Hỏi
Chị cháu năm nay 28
tuổi nhưng thường xuyên bị tụt huyết áp và thiếu oxy não. Bác sĩ cho cháu hỏi
có thuốc nào uống để giúp chị cháu. Cháu cám ơn bác sĩ. TranTran
Đáp
Không biết là huyết áp
của chị cô tụt tới mức độ nào mà cô e ngại, hỏi hộ. Xét ra đây cũng là mối e ngại
của nhiều độc giả tuần báo Trẻ, cho nên tôi xin đi vào chi tiết một chút để cô
và bà con đồng hương biết rõ.
Bình thường huyết áp ở
dưới 120/80 mmHg. Còn thấp là khi một trong hai kết quả bằng hoặc dưới 90 cho
tâm thu, 60 tâm trương. Như vậy nếu có kết quả 115/50 thì là huyết áp thấp.
Nguyên nhân:
1. Giảm khối máu do mất
nước tại các mô cơ thể vì ói mửa, tiêu chảy, nóng sốt, dùng nhiều thuốc lợi tiểu,
phỏng nặng, vận động quá mức với đổ mồ hôi. Máu lưu thông giảm, huyết áp thấp,
không đủ dưỡng khí nuôi tế bào, cơ thể mệt mỏi, yếu, chóng mặt.
Nếu mất nước quá nhiều
và không được điều trị bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng shock, nguy hiểm tới
tính mạng.
2. Nội ngoại xuất huyết đều giảm khối lượng máu và đưa tới thấp huyết
áp.
3. Trong thời gian có
thai, mạch máu dãn mở, giảm sức ép của máu lên động mạch do đó huyết áp xuống
thấp khiến cho bà bầu hay chóng mặt. May
mắn là huyết áp sẽ trở lại bình thường sau khi sanh.
4. Một số bệnh tim như
suy tim, rối loạn van tim, nhịp tim chậm, cơn suy tim đều làm huyết áp xuống thấp
vì máu lưu hành ít đi.
5. Mấy bệnh nội tiết
như tiểu đường, nhược hoặc cường tuyến giáp, đường huyết thấp.
6. Nhiễm trùng huyết,
cơn dị ứng trầm trọng, dinh dưỡng thiếu sinh tố B12, folic acid.
7. Dược phẩm như thuốc
lợi tiểu, thuốc dãn mạch, thuốc viagra, vài loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống
đau, rượu.
8. Bệnh Parkinson, chấn
thương sọ não, ngộ độc hóa chất, phản ứng với thuốc, suy gan, nằm bất động quá
lâu.
Một số triệu chứng khi
huyết áp xuống quá thấp như bệnh nhân thấy
chóng mặt, quay cuồng, ngất xỉu, buồn ngủ, kém tập trung, buồn nôn, mờ mắt, hơi
thở nhanh, da lạnh, khát nước. Nếu huyết áp thấp trầm trọng, bệnh nhân có thể bị
trụy tuần hoàn (shock).
Điều trị:
Thấp huyết áp ở người
khỏe mạnh mà chỉ có chóng mặt thoảng qua khi đứng lên ngồi xuống thường thường
không cần đến trị liệu.
Với các trường hợp nặng,
điều trị nguyên nhân gây ra huyết áp thấp có thể giải quyết được vấn đề.
Trường hợp huyết áp xuống
rất thấp gây ra shock thì cần được cấp cứu tại bệnh viện.
Bác sĩ có thể cho dùng
dược phẩm tăng khối máu (fludocortione, clonidine, viên ngừa thai); thuốc co mạch
(midrodine, ritalin, vài loại chống trầm cảm) hoặc thuốc điều khiển sản xuất
epinephrine/norepinephrine (ức chế beta atenolol, propanolol) để nâng huyết áp.
Phòng tránh:
Các phương thức sau đây
được áp dụng để giảm thiểu dấu hiệu triệu chứng của huyết áp thấp:
1. Uống nhiều nước để
ngăn ngừa cơ thể khô nước và nâng cao huyết áp.
2. Dùng thêm muối có thể
nâng cao huyết áp, nhưng cần được bác sĩ hướng dẫn để tránh rủi ro suy tim.
3. Mang tất đàn hồi để
tránh máu tụ ở hạ chi, nhờ đó máu nhiều hơn ở phần trên cơ thể.
4. Tránh uống rượu vì
rượu làm mất nước và làm dãn mạch.
5. Đừng đứng quá lâu; từ
từ đứng lên khi nằm hoặc ngồi.
6. Có huyết áp thấp sau
khi ăn: không nên uống thuốc chống huyết áp trước khi ăn; tránh đứng bất thình
lình và nên nằm nghỉ sau khi ăn; giảm tinh bột trong phần ăn, chia phần ăn làm
nhiều bữa nhỏ.
7. Với một số người, nước
uống có caffeine làm co mạch nhưng nên uống vào buổi sáng để tránh khó ngủ ban
đêm.
8. Nằm ngủ với gối hơi
cao hơn chân có thể giảm triệu chứng bằng cách giữ lại natri, bớt tiểu đêm.
9. Khi đứng lâu: một
chân co hoặc để trên ghế; lâu lâu ngồi xuống hoặc cúi mình về phía trước, để
tay lên đầu gối.
Khi nào cần đi khám bệnh?
Thấp huyết áp mà lại
thêm đau ngực, nhiệt độ cơ thể trên 101 độ F (38.3 độ C), rối loạn hô hấp, tim
đập không đều, tiêu chảy và nôn ói kéo dài, ho ra đàm, không ăn uống được, đều
cần đi bác sĩ ngay để được khám bệnh và điều trị.
Hy vọng những hiểu biết
trên đây đã trả lời thỏa đáng thắc mắc của chị cô. Chúc cô và gia đình vui mạnh.