Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

MỐNG MẮT

Hỏi 

Mẹ cháu năm nay 63 tuổi. Từ gần năm nay, mắt bên trái có nổi lên một gân máu, mà bác sĩ bên Việt Nam gọi là mống thịt và đã được cắt nhiều lần, nhưng một thời gian sau lại mọc trở lại. Cụ mới sang đây chơi với con cháu. Bây giờ cháu định đưa cụ đi khám bác sĩ bên Mỹ. Vậy xin bác sĩ cho biết nên đi bác sĩ nào và ở bên này có cách nào chữa dứt không.

Cháu cảm ơn bác sĩ.

– Vân Lê

 

Đáp

Chào cô Vân Lê,

Cứ như cô nói thì bà cụ đã được bác sĩ khám, xác định là có mống thịt trong mắt và đã mổ nhiều lần mà vẫn tái phát. Vậy thì tôi xin giải thích thêm về bệnh này, vì bà con ta bên nhà cũng nhiều người bị.

 

Mống mắt, tiếng Anh kêu là Pterygium là bệnh trong đó có những tế bào mới mọc ra ở tròng trắng của con mắt, thường là từ phía gần mũi rồi kéo ngang sang tới con ngươi. Mống này không là ung thư, có thể lớn dần suốt đời người bệnh và có thể che kín con ngươi. Bệnh không gây ra hiểm nghèo gì nhưng khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu khi nhìn và nom cũng mất thẩm mỹ.  Người bệnh thường than phiền cay cay ngứa trong mắt, mắt khô, mờ khi nhìn sự vật. Bệnh thường thấy ở đàn ông nhiều hơn là đàn bà. Nguyên nhân của bệnh chưa được biết rõ, nhưng một số nguy cơ có thể khiến mống mắt mọc ra như là tia nắng mặt trời, bụi bặm ô nhiễm môi trường, gió, mắt khô.

 

Về điều trị thì bác sĩ sau khi khám có thể cho thuốc nhỏ mắt cho bớt khô, nhỏ thuốc làm co mạch máu hoặc thuốc có chất steroid. Nhưng thuốc nhỏ chỉ có tính cách tạm thời, thường thì phải giải phẫu cắt bỏ mống mắt. Phương pháp mổ hiện nay rất tiến bộ: sau khi cắt bỏ mống, bác sĩ sẽ lấy tế bào giác mạc lấp vào chỗ trống của mống như vậy kết quả tương đối khả quan hơn. Giải phẫu có thể làm tại phòng mạch có trang bị đầy đủ máy móc chuyên ngành và bệnh nhân có thể làm việc trở lại trong mười ngày. Để tránh mống mắt, nên mang kính râm để tránh bụi cát ô nhiễm cũng như tia nắng quá mạnh xâm nhập kích thích mắt.

 

Bên Hoa Kỳ, các bác sĩ chuyên môn về mắt cũng khá nhiều. Cô có thể nhờ bác sĩ gia đình giới thiệu cho một bác sĩ nhãn khoa giải phẫu để khám chữa cho mẹ cô. Có điều là chi phí chữa trị giải phẫu bên đây cũng khá cao đấy, mà mẹ cô ở quy chế viếng thăm, chắc là phải trả tiền mặt. Bên Việt Nam, phẫu thuật như vậy tương đối ít tốn kém hơn.

 

Chúc cô và gia đình vui vẻ, khỏe mạnh.

 

 

Comments are closed