Hỏi
Từ mấy tháng nay ông
xã tôi suốt ngày cứ cặm cụi làm việc, mà lại làm nhiều thứ khác nhau, đến nỗi tối
về nhà là cứ bơ phờ, kêu mệt rồi gắt gỏng với vợ con. Ổng cũng kêu là không ngủ
được và hay bị nhức đầu. Bác sĩ cho tôi biết bệnh của nhà tôi và tôi phải làm
gì bây giờ.
Đáp
Những dấu hiệu của ông
nhà mà bà nói có thể là do căng thẳng khi ổng làm việc nhiều mà ra. Mà căng thẳng
trong đời sống không phải là điều mới lạ đâu bà ơi. Ngay từ thuở xa xưa, các cụ
ta cũng có những căng thẳng rồi. Chẳng hạn như các cụ sợ thú rừng hung dữ ăn thịt;
sợ nước lũ cuốn trôi; sợ thần linh trừng phạt. Nhất là sợ về nhà bị vợ cằn nhằn
vì đi săn không bắt được con mồi nào mang về, bị vợ bắt phải ngủ ngoài trời…Và
còn nhiều thứ sợ khác nữa.
Rồi tới thời đại văn
minh ngày nay thì cũng có cả trăm thứ căng thẳng. Do đó, có người đã ví stress
là hậu quả của nếp sống tiến bộ. Cuộc sống hàng ngày của ta như chạy đua với
nhiều đòi hỏi. Đa số những căng thẳng có liên hệ tới công việc làm ăn, giống
như trường hợp của ông nhà. Vì đây là vấn đề chung của nhiều người, tôi xin
phép nói kỹ một chút rồi sẽ trở lại với câu hỏi của bà nhé.
Theo thống kê, con người
hôm nay làm việc cả trăm giờ nhiều hơn là vài chục năm về trước. Biết bao nhiêu
nhu cầu cho gia đình, cho sức khỏe, cho an toàn cá nhân, tài chánh. Chúng ta có
nhiều vấn đề cả ngàn lần nhiều hơn tổ tiên ta mà thời gian để giải quyết thì
cũng chỉ có vậy.
Cô thư ký mới bị cấp
trên khiển trách, dọa cho nghỉ việc. Tim cô đập nhanh, cuống họng khô, nghẹn
ngào không nói được. Tối về nhà than phiền với chồng: “Em đang bị stress đây”
Một tổng biên tập bù đầu
kiếm bài cho số báo cuối tuần, hít thuốc lá liên hồi, nhức đầu, mặt nhăn như bị
rách cũng kêu đang bị stress.
Một bà chủ tiệm Phở
đông khách, đếm tiền không kịp, thở dài, nói: “Chán quá! em muốn sang tiệm vì
công việc nhiều stress quá”! Nhưng chẳng bao giờ thấy bà sang tiệm mà chỉ thấy
mỗi buổi chiều về nhà cả gia đình ngồi đếm tiền đến mỏi tay.
Thực là trăm khó khăn đổ
lên đầu stress. Stress đã là đề tài cho nhiều nghiên cứu khoa học từ cả thế kỷ
nay.
Năm 1920, nhà sinh học
uy tín Hoa Kỳ Walter Cannon đã tả căng thẳng như là một đáp ứng: “chống cự hoặc
bỏ chạy”, để bảo toàn sinh mệnh”. Bình thường thì phản ứng này giúp ta vượt qua
khó khăn bằng sự gia tăng vài hóa chất trong cơ thể. Nhưng nếu liên tục, hóa chất
cao sẽ đưa tới tác dụng không tốt.
Rồi phải đợi tới năm
1956, danh từ Stress mới được Y sĩ Hans H Selye phổ biến trong quần chúng. Theo
Selye, “Stress là một phản ứng không đặc biệt của cơ thể trước một đòi hỏi nào
đó. Nó là một phần của đời sống con người”.
Nhà tâm lý học Mc Grath
lại coi “stress như một sự mất thăng bằng giữa đòi hỏi và khả năng đáp ứng. Khi
đáp ứng không thỏa đáng sẽ có hậu quả không tốt”. Một tác giả khác, Richard
Lazarus cho “stress là một diễn tả chủ quan từ tâm trí, nên nó xuất hiện tùy
theo cách nhìn của con người với sự việc”.
Nói một cách giản dị
thì stress là đáp ứng của ta trước một khó khăn xảy đến với ta.
Vì thế, trước cùng một
biến cố mà người này cho là căng thẳng thì người khác lại cho là bình thường.
Vào một lúc nào đó, chúng ta ai cũng có stress. Khác chi ai mà thoát được cảm lạnh,
nhức đầu. Cảm lạnh, nhức đầu không ở lại lâu. Nhưng stress có thể làm phiền ta
cả tuần, cả tháng. Có khi lâu hơn và có thể hủy hoại ta. Nhóm nghiên cứu bên
Nga đã thử nghiệm khả năng chịu đựng ghen tuông của một chú chuột. Họ chia cách
một cặp vợ chồng chuột vào hai cái lồng. Cho một chuột đực lạ vào lồng có chuột
cái. Anh chồng tức điên lên mỗi khi thấy vợ mình âu yếm với tình lang mới mà
không làm gì được để cứu bồ. Mấy tháng sau chú ta chết vì bệnh tim mạch, mặc dù
vẫn được ăn uống đầy đủ. Nhưng không phải stress bao giờ cũng xấu. Ở mức độ vừa
phải, stress là những khích lệ, thử thách mà khi vượt qua ta cảm thấy phấn khởi.
Horace đã từng phát biểu: “Khó khăn làm phát lộ thiên tài; sự thịnh vượng làm
chìm đắm nó”. Cho nên ít quá thì buồn chán mà nhiều quá thì khó khăn. Trung
dung vừa phải là tốt.
Có những dấu hiệu báo
trước sự xuất hiện của stress:
– Một cảm giác buồn buồn;
– Một bồn chồn, lo âu,
bất an;
– Trong người thấy như
khó chịu, nhạy cảm, dễ gây gổ, tức giận;
– Rã rời mệt mỏi, kém tập
trung, kém suy nghĩ, không quyết định. Rồi:
– Lơ là, trễ nải trong
công việc;
– Tự cô lập với bạn bè,
sinh hoạt xã hội;
– Ám ảnh với những ý
nghĩ tiêu cực;
– Mất ăn mất ngủ; chóng
mặt nhức đầu; hay đau vặt; huyết áp lên cao, nhịp tim nhanh chậm bất thường…
– Lạm dụng rượu, thuốc
để giải tỏa khó khăn…
Khi có những dấu hiệu
này thì chẳng nên chờ đợi tự chúng tan đi. Mà cần kiếm thầy kiếm thuốc. Đó là
tư vấn tâm lý, cán bộ xã hội, bác sĩ tâm bệnh, thuốc tây, dược thảo… Lại còn
kinh nghiệm của cha ông, vợ-chồng đóng cửa chỉ dẫn cho nhau rất hiệu nghiệm.
Nhưng chớ mượn rượu tiêu sầu, lấy việc chích hồng phiến, bạch phiến làm vui.
Nhưng Stress trở thành có vấn đề khi ta để nó lôi cuốn ta đi.
“Lòng người thì có hạn,
ước muốn thì vô cùng.
Lấy cái có hạn mà theo
cái vô cùng: Nguy hại thay!”
Rồi bất mãn, trầm cảm,
buông xuôi.
Trở lại với trường hợp
của ông nhà, chúng tôi nghĩ rằng hai ông bà nên sắp xếp để có mấy ngày đi
vacation với nhau. Trong thời gian này, nên cùng nhau coi lại xem tại sao ông
nhà lại phải làm việc ngày đêm như vậy, đến nỗi sức khỏe bị ảnh hưởng. Có phải
vì nhu cầu tài chánh hoặc đó là thói quen của ông ấy. Nếu cần vợ chồng nên đến
một bác sĩ chuyên về tâm lý để phân tích tình trạng, rồi nếu cần chữa trị. Có
những lý do khiến cho ông nhà hành động như vậy, và bà phải cố gắng tìm cho ra
lẽ rồi giải quyết. Bà cũng nên nhẹ nhàng nói với ông nhà là bà cũng đang cảm thấy
mệt mỏi vì e ngại tới sức khỏe của chồng.
Chúc ông bà sớm trở lại
đời sống hạnh phúc như những ngày mới cưới.