Cataract
Thưa Bác Sĩ! Tôi đã mổ cataract 2 mắt được 5 tháng
rồi, mà tôi nhỏ nước mắt giả vào thì nước mắt chảy ra dàn dụa cả giờ mới ngưng
chảy. Bác sĩ mắt cho thuốc uống cũng chảy nhiều như vậy. Tôi ngưng cả 2 thứ thì
nước mắt chảy rất ít và ít phút thôi. Tôi cũng chườm mắt bằng khăn ấm 5 phút, 2
lần một ngày. Xin Bác Sĩ cho biết tại sao cứ chảy nước mắt sống nhiều như thế
và tôi phải làm gì? Tôi có đeo contact lên 30 năm trước khi mổ cườm mắt. Xin
cám ơn bác sĩ. Anna
Trả lời
Nếu là tôi thì tôi sẽ quay lại bác sĩ mới mổ mắt của
tôi, để vị này khám lại coi xem trong khi mổ có lỗi lầm nào không, vì “hai mắt
là ngọc”. Sau đây là biến chứng của giải phẫu cataract: viêm nhiễm trùng, chẩy
máu, sung mắt, bong võng mạc, mất thị lực…Tuy nhiên các biến chứng này rất ít
khi xảy ra vì kỹ thuật giải phẫu bây giờ rất tiến bộ.
Sử dụng đường.
Bác sĩ vui lòng cho biết đường được dùng như thế
nào cho hợp lý và không có hại cho sức khỏe. Lão Tò Mò
Trả lời
Đường là một gia vị rất phổ biến, giá tương đối rẻ
và được sản xuất khắp nơi từ những nguồn
thực vật như mía, củ cải. Đường
được dùng trong các bữa ăn một cách rất quen thuộc, tự nhiên, như là:
-Nấu một nồi canh tôm, một nồi phở thì các bà nội
trợ thường cho một thìa đường để làm ngọt nước.
-Pha dầu trộn
xà lách thêm một chút đường cho giấm bớt chua.
-Sau bữa ăn, một miếng bánh ngọt để tráng miệng thì
ai cũng thích.
-Trẻ con khóc nhè chỉ cần một viên kẹo là có thể
khiến chúng hết khóc và nhoẻn miệng cười.
Ngoài việc sử dụng trực tiếp, đường còn hiện diện một
cách kín đáo trong nhiều loại thực phẩm chế biến hoặc dược phẩm.
Dường như mục đích của thiên nhiên khi thêm vị ngọt
vào một số thực phẩm là để khuyến khích ta dùng thêm sinh tố, khoáng chất và chất
xơ trong thực phẩm đó. Nhưng việc con người tinh chế đường từ
một vài loại thực vật rồi sử dụng quá nhiều chẳng mang lại ích lợi gì mà
đôi khi còn gây nguy hại cho sức khỏe.
Đường có nhiều tác dụng khác nhau trong các món ăn
thức uống. Nó tạo ra một cảm giác thú vị khi dùng vừa phải và đúng chỗ, đúng
lúc. Nó cũng giúp cất giữ, dự trữ thực phẩm.
Đường được dùng hàng ngày trong việc nấu nướng và
được sử dụng thêm trong nước ngọt, cà rem, bánh kẹo và trong thức ăn mặn như thịt
nguội, súp đóng hộp, nước xốt, dưa chuột chua, mayonaise, và bánh mì ngọt.
Hai phần ba lượng
đường sản xuất trên thế giới được dùng trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là trong các loại nước ngọt.
Một phần ba được dùng trực tiếp như khi uống cà phê, nấu chè, trong bánh ngọt.
Trong thực phẩm đóng hộp, đường được ghi dưới nhiều
tên khác nhau nên khi mua, ta cần đọc kỹ nhãn hiệu.
Con người hầu như bị đường thu hút một cách mạnh mẽ.
Có lẽ vì vị ngọt hấp dẫn của nó hoặc vì cảm giác thỏa mãn, nhiều sinh lực sau
khi dùng.
Vừa đưa vào miệng, đường đã hòa tan rất nhanh trong
nước miếng và sau đó được hấp thụ ngay vào máu. Ta thấy như tỉnh người lên, có cảm giác tràn đầy sinh lực, giống như sau khi uống rượu hay hít bạch phiến vậy. Đó
là vì lượng đường trong máu tăng lên rõ rệt.
Nhưng việc sử
dụng đường, nhất là khi dùng quá nhiều, cũng dẫn đến nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Như là hư hại răng, tăng nguy cơ béo phì, đặc biệt nguy hiểm với những người
đang mắc bệnh tiểu đường hay các bệnh
tim mạch./.
