Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Khoại lang- Da có mụn

Khoai lang.

Bà vợ tôi rất thích ăn khoai lang vì bà ấy nói khoai này chữa được nhiều bệnh lắm và cũng có nhiều chất bổ dưỡng nữa. Bác sĩ có đồng ý không, xin cho biết. Trần Đĩnh.

Thưa ông,      

Khoai lang là món rất quen thuộc với người Việt Nam, một món ăn bình dân, rẻ tiền, rất dễ kiếm, nhưng cũng là một món ăn rất bổ dưỡng và có tác dụng trị bệnh. Khoai lang (sweet potato) còn có tên gọi khác như cam thự, hồng thự hoặc phan thự.  Sau đây là một số kiến thức về khoai lang.         

Giá trị dinh dưỡng

Khoai lang không có chất béo và cholesterol, nhưng chứa một lượng lớn beta carotene, sinh tố A và C, sinh tố B 5 hay pantothenic acid, khoáng chất kali  và chất xơ.

 Một củ khoai lang nướng có 117 calorie, 2gr chất đạm, 28 gr carbohydrat, 32 mg calci, 63 mg phospho,  0,5 mg sắt,  400 mg kali,  3 g chất xơ, 750mcg sinh tố A,  30 mg sinh tố C,  8 mg sinh tố B 1.

 Công dụng y học.

Theo một số nghiên cứu thì khoai lang có nhiều sinh tố B5 và beta-caroten, nên được coi như có nhiều tác dụng y học tốt.

Sinh tố B 5 giúp cơ thể chống mệt mỏi  vì những căng thẳng (stress ), cho nên còn được gọi là “sinh tố chống stress”  qua việc thúc đẩy các quá trình chuyển hóa carbohydrat, chất đạm và chất béo.

Vitamin này kích thích nang thượng thận, làm tăng sự biến hóa căn bản, tạo ra năng lượng từ chất béo, chất carbohydrate; làm da bớt nhăn và làm chậm sự lão hóa; làm hệ thần kinh khỏe mạnh; làm giảm độc tính của thuốc kháng sinh và tia phóng xạ; làm bớt dị ứng, nhức đầu, đau khớp xương, chống mất ngủ, hen suyễn.

Một củ khoai lang có khoảng 14 mg beta-carotene. Beta- carotene là một chất có khả năng chống ung thư nhất là ung thư phổi ngay cả ở người ghiền thuốc lá.

Khoai còn làm tăng tính miễn dịch, làm giảm nguy cơ bị cườm mắt (catarracts), làm giảm nguy cơ tai biến động mạch não, chứng kích tim, và làm giảm cholesterol trong máu.

Các cụ ta tin là khoai lang có thể chữa được bệnh phong nhức khớp xương và chứng đau bụng.

Nhiều người còn cho là khoai lang có thể làm giảm chứng ói buồn nôn ở phụ nữ có thai, làm kinh nguyệt điều hòa, lợi tiểu tiện, ngăn ngừa sẩy thai, làm giảm cơn hen suyễn…

Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, khoai lang có tác dụng nhuận tràng và trong dây khoai lang có một chất giống như Insulin, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Khoai lang có chứa oxalate nên người bị sạn thận cần giảm tiêu thụ.

Các loại khoai

Có hai loại khoai lang chính:

-Loại vỏ mầu nâu vàng, ruột mầu cam, sau khi nấu, cho nhiều vị ngọt, mềm và có nhiều nước.

-Loại có vỏ mầu hồng lợt, thịt vàng và khô, ít ngọt, ít hương vị hơn.

Lựa và cất giữ khoai

Khi mua khoai, ta nên chọn củ còn chắc nịch, cầm thấy nặng tay, vỏ trơn tru, không trầy xát; tránh mua khoai bị nứt, hà rỗ vỏ hoặc bị cắt mất đầu mất đuôi.

Mang về nhà, nên cất khoai trong bóng tối, không để trong tủ lạnh và nên dùng trong vòng hai tuần lễ để hưởng thụ được tất cả chất bổ dưỡng của khoai.

Khoai cũng được đóng hộp sau khi nấu chín với đường hoặc được phơi sấy khô.

Món ăn với khoai lang

Khoai lang thường được dùng để nấu chè, nướng hoặc luộc.

Nên rửa sạch củ khoai bằng bàn chải trước khi luộc. Giữ nguyên vỏ khi luộc để khoai khỏi đổi mầu và cũng dễ bóc hơn. Vỏ khoai có nhiều chất xơ pectin ăn được.

Khoai lang cũng được nấu với mật ong, mật mía, đường hoặc mật ngô.

Khoai chín nghiền nát được dùng làm bánh, kẹo.

Ngọn non của dây khoai lang (đọt lang) được dùng như một loại rau ăn phổ biến, còn dây khoai lang được dùng trong chăn nuôi gia súc.

Ngọn khoai lang luộc chấm mắm cáy đặc là món ăn ngon.

Cáy tương tự như cua, sống dưới nước, có nhiều ở những vùng duyên hải như Kinh Môn, Thanh Miện, Thanh Hà tỉnh Hải Dương. Tại các địa phương này đều có nghề làm mắm cáy ngon nổi tiếng.

Da có mụn

Chào bác sĩ. Cháu năm nay 22 tuổi. Da mặt thuộc loại da dầu, rất nhiều mụn đầu đen. Mỗi lần nó mọc lên rất đau và sưng to. Bác sĩ tư vấn cho cháu làm thế nào để hạn chế mụn đầu đen với ạ? Cháu xin cảm ơn.

Trả lời

Ở tuổi của cháu là da mặt rất hay bị nổi mụn vì 22 là tuổi mà các tuyến nội tiết dưới da hoạt động rất mạnh. Không biết cháu thấy thế nào nhưng nhiều thanh niên cùng lứa tuổi nhiều khi hay bối rối, ngượng ngùng vì trên mặt mình thường xuyên bị mụn như vậy.

Nguyên nhân gây ra mụn có thể là:

-Thiếu nữ tới khi sắp có kinh nguyệt thì hormone trong cơ thể thay đổi;

-Lo âu, buồn phiền, căng thẳng khiến hormone trong người lên xuống bất thường;

-Thời tiết nóng ẩm khiến con người đổ mồ hôi nhiều trên mặt;

-Mỹ phẩm có nhiều chất nhờn như dầu dừa làm cho mụn trên mặt trầm trọng hơn;

-Nghể mụn trên mặt làm cho các mụn này nhiễm trùng…

Một số người may mắn chỉ đôi khi mới bị nổi mụn trong khi đó nhiều người khác thì mụn mặt kéo dài suốt đời.

Mặc dù mụn mặt coi bộ xấu nhưng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe thể chất mà chỉ phần nào về tinh thần.

Điều trị mụn mặt quan hệ nhất là giữ gìn da mặt sạch sẽ và tránh những rủi ro có thể làm bệnh trầm trọng hơn như là:

-Giữ vệ sinh da mặt tránh bụi bặm chất dơ bám vào;

-Rửa mặt ngày vài ba lần với xà bông không quá mạnh, có chất benzoid peroxoid;

-Đừng dùng ngón tay dơ nghể mở mụn để tránh nhiễm trùng da.

-Ban đêm trước khi đi ngủ, rửa sạch phấn trên da để da “thở”.

-Tránh những món ăn có tích cách kích thích các tuyến nhờn dưới da như quá cay chua…

Nếu với các cách này mà mụn mặt vẫn không bớt thì cháu nên đi bác sĩ để được điều trị tới nơi tới chốn.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Comments are closed