Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

BỊ TIỂU SÓN

Hỏi 

Năm nay con được 35 tuổi, có 2 con; 6 tuổi và 3 tuổi. Từ khi sanh cháu thứ hai con bị chứng nhịn tiểu không được. Mỗi lần mắc tiểu là phải đi vội vào nhà vệ sinh, đi chưa tới nhà vệ sinh là nước tiểu đã chảy ra quần phải lấy tay kẹp lại. Khi lấy tay kẹp như vậy thì rất là tức như muốn sắp bể bọng đái. Cũng may là con không có đi làm chỉ ở nhà. Con rất sợ mỗi khi ra ngoài đường, nếu lỡ mắc tiểu mà không đi kịp nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh mà nín không được phải lấy tay kẹp lại thì xấu hổ quá. 

 

Khi con uống một ly nước là con đi tiểu 4,5 lần trong vòng một tiếng. 

 

Mùa Đông đến con bị dị ứng nhảy mũi nhiều lần thì thỉnh thoảng mới bị té nước tiểu ra quần còn khi cười hoặc la lớn thì không có bị.   

 

Con rất mỏi mệt với chứng bịnh này vì lúc nào dưới đáy quần cũng ẩm ướt rất khó chịu, đôi khi làm con bị nhiễm trùng đường tiểu.  Con đang có ý định đi bác sĩ nhưng không biết nói bệnh như thế nào đây vì Anh ngữ con chỉ biết rất ít. Xin bác sĩ giải thích cho con hiểu nguyên nhân và cách chữa trị ra sao trước khi con lấy hẹn đi bác sĩ.

– Thanh Nhàn

 

 

Đáp 

Chào bà Nhàn,

Xin thông cảm với nỗi buồn bực “xấu hổ” của bà khi mà đang vui cười với bầy con hoặc bạn bè rồi đột nhiên nước tiểu vung vãi ra, ngoài ý muốn. Nhưng xin thưa là hiện nay tại đất nước Hoa Kỳ này cũng có cả triệu người nam cũng như nữ đang lâm vào hoàn cảnh tương tự như bà. Nói vậy để bà không cảm thấy mình cô đơn với chứng nhịn tiểu không được.  Trước khi góp ý về trường hợp của bà, tôi muốn gửi tới bà cũng như độc giả tuần báo Trẻ mấy hiểu biết căn bản về bệnh này, vì “biết người biết mình” thì mình giải quyết khó khăn sẽ dễ dàng hơn.

 

Bệnh mà bà nói tiếng Anh gọi là Incontinence urine, tiếng Việt là Tiểu són, Tiểu không tự chủ hoặc bệnh không kềm được nước tiểu do bệnh nhân mất quyền kiểm soát bọng đái của mình. Một số người chỉ nhỏ vài giọt nước tiểu, nhiều người khác thì nhiều hơn, đôi khi ướt sũng cả đũng quần.

 

– Nam nữ đều bị bệnh nhưng nữ nhiều gấp đôi nam và người cao tuổi nhiều hơn người trẻ tuổi.

 

– Không kềm đựơc vì có sự rối loạn ở dây thần kinh và cơ bắp điều khiển các bộ phận liên quan tới sự tiểu tiện.

 

– Nước tiểu do thận thải ra và được đưa xuống chứa ở bọng đái. Khi bọng đái đầy nước tiểu thì bọng đái co bóp đẩy nước tiểu ra ngoài qua ống dẫn nước tiểu. Một cơ vòng ở ống dẫn nước tiểu sẽ mở để nước tiểu chảy ra.

 

Nguyên nhân:

 

Có nhiều lý do đưa đến tiểu són, như là:

 

1- Tiểu són vì tăng áp lực trong xương chậu đè vào bọng đái như là khi ta ho mạnh, cười to liên tục, hắt hơi, nâng nhấc vật nặng. Phụ nữ có thai hoặc trong khi sanh, áp lực lên bọng đái cũng tăng do đó hay bị són tiểu;

 

2- Tiểu són do một thôi thúc mót đi tiểu. Bình thường một tín hiệu cho bọng đái hay là cần tiểu tiện nhưng cho ta một thời gian ngắn để vào buồng vệ sinh. Trường hợp thôi thúc thì chưa tới WC nước tiểu đã rỉ ra rồi. Đó là khi bọng đái bị nhiễm trùng, bị kích thích hoặc trong các bệnh suy yếu thần kinh như bệnh liệt rung Parkinson, bệnh Alzheimer, tai biến não…

 

3- Tiểu són khi bọng đái bị quá tải nước tiểu vì bàng quan không loại bỏ hết nước tiểu, còn sót lại một chút rồi lại tiếp tục nhận nước tiểu từ thận, sẽ mau đầy. Bọng đái bị kích thích, phải đi tiểu. Loại này thường thấy ở bệnh nhân tiểu đường, suy thận, tổn thương rễ thần kinh tủy, thương tích bọng đái…

