Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Cholesterol có xấu không nhỉ?


Xin cùng tìm hiểu.
1.Cholesterol là gì?
Cholesterol là một chất béo được bao bọc bởi một lớp đạm hiện diện trong cơ thể của các loại động vật kể cả con người. Mặc dù bị mang tiếng là không tốt, nhưng cholesterol là một phần cần thiết của màng các tế bào, được dùng để sản xuất một số kích thích tố, tạo ra sinh tố D trên da bằng tia nắng cũng như tạo ra acit mật để tiêu hóa chất béo. Cholesterol chiếm 70% các chất cấu tạo tế bào của não bộ.
2.Có mấy loại cholesterol?
Có 2 loại cholesterol:
a.Cholesterol trong máu:
Thử máu cho ta biết số lượng cholesterol lưu hành trong máu.
85% cholesterol trong máu là do gan sản xuất, 15% còn lại là do thức ăn có cholesterol mà ta tiêu thụ như trứng, chất béo từ gà, vịt, heo, bò. Vì gan sản xuất nhiều cholesterol cho nên một số người dù ăn thực phẩm có nhiều cholesterol mà cholesterol trong máu vẫn thấp. Ngược lại một số người khác ăn ít cholesterol mà cholesterol vẫn cao.
Vì là chất hòa tan trong dầu mỡ, cho nên cholesterol không tự lưu hành trong máu. Để luân lưu, cholesterol được một loại chất đạm là lipoprotein mang đi. Có 2 loại lipoprotein: LDL (Low density lipoprotein) mang 2/3 tổng số cholesterol và HDL (high density lipoprotein) chuyên chở 1/3 cholesterol còn lại. Về kích thước LDL lớn hơn HDL.

Có giải thích nói HDL được coi như phần tử hiền lành tốt bụng vì y ta vừa không cho cholesterol bám vào thành động mạch mà còn đưa cholesterol ở máu vào gan để rồi được loại ra khỏi cơ thể qua ruột. Nhờ đó bớt mỡ lưu thông trong máu, làm giảm nguy cơ đóng mỡ ở thành động mạch, giảm nguy cơ bệnh vữa xơ động mạch.
Ngược lại cô em song sinh LDL thì láo lếu hơn vì đương sự để cholesterol bám vào thành động mạch, gây ra vữa xơ tắc nghẽn và tăng rủi ro bệnh tim.
Ngoài ra còn một loại thứ ba gọi là VLDL, very low density lipoprotein, chuyên trở một lượng rất ít cholesterol và một chất béo khác gọi là triglyceride.
b.Cholesterol do thực phẩm có nguồn gốc động vật cung cấp.
Xin nhớ là thực phẩm Thực vật không có cholesterol nhưng vẫn có chất béo.
3.Cholesterol trong cơ thể từ đâu mà ra?
Như đã nói ở trên, trong cơ thể, 85% cholesterol là do gan sản suất, khoảng 1000 mg/ ngày, vừa đủ để thỏa mãn nhu cầu của cơ thể, vì thế đúng ra ta cũng không cần tiêu thụ thêm cholesterol từ thực phẩm. Ngoài ra, khi ta tiêu thụ nhiều cholesterol thì gan tự động giảm sản xuất.
4.Làm sao biết có cholesterol trong máu?
Đo cholesterol trong máu cho biết số lượng cholesterol toàn phần, HDL, LDL và VDRL.
Cholesterol các loại được đo bằng đơn vị phần ngàn của gram ( milligram) mg trên phần mười lít (decilitre) dl máu. Viện Sức khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ đã đưa các chỉ số sau đây để dùng làm tiêu chuẩn:

Lý tưởng Tạm được Không tốt

Tổng số Cholesterol Dưới 200 mg/dl 200- 240 mg/dl Trên 240mg/dl
HDL cholesterol Trên 45mg/dl 35- 45 mg/dl Dưới 35mg/dl
LDL cholesterol Dưới 130 mg/dl 130- 160 mg/dl Trên 160mg/dl

Sau 20 tuổi, nên đo cholesterol mỗi 5 năm một lần; đo thường hơn khi cholesterol lên cao.
c-Ngoài ra chất Triglyceride và VLDL cũng cần được theo dõi. Mặc dù vai trò của chúng trong nguy cơ gây bệnh tim chưa được xác định, nhưng nhiều chứng minh cho là khi chất này lên cao thì đều không tốt cho tim.
Lượng Triglyceride dưới 200mg/ dl được coi như bình thường. Nó thường lên cao trong bệnh tiểu đường, bệnh thận.
5.Cholesterol có gây nguy hại cho sức khỏe không?
Chất béo cũng như cholesterol không phải là chất có hại đối với cơ thể mà là chất sinh tử cho mọi tế bào động vật. Cho nên thực là không công bằng khi gán cho mỡ béo danh vị thực phẩm “xấu”.
Nhưng một chế độ dinh dưỡng không cân bằng, kém đa dạng, quá nhiều chất béo có thể đưa tới hậu quả bệnh tật cho con người.
Xin nhắc lại là để hoạt động hữu hiệu, các mạch máu, cũng như các bắp thịt, cần được tốt mạnh, uyển chuyển và giữ đàn tính. Lòng mạch máu cần trơn tru để máu dễ dàng lưu thông.
Trong bệnh vữa xơ động mạch, thành động mạch có những bựa gồm có cholesterol và tế bào máu đóng vào, khiến nó trở nên thu hẹp gây trở ngại cho sự vận chuyển của máu.
Máu huyết tới tim giảm, tim kém được nuôi dưỡng, giảm hoạt động rồi một lúc nào đó đưa đến cơn kích tim.
Những miếng bựa có thể bứt rời thành mạch máu, ngao du khắp cơ thể theo hệ tuần hoàn rồi gây ra nghẽn mạch. Lên đến não nó tạo ra tai biến mạch máu não, tới tim nó gây ra nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra cholesterol trong máu lên cao theo số tuổi; khi cân quá nặng nhất là béo mập ở vùng bụng; khi có các bệnh tiểu đường, cao huyết áp; di truyền cao cholesterol từ bố mẹ; khi có nếp sống không lành mạnh như lạm dụng rượu, thuốc lá, có đời sống quá tĩnh tại hoặc có nhiều mối lo âu, bất mãn.

