Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Trẻ Già Chia sẻ Tâm Tư

Trẻ Già Chia sẻ Tâm Tư

            Nội dung ngày hội thảo Kính Lão Ðắc Thọ là những tâm sự với nhau của nhiều cặp vợ chồng cao tuổi, quý lão ông lão bà đơn côi và thế hệ con em. Hơn hai trăm người quây quần trong Thánh Ðường ấm cúng của  Hội Thánh Báp Tít Ðức Tin Việt Nam dưới sự hướng dẫn và góp ý của Mục sư Nguyễn Văn Huệ vào một buổi chiều Chủ Nhật đầu Thu tại thành phố Dallas. Người viết  thuyết trình. Các cụ sinh hoạt cởi mở, hăng hái góp ý về các vấn đề liên hệ tới tuổi già như “đôi ta còn lại bên nhau, cha mẹ với các con, ông bà với các cháu, tham gia sinh hoat cộng đồng và niềm tin tôn giáo với sức khỏe người già”

 

            Ða số các tham dự viên đều cho rằng tuổi già là giai đoạn có khá nhiều thách thức.

            Trước hết là tuổi thọ gia tăng nhưng  không có gì bảo đảm rằng người già sẽ khỏe mạnh, sung sướng. Trong cơ thể của họ sẽ có những thay đổi sinh hóa học với giảm thiểu vài  kích thích tố,  suy yếu vài chức năng các cơ quan,  cũng như thay đổi về tính tình, về cái nhìn với cuộc đời, và ngay cả trong cách ăn uống, giải trí. Rồi lại còn biết bao mất mát như  bạn bè, thân thuộc ra đi, mất vai trò trong xã hội  và nhất là mất tính cách độc lập  vì bệnh tật, ốm đau. Do đó, một số sẽ phải đương đầu với khó khăn thể chất, tinh thần, kinh tế đặc biệt là trong tương quan giữa vợ chồng già, với  con cháu và với bạn bè, chòm xóm.

            Có thắc mắc được nêu ra là tại sao ông già này khó tính, bà lão kia nhiều lời; con tôi nó chẳng chịu trông nom săn sóc tôi, như tôi  đã phụng dưỡng bố mẹ tôi; hoặc ch��ng nó chẳng bao giờ hỏi ý kiến bố me;ï cũng như ông bạn này than phiền ông kia lẩm cẩm suốt ngày kể thành tích xa xưa của mình. Nói chung là “Tại sao lại khó hòa hợp với người già”? Tại sao nhiều cụ trở thành khó tính thế?

             Một số không nhỏ  người già nghĩ là họ bị lãng quên,  ít được giao phó trách nhiệm trong xã hội;  rằng công luận  chỉ nói tới nhiệt huyết, trẻ trung; rằng họ bị coi như  có nhiều thay đổi về tính tình, hay càu nhàu, chỉ trích, kêu ca.

             Nhận xét chung cho thấy:

            a- Nhiều cụ đã có những thói quen tích tụ qua nhiều thập niên. Người cha độc đoán sẽ tiếp tục cho mình có quyền quyết định; bà mẹ phù phiếm, ba hoa sẽ chẳng dễ gì mà trở thành nội ngoại  thu mình, ít nói. Cho nên cũng chẳng mong họ thay đổi một sớm một chiều. Mà nếu muốn thay đổi thì cũng cần thời gian để họ thích nghi. Và liệu có quá già để đổi thay không?

            b-Ða số các cụ  mong có nơi ở an toàn, nhất là nơi mà họ đã sống sau nhiều chục năm. Nếu vì chuyện an toàn, sức khỏe mà cần chỗ ở khác thì nên thảo luận với các cụ, trình bầy hơn thiệt chứ không nên sắp đặt. Không người già nào muốn cuộc đời cuối của họ mà lại bị rơi vào tình trạng  “con cháu đặt đâu, ông bà cha mẹ ngồi đó”;

            c-Thảo luận cởi mở những than phiền của người già, dù có thể làm họ buồn lòng và chẳng nên coi họ như  quá cổ hủ, cố chấp;

            d-Tỏ cho họ biết là họ vẫn còn được trân trọng, quý mến vì kinh nghiệm, về sự khôn ngoan của họ bằng cách mời góp ý vào việc này việc kia;

            e-Hãy đặt mình vào vị trí của người già, để hiểu họ, giúp họ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu trong thời gian còn lại. Ðây là việc làm khó khăn, nhưng nên nghĩ rằng, một ngày nào đó ta cũng sẽ trở thành người già.  

 

            Người già trong xã hội Mỹ được chính quyền cung ứng các phúc lợi y tế xã hội khá hoàn hảo  nên người cao tuổi Việt Nam tỵ nạn ta cũng được hưởng lây. Nhưng có quyền lợi thì cũng có bổn phận. Bổn phận đóng thuế, bầu cử, ứng cử, tham gia các sinh hoạt cộng đồng, quốc gia.

            Một nữ chuyên viên về an sinh xã hội đã lược kể các quyền lợi, bổn phận này và cũng trình bầy những “khúc mắc” trong việc hưởng tiền già, chương trình Medicare, Medicaid. Một vấn đề thực tế được nêu ra là chuyện khi bố mẹ lãnh tiền già mà sống với các con  hoặc bạn bè thì  có nên đóng góp chi phí ăn ở không. Câu trả lời là “nên” và như vậy mình vẫn lãnh được tất cả tiền trợ cấp. Nếu không chia sẻ thì chỉ còn được lãnh 2/3 số tiền già vì chính quyền cho rằng mình đã được bạn bè, con cái nuôi dưỡng.

            Nhiều cụ cũng không tin tưởng ở ngân hàng, cất dấu tiền mặt dưới gối hoặc gầm giường nên đã xẩy ra trường hợp cướp bóc hoặc để lâu quên chỗ.

            Các cụ nên yêu cầu cơ quan an sinh xã hội gửi thẳng check của mình về một trương mục để tránh thất lạc cũng như ký thác tiền mặt ở ngân hàng.

            Quý cụ cũng cần lưu ý rằng, khi rời khỏi nước Mỹ quá 30 ngày thì thẻ Medicaid và tiền già bị ảnh hưởng.

            Hàng năm thẻ khám bệnh  cũng thay đổi về phần được miễn phí  nên các cụ cần theo dõi những thay đổi này. Chẳng hạn chích ngừa Cúm là miễn phí cho người có Medicare; được trợ giúp khoảng 600 mỹ kim tiền thuốc nếu có thẻ Medicare với phần A hoặc B, sau khi ghi danh với một công ty được chính phủ công nhận….

 

            Cuộc góp ý về tương quan giữa đội vợ chồng  “đầu bạc răng long” được diễn ra rất hào hứng với nhiều ý kiến vui vui. Làm sao các cụ sống với nhau bốn, năm chục năm mà vẫn còn “tương kính như tân”; tuổi già bệnh hoạn giúp đỡ lẫn nhau cách nào; chia xẻ công việc cho nhau ra sao cũng như  cảm thông, nhường nhịn cái khó tính của nhau…

            Cụ Túc đã có 58 năm “đầu  gối tay ấp” với vợ hiền thì “ đôi khi bà nhà tôi rất khó tính  với tôi, bắt bẻ tôi đủ điều. Nhưng nhiều lúc  lại cũng chiều chuộng tôi”. Cụ bà nguýt ông “Ôi dào, ông thì lười như  là gì ấy. Việc lớn nhỏ nào cũng đến tay tôi. Nhưng được cái là ổng rất thương yêu tôi”. Hai cụ đều  nói “chúng tôi không rời nhau được, chúng tôi sẽ sánh vai đi đến  tận cùng cuộc đời”. cũng như “tôi làm sao sống nổi nếu không có ổng…”

            Cụ bà Anh phân bua là lão ông ít lâu nay trở nên  hay gắt gỏng vì những lý do không đáng,  nhưng khi gặp bạn bè thì ông ấy tươi vui như tết. Cụ cũng buồn là ông già vẫn sống theo lối xưa, không chịu tiếp tay với cụ  làm một vài công việc trong nhà. Khi ông còn đi làm, bà hầu như quán xuyến mọi việc, theo truyền thống người đàn bà Việt Nam, chịu đựng và hy sinh. Bây giờ, nhiều thì giờ rảnh rỗi, nhưng phong lưu quen thói, ông  chỉ thích giao du với bạn bè.  May mắn là các con biết chuyện nên  họp nhau góp ý, hòa giải và đề nghị hai cụ khi có chuyện gì bực bội vơí nhau thì mạnh dạn nói thẳng cho nhau để có sự thông cảm.

