi chúng là muỗi đòn xóc.

Cái vụ muỗi cắn này cũng có nhiều chuyện nên nói ra.
Số là muỗi cũng khó tính, lựa chọn con mồi. Có người thì muỗi chê mà ngược lại một số người khác thì muỗi chiếu cố rất nhiều. Có thử nghiệm đã để hai người trong một phòng kín, hầm hơi có ít con muỗi. Một người lãnh đủ, một người rất ít vết muỗi cắn. Lý do tại sao thì chưa có giải thích.
Các nghiên cứu gia đang coi xem trong hơn hai trăm hóa chất mà da ta tiết ra, không hiểu hóa chất nào lại hấp dẫn với các nàng muỗi như vậy. Mồ hôi, khí CO2 trong hơi thở của động vật, thân nhiệt và tia hồng ngoại phát ra từ động vật rất hấp dẫn với muỗi. Cây cối ban đêm thả ra nhiều CO2 nên ra vườn ban đêm, ta sẽ là mồi ngon cho muỗi
Ngoài ra, muỗi cũng đặc biệt có cảm tình với người có máu loại O, phụ nữ có thai và người có khó khăn về tiêu hóa.
Vì có những “hấp dẫn lực” phát ra từ người, cho nên, khi ở nơi có muỗi thì ta có thể chạy xa, xua đuổi chúng nhưng không trốn ẩn với chúng được.

Muỗi cũng thích hành nghề trong bóng tối, cho nên khi ngồi làm việc, học bài là muỗi hướng vào mục tiêu ở những vùng da khuất tối như bàn chân nằm dưới gầm bàn.

Muỗi đẻ trứng trên mặt nước, nhất là nơi ao tù nước đọng. Sau dăm ngày, trứng nở thành ấu trùng (bọ gậy hoặc loăng quăng) ngọ nguậy chuyển động. Vài ngày sau, bọ gậy biến thành nhộng rồi thành muỗi, bay khỏi mặt nước.Các chú cá con là rất khoái ăn trứng và bọ gậy.
Sau khi thành hình, muỗi cái muỗi đực “đi tơ” với nhau. Muỗi cái phải đi kiếm máu hút ngay để có đạm chất sinh sản trứng.
Khi thời tiết ấm nóng, muỗi có thể sanh đẻ mỗi hai tuần. Nhiệt độ thích hợp với muỗi là 30ºC và tuổi thọ cúa muỗi là từ vài ngày tới ba bốn tuần lễ.
Muỗi có nhiều ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới. Vì thế, cứ tới thời tiết lạnh mùa đông là muỗi ta biệt tăm.

Bệnh do muỗi lan truyền

Muỗi cắn, ngoài chuyện khó chịu, ngứa ngáy tại chỗ còn gây lan truyền một số bệnh nhiễm. Đáng kể nhất là bệnh sốt rét, bệnh viêm não, bệnh dengue

1-Sốt rét ngã nước hiện còn hoành hành ở nhiều quốc gia vùng nhiệt đới và đưa tới nhiều tử vong đáng sợ.
Muỗi truyền lan bệnh là những mợ Anopheles, thuộc nhóm Plasmodium. Các mợ hút máu người bệnh, tiêu hóa máu nhưng không tiêu hóa ký sinh trùng. Khi cắn người kế tiếp, các mợ “đổ bệnh” cho những nạn nhân mới này. Cứ như vậy, sốt rét lan truyền vô tận.
Bệnh có thể chữa và phòng ngừa bằng thuốc căn bản Chloroquine.
Những ai đi du lịch về vùng dịch bệnh nên xin thầy thuốc cho thuốc viên uống trước khi đi, trong thời gian du lich và một tuần lễ sau khi trở về.
Hiện nay, đang có nhiều nghiên cứu để chế ra thuốc tiêm ngừa sốt rét, như là chủng ngừa bệnh cúm, chủng ngừa đậu mùa

2- Sốt Dengue, còn gọi là Sốt Đập Lưng (breakbone fever) do muỗi Aedes Aegyti truyền virus từ người bệnh sang người lành. Bệnh ít gây tử vong ngoại trừ trường hợp Sốt Đập Lưng Xuất Huyết thường thấy ở các quốc gia Đông Nam Á châu và châu Mỹ La Tinh.
Bệnh nhân có triệu chứng như, đau xương khớp, nhức đầu, nóng sốt, nổi ban trên da và làm cơ thể suy nhược.
Không có thuốc chữa khỏi bệnh mà cũng chưa có tiêm ngừa. Sốt xuất huyết đang là vấn đề nan giải của mọi quốc gia, vì dịch bệnh ngày một gia tăng.
Riêng tại Việt Nam, Bộ Y Tế đã tổ chức buổi hội thảo “dự phòng chống sốt xuất huyết quốc gia” vào ngày 31 tháng 1, năm 2007 tại Sài gòn. Hội nghị dự báo Sốt Xuất huyết có thể bùng phát thành dịch như đã thấy vào năm 1998 với trên 200,000 người bị bệnh và gần 500 trường hợp tử vong.. Các vùng dân cư ở miền Trung và Nam Việt Nam là nơi có đe dọa dịch rất cao.

