Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

“Man Best Friend” với y khoa học

Trong những năm vừa qua, “Man Best Friend” là mấy cô chú Khuyển (dog) đã được nhiều nghiên cứu  khám phá ra một số khả năng hữu ích trong lãnh vực y khoa học.

  Ngày 15 tháng 3, 2011 vừa qua, nghiên cứu gia Mathew Reeves, Đại Học Tiểu Bang Michigan, cho hay dường như có một mối liên kết giữa sở hữu chủ và đi bộ đều đặn cùng bạn khuyển sẽ tăng hứng thú thực hiện sinh hoạt thể chất tới 34%. Ông cũng cho hay, khoảng 2/3 quý vị nuôi Chó thường dẫn “bạn ta” đi bộ; “bạn ta” còn trẻ đi bộ với chủ nhiều hơn là khuyển lão và khuyển ăn nhiều, nặng cân đi bộ lâu hơn là khuyển mảnh mai nhẹ ký. Ông đề nghị giới chức y tế công cộng hãy cổ võ dân chúng nuôi Chó  và cùng Chó đi bộ để vận động nhiều hơn. Kết quả nghiên cứu được phổ biến trong tạp chí  Journal of Physical Activity and Health.

  Thiết nghĩ đây cũng là ý kiến hay để mỗi chúng ta có động lực đều đặn thực hiện 3 giờ vận động mỗi tuần lễ, theo như hướng dẫn của cơ quan Y Tế Hoa Kỳ. Nhưng nếu bạn đồng hành 4 chân lại hay oẳng oẳng sủa hão, hoặc hung hăng ngoạm cẳng người khác thì cũng bất tiện và mất hứng thú.

Các nghiên cứu

  Cũng liên quan tới Man Best Friend thì vào đầu tháng 2 năm 2011, bác sĩ Hidero Sonoda và đồng nghiệp tại Bệnh viện Đại Học Nha Khoa Fukuoka bên Nhật  cho hay là họ đã làm một thử nghiệm, dùng Chó để khám phá ung thư ruột già-trực tràng.

  Theo ông, nhiều nghiên cứu đã xác định rằng một vài loại ung thư có tiết ra một mùi vị đặc biệt và hóa chất đặc biệt của ung thư lưu hành trong cơ thể người bệnh.

  Áp dụng dữ kiện này, ông đã huấn luyện loại Chó thân thiện thông minh labrador để hít ngửi hơi thở và phân lỏng của 300 thiện nguyện viên, trong số này có 48 người đã được xác định bị ung thư ruột già-trực tràng, số người còn lại hoặc ung thư đã được chữa lành hoặc có người đã bị bướu thịt polyp. Kết quả là Chó có thể khám phá ung thư qua hơi thở của người bệnh với tỷ lệ 95% và hửi phân với mức độ chính xác là 98%, so với kết quả nội soi.

  Tháng 2 năm 2011, trong tạp san European Urology, Jean-Nicolas Cornu có công bố kết quả nghiên cứu tìm ung thư bàng quang bằng cách nhờ Chó hửi nước tiểu bệnh nhân. Theo ông, nước tiểu các bệnh nhân này có một hóa chất hữu cơ bay hơi rất đặc biệt mà ông nghĩ rằng Khuyển có thể phân biệt.

  Thực ra, khả năng đánh hơi tìm bệnh của Chó đã được nói tới từ thập niên 1980.

  Trong một lá thư gửi cho tạp san y học uy tín Lancet, các bác sĩ Hywel Williams và Andrew Pembroke, khoa Da Liễu tại King’s College Hospital, London đã nêu ra trường hợp một phụ nữ tìm ra ung thư da nhờ khứu giác của con chó nuôi trong nhà. Bà ta thấy con chó cứ liên tục rúc vào một vết lạ bất thường ở ống chân để ngửi. Sinh nghi, bà bèn đi bác sĩ khám và sau xét nghiệm, bác sĩ xác định bà bị ung thư da. Mấy năm sau, bác sĩ Williams và bác sĩ John Church ở Oxford, Anh quốc, lại báo cáo trường hợp Chó khám phá ung thư da ở một người đàn ông 66 tuổi. 