            Lão bà Khanh thì “Ối dào, tôi nhịn ông ấy như nhịn cơm sống. Vậy mà ông ấy cũng vẫn chứng nào tật nấy”!

            Một  vị nói là  hai cụ đã áp dụng câu cách ngôn Pháp  “Chồng tốt biết giả điếc; vợ tốt biết giả mù”. Ý nói là bà nói nhiều ông giả điếc không nghe mà ông lại lăng nhăng rượu chè thì bà coi như chẳng thấy gì. Cho êm cửa êm nhà.

            Việc làm sao để mà “tương kính như tân”,  thì một lão ông gợi ý là “lâu lâu  chúng tôi cùng nhau ngồi coi lại những tấm hình chụp đám cưới khi xưa, nhắc lại cho nhau nghe một vài kỷ niệm đẹp đã qua để  sống lại cái cảm tình như tân  của thuở ban đầu”.

            Nói về sự chăm sóc cho nhau, một vị cho biết ngoài tác dụng tình cảm, sự quan tâm săn sóc còn  mang đến một số ích lợi  như làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, kích thích sức sống người cao tuổi . Cụ khác có vẻ đọc nhiều cho hay sự trìu mến thương yêu còn khiến não bộ tiết ra vài kích thích tố tạo cho ta một cảm giác yêu đời, sinh động và làm  tăng tuổi thọ.

            Một bạn trẻ góp ý là ngay trong những cuộc hôn nhân toàn hảo nhất, lâu dài nhất, rất hiếm có sự hợp ý về mọi vấn đề. Với hôn nhân, sẽ liên tục có những thương lượng để đi đến thoả thuận, nhân nhượng, hoà giải để có an vui, cũng như cùng chia sẻ những sự thực để có thông cảm. Ðôi khi cần có khoảng thời gian ngắn xa cách nhau để nhớ nhau.

            Về đối xử với con cái  thì cụ Vân nghĩ rằng rằng  con cái chúng đã có gia đình, địa vị thì mình mừng rồi, chẳng nên xía vào đời sống của chúng.

            Trường hợp gia đình cụ Tâm lại khác.

            Hai cụ năm nay cũng gần bẩy chục tuổi, được một  trai hai gái, và ba cháu nội ngoại. Các con đã trưởng thành, có công ăn việc làm tốt. Hai cụ đã hy sinh rất nhiều trong công việc học hành cũng như dựng vợ gả chồng cho các con. Bây giờ, tuy chúng đã lớn, bố mẹ vẫn để ý  giúp đỡ, nhắc nhở các việc cần làm. Các cụ vẫn nghĩ là dầu sao chúng vẫn là con mình, còn thiếu kinh nghiệm trường đời, nên còn cần đến bố mẹ. Hai cụ cho việc chăm sóc này là tự nhiên, cũng như trước đây các cụ đã được bố mẹ chăm sóc, gây dựng cho mình.

            Cụ ông thì nhắc nhở con phải mua bảo hiểm xe hai chiều cũng như nhớ ngày xin gia hạn bằng lái xe.Thấy con trai hơi mập, cụ nhắc phải ăn kiêng khem, tập thể thao. Khi con về thăm quê hương là hai cụ viết ra cả một danh sách dài mấy trang giấy: phải mang quần áo gì, quà cáp cho ai, đừng quên  thuốc ngừa tiêu chẩy, cảm cúm, tên họ bà con, gặp bác này nói gì, cô kia hỏi thăm ra sao…

            Con gái mang cháu về thăm bố mẹ, thì cụ bà chỉ cho con từ cách thay tã tới cho cháu bú…Bà lên thăm cháu thì lau chùi tủ lạnh, sắp lại thực phẩm ở nhà kho, đôi khi còn tự động thay đổi giường chiếu trong phòng ngủ của  cháu. Cứ làm như nhà mình, chẳng để ý  gì đến ý kiến của con gái và rể…Mấy người con thì rất cảm ơn bố mẹ, nhưng không được vui lắm. Họ cho là bố mẹ vẫn coi họ còn con nít, cần nhiều lời khuyên dậy, hướng dẫn, đôi khi quá  xen lấn vào đời tư của họ.

