Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

THỰC PHẨM

Hỏi 

Nhờ bác sĩ chỉ giúp những loại thực phẩm nào ăn cùng chung một lúc với nhau đưa tới phản ứng nguy hiểm, vì tôi có người nhà ăn đậu hủ nhưng thay vì chan nước đường lại chan mật ong lập tức 15 phút sau trong người rất khó chịu.

 

Một người khác ăn mãng cầu xong ăn thêm thanh long cũng bị phản ứng mà còn nặng hơn. Bác sĩ có thể cho biết những loại thực phẩm nào không nên ăn chung với nhau.

– Vinh Nguyễn (Houston)

 

Đáp 

Thưa bà,

Y giới thường hay nói tới tác dụng qua lại giữa thuốc và thực phẩm, chứ ít nói tới tác dụng giữa thức ăn với nhau. Theo ý kiến chung, tác dụng này nếu có cũng không gây ra khó khăn trầm trọng. Tuy nhiên nếu biết được để tránh thì cũng là tốt.

 

Chúng tôi cũng đã chịu khó tìm hiểu sau khi nhận được câu hỏi của bà, nhưng kết quả hết sức giới hạn.

 

Một tài liệu nói rằng trong nước trà có chất catechins, một loại flavonoids có tác dụng tốt đối với trái tim. Khi ta cho sữa vào nước trà thì một chất đạm trong sữa sẽ làm giảm nồng độ của catechins, khiến cho tác dụng của chất này với tim yếu đi. Đồng thời ở trong bao tử, 2 chất này cũng tác dụng lên nhau và  có thể kích thích bao tử, khiến cho ta nôn ói. Vậy mà dân Anh họ vẫn uống trà với sữa đấy.

 

Có tài liệu nói trong cà chua còn xanh có chất solamine và nếu dùng chung với rượu có thể làm buồn ngủ hơn. Như vậy ai mất ngủ, dùng chung 2 thứ này với nhau lại ngủ ngon.

 

Chúng tôi cũng thấy có tài liệu nói ăn trái cây khi ăn cơm có thể gây ra đầy bụng no hơi và được giải thích như sau: trái cây dễ được tiêu hóa trong dạ dày. Ăn khi đói bụng, trái cây xuống ruột ngay. Còn khi ăn với dạ dày nhiều thực phẩm khác thì chúng nằm lại trong dạ dày lâu hơn và tạo ra chất gas đồng thời chất chua trong dạ dày cũng tiêu hủy vài loại vitamin trong trái cây. Vì thế có gợi ý là nên ăn trái cây xa bữa cơm.

 

Bà bạn của bà ăn đậu hủ với nước đường thì không sao nhưng ăn với mật ong lại khó chịu có thể là bà ấy dị ứng với mật ong chăng hoặc là mật ong có chất acid formic sẽ kết tụ với protein trong đậu nành rồi gây ra khó tiêu. Còn trường hợp ăn thanh long với mãng cầu mà bị phản ứng thì tôi chào thua, không biết tại sao. Để khi nào tôi tìm ra giải đáp thì báo cho bà hay ngay.

 

Tôi đọc được mấy vần thơ dân gian mình như sau về kiêng cữ các món ăn, gửi bà và độc giả Trẻ đọc cho vui, chứ không bảo đảm là chúng đúng hay sai hoặc tại sao:

 

Thịt gà, kinh giới kỵ nhau?

Ăn cùng một lúc, ngứa đầu phát điên!

Thịt dê, ngộ độc do đâu?

Chỉ vì dưa hấu, xen vào bữa ăn!

Ba ba ăn với dền, sam

Bụng đau quằn quại, khó toàn vẹn thân!

Động kinh, chứng bệnh rành rành?

Là do thịt lợn, rang chung ấu Tầu!

Chuối hột ăn với mật, đường?

Bụng phình, dạ trướng, dọc đường phân rơi!

Thịt gà, rau cải có câu?

Âm dương, khí huyết thoát vào hư vô!

Trứng vịt, lẫn tỏi, than ôi?

Ăn vào chắc chết, mười mươi rõ ràng!

 

Chúc bà và gia đình luôn luôn khỏe mạnh.

 

 

Comments are closed