Hỏi
Tôi tên Hồ Tấn Phát,
thường hay đọc và rất thích các bài trả lời về y học của BS trên các báo địa
phương. Nay tôi có một số câu hỏi về một vài bệnh. Kính mong bác sĩ vui lòng giải
đáp.
Bệnh số 1: con trai
Út tôi năm nay 24t, cháu bị lang ben ở vùng vai, cổ và ngực, riêng ở bụng có một
vết lang bằng bàn tay màu vàng lợt (bẩm sinh không có, da rất đẹp)
Câu hỏi: lang ben
phát sinh từ đâu? Có phải từ mồ hôi? (Cháu tập thể dục nhiều đôi khi ướt cả áo
quần) có lây lan qua các hình thức như hớt tóc, dùng chung đồ với người có lang
ben? Lang ben hay lang đồi mồi có khác nhau không? Có đi bác sĩ, cho loại kem
tên ketoconzole, xức ngày 2 lần chưa thấy có kết quả.
Bệnh số 2: tôi 67 tuổi,
thử máu hàng năm, sức khỏe tốt. Ban ngày thì bình thường chỉ có ban đêm khi ngủ
thì không biết gì nhưng thức giấc bất cứ giờ nào, miệng luôn luôn cảm thấy rất
mặn, giống như có ngậm muối, phải đi súc miệng ngay không thì rất khó chịu.
Câu hỏi: muối từ nước
miếng hay đâu mình có? Có chữa trị được không? Và nếu chữa trị thì chữa như thế
nào? Có hại cho sức khỏe không?
Bệnh số 3: nếu có thể,
xin bác sĩ cho biết bệnh Thyroid (bướu cổ), sở dĩ tôi hỏi về thyroid vì bác sĩ
gia đình chẩn đoán bà xã tôi bị thyroid nhưng không chữa trị, cũng không cho
thuốc uống, giới thiệu đi bác sĩ tai mũi họng. Đã đi bác sĩ tai mũi họng 5 lần,
bác sĩ chỉ scan chụp hình và vẫn chưa cho thuốc uống, tôi có hỏi bác sĩ trả lời
xem Thyroid loại gì rồi mới cho thuốc. Sao thấy phức tạp quá và làm tôi lo lắng.
Thư cũng khá dài xin
đón nhận những lời giải đáp của bác sĩ. Cuối thư kính chúc bác sĩ và gia đình
nhiều sức khỏe.
– Hồ T Phát
Đáp
Chào ông Phát,
Sau đây là trả lời cho
mấy câu hỏi của ông:
1-
Bệnh Lang Ben:
Tiếng Anh gọi là
Pytiriasis Versicolor là bệnh ngoài da do một loại nấm gây ra. Nấm này thường
có ở trên da và tăng trưởng khi thời tiết nóng và ẩm, đổ mồ hôi khi ra nắng hoặc
vận động cơ thể hoặc da nhờn. Bệnh cũng xảy ra khi có thay đổi kích thích tố
trong cơ thể hoặc khi hệ miễn dịch suy yếu.
Dấu hiệu của bệnh: Lang
ben xuất hiện dưới hình thức những vết mầu trắng hồng hoặc nâu đậm trên da, rất
ngứa, nhất là khi phơi nắng, Bệnh thường thấy ở lưng, ngực, cổ và cánh tay. Bệnh
có thể lây lan từ người này sang người khác trực tiếp hoặc gián tiếp qua quần
áo, khăn mặt, khăn giường.
Bác sĩ chuyên môn có thể
xác định bệnh qua sự quan sát với một loại đèn chiếu đặc biệt hoặc nếu cần, lấy
một chút chất liệu chỗ da bị bệnh rồi nhìn qua kính hiển vi để tìm ra nấm.
Bệnh cần được bác sĩ
chuyên môn về da điều trị, vì đôi khi cũng khó chữa. Thuốc thoa mà cháu đang
dùng là một trong những loại thuốc tốt nhưng cần dùng một thời gian lâu. Đôi
khi bác sĩ cũng cho thuốc uống.
Sau một thời gian điều
trị, bệnh sẽ hết và da sẽ trở lại bình thường, tuy nhiên bệnh hay tái phát. Vì
vậy cần giữ vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ, giữ da khô ráo.
2-
Cảm giác mặn như có muối trong miệng:
Ông không phải là người
duy nhất ở trong trường hợp, mà rất nhiều người cũng bị như vậy. Cảm giác này
khiến người bệnh thấy rất khó chịu, nhưng theo các nhà chuyên môn, không nguy hại.
Trước hết, ông nên để ý
là miệng người bình thường luôn luôn tiết ra nước miếng. Nước miếng giúp cho sự
tiêu hóa thực phẩm, đồng thời cũng giữ cho miệng được sạch sẽ, tránh bị nhiễm
các loại tác nhân gây bệnh. Ban đêm nước miếng tiết ra ít hơn, nhất là khi ngủ
mà ta thở bằng miệng. Cũng có nhiều bệnh gây ra khô nước miếng.
Bây giờ là chuyện miệng
mặn như ngậm muối.
Có rất nhiều nguyên
nhân gây ra cảm giác mặn ở miệng này chẳng hạn như khô nước miếng, chẩy máu miệng
mà máu có vị mặn; nước mắt mặn chảy xuống miệng; nước mũi xuống miệng; trào ngược
thực quản; nhiễm trùng trong miệng; gây ra do một vài loại kem đánh răng nhất
là do tác dụng của một vài loại dược phẩm như thuốc chữa bệnh tuyến giáp, thuốc
chữa bệnh ung thư. Có nhà dinh dưỡng nói là do ăn nhiều muối, nhiều bột ngọt hoặc
cơ thể thiếu chất kẽm hoặc sinh tố B 12… Nghĩa là nhiều lý do.
Lý do ông thường bị vào
ban đêm là vì ban ngày, nước miếng tiết ra liên tục cho nên muối bị đưa xuống dạ
dày, ban đêm miệng thường khô vì nước miếng bớt chảy ra đồng thời mau khô vì
nhiều lúc ngủ ta mở miệng thở, không khí ra vào làm khô miệng.
Để điều trị, ông cần đi
bác sĩ để khám bệnh, tìm ra nguyên nhân. Tôi thấy cũng khá phức tạp lắm đấy. Đồng
thời ông cũng để ý coi xem ông có bị một trong nhiều lý do kể trên hay không
nhé.
3-
Thyroid:
Thyroid hoặc tuyến giáp
là một hạch nội tiết lớn nằm ở phần dưới của cổ. Tuyến tiết ra các hormone có
vai trò quan trọng trong sự phát triển trí óc và cơ thể cũng như quan trọng
trong sự chuyển hóa căn bản. Thiếu các hormone này sẽ gây ra chứng đần độn ở trẻ
em và chứng sưng phù niêm mạc ở người lớn.
Rối loạn hoặc bệnh của
tuyến giáp có thể là tuyến quá hoạt động hoặc kém hoạt động. Cả hai đều gây ra
nhiều triệu chứng khác nhau và cần được điều trị.
Vợ của ông hiện nay
đang ở giai đoạn được bác sĩ khám bệnh, làm xét nghiệm để tìm coi xem hoạt động
của tuyến là cường hay nhược (hyper hoặc hypo) rồi sau đó bác sĩ mới điều trị.
Xin ông nói với bà nhà cứ kiên nhẫn, khi có kết quả bác sĩ sẽ giải thích cặn kẽ
rồi biên toa cho mua thuốc.
Chúc ông cùng gia đình
hạnh phúc, sức khỏe dồi dào.