Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Ráy tai-Thuốc Vờ- Hiến thân xác sau khi mãn phần

Ráy tai

Bác sĩ ơi

Tại sao trong tai ta lại có ráy. Ráy tai có công dụng gì không và có gây ra khó khăn gì cho sức khỏe. Còn nhớ khi xưa ở bên nhà, mỗi lần cắt tóc là các ông thích, đôi khi ghiền, xin chú thợ cạo lấy ráy tai. Cảm ơn bác sĩ. Long Tu.

Thưa ông Long Tu   

Ráy tai là chất thường có ở trong ống tai của cả nam lẫn nữ. Ráy có công dụng bảo vệ tai trong bằng cách ngăn không cho bụi bậm, vi sinh vật hoặc nước xâm nhập xâu vào. Bình thường, ráy tại không gây ra trở ngại gì cho sức khỏe, tuy nhiên khi khi nhiều quá thì ráy tai có thể làm tắc nghẽn tai khiến cho sự nghe giảm, ngứa trong tai, chóng mặt, nhiễm trùng tai..

Bên mình trước đây các bác thợ cạo đều lấy ráy tai, để chiều theo ý thích của khách hàng. Mà khách hàng cũng khoái việc làm này lắm, vì sau khi cắt tóc, bác ấy thò mấy dụng cụ nhỏ xíu vào tai cạo cạo ngoáy ngoáy với đồ lấy ráy tai. Khách ngồi lim rim cặp mắt, khoái chí thưởng thức.

 Bên Mỹ này, khi ráy tai quá nhiều thì người ta thường dùng một que tăm nhỏ đầu có quấn bông gòn rồi ngoáy nhẹ vào tai cho đỡ ngứa và làm tan ráy ra ngoài. Khi quá nhiều thì nên rửa lỗ tai với dung dịch nước tinh khiết, nhỏ thuốc nhỏ lỗ tai hoặc đi bác sĩ để lấy ráy tai ra, như vậy tránh việc vô tình làm thủng màng nhĩ, đưa tới điếc.

 

 

Thuốc “Vờ

 

Thưa bác sĩ,

Tôi nghe nói nhiều bác sĩ cho bệnh nhân u��ng một loại thuốc vô thưởng vô phạt khi họ luôn luôn than phiền đau bụng mà chụp hình khám bệnh không thấy có bệnh gì cả. Thuốc đó là thuốc gì vậy bác sĩ và chữa như vậy có hợp pháp không?

Lế Tấn Trạng

Thưa ông Trạng,

Trong y khoa có một loại bệnh gọi là Bệnh Tưởng (hypochondria) trong đó bệnh nhân luôn luôn có một ý kiến cố định về sức khỏe của mình, luôn luôn cho là mình đau chỗ này chỗ kia, nhưng sau khi khám bác sĩ không tìm ra bệnh gì cả. Vì bệnh nhân cứ liên tục than phiền, cho nên bác sĩ đành cho một chất nào đó không có tác dụng gì. Vậy mà đôi khi bệnh nhân lại thấy bớt đau. Đó gọi là giả dược placebo. Chẳng hạn bác sĩ cho những viên đường giống như viên thuốc bình thường không gây ra tác dụng phụ nhưng có tác dụng tâm lý, khiến bệnh nhân yên lòng, bớt đau. Theo kết quả nhiều nghiên cứu, có tới 40% bệnh nhân thỏa mãn với thuốc “Placebo” này.

Nguồn gốc La Tinh của từ ngữ “Placebo” có nghĩa là “Tôi sẽ hài lòng- I will please”. Tâm lý nhiều bệnh nhân mình đều muốn ông bà thầy chích cho một mũi thuốc mới an tâm, thoải mái. Thế là một chút sinh tố, một dung dịch nước biển mầu mè được lụi vào hông. Bệnh nhân ra về tin tưởng hân hoan. Lang y được tiếng là mát tay và thu bộn bạc.

Hiệu ứng Placebo thường được dùng trong các tình trạng rối loạn tâm thần nhẹ như lo âu căng thẳng buồn phiền hoặc nhức đầu, mất ngủ, đau nhức xương khớp. Và Placebo còn được gọi là “thuốc gây niềm tin”. Vì ở đời vẫn có nhiều người dễ tính, cả tin ở những lời “mật ngọt chết ruồi”, những tán tỉnh mời chào của mấy tay bán vịt trời giữa chợ, quảng cáo thuốc “Bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ”. Không khỏi không lấy tiền. Mà tiền thì y ta đã thu rồi và khóa kỹ ở trương mục ngân hàng, khó mà moi lại được. Nên đành tiền mất tật mang.

Ông hỏi chữa như vậy có hợp pháp không, thì xin thưa rằng trong caca1 trường hợp này pháp luật không kết tội thầy thuốc lừa bịp bệnh nhân vì bác sĩ đã cố gắng định bệnh nhưng không thấy bệnh gì. Cho nên bác sĩ đành dùng giả dược kèm theo trấn an tâm lý.

 

Hiến thân xác sau khi mãn phần

Thưa bác sĩ

Tôi có ý định hiến thân xác tôi cho y khoa học sau khi mãn phần vì nghĩ rằng sau khi chết mà thân xác mang đi chôn thì cũng hư hao trong cát bụi. Chi bằng hiến thân xác cho khoa học có khi lại có ích vì khoa học cần các bộ phận người mới chết ghép cho người bệnh khác có nhu cầu. Xin bác sĩ cho biết tôi phải làm gì để thực hiện ý định của tôi.

Cảm ơn bác sĩ.

Đỗ Dũng.

 

Thưa ông Dũng,

Trước hết xin ngưỡng mộ ý định quá đẹp của ông, khi muốn hiến thân xác cho y khoa học.

Về  thủ tục hiến xác cũng giản dị. Một tờ giấy ngỏ ý muốn hiến, ký tên bên dưới với 2 người trưởng thành làm chứng, gửi  cơ quan nghiên cứu mà mình muốn tặng. Người hiến tặng cũng phải ở tuổi thành niên hợp pháp.

Sau đây lã thư mẫu:

“Tôi ký tên dưới đây là Nguyễn Văn Trần, 72 tuổi, hiện ngụ tại số 1234 đường Marie Curie thành phố Sơn Lâm, trong tâm trạng rất tỉnh táo, sáng suốt, làm giấy này tình nguyện hiến tặng thân xác tôi, khi mãn phần, cho Bệnh viện của trường Đại học Y Khoa với mục đích góp phần vào sự tiến bộ y khoa học và giáo dục.

Tôi hiểu rằng ý nguyện của tôi cần phải được ban Giám đốc của trường cứu xét và chấp nhận. Trong trường hợp ý nguyện của tôi không được thỏa mãn, thân nhân của tôi sẽ đứng ra lo phần tang chế.

Tôi cũng đồng ý là tất cả hồ sơ y khoa của tôi được chuyển giao cho trường để hiểu rõ tường tận về tình trạng sức khỏe của tôi.

Tôi cũng ý thức rằng thời gian mà trường xử dụng thân xác tôi cho mục đích y khoa học và giáo dục có thể kéo dài cả 2, 3 năm.

Tôi yêu cầu những ai lo việc hậu sự của tôi thông báo ngay cho trường về sự mãn phần của tôi.

Ngày tháng năm tại địa phương mình đang cư ngụ 

Ký tên.    

Hai người làm chứng đồng ký.

Và nhớ cho thân nhân biết rõ ý định của mình để tránh trường hợp bất đống ý kiến sau này.

Cũng lưu ý rằng, một lúc nào đó mình không muốn hiến tặng thì chỉ cần viết một thư đổi ý gửi cho cơ quan thụ hưởng. Các cơ quan này có thể là Trường Đại Học Y Khoa, các viện nghiên cứu y khoa học. Và mỗi cơ quan cũng có một mẫu đơn riêng, tùy theo chủ trương của họ, mà ta có thể liên lạc xin, điền vào rồi gửi lại cho họ.

Ý nguyện cần được đơn vị thu nhận đồng ý tùy theo tiêu chuẩn riêng của họ và tùy theo mỗi quốc gia. Chẳng hạn có nơi từ chối nếu người hảo tâm có tiền sử bệnh truyền nhiễm như viêm gan các loại, HIV, lao, phỏng nặng, thương tích trầm trọng, chết đuối, quá mập phì, đói ăn cơ thể bắt đầu rữa hủy, đã có ý định quyên sinh…Có cơ quan chỉ nhận thân xác toàn vẹn, không hư rữa, chưa bị mổ khám nghiệm tử thi, không bị lấy đi một bộ phận để cấy ghép trị bệnh, ngoại trừ giác mạc của mắt.

Người hiến được cấp một thẻ ghi nhận hiến xác để luôn luôn mang theo mình, phòng khi cần khẩn cấp.

Tại Hoa Kỳ, thủ tục hiến bộ phận có thể thực hiện tại nơi thi bằng lái xe và sẽ đựơc ghi rõ trên bằng này.

Kính chúc ông bình an.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


Comments are closed