 Khi đọc được các báo cáo này, bác sĩ chuyên về ung thư da Armand Cognetta ở Tallahassee, Florida, bèn hợp tác cùng với một nhà chuyên môn nuôi chó để nghiên cứu thêm. Họ huấn luyện một Khuyển có tên là George để ngửi một số ung thư da melanoma và thấy rằng mức độ chính xác khám phá ra ung thư của George là 96% và bạn ta cũng phân biệt được melanoma với vết thương thường ở trên da.

  Trước đó, vào đầu năm 2006, Michael McCulloch, California, và Tadeusz Jezierski, Ba Lan, đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu coi xem Chó có thể tìm ra ung thư bằng cách cho chúng ngửi hơi thở bệnh nhân ung thư. Họ huấn luyện 5 con Chó nuôi ở nhà trong vòng 3 tuần lễ rồi cho ngửi hơi thở của 55 bệnh nhân ung thư phổi và 55 người bị ung thư vú. Kết quả cho hay mức độ chính xác và nhậy cảm mà mấy chú Khuyển này khám phá ra 2 bệnh ung thư này là từ 88%-97%. Chúng còn có thể tìm ra bệnh ở giai đoạn rất sớm.

Tại Thụy Điển,  bác sĩ György Horvath MD, University Hospital in Göteborg cho hay, ung thư noãn sào có một mùi vị khác hẳn mùi của ung thư cổ tử cung hoặc niêm mạc dạ con. Cùng với mấy nhà chuyên môn nuôi Chó, ông đã thử nghiệm cho Chó ngửi mùi của ung thư này và kết luận rằng Chó có thể phân biệt các loại ung thư noãn sào kể cả thời kỳ khác nhau của ung thư. Kết quả nghiên cứu được phổ biến trên tạp chí Integrative Cancer Therapies tháng 6 năm 2008.           

Tập san European Urology tháng 2 năm 2011 có đăng kết quả nghiên cứu của bác sĩ Jean-Nicolas Cornu, bệnh viện Tenon ở Paris, về huấn luyện Chó để tìm ung thư nhiếp tuyến. Đây là loại ung thư khá phổ biến ở nam giới tuổi cao. Cho tới nay, có 2 xét nghiệm để chẩn đoán ung thư này. Đó là thử máu đo PSA và sinh thiết biopsy.

  Theo bác sĩ chuyên khoa Tiết Niệu, Anthony Y Smith, Đại Học New Mexico, xét nghiệm PSA khá tốt để chẩn đoán nhiều ca ung thư nhưng cũng có nhiều dương tính giả (false positive). Theo ông, những ai có PSA cao mà kiểm chứng thêm với sinh thiết thì chỉ 1/3 được xác định bị ung thư. Ngoài ra, nhiều người mới chớm bị ung thư đã được điều trị một cách không cần thiết, vì các phương pháp xét nghiệm hiện có không phân biệt được ung thư ác tính nguy hiểm tới sinh mệnh với ung thư phát triển chậm.

  Bác sĩ Cornu lấy nước tiểu của 66 bệnh nhân có PSA cao hoặc phì đại nhiếp tuyến. Trong số bệnh nhân này, 33 người đã đựoc biopsy xác định ung thư còn 33 người kia biopsy âm tính. Khuyển shepherd được huấn luyện trong 2 năm rồi bắt đầu đánh hơi tìm bệnh bằng cách lần lượt dùng mũi ngửi một dãy hộp đựng nước tiểu bày ra trước mặt. Chó đã vẫy đuôi gật gù phán ung thư ở 30/33 bệnh nhân với tỷ lệ chính xác là 91%.

  Trước các kết quả nghiên cứu sơ khởi kể trên, nhiều nhà chuyên môn có phản ứng khác nhau.

  Giám Đốc Pine Street Foundation tại California  Nicholas Broffman xác định là các tế bào ung thư tiết ra vài chất phế thải chuyển hóa như alkanes và benzene mà tế bào bình thường không có. Tổ chức này hiện nay đang thực hiện nhiều nghiên cứu để tìm ung thư qua hơi thở người bệnh.