Chóng mặt
Thưa Bác sĩ! Tôi năm nay 60 tuổi, tôi cũng bị chứng
chóng mặt quay cuồng, thấy trời đất đảo lộn, cộng thêm chứng nôn mửa nếu mở mắt
ra. Do đó khi bị bệnh chỉ nằm yên một chỗ và nhắm nghiền mắt lại, vì nếu cử động
hoặc mở mắt thì bị triệu chứng nói trên. Cứ cách 2 hoặc 3 năm tôi lại bị mắc bệnh
trên một lần. Lần vừa rồi sau Tết âm lịch là lần thứ 3 và là lần kéo dài dai dẳng
nhất. Hiện giờ tôi vẫn có cảm giác nặng đầu và cũng cảm thấy hơi choáng khi nằm
rồi ngồi dậy hoặc có việc phải cúi đầu xuống đất. Các bác sĩ ở Việt Nam chẩn
đoán tôi bị rối loạn tuần hoàn não. Có bác sĩ ghi “thiểu năng tuần hoàn
não” và cho thuốc chủ yếu là Piracetam, có kèm một ống Deca-Durabolin của
Hà Lan. Tôi cũng được đo điện não và kết quả là “Điện não giảm điều hòa hoạt
động. Điện thế thấp, 5Mv/mm. Chưa thấy rối loạn điện sinh lý …” Tôi có hỏi
bác sĩ điều trị có cần chụp MRI không và họ bảo chưa cần thiết. Thưa Bác sĩ với
triệu chứng bệnh của tôi như đã trình bày tôi phải điều trị thế nào để bệnh
không tái phát. Trân trọng cám ơn Bác sĩ.
Nguyên
Bá
Trả lời
Chúng tôi thấy hiện nay ông đã có bác sĩ định bệnh
rối loạn tuần hoàn não và điều trị chăm sóc ông đầy đủ rồi cho nên tôi chỉ xin
góp thêm một chút ý kiến về chóng mặt mà thôi.
Chóng mặt là một vấn đề y khoa rất phức tạp với nhiều
nguyên nhân khác nhau và khó mà điều trị dứt được. Chóng mặt, mất thăng bằng cơ
thể là chuyện thường xẩy ra cho mọi người. Ða số trường hợp đều lành tính, thoảng
qua. Nhưng cũng có khi bệnh trầm trọng và cần được các bác sĩ chuyên môn khám
nghiệm, điều trị tức thì.
Xin BS cho ý kiến và lời
khuyên về Trà Xanh.
Chúng tôi uống trà xanh của Nhật Bản cả trên 10 năm nay rồi, nhưng gần đây, có nhiều người nói trên
email là trà xanh rất độc hại nếu uống nhiều làm cho hư thận. Họ khẳng định rằng trên TV của Úc và Internet cũng đã cảnh báo
về chuyện này.
Xin BS cho biết điều đó có đúng không hay chỉ là tin vịt, vô căn cứ?
Trà xanh của Trung Quốc hẳn
nhiên là độc hại rồi, nhưng trà xanh của Nhật Bản hoặc Đại Hàn thì sao?
Nếu không dùng được trà
xanh, thì hàng ngày nên uống trà gì hoặc thức uống nào để thay thế? Những thứ
mình uống hàng ngày có cần hạn chế không, mua ở đâu và do Quốc Gia nào sản
xuất?
Thành thật cám ơn sự chỉ
dẫn và chia sẻ của Bác Sỹ.
Kính chúc BS và GD luôn
bình an để hướng dẫn về sức khỏe cho tất cả những đồng hương chúng ta.
Trân trọng,
Nguyễn Hưng
Trà là một thứ nước uống được ưa
chuộng và hầu như đã trở thành một nhu yếu phẩm mà con người phụ thuộc vào. Tuy
nhiên nói rằng uống nhiều trà có thể gây ra hư thận thì tôi chưa đọc được tài
liệu y học nào nói vậy. Cứ tự nhiên dùng nước trà để thỏa mãn một phần nhu cầu
nước của cơ thể hoặc như là một thú tiêu khiển trong lúc “trà dư tửu hậu”, thì ít phải suy nghĩ hơn là khi xem trà như
một linh dược trị bá bệnh. Vì cho tới nay, kết quả các nghiên cứu về công dụng
y học của trà cũng chưa được hoàn toàn xác định.
Ðiều đáng lưu
ý là, người dành thì giờ để thưởng thức trà có thể có đời sống lành mạnh hơn,
không hút thuốc, uống rượu, không tiếp cận với các hóa chất có hại, dinh dưỡng
cân đối nhiều thực phẩm khác nhau, vận động cơ thể đều đặn…Cho nên họ có sức
khỏe tốt. Và đó là điều mà mọi người nên áp dụng. Theo thiển ý của chúng tôi,
cứ dùng nước lã là tốt hơn cả, đỡ tốn tiền mua trà mà cũng khỏi phải lo âu.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức