Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Ngủ nghiến răng

Hỏi 

Tôi có cháu trai, năm nay cháu được 6 tuổi. Sức khỏe bình thường, chịu ăn chịu chơi. Chỉ có một điều là khi ngủ ban đêm thì cháu nó hay nghiến răng, hầu như thường xuyên. Vậy xin hỏi bác sĩ tại sao cháu nó lại nghiến răng như vậy, có ảnh hưởng gì tới sức khỏe và có thể chữa được hay không? Xin cảm ơn bác sĩ.

– Linh Đặng (Garland) 

 

Đáp 

Thưa bà,

Nghiến răng, tiếng Anh là Bruxism, là một chứng trong đó hai hàm răng chà xát vào nhau thành tiếng và thường thì đưa tới mòn mặt răng.

 

Hiện nay y học cũng chưa biết chính xác tại sao nhiều người, lớn cũng như bé, lại bị chứng này. Một số lý do được nêu ra có thể là do yếu tố tâm lý như lo âu, sợ hãi, căng thẳng tinh thần, hung hăng tức giận, rối loạn giấc ngủ  hoặc do hai hàm răng không ăn khớp với nhau… Đôi khi hút thuốc lá hoặc lạm dụng rượu thuốc, tiêu thụ nhiều cà phê cũng gây ra nghiến răng.

 

Chứng này thường thấy ở trẻ em nhiều hơn là ở người lớn và may mắn là khi các cháu lớn lên tật này sẽ hết.

 

Bình thường, nghiến răng không gây ra hậu quả trầm trọng cho sức khỏe, tuy nhiên nếu kéo dài thì có thể làm răng càng ngày càng mòn gây khó khăn cho sự nhai thức ăn cũng như gây ra chứng nhức đầu, đau mặt, đau khớp xương hàm-thái dương.

 

Trong đa số các trường hợp, không cần điều trị chứng nghiến răng, nhất là ở trẻ em vì khi các cháu lớn lên, chứng này sẽ tự hết. Ở những trường hợp mà nghiến răng thường xuyên xảy ra ảnh hưởng tới sức khỏe, nên đi bác sĩ để điều trị. Ngoài bác sĩ gia đình, cũng cần tới nha y sĩ để khám hàm răng.

 

Trường hợp của cháu nhà, hy vọng là khi cháu lớn sẽ hết bị chứng nghiến răng. Tuy nhiên bà cứ đưa cháu tới bác sĩ gia đình và nha sĩ để khám cho cháu nhé. Có thể là các bác sĩ sẽ cho cháu mang vài dụng cụ y nha khoa ở miệng để tránh mòn răng.

 

Bà cũng nên để ý xem cháu có chuyện gì không vui ở nhà cũng như ở lớp học hay không, vì đôi khi một vài sự bực mình nào cũng khiến cháu nghiến răng ban đêm khi ngủ.

 

Chúc bà và gia đình vui mạnh.

 

Comments are closed