Choáng váng
Kính thưa bác sĩ! Tôi không biết tại sao mấy năm nay bị
choáng váng và chóng mặt khi lái xe, nhất là chạy xe nhanh trên Fireway. Tôi có
đi bác sĩ để khám nhưng họ nói không biết tại sao hết. Tôi có bị một bên tai phải
rách mảng nhĩ. Tôi đi mổ và thay màng nhĩ plastic nhưng vẫn không nghe được. Thỉnh
thoảng tai tôi bị nhiễm trùng, tôi đi bác sĩ, họ lau sạch tai cho tôi và cho
thuốc nhỏ. Nay tôi đã hết đau tai rồi nhưng tôi vẫn bị chóng mặt. Tôi đang bị
cao máu nhưng vẫn uống thuốc hàng ngày. Xin bác sĩ giải thích cho tôi biết
nguyên nhân tại sao và làm sao tôi có thể chữa hết chóng mặt. Xin cám ơn bác
sĩ. LINH DINH NGUYEN
Trả lời
Sau đây là những vấn đề sức khỏe mà ông đang có:
-Choáng váng chóng mặt khi lái xe nhanh trên xa lộ;
-Tai phải rách màng nhĩ;
-Cao máu đang uống thuốc.
Câu hỏi chính của ông là về tại sao chóng mặt và cách điều
trị.
Chóng mặt là bệnh rất thường xảy ra đặc biệt là ở người lớn
tuổi mà sự điều trị khá phức tạp và khó khan vì nguyên nhân gây ra chóng mặt có
thể là do:
– thay đổi vị thế cơ thể khi nghiêng đầu qua phải qua trái
khi nằm ngủ hoặc ngồi dậy buổi sáng;
-rối loạn các thành phần ở tai trong, chấn thương não bộ;
-thay đổi quá nhanh sự chuyển động cơ thể như lái xe quá
mau, đi bánh xe trượt.
– thiếu máu tới não bộ như trong các bệnh tim mạch;
-tâm thần hoảng loạn.
Choáng váng rất khó điều trị và cần được bác sĩ khám chữa bệnh.
Riêng ông, ông có thể áp dụng các mẹo như sau để giảm thiểu chóng mặt:
•Biết được là mình dễ bị mất thăng bằng và có thể bị té ngã,
thương tích. Rồi tự tránh các động tác có thể gây ra khó chịu. Chẳng hạn hãy chậm
rãi khi ngồi hoặc nằm mà muốn đứng dậy, quay mình từ từ khi muốn nhìn qua phải
trái hoặc phía sau. Tránh ngoảnh cổ quá mạnh và nhanh;
•Ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt;
•Tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh nếu
thường hay bị choáng váng;
•Ban đêm, để đèn ngủ sáng cho dễ nhìn sự vật chung quanh;
•Dùng gậy tựa khi di chuyển để bước đi vững chãi;
•Tránh dùng nhiều cà phê, rượu, thuốc lá vì các chất này làm
bệnh nặng hơn;
* Tránh tiếp xúc với các chất hoặc thực phẩm có mùi vị kích
thích;
*Giảm thiểu căng thẳng, lo âu, hoảng hốt;
* Tránh leo trèo cao;
*Tránh đọc sách báo khi ngồi trên xe hơi;
•Hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc để chữa bệnh. Chúc ông mau
bình phục.
Hy vọng các giải thích trên đây giúp cháu hiểu rõ bệnh hở
van tim.
Tự đo huyết áp
Xin bác sĩ cho biết tại sao nên tự đo huyết áp ở nhà và cần
sửa soạn gì khi đo.Cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Lân
Trả lời
Thưa ông Lân
Người bị cao huyết áp thường được bác sĩ khuyên nên đo huyết
áp ở nhà vì những lý do như sau:
-Biết huyết áp của mình cao thấp là bao nhiêu, để thay đổi nếp
sống, giữ gìn ăn uống và coi xem thuốc hạ huyết áp có công hiệu hay không;
-Cho bác sĩ hay kết quả đo huyết áp để bác sĩ điều chỉnh dược
phẩm và duy trì huyết áp ở mức độ chấp nhận được;
-Để phòng tránh các hậu quả trầm trọng khi huyết áp đột
nhiên lên cao, như tai biến não, cơn suy tim, suy thận, mù lòa do tổn thương
võng mạc…
Do đó, bệnh nhân bị cao huyết áp cần phải thường xuyên đo
huyết áp ở nhà một cách đều đặn. Việc này tưởng như giản dị, nhưng cũng có nhiều
điều cần lưu ý, để kết quả được chính xác.
Xin nhắc lại là huyết áp thay đổi tùy theo sự hoạt động của
cơ thể và tùy theo thời gian trong ngày.
Huyết áp thấp nhất vào ban đêm trong khi ta ngủ, cho tới khi
ta thức dạy vào buổi sáng. Ngay sau khi ta đứng dậy rời khỏi giường và bắt đầu
sinh hoạt thì huyết áp bắt đầu nhích lên tới cao độ vào buổi trưa. Tới nửa chiều
thì huyết áp xuống dần cho tới tối.
Nếu vào buổi sáng mà huyết áp lên cao và tiếp tục cao suốt
ngày thì có thể là ta bị cao huyết áp. Nên đo và ghi số kết quả trong vài ngày
và cho bác sĩ hay để xác định bệnh.
Tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, bác sĩ gia đình sẽ
cho ta hay là phải đo bao nhiêu lần trong ngày.
Thường thường có thể đo vào buổi sáng trước khi uống thuốc hạ
huyết áp hoặc ăn điểm tâm.
Không dưới 1 giờ sau khi vận động cơ thể, hút thuốc lá hoặc
uống cà phê.
Nên nhớ là cần ngồi nghỉ thoải mái khoảng 10 phút để cơ thể
thích nghi với nhiệt độ trong phòng.
Không đặt máy đo ở cánh tay bị thương hoặc đang được truyền
dịch tĩnh mạch.
Phụ nữ đã cắt bỏ một bên nhũ hoa bị bệnh, nên đo ở cánh tay
phía bên kia;
Không đo huyết áp ngay sau khi vận động cơ thể hoặc đang
trong tình trạng căng thẳng tinh thần
Ta có thể đo hai lần một ngày trong hai tuần rồi một lần mỗi
ngày trước khi uống thuốc. Khi máu đã tương đối bình thường thì chỉ cần đo vài
lần trong tuần.
Làm gì trước khi đo?
-Đi tiểu dốc hết bầu tâm sự trước khi đo;
-Ngồi nghỉ khoảng dăm ba phút, không nói chuyện trước khi
đo;
-Ngồi thoải mái trên một cái ghế có dựa lưng và dựa tay, hai
chân thoải mái để xuống sàn nhà, không bắt chéo cẳng chân;
-Vén tay áo, đặt cánh tay lên mặt bàn, ngang tầm trái tim,
bàn tay ngửa;
-Nhẹ nhàng quấn vòng bít (băng huyết áp) xung quanh phần
trên của cánh tay không mặc áo dài tay. Quấn vừa chặt để ta vẫn luồn được ngón
tay vào giữa vòng và da. Nhớ đặt phần dưới của vòng khoảng ½ cm trên nếp gấp của
khủyu tay.
Với các hướng dẫn này, hy vọng ông Lân và quý độc giả có thể
đo huyết áp đúng cách.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức