Hỏi
Tôi có một cháu trai,
năm nay 9 tuổi. Cháu khỏe mạnh, học đều, tương đối ngoan, dễ dạy. Chỉ có điều
là cháu đi cầu không bình thường, có khi cả tuần không đi cầu. Ấy vậy mà đôi
khi lại có phẩn dính ở quần lót.Tôi vẫn cho cháu uống nước đều thậm chí còn bắt
cháu mang nước theo để uống, vì tôi sợ là xa nhà cháu không uống. Tôi nghe nói
uống thuốc xổ là không tốt cho nên không cho cháu dùng. Vậy thì tôi phải làm gì
bây giờ. Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm.
– Lisa.
Đáp
Chào Lisa,
Táo bón ở trẻ em là
chuyện thường xảy ra đấy, Lisa ạ. Theo thống kê, có tới 10% các em rơi vào tình
trạng này và đây cũng là mối lưu tâm của cha mẹ. Vấn đề này cũng hơi phức tạp,
cho nên tôi xin tóm lược như sau.
Bình thường trẻ em đại
tiện mỗi vài ba ngày. Khi các em không đi cầu mỗi 3 ngày và phân lại cứng thì
có thể là bị táo bón.
Đa số trẻ em không có
những nguyên nhân rõ rệt gây ra táo bón như ở người lớn. Một số cháu bé tự ý
không muốn đi cầu vì ham chơi; đi học thì thấy nhà cầu không sạch sẽ hoặc sợ
người ta nhìn thấy; một số khác có những kỷ niệm đau đớn khi đi cầu, nên tránh
né vào cầu tiêu; một số khác ăn nhiều chất ngọt, ít rau, ít uống nước cũng bị
táo bón. Ngoài ra, nóng sốt nhiễm trùng hoặc một số dược phẩm trị cảm ho cũng
gây táo bón.
Y học tả một chứng táo
bón ở trẻ em gọi là “di phẩn” tiếng Anh là Encopresis. Em đi cầu một lần với khối
phẩn rất nhiều nhưng cảm thấy đau ở hậu môn cho nên lần sau mót cầu không dám
đi, vì sợ đau. Phân tụ lại trong ruột, lâu lâu són ra ngoài.
Chữa táo bón ở trẻ em
khác ở người lớn. Thuốc xổ không là giải đáp.
Trường hợp của cháu và
theo như cô nói, cháu vẫn khỏe mạnh, hạnh kiểm tốt, học hành được thì tôi nghĩ
là không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên cô cũng nên đưa cháu đi bác sĩ để được
khám bệnh, loại trừ các rủi ro trầm trọng.
Trong khi chờ đợi, cô
có thể áp dụng vài cách sau đây:
– Tập cho cháu có thói
quen đi cầu mỗi ngày. Sau bữa ăn là lúc thuận tiện, vì khi đó thực phẩm sẽ kích
thích đường ruột, gây ra sự chuyển động chất bã và sẵn sàng đi cầu. Bắt cháu ngồi
chừng mươi phút, để tạo ra thói quen;
– Cho cháu ăn uống cân
bằng cộng thêm rau trái, hạt nguyên vẹn và
– Uống nước đầy đủ kèm
thêm nước táo, nước mận;
– Lâu lâu chườm hậu môn
với khăn ngâm nước ấm, để thư giãn cơ bắp, kích thích cảm giác muốn đi cầu. Cô
có thể thoa một chút glycerin hoặc nhét viên đạn glycerin vào hậu môn để đại tiện
dễ dàng hơn.
Chúc cô luôn luôn có sức
khỏe tốt.