Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

CHÍCH NGỪA CÚM

Hỏi 

Cám ơn bác sĩ đã mách giúp bà con người mình trên tuần báo Trẻ về cách bảo vệ sức khỏe. Nay tôi có việc này, muốn hỏi bác sĩ. Tôi năm nay 68 tuổi. Từ ngày sang Mỹ tới nay tôi chưa bị cúm bao giờ và cũng chỉ chích ngừa cúm có hai ba lần gì đó. Năm nay thì sức khỏe cũng hơi kém, hay bị ho cảm. Trước đây khi còn ở trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa mình thì tôi cũng hút thuốc lá, nhưng bỏ hút lâu rồi. Các cháu cứ giục đi chích ngừa. Vậy theo bác sĩ, liệu tôi có nên chích không và liệu chích có phản ứng không. Cảm ơn bác sĩ. 

– Mr Lan Nguyen

 

Đáp 

Thưa ông,

Chúng tôi cũng được nhiều thân hữu nêu ra thắc mắc tương tự như thắc mắc của ông. Vậy thì nhân dịp này chúng tôi xin gởi tới ông cũng như bà con đồng hương, đặc biệt là với quý vị cao niên, mấy điều cần để ý về việc chích ngừa cúm.  

 

Nhắc lại là bệnh Cúm hoặc Flu thường xuất hiện vào mỗi mùa Đông tại Bắc Mỹ chúng ta. Người cao tuổi thường dễ dàng bị bệnh Flu, một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan khiến cho nhiều bệnh nhân phải vào bệnh viện điều trị cũng như bị thêm bệnh sưng phổi. Vậy thì ta phải làm gì để đối phó?  Thưa, cần chích ngừa Cúm.

 

Cơ quan Phòng bệnh CDC của Hoa Kỳ đề nghị những người như sau cần chích ngừa Cúm:

 

– Mọi người từ sáu tháng tuổi trở lên;

– Những người vì nghề nghiệp dễ mắc hay truyền bệnh cúm như nhân viên các cơ sở y tế, nhà dưỡng lão;

– Những người mà bệnh cúm có thể gây nhiều tử vong, như đã có các bệnh kinh niên về tim, phổi, ho suyễn, tiểu đường, bệnh kinh niên về thận;

– Người mắc bệnh xơ gan vì nghiện rượu;

– Người suy yếu miễn dịch như ung thư máu, đang chữa ung thư bằng phóng xạ, hóa chất.

– Phụ nữ đã có thai từ ba tháng trở lên cần được chích ngừa cúm với loại siêu vi trùng đã làm giảm cường lực.

 

Sau đây là một số thắc mắc mà nhiều vị cao niên như bác thường nêu ra về việc chích ngừa Flu trong năm nay:

 

1- Dù tuổi cao nhưng chưa bao giờ tôi chích ngừa cúm và cũng chưa bao giờ bị cúm, liệu tôi có sợ bị cúm năm nay không?

 

– Câu trả lời là “có”. Bất cứ ai cũng có thể bị cúm, mà người cao tuổi lại có nhiều rủi ro bị bệnh cũng như có các biến chứng trầm trọng hơn. Cúm là bệnh nhiễm trùng thường thấy của bộ máy hô hấp, dễ dàng lây lan từ người này sang người khác trong khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với nước tiết từ mũi, miệng bệnh nhân.

 

2- Vậy thì người già chúng tôi phải làm gì để tránh cúm cũng như biến chứng của cúm?

 

– Chích ngừa cúm là cách hữu hiệu nhất để khỏi bị cúm. Đồng thời cũng nên phòng tránh với các cách khác như che miệng khi ho, hắt hơi, rửa tay, đừng tới gần người bị cúm. Nhưng chích ngừa cúm vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất.

 

3- Chích ngừa như thế nào?

 

– Người từ 65 tuổi trở lên có 2 cách chích ngừa: chích với vaccine cổ điển hoặc loại vaccine mạnh hơn dành cho người tuổi cao mà sức miễn dịch với bệnh đã suy yếu nhờ đó họ sẽ có sức chống sự xâm nhập của virus cúm mạnh mẽ hơn.

 

4- Những ai không nên chích ngừa cúm?

 

Không chích Flu nếu:

 

– Đã bị phản ứng với trứng vì vaccine được chế biến với dung dịch từ trứng;

– Trước đây đã bị phản ứng mạnh với vaccine ngừa cúm.

 

5- Bao giờ thì chích ngừa?

 

– Chích ngừa ngay khi nào vaccine đã được đưa ra thị trường. Hỏi bác sĩ gia đình hoặc các pharmacy. Thường thường phải cần khoảng 3 tuần lễ sau khi chích để cơ thể có đủ thì giờ tạo ra tính miễn dịch. Nếu không có cơ hội chích bây giờ, thì có thể chích trong mùa cúm, cũng vẫn còn tốt hơn là không chích.

 

6- Bạn tôi mới chích ngừa cúm năm ngoái, liệu có cần chích lại không?

 

– Có chứ. Lý do là mỗi năm virus gây ra cúm để thay đổi cấu trúc cho nên vaccine ngừa cúm năm ngoái không công hiệu với virus cúm năm nay.  Thuốc ngừa cúm được bào chế lại mỗi năm tùy theo loại virus gây bệnh cúm. Ngoài ra, công hiệu của vaccine ngừa cúm giảm dần với thời gian, cho nên hàng năm phải chích lại.

 

7- Ngoài phòng khám bệnh của bác sĩ, tôi có thể chích ngừa cúm ở đâu?

 

– Ta có thể chích ngừa cúm ở các pharmacy, bệnh viện, phòng khám ngoại chẩn, siêu thị.

 

8- Liệu chích ngừa cúm có làm cho tôi bị cúm không?

 

– Không đâu, vì vaccine không có virus còn sống mà đã được giảm độc tính hoặc chết, cho nên không gây ra bệnh cúm.

 

9- Liệu Medicare có trả cho tôi chi phí chích ngừa Cúm không?

 

– Có. Medicare trả chi phí cho chích ngừa cúm.

 

Coi vậy thì tôi đề nghị với Ông là nên đi chích ngừa, cho chắc ăn. Kẻo mà chẳng may lại bị “ông Cúm Bà Co” tới thăm thì lại bị đo giường mất vài tuần, mất dịp vui bù khú với bà xã, bạn bè cũng như các cháu nội ngoại, chúng tạm hoãn tới gần mi ông, vì ông không muốn chúng bị lây bệnh Cúm. Chích Cúm không đau đâu, như kiến đốt ấy mà.

 

 

Comments are closed