6.Làm sao giảm cholesterol?
-Điểm cần để ý trước hết là giảm tiêu thụ cholesterol không ảnh hưởng nhiều tới lượng cholesterol trong máu bằng khi ta bớt tiêu thụ thực phẩm có chất béo bão hòa.
-Thứ hai là trong thực phẩm, tất cả cholesterol đều giống nhau, không có loại xấu loại tốt. Nhưng trong máu thì cholesterol trở nên tốt hay xấu là tùy theo loại lipoprotein chuyên chở nó.
-Thứ ba là chất béo bất bão hòa đơn hoặc đa dạng từ thực vật không gây ra sự vữa như cháo của chất mỡ trong lòng động mạch.

Sau đây là một số gợi ý để chúng ta cùng nhau hạ thấp cholesterol trong máu:
1-Giảm tiêu thụ thực phẩm có nhiều mỡ béo như kem, bơ, sữa nguyên chất, cheese, da gà, mỡ trên thịt nạc, mỡ heo.
2-Giảm thiểu thực phẩm có nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng, gan. Lòng trắng trứng không có cholesterol. Một lòng đỏ trứng có tới 250mg cholesterol.
3-Giảm dầu dừa, dầu hạt cọ (palm), vì có nhiều béo bão hòa. Dầu này thường có trong kẹo súc cù là, bánh bích quy.
4- Dùng nhiều hơn dầu bắp, safflower. dầu olive, dầu canola, trái bơ avocado, vừng, dầu đậu phọng, vài loại cá vì chúng có tác dụng làm hạ cholesterol.
5- Giảm trans fatty acid như margarine thỏi vì tác dụng làm gia tăng cholesterol trong máu. Margarine mềm ít hại hơn.
6- Tăng tiêu thụ omega 3 fatty acid, có nhiều trong cá thu (mackerel), cá chình americain eel, cá ngừ (tuna), cá trích (atlantic herring), cá sardines, cá hồi (trout).
7-Tăng lượng chất xơ có trong ngũ cốc, rau trái, mì ống mì sợi vì các chất này có rất ít béo bão hòa, cholesterol và cho ít năng lượng.
8- Giữ sức nặng cơ thể ở mức trung bình, tránh bị mập phì nhất là mập ở vùng bụng.
9- Tập luyện cơ thể đều đặn để làm tăng cholesterol hiền lành HDL, làm giảm cholesterol lếu láo LDL, giảm kí, hạ huyết áp cao.
10- Đôi khi với tất cả các đề phòng kể trên, cholesterol trong máu vẫn còn cao vì ảnh hưởng của gene, vì vui miệng ăn nhiều mỡ béo thì phải cầu cứu tới dược phẩm.
Việc dùng các dược phẩm này cần được bác sĩ cân nhắc kỹ càng tùy theo từng trường hợp, vì khi đã uống thì phải uống trong nhiều năm, có khi suốt cuộc đời. Thuốc lại rất đắt tiền và vài loại thuốc có những tác dung phụ mạnh, chẳng hạn là làm hại tới lá gan.

Kết luận.
Các tài liệu về chất béo-cholesterol có quá nhiều, đôi khi làm ta bối rối. Sau hơn 50 năm, khoa học đã làm sáng tỏ một phần nào vai trò của cholesterol cao trong máu đối với bệnh vữa xơ động mạch, một nguyên nhân đưa tới tử vong và bệnh hoạn vì nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nhưng nguyên lý sinh bệnh của vữa xơ này còn nhiều điều chưa được giải thích cặn kẽ. Hơn nữa hiện nay có nghiên cứu cho thấy nhiều người bị bệnh tim mạch mà cholesterol vẫn bình thường, hoặc cholesterol cao mà không bị bệnh tim mạch. Do đó, ta không thể gạt bỏ chất béo khỏi khẩu phần dinh dưỡng vì cơ thể cần năng lượng từ chất béo, cần sinh tố tan trong mỡ, cần chất béo để cấu tạo màng tế bào, mô thần kinh, tim…
Cho nên giản dị hơn cả là khi muốn tránh bệnh tim mạch do các chất béo này gây ra, ta chỉ việc bớt tiêu thụ thực phẩm do động vật gia súc như thịt, sữa và phó sản; tăng thực phẩm từ thực vật và vận động cơ thể.
Để bảo toàn trái tim thân thương cũng như sức khỏe tổng quát.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
www.bsnguyenyduc.com

Comments are closed