            Về câu chuyện ông  bà với các cháu nội ngoại thì liệu ta có nên can thiệp vào việc giáo dục các cháu cũng như vai trò của ông bà trong thời buổi này ra sao.

            Nhớ lại thuở xa xưa, khi còn sống ở quê hương, thì  ông bà là người quyết định mọi việc trong gia đình.  Vì ông bà là chủ ruộng vườn, kiểm soát tài sản, lại nhiều kinh nghiệm trường đời nên con cháu đều phụ thuộc vào ông bà.

            Do nhu cầu nhân lực cũng như truyền thống gia đình, con cháu nhiều thế hệ sống chung với nhau. Tam, tứ đại đồng đường lại còn được tiếng thơm như nhà đó có phúc. Ngay cả việc dựng vợ, gả chồng cho con cái đều do ông bà sắp xếp, sao cho môn đăng hộ đối, không nghịch với lễ giáo, gia phong của dòng họ.

            Giờ đây, thì mọi sự đều thay đổi, theo nhịp tiến hóa chung của nhân loại, chứ chẳng riêng gì người mình. Có người đã chép miệng, nói:  con cái đặt đâu, bố mẹ ngồi đó,  góp ý  cũng không được chứ nói chi đến ngăn cản, cấm đoán. Tín ngưỡng, chủng tộc đều bị coi nhẹ như không.

            Theo thống kê, có tới 70% dân bản xứ hiện giờ lập gia đình với người khác quốc tịch. Bảo thủ như người Nhật ở đây cũng gần 65% lập gia đình với ngoại nhân; người Do thái, Hồi giáo, cũng lấy người không cùng tôn giáo.Thành ra chỉ trừ khi mình hoang tưởng chứ việc đòi hỏi có cháu cùng dòng giống là chuyện khó khăn. Nhất là khi ta đang sống trong môi trường văn hóa  dị biệt. Vả lại, cũng nên nghĩ rằng hạnh phúc của chúng là quan trọng hơn cả. Còn mọi việc nhờ ở số trời.

             Do nhu cầu kinh tế cũng như kết qủa của đòi hỏi nam nữ bình quyền, ngày nay 64% người mẹ vừa đi làm vừa nuôi con. Họ lại còn làm việc nhà nhiều hơn người chồng. Thì giờ dành cho con cũng ít đi. Nếu cách đây ba chục năm, cha mẹ dành 6 giờ một ngày cho con cái thì ngày nay chỉ còn một nửa. Chính ở khoảng trống này mà  ông, bà đóng một vai trò hữu ích.

Nhưng trưóc hết, nên giữ vài nguyên tắc: không can thiệp vào việc nuôi cháu của các con, dành sự độc lập, quyết định cho các con. Mình đã có thời kỳ tự lựa chọn, thì bây giờ  nên để chúng cũng có cái quyền đó.  Ông bà có thể phụ thêm vào việc săn sóc, dạy dỗ cháu, theo chiều hướng của cha mẹ chúng; nhắc nhở cho các cháu truyền thống văn hóa dân tộc mình. Khi các cháu không ngoan thì cũng không la mắng chúng quá, kẻo chúng không “chơi” với mình, mà lựa lời nói cho cha mẹ chúng hay.

            Nói đến cộng đồng xã hội, một nhà giáo từ thời Cựu Hoàng Bảo Ðại nhắc lại bài học Luân Lý Giáo Khoa Thư mà các cụ học cách đây trên nửa thế kỷ.  Ðó là bài “ Bổn phận đối với Xã hội”:..