 

– Uống nhiều nước là bắt buộc phải đi đái;

 

– Rượu, cà phê, nước có hơi kích thích bọng đái và ta phải giải tỏa;

 

– Một số dược phẩm chữa bệnh tim mạch, cao huyết áp kích thích bọng đái;

 

– Ở người tuổi cao, cơ bắp nâng đỡ bọng đái bị yếu, dung lượng bọng đái giảm khiến cho nước tiểu hơi đầy đã mót tiểu;

 

– Nhiều vị tuổi cao bị tiểu són vì bệnh thể chất hoặc tâm thần khiến họ không vào buồng tắm đúng lúc để tiểu. Nhiều vị bị viêm khớp chưa mở được cúc quần đã tóe đái;

 

– Viêm nhiễm bọng đái, viêm sưng nhiếp tuyến;

 

Điều trị:

 

Về điều trị, có nhiều cách:

 

1- Thay đổi thói quen tiểu tiện:

 

– Huấn luyện bọng đái để kiểm soát cảm giác “buồn tiểu” bằng cách trì hoãn tiểu theo ý muốn của mình: khi mót đái thì nín khoảng dăm bẩy phút rồi hãy tiểu; hoặc tiểu một chút rồi nín một lúc sau đó tiểu nốt. Để nín, khi thấy mót tiểu thì hãy hít thở sâu thư giãn trong vài phút rồi hãy đái.

 

– Tập nín khoảng mươi phút rồi tăng thời gian lên cho tới khi chỉ đi đái mỗi ba bốn giờ. Mục đích là để mình tự chủ, điều khiển được bọng đái. Có vẻ phức tạp nhưng rất hữu hiệu.

 

– Đi tiểu vào thời gian định trước thay vì mót là đi. Chẳng hạn chỉ vào toilet mỗi 2 hoặc 3 giờ.

 

– Huấn luyện tăng cường sức mạnh của cơ bắp hốc xương chậu và cơ vòng ở ống tiểu, gọi là phương pháp Kegel: co nhín hậu môn, nhín cơ ở chung quanh bọng đái. Nhín đúng nếu ta thấy cơ quan sinh dục nhúc nhích nâng cao hoặc đang tiểu mà ta gò cơ bắp vùng sàn chậu không đái nữa thì là đúng. Nhín chừng 10 giây rồi tiểu rồi lại nhín. Nhắc đi nhắc lại mươi lần, tập làm vài ba lần mỗi ngày. Rất mất công nhưng tập nhín mãi thành ra quen và ta làm chủ, muốn tiểu lúc nào thì tiểu.

 

– Gắn điện cực vào hậu môn hoặc âm hộ kích thích mấy sợi cơ bắp nâng đỡ bọng đái để chúng mạnh hơn, nhờ đó kiểm soát được tiểu tiện.

 

2- Dược phẩm:

 

Một vài loại dược phẩm để hỗ trợ sự nín đái như oxybutynin (Ditropan), tolterodine (Detrol), darifenacin (Enablex), fesoterodine (Toviaz), solifenacin (Vesicare) and trospium (Sanctura), Tofranil có thể được bác sĩ dùng.

 

3- Các phương pháp điều trị khác:

 

– Phụ nữ có thể được đặt vòng gọi là Pessary để nâng bọng đái và tử cung bị xệ để tránh đái són hoặc mang cuộn băng thấm nước tiểu nhét trong cửa mình.

 

– Nam giới bị són đái sau khi giải phẫu nhiếp tuyến có thể được đặt cơ vòng ống tiểu nhân tạo để điều khiển tiểu tiện.

 

– Võng nâng đỡ ống tiểu và bọng đái để khi ho, hắt hơi, cười mạnh, ống tiểu đóng lại, không cho nước tiểu thoát ra.

 

Bây giờ trở lại với trường hợp của bà.

 

Thật là bất tiện và xấu hổ mỗi khi vui cười mà phải chạy vội vào nhà vệ sinh, chưa tới nơi là nước tiểu đã chảy ra quần phải lấy tay kẹp lại. Bà cho biết sau khi sanh cháu thứ hai mới bị chứng này, thì tôi nghĩ có thể là do thai quá lớn tăng áp lực trong bụng dưới đồng thời khi sanh cháu lại rặn đẻ cho nên cơ bắp vùng chậu yếu và gây ra són đái.

 

Bà nên đến một bác sĩ chuyên về tiết niệu urologist để được khám tìm rõ nguyên nhân rồi điều trị.

 

Trong khi chờ đợi, bà thử tập mấy cách nín đái mà tôi kể ở trên, coi xem sao. Đồng thời nhớ giữ gìn vệ sinh vùng kín cho sạch sẽ kẻo mà nước tiểu gây tổn thương da và bị nhiễm trùng.

 

Khám bệnh xong, bà cho tôi biết kết quả nhé.

 

Comments are closed