Vài nét về BS Ý Đức

- Tiến sỹ Y Khoa Quốc Gia

- Tuổi Ất Hợi

- Cựu học sinh Chu Văn An Hà Nội

- Tốt nghiệp Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn

- Hành nghề liên tục tại Việt Nam-Hoa Kỳ gần 40 năm.

- Biên khảo các vấn đề Y tế, Dinh Dưỡng Xã hội, Lao động

- Tác phẩm: Thuốc Mỹ Chữa Bệnh Ta, An Hưởng Tuổi Vàng, Sức Khỏe và Đời Sống, Người Cao Tuổi Việt Nam trên Đất Mỹ, Dinh Dưỡng và An Toàn Thực Phẩm, Bệnh Người Cao tuổi, Câu Chuyện Thầy Lang.

- Cộng tác với nhiều nhật báo, tập san, truyền thanh (RFI, RFA, VOA, Vietnam Hải ngoại, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio-Canada),  Đài truyền hình O2TV, VAN-TV55.2 , các website trong và ngoài Việt Nam trong các tiết mục y tế xã hội, lao động, dinh dưỡng.

- Tham gia chính chương trình Vấn Đáp Sống Khỏe của Hội Con Rồng Cháu Tiên VN Canada và YKHOANET thực hiện.

Thuốc lá điện tử-Choáng váng-Sự hư hao của dược phẩm

Thuốc lá điện tử

Ông xã nhà tôi quyết định ngưng hút thuốc lá vì sợ bị ung thư phổi và định chuyển sang hút thuốc lá điện tử. Xin bác sĩ cho biết ý kiến về thuốc lá này. Kim Chi.

Trả lời

Vì chúng tôi không hút thuốc lá cho nên không có kinh nghiệm về loại thuốc lá này. Cho nên chúng tôi xin gửi tới bà và quý độc giả ý kiến như sau của mấy cơ quan y tế.

Thuốc lá điện tử hoạc E-Cigarettes đúng ra chỉ là một dụng cụ điện tử với mấy bộ phận khá giản dị có mục đích là tạo ra một chất hơi, không phải là khói, có nhiều hương vị flavor khác nhau khiến cho người dùng có cảm giác như đang hút điếu thuốc lá thực.

 Bề ngoài, TLĐT tưong tự như một điếu thuốc lá cổ điển nhưng bên trong không có lá thuốc thái nhỏ tẩm nhiều hóa chất mà các nhà y khoa học cho là có tác hại xấu cho sức khỏe.

TLĐT có 3 thành phần chính:

               -Một đầu hút là một ống ngắn bên trong có chứa dung dịch chất tạo hơi propylene glycol, dầu thực vật glycerin, and polyethylene glycol 400 với cả trăm flavor khác nhau như mùi dâu, chocolat, chuối, menthol, mùi thuốc lá Marboro, Camel… Dung dịch này có thể có hoặc không có nicotine.

               -Bộ phận hâm nóng làm bốc hơi dung dịch ở đầu hút.

               -Một đơn vị phát điện bằng cục pin nhỏ hoặc đầu cắm điện USB.

cigarette electronique 0 0

Khi hút, dung dịch được hâm nóng, bốc hơi.

Người hút hít lấy hít để hơi nước có tác dụng kích thích, tưởng như mình đang hít khói thuốc “Phải Anh Là Lính, Mời Anh Lên Lầu” PALLMALL hoặc OK Salem…

Sau đây là ý kiến của Cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ FDA.

Vì chỉ là một sản phẩm với mức dùng tùy tiện, cho nên chưa có nhiều nghiên cứu khoa học vể sản phẩm có tính cách “thời đại” này.

Năm 2009, Cơ quan FDA Hoa Kỳ đã phân tích gần 20 sản phẩm TLĐT và đi tới kết luận là một vài loại có mức độ nicotine khác nhau không giống như trên nhãn hiệu quảng cáo và một vài loại  chứa chất gây ung thư và hóa chất diethylen glycol, được dùng trong kỹ nghệ chống đông.

Cơ quan cũng không nói gì tới lợi hại của TLĐT mà chỉ không hỗ trợ, e ngại rằng sản phẩm sẽ lôi cuốn giới trẻ mà không có lời cảnh cáo hậu quả không tốt cho sức khỏe, tương tự như cảnh cáo của thuốc lá và nicotine thay thế. FDA cho hay, cơ quan sẽ theo dõi kỹ các hậu quả của E-Cigarettes.

 

Bác sĩ John Spangler, giáo sự về Y khoa gia đình và y tế cộng đồng tại Trung tâm Y khoa Wake Forest Baptist đồng ý rằng FDA cần kiểm soát các sản phẩm này vì mổi khi ta hít khói hơi của một hóa chất nào qua một dụng cụ điện tử thì dụng cụ và hóa chất đó phải an toàn.

