Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Công dụng trị bệnh của đậu trong y học cổ truyền

Công dụng trị bệnh của đậu trong y học cổ truyền

Hỏi

Chúng tôi được biết, dân chúng mình có nhiều bài thuốc trị bệnh với các loại đậu. Xin bác sĩ cho biết rõ thêm về ý kiến này.Thúy Loan

Trả lời

Đúng như bà nói, ngoài giá trị dinh dưỡng, một số đậu còn được y học dân gian dùng làm thuốc trị bệnh. Đó là:

a-Đậu ván trắng: còn gọi là bạch biển.

 Ðậu ván có vị ngọt, tình hơi ôn, tác dụng vào kinh tỳ và vị. Trong y học cổ truyền, đậu ván khô được dùng để chữa cảm sốt mùa hè, nôn mửa, tiêu chẩy, tỳ vị suy nhược, chán ăn, rối loạn tiêu hóa; làm thuốc giải nhiệt, co giật khi nóng sốt cao; giúp tóc lâu bạc.

b- Đậu Xanh.

Vỏ đậu xanh không độc, vị ngọt, tính nhiệt có tác dụng giải nhiệt, làm mắt không mờ. Hạt đậu xanh cũng có tác dụng giải nhiệt, giải độc tính của thuốc và kim loại, nấm, tiêu trừ phù thũng, chữa sỏi đường tiết niệu, phòng và chữa cháy nắng.

c- Đậu Đen.

Đậu này thường dùng để nấu xôi, nấu chè ăn rất ngon. Ngoài ra, đậu cũng bổ thận, lợi tiểu, nước tiểu trong hơn và nhiều hơn. Sách Tuệ Tĩnh Nam Dược có ghi đậu đen dùng để chữa đau bụng giữ dội; trúng gió chân tay tê cứng, chóng mặt, sây sẩm khi sinh đẻ; chữa mắt mờ ra gió dễ chẩy nước mắt; chữa dị ứng, lở ghẻ, hen suyễn khi đổi thời tiết.

d- Đậu phọng.

Đậu phọng có giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều chất béo, đạm và nhiều loại sinh tố.Ngoài việc dùng làm thực phẩm, dầu lạc còn được dùng để đốt đèn và chế thuốc.

e- Đậu nành. Đây là nguồn chất đạm rất quan trọng tại nhiều quốc gia, nhất là quốc gia đang phát triển. Trong y học, đậu nành dùng làm thức ăn cho người bị viêm khớp, người mới bình phục sau cơn bệnh nặng, đặc biệt là những người bệnh tiểu đường, huyết áp cao và có nhiều mỡ trong máu.

g-Ðậu Ðỏ.

Ðậu này có vị ngọt nhạt hơi chua, tính bình. tác dụng vào kinh tâm và tiểu trường. Y học dân gian dùng đậu đỏ để trị thủy thũng, sưng phù chân, bụng trướng, đau dạ dầy, tả lị, trĩ đại tiện ra máu, bệnh thiếu vitamin B1, vàng da, lở loét. Còn một cách chữa bệnh “thần kỳ” nữa là trẻ con chậm biết nói thì các cụ lấy đậu tán nhỏ hòa với rượu bôi dưới lưỡi hàng ngày để các cháu mau biết nói hơn…

 

Vài điều cần nhớ khi muốn rã đá thịt:               

Xin bác sĩ chỉ cho cách làm rã đá thịt cất giữ trong freezer. Quốc Việt.

Trả lời.

Cất giữ thịt trong freezer là cách giữ gìn thịt thông thường nhất và được dùng hầu như ở mọi gia đình. Tuy nhiên nếu không biết cách giữ, thịt cũng dễ bị hư. Có thể giữ ngắn hạn trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ  2 – 4 ºC  hoặc đông lạnh lâu ở nhiệt độ dưới 0 ºC.

Muốn rã đá, xin theo phương thức sau đây:

-Không để thịt rã đá khơi khơi ngoài không khí vì vi khuẩn sẽ xâm nhập thịt.

-Có thể ngâm thịt gói kín vào nước lạnh khoảng 30 phút rồi thay nước khác nhiều lần để rã đá.

-Cách an toàn hơn là rã đá trong tủ lạnh, nhưng nhớ để vào một cái khay hoặc gói kín để nước thịt khỏi chẩy vào món ăn khác. Lợi điểm là tránh vi khuẩn xâm nhập đồng thời nếu chưa nấu ngay, có thể giữ đựoc vài ba ngày. Nếu thay đổi ý kiến, chưa muốn nấu thì có thể để nguyên gói trở lại freezer.

-Rã đá bằng microwave cũng tiện và nhanh, nhưng nên để một thời gian rồi coi lại tình trạng vì nhiều khi để quá lâu, thịt trở thành chin tái, món ăn nấu nướng dai, mất ngon.

Một điều khá quan trọng mà ít người để ý là tránh làm rã đá rồi lại cất vào tủ đá, vì thịt sẽ mất chất nước ngọt khi làm rã đá trở lại.

 

 

 

Cấy tóc

 

Chúng tôi muốn biết về việc cấy tóc: thực hiện như thế nào, có tốn kém lắm không và có biến chứng gì không. Tôi bị rụng tóc từ mấy năm nay, sau khi dùng loại thuốc nhuộm tóc mầu vàng bắt chước bạn bè và bây giờ tôi rất buồn  và xấu hổ, ngại ngùng khi đi học. Xin cảm ơn bác sĩ. Ngọc Minh.

 

Trả lời

Chúng tôi có hỏi ý kiến về việc cấy tóc, thì một bác sĩ thẩm mỹ cho hay:

Đây là một phương pháp rất hữu hiệu và đã được áp dụng từ năm 1930 ở bên Nhật. Bác sĩ chuyên khoa sẽ lấy từ vài sợi tóc dến vài chục sợi tóc trên đầu nơi có nhiều tóc mọc, của nười bệnh rồi cấy vào nơi tóc rụng nhiều. Mỗi lần cấy cách nhau vài tuần. Tùy theo cấy tóc nhiều hay ít, việc cấy có thể hoàn tất trong vòng nửa năm tới vài năm. Tổn phí thay đổi từ dăm ngàn mỹ kim tới vài chục ngàn mỹ kim. Biến chứng chính của cấy tóc là nếu không giữ gìn sạch sẽ, có thể bị nhiễm độc da đầu. Ngoài ra, ta có thể dùng tóc giả, tóc thật với nhiều kiểu khác nhau.

Riêng trường hợp của em Minh, thì tôi xin có vài lời tâm sự, với tư cách một người thầy thuốc và một người đã hoàn tất việc gây dựng tương lai cho năm người con. Tôi thông cảm việc em bị rụng tóc nhiều sau khi nhuộm tóc bằng một hóa chất quá mạnh. Việc rụng tóc này trầm trọng đến nỗi đã khiến em trở nên rất buồn phiền, xấu hổ, không dám gặp bạn bè, chểnh mảng cả việc học hành . Tôi đồng ý với em là cái răng cái tóc là góc con người, như dân gian ta thường nói. Nhưng việc rụng tóc là chuyện thường xẩy ra ở cõi đời này. Em đã biết nguyên nhân và em đã ngưng dùng hóa chất đó. Bây giờ em chỉ còn tìm phương tiện để chữa, thay thế phần tóc đã mất đi. Em có thể dùng các thuốc thoa da đầu như Minoxidil (Rogaine) 2% và 5%. Nữ giới dùng loại 2%. Thoa da đầu ngày 2 lần. Thường thì phải dùng 12 tuần lễ mới thấy công hiệu. Tóc mọc ra thưa và ngắn hơn tóc thường, nhưng tạm đủ để che chỗ không có tóc. Sau 6 tháng mà tóc không mọc ra thì ngưng. Tác dụng phụ gồm ngứa da đầu. Thuốc này cần được dùng trong thời gian khá lâu (từ 3 tới 6 tháng) mới thấy kết quả, đồng thời thuốc cũng khá mắc và phải có toa của bác sĩ. Thêm vào đó là dinh dưỡng đầy đủ để nuôi tóc.

Cho nên, việc gì mà em phải thất vọng đến nỗi quá tuyệt vọng, thay đỏi nếp sống bình thường, bỏ bê cả việc xây dựng tương lai. Xin em hãy nhìn chung quanh em: thiếu gì người hói tóc đến chọc cả dầu, thiếu gì người cạo troc đầu, như các vị tu hành, mà họ đâu có đến nỗi bi quan, tuyệt vọng như em. Tôi chỉ mong em suy nghĩ lại: Tóc cũng chỉ là một bộ phận của con người, không có tóc không phải là một cái tội, một cái gì đáng xấu hổ, để mà phải vùi dập, băng hoại đời mình.

Chúc em lấy lại can đảm, nhìn đời với nhãn quan mầu hồng hơn, trở lại vói sinh hoạt thường lệ, sửa soạn cho tương lai.

                                   

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Comments are closed