Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

GOUT

Hỏi 

Tôi bị gout, mỗi lần lên cơn là đau nhức không đi được, tôi uống nhiều loại thuốc cũng không giảm được cơn đau bao nhiêu (mỗi lần kéo dài 3 – 4 ngày).Vài người bạn khuyên tôi uống nước bưởi (grapefruit). Bác sĩ xin vui lòng cho tôi một lời khuyên hoặc có thể chỉ giúp tôi một vài “bí quyết” để đối phó với chứng này không. Xin cảm ơn bác sĩ.

– Hồ Văn Đông (UT) 

 

Đáp 

Gout tiếng Việt là Thống Phong, tiếng Pháp là “Goutte”.

 

Nguyên nhân gây bệnh: 

 

Thống Phong là một loại viêm khớp với đặc tính là tăng mức độ uric acid trong máu và sự kết tụ tinh thể urate trong mô bào. Acid này đến từ chất purines trong một số thực phẩm và từ sự chuyển hóa căn bản của cơ thể. Mức độ trung bình uric acid trong máu là 6.8 mg/dl.

 

Bình thường, uric acid hòa tan trong máu và được thận thải ra ngoài theo nước tiểu. Nếu uric acid lên quá cao mà không được thải ra ngoài, chúng phải kiếm chỗ để dung thân, như trên da, trong thận. Sạn urate (tophi) thường thấy ở dái tai, khuỷu tay và ngón tay, ngón chân. Nơi đây, uric acid tích tụ dưới dạng các tinh thể dài sắc bén như kim, châm chích vào cấu tạo khớp và gây ra cơn đau khủng khiếp.

 

Có nhiều lý do đưa tới cao uric acid:

 

– Giảm bài tiết từ thận, tăng sản xuất trong cơ thể và tăng tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất đạm purines.

 

– Một phần lớn uric acid do chính cơ thể sản xuất mỗi ngày qua các phản ứng sinh học hoặc trong một số bệnh kinh niên (như bệnh ung thư máu, hoại huyết hoặc bệnh vẩy nến.)

 

– Phần khác do tiêu thụ thực phẩm có nhiều chất purines như cá trích (anchovies), cá mòi (sardines), cá thu (mackerel), sò điệp (scallops), cá hồi (trout) một vài loại thịt như thịt bê, thịt heo, thịt gà tây; trong bộ phận nội tạng gia súc như tim, thận, óc; trong các loại bia rượu và vài loại rau như hạt đậu khô, măng, rau spinach. Có nghiên cứu cho hay purines trong rau trái cây không gây ra cao uric acid như thịt đỏ động vật.

 

Giảm bài tiết uric ở thận là lý do thông thường đưa tới cao chất này trong máu.

 

Nguy cơ đưa tới thống phong: 

 

Sau đây là một số nguy cơ có thể đưa tới tăng uric acid và bệnh thống phong:

 

– Tuổi tác,

 

– Dược phẩm: Một số dược phẩm có thể tăng uric acid như thuốc lợi tiểu nhóm hydrochlorothiazide (Esidrix, Hydro-D), viên aspirin để phòng tránh tai biến não hoặc cơn đau tim; thuốc chữa bệnh Parkinson Levodopa).

 

– Rượu. Theo kết quả nghiên cứu của bác sĩ Hyon K Choi và Gary Curhan, Trường Y tế Công Cộng Harvard,  bia  gây ra cơn đau thống phong nhiều gấp đôi rượu mạnh, rượu vang và tác dụng xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi uống.

 

– Di truyền: Bệnh có tính cách di truyền. Theo thống kê, cứ bốn người bị thống phong thì một người có thân nhân mang bệnh này.

 

Điều trị: 

– Thuốc chống đau viêm không steroid như ibuprofen (motrim), indomethacin (Indocin), naproxen (anaprox), etodolac…đều có thể kiểm soát các cơn đau cấp tính trong vòng 48 giờ.

 

Tác dụng ngoại ý của các thuốc này là cồn cào, xuất huyết bao tử, giảm chức năng của thận.

 

– Khi các dược phẩm nêu trên không hiệu nghiệm, thuốc loại steroid có thể được dùng.

 

– Thuốc cổ điển Colchicine có nguồn gốc cỏ cây vẫn còn được dùng và có tác dụng rất tốt với các cơn phong thấp cấp tính cũng như để ngăn sự tái phát của các cơn viêm đau.

 

– Thuốc allopurinol (Zyloprim) được dùng khi acid uric lên cao vì tăng sản xuất.

 

– Trường hợp uric acid lên cao vì thận giảm bài tiết, dùng thuốc loại probenecid (Benemid, Probalan) hoặc sulfinpyrazone.

 

– Trong cơn đau, nên nằm nghỉ, nâng cao khớp viêm hơi cao hơn thân mình một chút với cái gối nhỏ để tránh dịch nước ứ đọng ở khớp và giúp giảm viêm sưng.

 

– Khi khớp bớt viêm, nên cử động khớp thường xuyên để tránh cứng khớp đồng thời sức mạnh các bắp thịt và gân ở xung quanh.

 

– Chườm lạnh khớp bệnh vài lần trong ngày, mỗi lần 20 phút để giảm viêm sưng và đau.

 

Ngoài ra, bệnh nhân có thể giảm thiểu các rủi ro gây bệnh, như là:

 

a. Giảm thiểu thực phẩm có nhiều purines.

 

b. Vận động cơ thể đều đặn.

 

c. Uống nhiều nước không có rượu. Nước giúp thận loại bỏ uric acid khỏi cơ thể, trong khi đó rượu bia lại tăng acid này.

 

d. Giảm cân nếu mập phì nhưng không giảm quá nhanh để khỏi bị thiếu dinh dưỡng, thống phong xuất hiện nhiều hơn.

 

e. Duy trì huyết áp ở mức bình thường để tránh hư hao thận, giảm bài tiết uric acid.

 

f. Ăn nhiều rau trái cây tươi.

 

g. Tiêu thụ số lượng vừa phải sữa, pho mát.

 

h. Thử nghiệm acid uric khi đau khớp cấp tính để kịp thời sớm khám phá bệnh.

 

Riêng món nước bưởi công dụng trong thống phong chưa được chứng minh.

 

Chúc ông Đông và quý vị độc giả Trẻ mọi sự bình an, không bị Thống phong hành.

 

 

Comments are closed