Cơ quan Y Tế Thế Giới nói rằng, vì chưa có nghiên cứu nào xác nhận sự an toàn và hữu hiệu của TLĐT trong việc giúp người ghiền bỏ thuốc lá, cho nên cơ quan không hỗ trợ sản phẩm này.

Và mới đây nhất:ngày 26 tháng 8, 2014, cơ quan Y Tế Thế giới WHO đã kêu gọi cần có một sự kiểm soát chặt chẽ E-Cigarettes, cấm hút trong phòng cũng như cấm quảng cáo và cấm bán cho người vị thành niên. Theo cơ quan, E-Cigarettes có nhiều chất độc hại như formaldehyde, kim loại nặng cadmium có thể gây ung thư và gây tai hại cho thanh thiếu niên và thai nhi.

Tại Việt Nam, thuốc lá điện tử vẫn còn bị cấm bán tuy nhiên cũng có nhiều nơi bán và chưa có vụ án nào về chuyện này. Bộ Y tế Việt nam chỉ nhắc nhở dân chúng là E-Cigarettes gây ra nhiều hậu quả cho sức khỏe giống như thuốc lá hút thường.

Choáng váng

Cháu chào bác sĩ ạ ! Cháu hiện là sinh viên, cháu hay thức khuya học bài và dạo này trời nắng nóng nên cháu bị đau đầu và choáng váng khi ngồi 1 chỗ rồi đứng dậy. Triệu chứng này cũng hơi giống khi cháu thi đại học. Có phải cháu bị thiếu vitamin gì không ạ ? Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều ạ!

Trả lời

Hiện tượng chóng mặt, choáng váng mỗi khi đứng lên ngồi xuống có nhiều nguyên nhân, hay gặp nhất là rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não do thiếu máu.., hoặc do thức quá khuya thiếu ngủ cũng dẫn đến đau đầu chóng mặt. Trong trường hợp của cháu nên sắp xếp thời gian sinh hoạt khoa  học hơn, không nên thức khuya quá 10h, có thể dậy sớm học bài, dinh dưỡng đầy đủ. Ngoài  ra cũng cần đi khám BS xem có bị thiếu máu, hay rối loạn tiền đình hay không rồi điều trị.

Sự hư hao của dược phẩm

Xin bác sĩ chỉ cho chúng tôi cách cất giữ dược phẩm như thế nào để tránh bị hư hao.  Cảm ơn bác sĩ. Nguyễn Hóa Long.

Trả lời

Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta đều có một tủ thuốc gia đình để cất giữ các loại dược phẩm do bác sĩ biên toa khi khám bệnh cũng như do mình tự mua. Lý do là nếu không cất giữ cẩn thận, các thuốc này có thể bị hủy hoại vì nhiều nguyên nhân khác nhau như là:

– Thủy phân khi thuốc tiếp xúc với nước.

– Sự oxy hóa là nguyên nhân chính của thoái hóa dược phẩm. Để tránh oxy hóa, thuốc cần được gói đậy kín.

– Ánh sáng cũng làm thuốc hư hao vì thế cần được cất giữ trong bình chứa không cho ánh sang đi qua.

Thuốc từ dược phòng về nhà nhiều khi không được cất giữ trong điều kiện thuận lợi, mở nắp chai thuốc nhiều lần khiến cho thuốc ẩm mốc, dễ hư, biến chất.

Nhiều người chúng ta có thói quen là đặt tủ thuốc gia đình trong phòng tắm. Thực ra, đây là nơi cất giữ thuốc xấu nhất vì thường xuyên ẩm ướt rồi nhiệt độ trong phòng lên cao khi ta tắm bằng nước nóng.

 Nên cất giữ thuốc nơi khô mát, không có ánh sáng mặt trời như trong ngăn kéo tủ quần áo, tại phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp (nhưng đừng gần lò nấu), thuốc có thể an toàn công hiệu lâu hơn. Nhưng nhớ đậy kín nắp chai lọ.

Nhiệt độ có ảnh hưởng rất lớn lên sự thoái hóa của hoạt chất thuốc: Cứ mỗi tăng 10 độ thì sự thoái hóa lại tăng gấp đôi.

Ngoài ra:

-Nên loại bỏ thuốc đã đổi mầu, vụn bột, có mùi; thuốc nước vẩn đục, thuốc thoa đã cứng rắn.

– Nên loại bỏ các thuốc trị bệnh trầm trọng đã quá hạn vì công hiệu có thể giảm.

-Không để thuốc viên này lẫn lộn với thuốc viên khác vì có thể có tương tác giữa các hóa chất.

-Cất thuốc xa tầm tay trẻ em để tránh các cháu tưởng là kẹo dùng nhầm.

-Vứt bỏ cục bông gòn trong chai thuốc. Bông gòn là để hút nước.

-Các thuốc dễ hư như insulin hoặc vài loại dung dịch kháng sinh rất dễ thoái hóa,vì vậy nên dùng theo đúng hạn và để trong tủ lạnh.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

 

Comments are closed