3-Sốt Vàng (Yellow Fever) cũng do muỗi Aedes Aegypti truyền một loại virus. Bệnh này có nhiều ở Phi châu và thường gây ra tử vong. May mắn là đã có thuốc tiêm ngừa bệnh.

4-Bệnh Giun Chỉ (Filiriasis) có nhiều ở vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới. Bệnh do các giun ký sinh gây ra và được muỗi Aedes, Culex, Anopheles và Mansonia truyền đi.
Bệnh có thể chữa được bằng thuốc Diethylcarbamazine.

Phòng ngừa muỗi đốt.
Đến đây thì chắc nhiều người thấy mà ớn giống muỗi, muốn tránh xa chúng, không muốn mắc bệnh do chúng truyền lan và cũng không muốn chúng quấy rầy giấc ngủ đêm, ngày.
Vậy thì xin nói về việc này.
Như đã nói ở trên, muỗi xuất hiện ở ngoài trời nhiều nhất từ lúc tranh tối tranh sáng và suốt đêm. Vậy thì khi chúng hùng hổ ra kiếm mồi, thì ta ở trong nhà. Mà nếu cần ra thì mặc quần áo phủ người càng kín càng an toàn, đặc biệt là ba vùng cổ: cổ tay, cổ chân và cổ đỡ đầu.
Tránh đi tới nơi sình lầy, nước đọng, chỗ um tùm cây bụi.
Ngồi ngoài balcon, để cái quạt chạy nhẹ với gió thổi hiu hiu cũng xua đuổi muỗi khá tốt.

Bôi thuốc đuổi muỗi. Có nhiều loại thuốc xua muỗi, nhưng loại được nhiều chuyên gia tín nhiệm là DEET. Vài điều cần nhớ khi dùng DEET:
• Mua thuốc về, nhớ đọc kỹ nhãn hiệu với cách dùng, rủi ro có thể có.
• Thuốc có 30% DEET là vừa đủ mạnh. Trẻ em dùng loại 10% DEET.
• Đừng bôi thuốc lên vết thương trên da hay chỗ da bị viêm đỏ
.Đùng bôi quá gần mắt, miệng nhất là ở trẻ em
• Đừng để trẻ em tự thoa thuốc này, tránh ngộ độc khi các em vô tình uống hoặc thoa vào mắt
• Thoa vừa đủ để che da và quần áo
• Đừng bôi lên phần da dưới quần áo, vì da đã được quần áo che trở
• Đừng xịt thuốc khi ở trong phòng kín để tránh hít vào phổi bụi hóa chất
• Sau khi vào trong nhà, xả nước cho sạch thuốc ngừa trên da

Loại trừ, xa lánh muỗi

Khi phải ở lâu trong vùng có muỗi, như đi câu cá ban đêm, có thể nhúng quần áo trong hóa chất Permethrin, Icon, Fendona để đuổi muỗi. Xịt các hóa chất này lên tường nhà cũng tiêu diệt muỗi khi chúng đậu trên tường. Nên cẩn thận khi dùng vì hóa chất này có thể gây hại cho sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và các cụ cao tuổi.
Muỗi cũng kỵ một số tinh dầu thảo mộc như bạc hà, bạch đản, xả.
Có thể đốt hương xua muỗi, dùng đèn giết muỗi, bẫy điện, vợt điện bắt muỗi, máy phát ra siêu âm để xua muỗi đi xa.
Nằm ngủ trong mùng màn vừa tránh được muỗi cắn mà lại vừa có tự do riêng.
Chạy quạt thổi nhẹ để xua đuổi muỗi
Mặc quần dài, đi vớ tất
Gắn lưới ở cửa sổ và cửa ra vào để chống muỗi “xâm nhập gia cư bất hợp pháp”
Triệt hạ trứng và ấu trùng muỗi ở nơi ao tù, nước đọng, phát quang các bụi cây.

Ngoài các bệnh nhiễm, muỗi cắn thường không gây phản ứng mạnh. Chỉ một chút ngứa ngáy khó chịu ở chỗ bị cắn, chườm nước đá lên ngay là hết. Tuy nhiên, nhiều khi ở trẻ em, sau khi muỗi cắn, ngứa, các em gãi đến trầy da, rồi nhiễm trùng. Thành ra, khi muỗi đốt sưng lên thì chườm ngay nước đá, hoặc bôi lớp mỏng Caladryl lotion lên chỗ muỗi cắn.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức

Comments are closed