            “Trong thiên hạ, không thấy người ta ở lẻ loi mộ tmình bao giờ. Người ta nếu cô độc thì khốn khổ trăm đường. Sức đâu mà chống lại với thú dữ, công đâu mà trồng được thóc gạo để ăn, may được quần áo để mặc, dựng được nhà cửa để ở và làm được cacq thứ đồ dùng khác nữa. Vả lại tính người ta là phải ở quần tụ với nhau, để lúc vui lúc buồn có thể giãi bầy cái tình riêng của mình với kẻ nọ người kia. Vì những lẽ ấy cho nên người ta cần phải có xã hội thì mới được yên ổn, sung sướng và mới có thể tiến hóa lên được”

            Thành ra việc người cao tuổi tham gia vào các công việc chung của cộng đồng địa phương là điều cần thiết, phải làm, tùy theo khả năng. Vì như nhà hùng biện La Mã  Ciceron đã nói: “ Tuổi già chỉ được trọng nể khi nó tự chiến đấu, duy trì cái quyền hạn của nó, tránh lệ thuộc và khẳng định vị trí vĩnh cửu của nó trong xã hội.

            Về tôn giáo với tuổi già, các cụ thảo luận về việc có nên dựa vào niềm tin tôn giáo để soi sáng cuộc sống cuối đời không; xin kể kinh nghiệm riêng về ảnh hưởng của niềm tin và thực hành tín ngưỡng đối với hạnh phúc vợ chồng già và có nên ép buộc  ( vợ chồng, con cái) theo một tôn giáo nào không? Ðây là đề tài khá hấp dẫn và các cụ ai cũng đồng ý là thực hành tín ngưỡng sẽ làm cuộc đời về già được bình an hơn vì  có nơi mương tựa, an ủi tinh thần.

            Một vị nêu ra kết quả các nghiên cứu của Jeffrey S. Levin và Harold Y. Vanderpool cho thấy có những ảnh hưởng tốt của niềm tin tôn giáo và tham gia lễ lạc đối với nhiều bệnh tật như bệnh tim, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, ung thư..và tình trạng sức khỏe tổng quát.

            Nghiên cứu của các tác giả D.A. Mathews, D.B. Larson và C.P. Barry cho hay yếu tố tinh thần và tôn giáo làm tăng sự lành mạnh của tâm hồn và thể chất ; và ít tham gia nghi thức tôn giáo có thể coi như là rủi ro đưa tới bệnh họan, tử vong.

           

            Chương trình được chấm dứt bằng bữa cơm với nhiều món ăn quê hương do các bà mẹ Việt Nam nấu nướng.

            Rồi mọi người nhẹ nhàng hoan hỷ ra về, hẹn gặp nhau trong chương trình Kính Lão Ðắc Thọ sắp tới, vào dịp tân Xuân.

Kết luận.

            Khi được một ký giả hỏi  “Thưa Thủ Tướng: nhiều người đàn ông sống với bà vợ đến lúc xế chiều thì tỏ ra không vui và mặc dù không nói ra,  đều muốn có vợ khác. Vây ý kiến của thủ tướng ra sao”?

            Cố Thủ Tướng Churchill trả lời: “Tôi thì lại nghĩ khác. Nếu phải làm lại cuộc đời thì tôi sẽ cưới bà vợ hiện tại của tôi”.

            Ðó cũng là quan niệm của cụ Nguyễn Gia Thiều chúng ta:

            “Có âm dương, có vợ chồng;

            Dẫu từ thiên địa, cũng vòng phu thê”

            Hôn nhân vợ chồng thuở ban đầu  khắng khít là do yêu nhau.  Ðó là TÌNH, tình yêu trai gái.

            Rồi với thời gian, hóa chất đam mê ban đầu cũng lợt phai dần. Từ đây,  gắn bó tình già sẽ từ sự hiểu nhau, sự chia sẻ vui buồn, phụ thuộc lẫn nhau, thích nghi, trọn vẹn cho nhau. Mức độ thỏa  mãn trong hôn nhân ở giai đoạn này được nhìn qua phẩm chất của đời sống hai người: hạnh phúc bên nhau, cố kết với nhau, biểu lộ thương yêu, giảm thiểu  phiền não.  Hai người có thể yêu nhau trở lại khi cùng nhìn về một hướng, sắp xếp cho tương lai cũng như tận hưởng hiện tại, giải quyết trở ngại, khó khăn. Bây giờ đối với nhau cần có NGHĨA., nghĩa phu thê.

            Ðể được sống trong cảnh “Ðôi  chồng vợ ra vào khắng khít, mắm muối mà vui”,  như  cụ Vương Hồng Sển đã viết.

Bác sĩ Nguyễn Ý-ÐỨC.

Texas 15-10-2004

Comments are closed