Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

KIẾN BA KHOANG

Hỏi 

Tôi mới đi thăm gia đình ở Việt Nam về và thấy sợ quá bác sĩ ơi. Ăn uống thì toàn hóa chất độc hại, ra đường thì xe qua lại đông nghịt và bụi bặm… Chán quá. Nhưng điều mà tôi muốn hỏi bác sĩ, là tại sao bên đó lại có cái loại kiến gì mà nó to tướng, đốt vào người là nó ngứa cùng mình. Tôi ở với mấy đứa cháu ở khu Cư xá Thanh Đa mình ngày trước. Bác sĩ cho  biết đó là loại kiến gì mà hung dữ quá và cách chữa kiến đốt như thế nào để tôi cho bà con tôi ở bển hay nhé. Cảm ơn bác sĩ.

– Phạm Vinh

 

Đáp 

Chào ông Vinh,

Đọc báo tôi thấy họ nói ở VN bây giờ còn nhiều điều đáng sợ hơn là mấy điều ông vừa kể, nhất là cái nạn lường gạt, tham nhũng cửa quyền. Nhưng thôi xin trả lời thắc mắc của ông về kiến ba khoang.

 

Thực ra loại kiến này cũng đã có ở bên nhà từ lâu, nhưng gần đây chúng xuất hiện nhiều hơn và to lớn hơn vì dân chúng dùng thuốc rầy trừ sâu bọ, kiến ăn vào thành to lớn và sinh sản rất nhanh. Chúng thường có nhiều ở vùng đồng lúa ven bờ suối rừng, đồng cỏ, như ven đô Sài Gòn, khu Thanh Đa…

Kiến có ba khoang, có cánh ngắn, đầu đen, ngực màu vàng hoặc đỏ. Kiến có thể bay cao lên tới các từng lầu, nhưng cánh mong manh, dễ rụng cho nên khi bay vừa cao là rớt xuống. Kiến rất thích ánh sáng mầu xanh, cho nên cứ buổi chiều tối khi mọi nhà lên đèn là chúng bay vào nhà dân chúng. Trên mình kiến còn có nhiều loại vi sinh vật sống cộng sinh chứa nhiều chất độc.

 

Nói rằng kiến đốt thì cũng không đúng lắm, vì thường thường kiến bay rụng cánh, rớt vào người. Người thấy vậy bèn lấy tay đập giết kiến. Kiến tan xác, chất độc của kiến dính trên da, gây ra phản ứng rất ngứa, khó chịu khiến ta gãi. Mà càng gãi chất độc càng lan rộng, ngứa gia tăng. Vì thế khi thấy kiến rớt xuống mình thì đừng giết mà lấy miếng giấy nhặt ném vào thùng rác.

 

Thuốc trừ kiến ít công hiệu với loại kiến này vì chúng rất mạnh.

 

Để phòng tránh rủi ro do kiến gây ra, chỉ có cách là xa lánh chúng. Cửa lớn cửa nhỏ đóng kín, có lưới bao che.

 

Khi mở đèn trong nhà là đóng cửa ngay.

 

Kiến rơi xuống đất lấy chổi quét lượm bỏ vào thùng rác đậy nắp kín.

 

Kiến rớt xuống mình không đập chết mà thổi cho kiến bay đi hoặc lấy mảnh giấy lượm gói ném vào thùng rác.

 

Chẳng may kiến chết trên da thì rửa ngay với xà bông, nước ấm, rồi thoa thêm kem hydrocortisone  mua ngoài tiệm thuốc tây, ngày vài ba lần.

 

Nhớ đừng gãi, ngứa sẽ lây lan.

 

Nhờ ông thông báo cho bà con bên nhà hộ nhé.

 

Chúc ông vui mạnh.

 

Comments are closed