  Nữ bác sĩ Carolyn Willis, chuyên khoa Da Liễu tin rằng một số bệnh tiết ra mùi đặc biệt. Bà nhắc lại là cách đây nhiều thế kỷ, Hippocrates cũng đã diễn tả mùi trái cây ở bệnh nhân tiểu đường. Bệnh nhân gan cũng  phát ra mùi mốc meo.

  Bác sĩ giải phẫu John Church, người đã dành nhiều thập niên để nghiên cứu Chó khám phá ung thư thì hăng say hơn với ý kiến là chúng ta chỉ mới bắt đầu khai thác sức mạnh về bộ phận mũi của Chó. Ông nghĩ rằng một ngày nào đó ta có thể dễ dàng sớm tìm ra các bệnh ung thư vì chúng ta đang sở hữu một tài sản lớn, một khí cụ kỳ diệu.

  Bác sĩ Ted Gansler, Hội Ung Thư Hoa Kỳ thì dè dặt hơn khi góp ý là dù nếu Chó có làm việc đúng đắn trong các nghiên cứu, nhưng chưa chắc bệnh nhân đã sẵn sàng nhận hóa trị căn cứ vào xác định của Chó mà sẽ đi làm sinh thiết cho chắc ăn. Ông cũng nói thêm, ý tưởng dùng Chó để khám phá ung thư không phải là hành động điên rồ, mà rất đáng tin cậy về phương diện sinh học. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu khác nữa và xác định sự hữu hiệu của phương pháp.

Khứu giác của Chó

  Nhắc lại là khứu giác của Chó nhậy cảm hơn ở người tới 1,000 lần vì chúng có tới 220 triệu thụ thể (receptor) ngửi, trong khi con người chỉ có 5 triệu đơn vị.

  Mũi Chó chiếm phần lớn diện tích của mặt và phần óc chịu trách nhiệm về ngửi của chúng lớn hơn phần tương xứng của người tới 40 lần. Các đường dây thần kinh chạy từ mũi lên óc của Chó cũng nhiều hơn ở người.

  Theo nhà nghiên cứu McCulloch, não bộ và mũi của Chó là dụng cụ khám phá mùi vị hữu hiệu nhất hiện nay trên trái đất. Tiến Sĩ Larry Meyers, Đại Học Thú Y Auburn, có nhận xét là khứu giác của Chó nhạy cảm tinh vi đến mức là chúng có thể phân biệt một hóa chất đơn hoặc một tổng hợp nhiều hóa chất.

  Do sự thính mũi, Chó đã được huấn luyện để hít ngửi tìm tử thi trong thiên tai bão lụt, tìm chất nổ, bạch phiến tại phi hải cảng, bảo đảm an ninh biên giới hoặc truy tìm địch thủ chiến tranh.  Nhiều tác giả còn cho hay, Chó cũng giúp báo động cơn kinh phong, đường huyết cao thấp, giúp người khuyết thị đi lại, đóng mở cửa, lấy đồ vật dụng, làm bạn, khiến cho nhiều người không cảm thấy cô đơn, đôi khi mang tới cho con người cả tình cảm thân thương cần thiết cho đời sống.

  Kết luận

 Bác sĩ J.Leonard Lichtenfield, Hội Ung Thư Hoa Kỳ nhận xét là việc tìm ung thư qua hơi thở không đến nỗi “cường điệu”, không tưởng. Đã có nhiều nghiên cứu cố gắng tìm ra những chất đạm báo động ung thư lưu hành trong máu.

  Theo các nhà nghiên cứu, đây là khám phá hữu ích để từ đó chế tạo ra một Mũi Điện Tử electronic nose  có thể sớm tìm ra  ung thư qua hít ngửi hơi thở hoặc phẩn người bệnh. Vì rất tốn kém và cần thời gian lâu để huấn luyện chó làm công việc hít ngửi chẩn đoán bệnh này. Và chắc là cũng chưa có nhiều người đặt tin tưởng vào khả năng chẩn đoán bệnh của Man Best Friend.

  Hy vọng ngày đó không quá xa.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com

http://www.youtube.com/user/Drnguyenyduc/video

Comments are closed