Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

CANKER SORE

Hỏi 

Tôi thường bị canker sore hầu như mỗi tuần, nhất là sau khi uống hơi nhiều thuốc bổ hoặc Energy Drink trong ngày. Vậy có cách nào để ngừa được bịnh này và nguyên nhân gây ra canker sore? Hoặc nếu như phải cần Energy để làm việc thì tôi nên uống loại thuốc bổ nào? Năm nay tôi đã ngoài 60 tuổi.

– Đào Mar Hồ

 

Đáp 

Chào ông Đào,

Mắc cái bệnh loét miệng canker sore này thì rất là bực mình, vì mình sẽ bị đau ở trong miệng và kinh khủng nhất là khi ăn uống hoặc nói chuyện. Cho tới nay, chưa biết rõ nguyên nhân gây ra canker sore, nhưng có một số yếu tố được diễn tả như là khi niêm mạc trong miệng bị tổn thương; khi ăn những thực phẩm có tính chất kích thích như thực phẩm chua chanh, cam, quýt, dứa, dâu…; hoặc khi răng giả, niềng răng va chạm vào miệng. Một số bệnh cũng có thể gây ra canker sore như là suy yếu hệ miễn dịch, rối loạn dinh dưỡng thiếu sinh tố B12, chất kẽm hoặc sắt hoặc trong một số bệnh của đường ruột.

 

Canker sore có thể thấy ở trong miệng, trên lưỡi, vòm miệng hoặc mặt trong hai bên má. Vết loét này rất đau, rát, hình tròn, có màu trắng hoăc xám, viền đỏ. Đôi khi người bệnh có nóng sốt, nổi hạch ở cổ, trong người thấy mệt mỏi. May mắn là sau vài ngày thì bớt đau và sau vài tuần lễ thì loét lành. Nếu đau quá, bác sĩ có thể cho thuốc súc miệng có thuốc kháng sinh, kem thoa có chất steroid và thuốc giảm đau như Advil, Tylenol…

 

Canker sore hay tái phát và ta có thể giảm rủi ro tái phát bằng cách tránh những thức ăn kích thích miệng như đồ chua, cay, cà phê đặc, rượu mạnh; đánh răng sau khi ăn với bàn chải mềm và dùng sợi chỉ dental cà khe răng để giữ vệ sinh răng miệng. Nếu vết loét quá lớn và rất đau, nên đi khám bệnh để được điều trị kỹ càng hơn.

 

Trong trường hợp của ông thì tôi nghĩ Energy drink có thể có nhiều chất kích thích hoặc trong thuốc bổ ông đang dùng có nhiều vitamin C. Và như ông nói khi ngưng các chất này thì canker sore không xảy ra. Vậy thì ông nên tránh. Để có sức khỏe làm việc, ông coi lại việc ăn uống cho đầy đủ chất dinh dưỡng để khỏi phải uống thêm thuốc bổ; chia thì giờ làm việc, ngủ nghỉ để bớt mệt và vận động cơ thể đều đặn.

 

À, mà cũng nhắc để ông và độc giả hay rằng: ngoài canker sore còn một loại loét tương tự gọi là cold sore. Cold sore là do virus gây ra và thường thấy ở trên môi, ngoài miệng và rất hay lây. Bệnh cần được điều trị với thuốc kháng virus riêng.

 

Năm nay đã sáu bó rồi mà ông vẫn còn làm việc hăng say thì chắc là sức khỏe của ông rất tốt và trí óc còn minh mẫn. Xin chúc mừng ông.

 

Comments are closed